Mỗi thương hiệu đều có mục tiêu riêng, cùng với những kênh và hướng đi riêng biệt. Vì vậy, một Content Plan hiệu quả chính là cánh tay phải đắc lực, giúp các nhà tiếp thị tạo ra nội dung có giá trị. 


Trong Content Plan, mọi việc sẽ được liệt kê rõ ràng, bao gồm các hoạt động, công cụ và kênh phân phối nội dung. Điều này sẽ giúp các nhà tiếp thị có cái nhìn tổng quan và cụ thể về nội dung, cũng như hỗ trợ họ đi theo đúng định hướng của thương hiệu. 


Content Plan là gì? 


Content Plan là một tài liệu kế hoạch chi tiết, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược nội dung (Content Strategy). Ngoài ra, Content Plan còn đảm bảo rằng nhân sự có sẵn các công cụ và tài nguyên thích hợp để sản xuất nội dung tiếp thị một cách hiệu quả, mang lại những trải nghiệm chất lượng và giá trị cao cho khách hàng.



Sự khác biệt giữa Content Plan và Content Strategy 


Content Plan và Content Strategy đều là hai khái niệm quan trọng trong việc tiếp thị nội dung và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng chúng không thể thay thế cho nhau. 

  • Content Strategy - Chiến lược nội dung: đây là bản kế hoạch tổng thể bao gồm việc xác định, nghiên cứu, phân tích thị trường lẫn đối thủ và đảm bảo nội dung luôn nhất quán với định hướng của nhãn hàng. 
  • Content Plan - Kế hoạch nội dung: một “bản đồ" chi tiết các công việc về các loại nội dung, thời gian sản xuất và phát hành, mục tiêu cụ thể của mỗi nội dung và các kênh phân phối nội dung. 



4 “chìa khoá" mà marketer cần quan tâm để tạo ra một Content Plan hiệu quả 


Khi nói đến việc lập một Content Plan, nhiều nhân sự thường cảm thấy áp lực vì phải quản lý nhiều công việc và mỗi công việc đều cần phải liên quan chặt chẽ đến mục tiêu của thương hiệu và sự phối hợp hiệu quả giữa các phòng ban.


Vậy nếu nhóm nhân sự chia nhỏ quá trình lập Content Plan thành 4 phần, việc tạo ra một bản hoàn chỉnh sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc thực hiện các phần này cần phải phù hợp với mô hình kinh doanh cũng như đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mục tiêu và xu hướng thị trường. 


Các Marketers cần tập trung vào bốn phần chính, bao gồm:


1. Đặt ra các tiêu chuẩn về nội dung:  


Những nguyên tắc về nội dung được xác định rõ ràng sẽ là yếu tố quyết định đến sự trải nghiệm của khách hàng mục tiêu. Ít nhất, nhân sự cần phải chú ý đến hai lĩnh vực chính: 

  • Đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu. 
  • Nội dung sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khách hàng mục tiêu. 


Bên cạnh đó, các Marketers cần phải xác định màu sắc riêng biệt, giọng nói và phong cách nội dung đặc trưng để nhãn hàng dễ dàng tiếp cận với các khách hàng mục tiêu và đồng thời giúp cho nội dung của nhãn hàng trở nên khác biệt so với các đối thủ trên thị trường. 



Ngoài việc đặt ra những quy định chung về nội dung thì các Marketers phải là người tuân thủ các tiêu chuẩn đó để sản xuất ra những nội dung chất lượng và đảm bảo luôn nhất quán với định hướng bao gồm về mặt hình ảnh, video hay các định dạng khác. Nếu nội dung được sản xuất với chất lượng kém hoặc khác với định hướng ban đầu, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng và cản trở hiệu suất nội dung dẫn đến việc giảm giá trị cũng như danh tiếng của thương hiệu. 


Theo check-list của bà Ahava Leibtag - Founder của Aha Media Group, muốn nội dung trở nên có giá trị thì phải đảm bảo những yếu tố sau: 


  • Dễ dàng tìm thấy: để nội dung trở nên dễ tìm kiếm và hấp dẫn hơn, hãy sử dụng các tiêu đề và tiêu đề phụ để tổ chức thông tin. Đa dạng hóa định dạng bằng cách thêm hình ảnh, video và liên kết chuyển hướng cũng là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của độc giả và tạo trải nghiệm đa dạng hơn cho người dùng. 
  • Dễ đọc: đặt những thông tin quan trọng lên đầu tiên, đảm bảo nội dung ngắn gọn, xúc tích và đúng trọng tâm. Áp dụng nguyên tắc, trong một đoạn không quá ba câu và sử dụng các kí tự hay số với các nội dung mang tính liệt kê. 
  • Dễ hiểu: dựa vào việc xác định đối tượng mục tiêu của nhãn hàng mà các Marketers sẽ tạo ra những loại nội dung phù hợp. 
  • Mang tính hành động: thêm yếu tố CTA (Call to action) nhằm tăng tính tương tác nội dung và tăng sự kết nối giữa nhãn hàng và khách hàng. 
  • Nội dung mang tính lan tỏa: đa số khách hàng thường tin vào lời nói của người thân hoặc bạn bè hơn là tin vào quảng cáo nên việc tạo ra nội dung có thể lan tỏa sẽ giúp cho nhãn hàng tiếp cận tốt hơn đối tượng mục tiêu.  


