Muôn kiểu nâng cao sức khỏe tinh thần nhân sự agency năm 2022: Hỗ trợ xe buýt đi lại, thuê văn phòng trên Đà Lạt

Trải qua ba năm đại dịch, năm 2022 gánh trên vai kỳ vọng giúp các doanh nghiệp bứt tốc để hoạt động bình thường và quay lại mức tăng trưởng trước dịch. Tưởng chừng không có gì đủ sức làm lung lay tinh thần quyết liệt nhằm lấy lại những thứ đã mất, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới như lạm phát, suy thoái kinh tế, chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh,... Tất cả những điều đó đã phần nào gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp nói chung và đời sống của người lao động nói riêng. Vậy các nhân sự làm việc tại agency đã trải qua một năm 2022 ra sao? Liệu những hứa hẹn về một năm chú trọng và nâng cao sức khỏe tinh thần của các doanh nghiệp có được thực hiện trong bối cảnh áp lực gia tăng như thế?


Trước thềm năm mới, hãy cùng lắng nghe các nhân sự tại agency PURPOSE.ANT, Biz-Eyes, Admicro - VCCorp, The Lab Saigon Oliver Vietnam chia sẻ về trải nghiệm làm việc trong năm qua.



Những chính sách chăm sóc sức khoẻ tinh thần chưa từng có trước đây


Năm 2022, các nhân sự văn phòng phải chịu nhiều áp lực tâm lý khi vừa tăng tốc để đạt được KPI đề ra ban đầu, vừa nhanh chóng thích ứng với tình hình kinh tế biến động. Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái, tình hình lạm phát gia tăng và các thương hiệu có xu hướng cắt giảm chi tiêu quảng cáo, khối lượng công việc của nhân sự dần trở nên “quá tải” khi thời gian thực hiện dự án ngày càng rút ngắn. Thấu hiểu thực trạng ấy, các agency đã đặt sức khỏe tinh thần của nhân viên là mục tiêu cần được cải thiện sau ba năm lao đao vì đại dịch. 


Trong năm qua, các agency đã có nhiều thay đổi trong cách vận hành cũng như hỗ trợ nhân sự chăm sóc sức khỏe tinh thần tại môi trường làm việc. 


1. Hỗ trợ chi phí đi lại, ăn uống cho nhân sự


Tại agency Oliver Vietnam mà chị Thảo Quyên - Senior Copywriter làm việc, công ty có chính sách bao cơm trưa và sắp xếp xe buýt đưa đón nhân viên. Nhân viên tiết kiệm được một khoản chi kha khá cho ăn uống và đi lại vào mỗi tháng trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay. Chị cho biết: “Thời gian qua, việc tìm kiếm nơi đổ xăng đã góp phần tạo ra nhiều khó khăn cho người lao động. Những ai đi xe buýt của công ty có thể ‘nhẹ đầu’ hơn trong chuyện đổ xăng. Mình nhận ra những chính sách kịp thời, thiết thực với bối cảnh kinh tế như hỗ trợ nhân sự chuyện ăn uống, đi lại sẽ giúp nhân sự yên tâm làm việc hơn.”



2. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần


Ở một số agency, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ diễn ra ở bên trong văn phòng mà công ty còn cung cấp cho nhân sự những dịch vụ cần thiết. Chị Thảo Quyên cho biết: "Điều mình ấn tượng về công ty là có gửi mail cho nhân viên kèm mã code voucher để đăng ký tư vấn sức khỏe tinh thần ở trang Safe Space. Voucher có thể được sử dụng trong 4 lần, công ty chi trả 100% chi phí. Thậm chí chúng mình còn tự lựa chọn Therapist (nhà trị liệu) và đặt lịch tùy theo vấn đề mình muốn được tư vấn." Chị Thảo Quyên nói trong bối cảnh vấn đề sức khỏe tinh thần tại Việt Nam chưa thật sự được mọi người thấu hiểu và tôn trọng, thậm chí có phần bị xem nhẹ, việc công ty mang đến những phúc lợi như thế đã thể hiện sự quan tâm đến tinh thần của nhân viên.  


