Giữa muôn vàn các quảng cáo Tết được đầu tư bạc tỉ, tìm được Insight, khai thác được pain point - “nỗi đau” của khách hàng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bất kì chiến dịch quảng cáo nào. 


Tuy nhiên, với tâm lí Tết là nét văn hóa truyền thống lâu đời, gắn liền với gia đình, đoàn viên, sum họp, nhiều quảng cáo vô tình rơi ngay vào “cái hố định kiến” khi tự biến chính mình thành những “nỗi đau”, lặp đi lặp lại mỗi dịp Tết đến Xuân về.


Sự quan trọng của quảng cáo Tết


Tết vẫn luôn là dịp để quây quần và sum họp gia đình. Tuy chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong 2 năm trở lại đây, nhưng khi nói về Tết, có tới 54% người dùng (theo khảo sát Tết Insight 2021 của Adtima) vẫn cảm thấy được sự vui vẻ và hạnh phúc, 39% cảm thấy thoải mái mỗi dịp Tết đến Xuân về.


Theo báo cáo của Kantar WorldPanel, chi tiêu FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) sẽ tăng trưởng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường trong dịp Tết 2022. Theo một khảo sát của TikTok, dù Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ngày Tết nhưng 99% người Việt vẫn sẽ mua sắm và trao quà vào dịp Tết 2022. 


Tết, vì thế, là thời điểm vàng để các thương hiệu tung ra các chiến dịch marketing ý nghĩa và sáng tạo, nhằm ghi dấu ấn với khách hàng và thúc đẩy doanh thu.



Đi tìm những “nỗi đau” Tết 2022


Theo báo cáo của Admicro Insight, 84% người Việt ngày Tết có nhu cầu sum họp, 63% có nhu cầu tự thưởng cho bản thân và 30% muốn có tiệc tùng. Tuy nhiên, 61% người tiêu dùng cảm thấy lo lắng thiếu thời gian tận hưởng Tết, 46% để tâm hơn đến sức khỏe và vẻ bề ngoài, 45% lo lắng vấn đề tài chính.



Trong mùa Tết 2020, hai insight platform phổ biến được các nhãn hàng sử dụng nổi bật là “Tết là sum họp, gắn kết” và “Tết là phải vui, chuyện cũ bỏ qua”. Các insight được sử dụng trong dịp Tết 2021 gồm: tối ưu hóa chi tiêu, Tết sum vầy, gắn kết tình thân, chăm sóc sức khỏe, sống cho cái tôi trọn vẹn…


Trong mùa Tết 2022, đề tài gia đình được dự đoán sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề chính trong mùa Tết 2022 sắp tới. Các thương hiệu có thể tiếp tục khai thác các chủ đề quen thuộc như sự kết nối, gắn kết (không chỉ trong phạm vi gia đình), sum họp… 


Insight hay Định kiến?


Tuy nhiên, việc khai thác sâu vào đề tài gia đình mà không có sự nhạy cảm (giới) khiến các quảng cáo dễ rơi vào lối mòn, thường cho ra những mô típ kịch bản như: “Làm dâu thời 4.0” của VinID, dẫu sử dụng công nghệ để hỗ trợ, nhưng trách nhiệm sắm Tết, nấu nướng, dọn dẹp, quà cáp… thì vẫn thuộc về mình con dâu, và người xét nét vẫn là mẹ chồng. Mô típ này khiến khán giả lo ngại, liệu các nhãn hàng có đúng là đang khai thác insight, pain point của khách hàng hay đang thúc đẩy định kiến giới trên truyền thông?


Hay như trong “Em chào Tết” của CO.OPMART, người phụ nữ vẫn gắn liền với hàng loạt công việc “gói quà biếu ra sao, mâm cỗ phải thế nào” mà không có sự xuất hiện của người đàn ông, để “làm con gái thời 4.0, em sợ Tết như sợ mẹ chồng”. Hay xa hơn, với quảng cáo của Nam Ngư - “Mùng Một Tết nội, mùng Hai Tết ngoại”, nhưng không có mùng nào mẹ được nghỉ ngơi. Những điều này đều là insight, pain point hay là định kiến giới đã khắc sâu vào suy nghĩ mọi người?



Và mặc dù những quảng cáo với cách khai thác mới như series “Sống Như Ý” của Generali đã tạo được tiếng vang, lý do gì cho những mô típ cũ vẫn tồn tại trong những quảng cáo mỗi dịp Tết về?


Những mô típ này liệu có đang thúc đẩy định kiến giới, khuôn mẫu giới nghiêm trọng đến mức cần phải thay đổi, hay vẫn rất hiệu quả vì đánh trúng “nỗi đau” của người tiêu dùng? Khách hàng mong chờ gì ở quảng cáo Tết 2022? Những xu hướng quảng cáo mới trong mùa Tết năm nay sẽ là gì?


Cùng ngồi xuống thảo luận về những vấn đề trong quảng cáo Tết cùng các chuyên gia Quảng cáo - anh Leo Phan, chuyên gia Marketing - chị Minh Ngọc và chuyên gia Truyền thông xã hội - anh Tuấn Linh tại số DIZZcuss #3: “Quảng cáo Tết và những “nỗi đau” - Insight hay định kiến?” 


🕗 Thời gian: 20h ngày 16/12

✔️ Nền tảng: Kênh OnMic Goodvertisings Vietnam.

📌 Quan tâm và tham gia trở thành Goodverman tại link sự kiện: https://getonmic.com/event/18281