Nhóm người dùng trên 40 tuổi là những người có xu hướng khá tin tưởng vào các thông tin mạng xã hội, trong khi thế hệ trẻ, những người dưới 30 tuổi thì lại tin cậy hơn vào kênh báo chí, website.


Thông tin này đã được ông Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường tại Mibrand Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu ngành ngân hàng – các yếu tố để trở nên vượt trội” vừa qua.


Phân bổ nguồn lực hợp lý


Cụ thể, trong bài trình bày về “The Data Shows – Kết quả Brand Beat Score ngành ngân hàng năm 2023 và các giải pháp tăng trưởng thương hiệu”, chia sẻ về các kênh truyền thông cho ngân hàng, ông Đỗ Ngọc Sơn đã nhấn mạnh việc các tổ chức cần theo dõi sự thay đổi về tầm quan trọng giữa các kênh truyền thông, và cần phân bổ nguồn lực cho các kênh truyền thông một cách phù hợp.


Nguồn: Mibrand Việt Nam


Theo ông chia sẻ, nhóm khách hàng trên 40 tuổi lại là những người có xu hướng khá tin tưởng vào các thông tin mạng xã hội, trong khi thế hệ trẻ, những người dưới 30 tuổi thì lại tin cậy hơn vào kênh báo chí, website. Như vậy, các ngân hàng cũng cần có sự thấu hiểu từng nhóm khách hàng để có thể đầu tư vào các kênh truyền thông một cách linh hoạt.


Theo một khảo sát khác được thực hiện bởi Mibrand cho thấy rằng từ năm 2017-2020 và 2020-2024 đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về tầm quan trọng của các kênh truyền thông. Cụ thể, các kênh trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube đã trở nên phổ biến và quan trọng hơn, tăng từ vị trí 12 (năm 2017) lên vị trí số 1 (năm 2024). Bên cạnh đó, kênh website của ngân hàng và tin bài trên báo/tạp chí cũng tăng mạnh, từ vị trí 11 và 4 lên vị trí thứ 2 và 3. Trong khi đó, các kênh tiếp thị truyền thống như quảng cáo ngoài trời, trong nhà, trên phương tiện và quảng cáo hiển thị trên web đều giảm hoặc giữ nguyên vị trí. Đáng chú ý, các kênh liên quan đến chi nhánh ngân hàng như POSM tại ATM và PGD, cùng với nhân viên ngân hàng, vốn đã chiếm vị thế dẫn đầu trong giai đoạn trước 2020 nay đã giảm mạnh từ vị trí đầu xuống cuối bảng xếp hạng. Mặc dù vậy, tiếp thị truyền miệng từ bạn bè và người thân vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục có ảnh hưởng lớn, đứng ở vị trí thứ 4 vào năm 2024. Những thay đổi này cho thấy các ngân hàng cần có những chiến lược phù hợp để phân bổ các nguồn lực vào các kênh truyền thông hướng đến những tập khách hàng khác nhau.


Nguồn: Mibrand Việt Nam


Marketing - bán hàng qua MXH, TMĐT


Phó Giám đốc Đỗ Ngọc Sơn cũng chia sẻ về một hiện tượng mới đã xuất hiện ở một số ngân hàng, chính là Marketing – Bán hàng qua mạng xã hội hay trên các sàn TMĐT. Ông Sơn cho rằng, mạng xã hội và TMĐT là nền tảng tiếp cận khách hàng hiệu quả, dù chưa được ứng dụng quá phổ biến ở các ngân hàng.


Nguồn: Mibrand Việt Nam


Thương mại điện tử (TMĐT), thường được biết đến chỉ là nơi mua bán hàng hóa, hiện tại vẫn chưa được khai thác như một kênh truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Sự ít ỏi của các ngân hàng tham gia vào sàn TMĐT làm cho nó trở thành một kênh truyền thông có ít sự cạnh tranh, mở ra cơ hội lớn để các ngân hàng tiên phong tận dụng. Điều này càng trở nên quan trọng khi xét đến thống kê cho thấy có đến gần 40% người dùng Internet dành từ 3-5 tiếng mỗi ngày trên mạng, và 50% thời gian này được sử dụng để mua sắm. Với lượng truy cập tăng cao, đặc biệt là sau 12 giờ đêm, TMĐT không chỉ là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả mà còn là một cơ hội vàng để các ngân hàng mở rộng ảnh hưởng của mình, không chỉ giới hạn ở việc bán sản phẩm mà còn trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ với khách hàng.


Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thương mại điện tử và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa e-commerce và ngành ngân hàng đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động ngân hàng, từ phương thức thanh toán đến các dịch vụ tài chính điện tử như vay mượn và đầu tư trực tuyến. Các ngân hàng có thể định hình lại cách thức mà TMĐT được nhìn nhận và sử dụng, biến nó thành một nền tảng truyền thông đa năng, tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả và sâu sắc.


Theo Spring Toàn / Mibrand Việt Nam