3. Tôn trọng thời gian riêng tư của mỗi cá nhân


Vào giữa năm 2022, xu hướng "Quiet Quitting", hay còn gọi là trào lưu nghỉ việc trong im lặng đã có dấu hiệu lan rộng trên toàn cầu. Theo đó, “Quiet Quitting” là thuật ngữ mô tả tình trạng nhân sự chỉ làm đủ việc rồi về, không tham gia hoạt động của công ty, ngắt kết nối với đồng nghiệp sau giờ làm (theo định nghĩa của The Guardian). Vì thế trong năm qua, các nhân sự agency đã chú trọng thời gian nghỉ ngơi của nhau, cố gắng ngắt kết nối với công việc sau giờ làm. Chị Thanh Huyền - Senior Account Planner tại Admicro, VCCorp chia sẻ rằng các nhân sự ở nơi chị làm việc đều có thói quen tôn trọng thời gian riêng tư của nhau. “Nhân viên sẽ có mặt ở văn phòng trước 8 giờ 45 phút sáng. Đến 12 giờ trưa, mọi người sẽ tự giác đứng lên ăn cơm và ngủ trưa. Vào khoảng 6 hoặc 7 giờ tối, mọi người đều cố gắng làm cho xong việc để ra về vì văn phòng sẽ đóng cửa. Sau giờ làm việc, đồng nghiệp đều tôn trọng thời gian cá nhân của nhau. Nhân sự công ty sẽ không gọi, không trò chuyện, bàn luận về công việc sau giờ làm, việc nào có thể giải quyết vào ngày mai sẽ giải quyết vào ngày mai, ngoại trừ các trường hợp cần xử lý gấp. Như vậy, mình sẽ tập trung và quản lý công việc tốt hơn, đồng thời cũng có nhận thức về giờ giấc và dành nhiều thời gian cho bản thân, chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau”, chị Thanh Huyền nói.



4. Linh hoạt không gian và thời gian làm việc


Nhằm tạo điều kiện cho các nhân sự chăm sóc sức khỏe tinh thần, agency The Lab Saigon đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà vào thứ 6 hàng tuần. Anh Tấn Duy - Senior Strategic Partnership tại The Lab Saigon chia sẻ: “Hiện nay, agency của mình vẫn áp dụng chế độ làm việc tại nhà vào thứ 6. Chính sách này đã giúp mình cùng các đồng nghiệp có thêm không gian sáng tạo và cân bằng cuộc sống tốt hơn, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn.” 


Bên cạnh đó, agency The Lab Saigon cũng mở thêm văn phòng ở Đà Lạt để các bạn nhân sự có thể đến làm việc từ xa. "Trước đó công ty mình từng lên kế hoạch đầu tư mở chi nhánh ở Đà Lạt nhưng chưa có duyên. Tình cờ có một người bạn muốn nhượng lại một căn nhà ở Đà Lạt, thế là The Lab có thêm văn phòng tại đây. Văn phòng này giúp nhân viên khơi nguồn cảm hứng, kết hợp mô hình làm việc từ xa với điều kiện nhân sự phải sắp xếp và đảm bảo chất lượng công việc", anh Tấn Duy bày tỏ.



Dù đã trở lại làm việc bình thường nhưng nhiều agency vẫn áp dụng chế độ work-from-home để nhân sự có thể tự chủ động sắp xếp thời gian làm việc. Chị Thảo Quyên chia sẻ rằng work-from-home là phương án giúp nhân sự... "nghỉ xả hơi" ngắn hạn. Vào những ngày khối lượng công việc không quá nhiều, không có deadline hay cuộc họp quan trọng thì nhân sự tại Oliver Vietnam có thể trao đổi với cấp trên để làm việc tại nhà. "Nhân sự có thể xem phương án này như một buổi nghỉ ngắn trong một tuần quá nhiều deadline. Khi làm việc tại nhà, nhân sự vừa đảm bảo tiến độ công việc, vừa tiết kiệm được thời gian di chuyển", chị nói thêm.


Tăng lương chưa hẳn là cách chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân sự tốt nhất 


Trong số các chính sách mà nhân sự agency đã chia sẻ, không có chính sách nào đề cập đến vấn đề tăng lương. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng “Tăng lương là cách duy nhất để nâng cao sức khỏe tinh thần của nhân sự”. Thế nhưng các nhân sự agency lại bày tỏ một quan điểm trái ngược. Theo đó, chị Ngọc Trâm cho rằng vấn đề tiền lương chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ: “Lương không phải là thứ duy nhất ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của nhân sự. Nếu nhân sự chỉ được trả mức lương vừa phải nhưng đồng nghiệp vui vẻ, cấp trên hỗ trợ nhiệt tình, công ty có nhiều đãi ngộ và hoạt động giải trí cho nhân viên thì mình nghĩ sức khỏe tinh thần cũng sẽ được cải thiện đáng kể.”



