Marketer trẻ giữa bức tranh nghề rộng lớn và bài toán cân não: "Có nên theo đuổi tấm bằng thạc sĩ hay không?"

Với một ngành năng động, biến chuyển nhanh, đa dạng và ngày càng cạnh tranh như Marketing, những nhân lực trẻ không tránh khỏi nhiều khó khăn, thử thách khi bước chân vào ngành nghề này. Loay hoay định vị mình trong bức tranh rộng lớn của ngành Marketing; phân vân giữa lựa chọn theo đuổi giáo dục bậc cao hay đi làm tiếp để tạo nên lợi thế cạnh tranh về chuyên môn;… Vậy đâu là lời khuyên cho những người trẻ mới bắt đầu tham gia vào ngành?

 

Thạc sĩ Ngọc Vũ, Giám đốc Truyền thông – Marketing, Giảng viên Đại học RMIT đã có những chia sẻ chân thành, gỡ rối giúp các bạn trẻ xoay quanh những vấn đề trên. Với kinh nghiệm của một giám đốc truyền thông và kiến thức chuyên môn của một giảng viên, chị đã đưa ra những lời khuyên về các hành trang cần chuẩn bị cho chuyến hành trình tham gia vào thị trường Marketing, đồng thời giải bài toán đau đầu giữa việc nên đi làm hay đi học lên cao của các bạn trẻ.




Hiện nay, Marketing đang là một trong những ngành “trending”, phát triển nhanh và đặc biệt thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đây cũng là ngành có nhu cầu nhân lực lớn với nhiều cơ hội việc làm. Theo công bố của Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP HCM, trong giai đoạn 2015-2020 đến năm 2025, khu vực TP HCM sẽ cần khoảng 21.600 người lao động mỗi năm trong lĩnh vực Truyền thông - Quảng cáo – Marketing.


Tuy là một lĩnh vực đang ngày càng cạnh tranh, chị Ngọc Vũ nhận định các marketers trẻ ngày nay có nhiều lợi thế hơn là khó khăn. Theo chị, chính việc sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên của công nghệ là một thế mạnh lớn của các bạn trẻ khi gia nhập vào lĩnh vực Marketing. So với thế hệ trước, các bạn trẻ có nhiều thuận lợi khi đã sớm trải nghiệm và quen thuộc với công nghệ nói chung và Social Media nói riêng. Chính nhờ có nhiều trải nghiệm với tư cách là người dùng, người trẻ có thể nhanh chóng bắt nhịp khi sử dụng các kênh mạng xã hội như một công cụ truyền thông. Trong khi đó, ở thế hệ của chị khi mới vào nghề, các nền tảng như Youtube, Facebook vẫn còn xa lạ. Riêng việc làm quen với chúng đã mất nhiều thời gian chứ chưa nói việc sử dụng một cách hiệu quả.


Thạc sĩ Ngọc Vũ chụp cùng các sinh viên. Theo chị, điểm mạnh của các bạn trẻ so với thế hệ trước là khả năng tiếp cận mạng xã hội mạnh mẽ


“Giống như trước khi muốn nấu một nồi phở ngon thì mình đã phải là người sành ăn phở”, chị Ngọc ví von, “còn bây giờ các bạn trẻ đã là người tiêu thụ các sản phẩm truyền thông, trải nghiệm mạng xã hội từ sớm thì việc các bạn sử dụng chúng để truyền tải thông điệp tới công chúng sẽ dễ dàng hơn”.

 

Tuy vậy, đặc thù công việc thường xuyên sử dụng công nghệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của các bạn trẻ. Chị Ngọc chia sẻ bản thân chị đôi khi cũng thấy mất kết nối với mọi người và môi trường xung quanh do cuộc sống thường nhật luôn phải gắn với các thiết bị điện tử. “Mình cần học cách để công nghệ là công cụ phục vụ cho mình, chứ không để nó điều khiển lại mình”, chị Ngọc nhắn nhủ tới các bạn marketers nhằm giúp tìm được sự cân bằng trong thời đại lên ngôi của công nghệ.

 

Đối với sinh viên chuẩn bị bước vào thị trường lao động nói chung và ngành Marketing nói riêng, chị Ngọc Vũ cho rằng các bạn nên đảm bảo tốt việc học và trang bị thêm nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế để sở hữu cả kiến thức và kỹ năng. Marketing là một ngành rộng lớn, vậy nên các bạn trẻ rất cần thử sức với nhiều phân mảng từ sớm để tìm kiếm được đâu là mảng mà mình đam mê và muốn theo đuổi.

 

Khi tìm kiếm các công việc thực tập, sinh viên chưa nên để tâm quá nhiều đến việc công ty lớn hay nhỏ. Hãy giữ một tâm thế sẵn sàng, thử sức, miễn là môi trường đó cho mình cơ hội để học hỏi và trau dồi. Người trẻ có thể học được rất nhiều thứ ở môi trường làm việc: Từ cách giao tiếp, văn hóa công ty, quy trình làm việc,... luôn có rất nhiều thứ để mình học miễn là các bạn sẵn sàng quan sát và chịu khó.