2. Xác định quy trình làm việc rõ ràng: 


Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn và định hướng nội dung thì việc phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong các phòng ban cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến mức độ hiệu quả của một Content Plan. Các công việc mà Marketers có thể quan tâm bao gồm: 


  • Lập danh mục các nhiệm vụ cần phải hoàn thành và liệt kê các giai đoạn cụ thể: việc có quy trình làm việc rõ ràng giúp cho nhân sự dễ dàng quản lý nội dung. Nếu không có sự xác định rõ ràng từ đầu, các công việc có nguy cơ sẽ bị bỏ sót hoặc mắc phải các lỗi và có thể dẫn đến hậu quả lớn ảnh hưởng đến thương hiệu.
  • Phân công nhân sự đảm nhiệm công việc và đảm bảo các nhân sự đều có thể giao tiếp hiệu quả: sau khi đã xác định quy trình làm việc, mỗi nhân sự phải thật sự hiểu rõ phần việc của bản thân và cách các công việc có thể chồng chéo lên nhau. 
  • Xác định dự án nào phải được ưu tiên xử lý: Tạo lịch đăng nội dung và biểu mẫu yêu cầu giúp nhân sự quản lý và xử lý nội dung một cách hiệu quả. 
  • Xác định và điều phối các công cụ mà nhân sự có thể sử dụng để hoàn thành công việc: tùy thuộc vào điều kiện hoạt động mà công ty có thể triển khai các công cụ hỗ trợ cho việc làm việc nhóm hiệu quả. 


3. Sử dụng nhân sự một cách hợp lý: 


Nhân sự là yếu tố không thể thiếu trong việc sáng tạo nội dung và là người ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nội dung. Vậy nên việc sử dụng hợp lí nhân sự để họ có thể phát triển toàn bộ kỹ năng của mình cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng quyết định đến yếu tố thành công của một Content Plan. 


Theo báo cáo của Gartner vào năm 2023, hơn 71% CMO cho rằng, họ thiếu ngân sách để thực hiện chiến lược của mình một cách đầy đủ, bao gồm các chi phí liên quan đến nhân sự. 



Để giảm vấn đề này, các nhà lãnh đạo cần hiểu rõ về nhân sự của họ và “sử dụng” nhân sự của mình một cách thông minh. Họ cần xác định chính xác những kỹ năng cần thiết cho công việc và quyết định liệu việc thuê nhân sự trực tiếp hay thuê ngoài có cần thiết hay không, hoặc thậm chí sử dụng trí tuệ nhân tạo để tiết kiệm chi phí.


Ngoài ra, công ty có thể cân nhắc đến việc tổ chức các khóa học hoặc các khóa đào tạo nước ngoài để nhân viên có thể phát triển tối đa kỹ năng của họ cũng như giữ chân được những nhân sự có năng lực chuyên môn cao. 


4. Sáng tạo và phân phối nội dung: 


Sau khi đã đồng thuận và xác định được thông điệp chính cần truyền tải, nhóm nhân sự có thể bắt tay vào phát triển ý tưởng nội dung. Một cách tiếp cận phù hợp có thể là phân chia nội dung thành các chủ đề cụ thể, mỗi chủ đề đề cập đến một khía cạnh hay vấn đề riêng biệt. Điều này giúp tạo ra sự đa dạng và mạch lạc trong nội dung, đồng thời phản ánh được sự sâu sắc và kiến thức rộng lớn của thương hiệu.



Ngoài ra, việc tái sử dụng nội dung cũng là một chiến lược hiệu quả. Những nội dung đã được tạo ra có thể được điều chỉnh hoặc tái sử dụng lại để áp dụng cho các mục đích khác nhau, từ việc tạo ra bài blog, bài viết trên mạng xã hội cho đến việc tạo video, podcast hay hình ảnh minh họa. Điều này giúp tối ưu hóa sự đầu tư vào nội dung và tăng cơ hội tiếp cận đối tượng khách hàng.


Bên cạnh đó, việc lựa chọn các kênh phân phối nội dung cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa trải nghiệm nội dung của khách hàng. Tùy thuộc vào tính chất và mục đích của nội dung, Marketers cần xác định các kênh phân phối phù hợp như trang web, blog, mạng xã hội, email marketing, hoặc thậm chí là các sự kiện trực tiếp. Việc lựa chọn kênh phù hợp giúp nội dung được tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu và tăng cường hiệu quả truyền tải thông điệp của thương hiệu.


Theo Content Marketing Institute

Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!