Các nhân sự agency chia sẻ rằng việc tăng lương chỉ là một hình thức ghi nhận công sức, cống hiến của nhân sự sau một thời gian làm việc. Có thể ở thời điểm vừa được tăng lương, nhân sự sẽ có động lực ngắn hạn để nỗ lực làm việc hơn. Thế nhưng lương cao hơn cũng đi kèm với những biến số khác như chức vụ cao hơn, trách nhiệm nhiều hơn, áp lực lớn hơn. Chị Thảo Quyên bày tỏ: “Mình nghĩ sức khỏe tinh thần nằm ở thời gian (cụ thể hơn là khoảng thời gian chất lượng bạn dành cho bản thân mình), chứ không phải là vấn đề tiền bạc. Tóm lại, tăng lương vẫn là động lực và sự ghi nhận cần thiết với cống hiến của nhân sự, nhưng biến số giữa tiền lương và sức khỏe tinh thần sẽ không tỷ lệ thuận với nhau một cách lý tưởng.” 


Để đảm bảo sức khỏe tinh thần của nhân sự, công ty của anh Tấn Duy không khuyến khích nhân viên làm thêm ngoài giờ mà hãy dành nhiều thời gian cho gia đình và việc phát triển cá nhân từ đầu năm 2022. Thế nhưng trong trường hợp cần thiết, nhân viên vẫn sẽ được duyệt các chi phí ngoài giờ để các bạn có thể yên tâm làm việc. 


Còn đối với anh Kha Minh - Account Manager tại Purpose.Ant, công ty vẫn luôn quan tâm đến tình trạng sức khỏe tinh thần của nhân viên. Trong năm 2021, các nhân sự tại Purpose.Ant đã được tổ chức tiệc Trung thu trực tuyến, cùng chơi game và chụp hình qua ứng dụng Teams. Đến năm 2022 khi nhân sự trở lại văn phòng, các hoạt động thư giãn vào chiều thứ 6 diễn ra thường xuyên hơn. Theo đó, anh Kha Minh chia sẻ mọi người có thể cùng nhau ngồi làm tranh mosaic (tranh khảm gồm nhiều mảnh kính, đá nhiều màu sắc), hay ngồi trải nghiệm podcast Loa Làng do chính các nhân sự trong công ty sản xuất.


Trông chờ công ty thôi là chưa đủ, nhân sự cũng cần tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình


Với anh Kha Minh, anh chia sẻ rằng công việc của một Account đòi hỏi anh phải luôn theo dõi và cập nhật sát tiến độ của dự án nên sẽ có những công việc phải giải quyết vào cuối tuần. "Tuy nhiên, mình luôn cố gắng tìm cách sắp xếp và tập trung làm mọi việc thật nhanh gọn để có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên theo dõi cảm xúc và sức khỏe tinh thần của bản thân, nhận diện những yếu tố gây ra áp lực tinh thần. Từ đó, mình sẽ tìm cách giải tỏa áp lực bằng cách cố gắng đi làm về sớm, nói chuyện với người thân xung quanh nhiều hơn,...", anh bày tỏ.



Các nhân sự đã chia sẻ một số kinh nghiệm để người lao động có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn:

- Giữ sự tập trung cao độ để hoàn tất deadline trong thời gian ở văn phòng, tránh mang việc về nhà.

- Nếu có deadline quá gấp, nhân sự nên chọn dậy sớm thay vì thức khuya. Chị Thảo Quyên cho biết: “Mình sẽ ước lượng thời gian cần thiết để hoàn thành task đó và đặt báo thức cho phù hợp. Mình nhận ra một giấc ngủ (dù không đủ 8 tiếng) vẫn giúp lấy lại sức hơn rất nhiều so với việc cố thức khuya sau một ngày vốn đã căng não.” 

- Tạm tách bản thân khỏi các thiết bị điện tử khi về đến nhà, ưu tiên các hoạt động không sử dụng Internet như đọc sách, chăm sóc cây cối, đi cà phê, đi xem kịch, ăn uống,...

- Lên kế hoạch trước cho các ngày nghỉ ngắn tùy khối lượng công việc, có thỏa thuận trước với team để đảm bảo luân phiên theo dõi công việc và ai cũng có dịp nghỉ ngơi.

- Hạn chế nhắn tin hay gọi điện khi đồng nghiệp đang trong ngày nghỉ.  



Chị Ngọc Trâm nhận định: “Mình nghĩ sự cân bằng sẽ đến từ việc cân bằng thời gian làm việc - thư giãn và cân bằng cảm xúc, vững vàng trước những tình huống xảy đến trong công việc. Với mình, mình cố gắng giải quyết xong mọi thứ trong giờ hành chính để hạn chế phải làm việc overtime hay làm xuyên cuối tuần. Ngoài ra, mình vẫn tập yoga sau giờ làm 3 buổi một tuần, đi chơi với bạn bè vào thời gian rảnh.”


Muôn kiểu nâng cao sức khỏe tinh thần nhân sự agency năm 2022: Hỗ trợ xe buýt đi lại, thuê văn phòng trên Đà Lạt

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

31 Thg 12 2022

Lưu

Cùng chuyên mục