 Thay vì tập trung vào những công ty lớn, marketers mới ra trường có thể tìm kiếm những môi trường cho mình cơ hội để học hỏi và trau dồi.


Bên cạnh đó, chị Ngọc Vũ cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỹ năng quản lý tài chính. Các bạn trẻ nên sớm trang bị cho mình kỹ năng này và luôn dành ra một khoản chi phí nhất định cho sức khỏe và việc đi học. Việc học tập không chỉ ngừng lại ở đại học, hay tấm bằng thạc sĩ, mà còn có thể là những khóa học ngắn hạn nâng cao kỹ năng. “Khi mình tiếp tục học mình không thấy bản thân cô đơn, yếu kém. Những người luôn học tập, nghiên cứu thường cảm thấy mình trẻ mãi, không bao giờ buồn chán với cuộc sống”, chị Ngọc chia sẻ


 

 

Trong bối cảnh ngành nghề cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đào thải nhanh, các marketers phải không ngừng trau dồi chuyên môn để tiếp tục thích nghi và thăng tiến. Khi nhắc đến việc xây dựng lợi thế cạnh tranh cho mình, một trong những song đề phổ biến mà các bạn sinh viên mới tốt nghiệp hoặc những junior mới đi làm 2,3 năm thường phải đối mặt đó là: đi làm tích lũy kinh nghiện thực chiến hay theo đuổi tấm bằng thạc sĩ. Nhắc tới vấn đề này, Chị Ngọc Vũ đã có nhiều lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang phân vân trước hai ngưỡng cửa trên.

 

Trước hết, các bạn marketers trẻ cần xác định được mục tiêu và môi trường làm việc mong muốn của mình. Đối với các bạn xác định theo đuổi một công việc làm công ăn lương thì cần suy nghĩ xem những công ty sẽ tìm kiếm phẩm chất, kỹ năng gì ở nhân sự. Còn nếu theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, các bạn trẻ cũng nên làm rõ mình mong muốn được làm việc trong môi trường quốc tế hay các cơ sở của Việt Nam, và từ đó xác định những yêu cầu mình cần đáp ứng. Mục tiêu là điều đầu tiên cần cân nhắc trước khi lựa chọn có đầu tư cho tấm bằng thạc sĩ hay không và xa hơn là thời điểm phù hợp để đi học.


 Người trẻ cần có những chuẩn bị vững chắc về tài chính khi quyết định theo đuổi giáo dục bậc cao.


Đối với những bạn trẻ quyết định học lên cao ngay sau khi tốt nghiệp, các bạn cần chuẩn bị đối mặt với việc bản thân sẽ thiếu hụt kinh nghiệm thực tế so với bạn bè đồng trang lứa. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường sẽ đánh giá cao kinh nghiệm và kiến thức thực tế hơn bằng cấp của nhân sự. Ở chiều ngược lại, nếu bạn trẻ đi theo sự nghiệp giảng dạy tại trường đại học thì học vị và thành tích học thuật lại rất được coi trọng. Lời khuyên của chị Ngọc Vũ dành cho các bạn sinh viên mong muốn làm việc tại các công ty sau khi tốt nghiệp là nên đi làm, thực tập từ trước khi tốt nghiệp để tích lũy kiến thức thực tế, tạo nên lợi thế cạnh tranh khi xin việc.



Bên cạnh đó, câu chuyện tài chính cũng là bài toán đau đầu với những người trẻ ấp ủ ý định học thạc sĩ. Chị Ngọc khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị nền tảng tài chính vững vàng trước khi đi học, hoặc chí ít là dành riêng một khoản tiền cho mục tiêu này.

 

Một yếu tố nữa cần cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn, đó là tấm bằng thạc sĩ có thật sự tạo ra nhiều cơ hội và thu nhập để bù lại số tiền đắt đỏ mình đã bỏ ra cho việc học hay không?. “Khi dùng thang đo tài chính để suy xét thì mình sẽ tỉnh táo hơn”, chị Ngọc nhắn nhủ. Các bạn trẻ cần tính toán tổng chi phí cần thiết để đi học, từ đó vẽ ra một bức tranh tài chính cụ thể xem sau bao lâu thì bản thân có thể bù trả lại chi phí này. Như vậy, các bạn sẽ có thang đo cụ thể để cân nhắc xem đi học tiếp có phải lựa chọn khôn ngoan, thực tế hay không.

 




Marketer trẻ giữa bức tranh nghề rộng lớn và bài toán cân não: "Có nên theo đuổi tấm bằng thạc sĩ hay không?"

Phuc Nguyen

Phuc Nguyen

05 Thg 04 2024

Lưu

Cùng chuyên mục