Meta, Twitter bán tích xanh đại trà để tiến vào thị trường subscription 1.500 tỷ đô la: Các nền tảng đang tập trung vào trải nghiệm người dùng và nhu cầu cá nhân hóa

Vào tháng 2/2023, Facebook đã ra mắt tính năng Meta Verified - dịch vụ cho phép xác minh tài khoản cá nhân bằng giấy tờ của nước sở tại với mục đích tăng cường bảo mật và tính xác thực cho người dùng và doanh nghiệp với chi phí 11.99 USD (tương đương 285.000 VND) trên bản web và 14.99 USD (tương đương 352.000 VND) trên iOS và Android (hiện đang được triển khai tại Úc, New Zealand và Hoa Kỳ). Với chính sách này, người dùng sẽ phải trả phí hằng tháng để duy trì tích xanh trên trang cá nhân của mình. Có nhiều lo ngại về việc tính năng này có mang lại giá trị thực cho người dùng hay chỉ đơn thuần là giải pháp tăng doanh thu của Facebook trong môi trường kinh doanh số hiện nay?


Ngay sau khi Mark Zuckerberg công bố việc ra mắt tính năng Meta Verified vào ngày 20/2/2023, đã có luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội cho rằng Facebook đang tận dụng tình trạng quá phụ thuộc vào nền tảng của mình để tăng doanh thu hơn là vì sự an toàn và bảo mật của người dùng. Nhiều ý kiến cho rằng việc này còn có thể dẫn đến những hệ lụy khác như buôn bán tài khoản giả mạo và thậm chí giảm giá trị của mạng xã hội. 


Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tin rằng tính năng này mang lại nhiều giá trị thực cho các doanh nghiệp. Với việc trả phí hằng tháng để duy trì tích xanh, người dùng có thể nhận được nhiều tính năng hoặc sản phẩm chất lượng hơn so với phiên bản miễn phí. Những tính năng và sản phẩm theo hình thức kinh doanh này thường được tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu của người dùng trả phí. Do đó, có ý kiến cho rằng việc được xác thực chính chủ bằng trả phí sẽ giúp tăng độ tin cậy của khách hàng và đặc biệt là giúp ngăn chặn tình trạng giả mạo và lừa đảo.


Vậy tính năng Meta Verified này mang lại lợi ích thực sự cho người dùng hay chỉ là một cách để Facebook kiếm thêm tiền? Và liệu chính sách này có vai trò gì đến mô hình kinh doanh Subscription và tác động đến nền kinh tế số như thế nào? Để trả lời các câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Lê Phước Cửu Long - Phó Trưởng khoa phụ trách, Khoa Kinh tế số & Thương mại điện tử, Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng.



Xin cảm ơn Thầy Cửu Long đã nhận lời chia sẻ về đề tài đang được nhiều người quan tâm. Thưa thầy, việc Facebook ra mắt tính năng Meta Verified có được xem như một ví dụ của mô hình kinh doanh subscription?


Cảm ơn bạn đã có lời mời chia sẻ về chủ đề mà tôi rất quan tâm. Về cơ bản, mô hình kinh doanh subscription là một hình thức kinh doanh mà khách hàng đăng ký và trả tiền cho một dịch vụ hoặc sản phẩm với tần suất định kỳ, thường là hàng tháng hoặc hàng năm. Thay vì mua một sản phẩm hoặc dịch vụ một lần duy nhất, khách hàng sẽ trả tiền cho một khoản phí định kỳ để tiếp tục sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm. Các ví dụ phổ biến của mô hình kinh doanh subscription là dịch vụ đăng ký phim, đăng ký âm nhạc, dịch vụ đọc sách, các khóa học trực tuyến. 


Trong trường hợp của tính năng Meta Verified, Facebook cung cấp cho người dùng một dịch vụ xác minh tài khoản chính chủ, và yêu cầu người dùng trả tiền để sử dụng tính năng này theo từng tháng. Như vậy, việc Facebook thu phí cho tính năng Meta Verified chính là một ví dụ của mô hình kinh doanh subscription. 


Với mô hình kinh doanh subscription, các nền tảng có thể cung cấp dịch vụ tập trung vào nhu cầu của người dùng tốt hơn để tránh phụ thuộc vào thu nhập từ quảng cáo


Khi áp dụng mô hình kinh doanh subscription, cần xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc vì nó có thể có ảnh hưởng lớn đến người dùng. Nếu giá cả quá cao hoặc tính năng quá cơ bản, người dùng có thể không muốn trả tiền để sử dụng. Điều này có thể dẫn đến giảm số lượng người dùng sử dụng tính năng này hoặc tạo ra phản đối từ cộng đồng. 


Tuy nhiên, mô hình kinh doanh subscription cũng có nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc tạo ra doanh thu ổn định và duy trì một mức độ ổn định tài chính cho doanh nghiệp. Nó có thể giúp doanh nghiệp tập trung vào chất lượng sản phẩm, cải tiến các tính năng, tăng thêm giá trị dịch vụ hơn là phải lo lắng về việc bán sản phẩm cho số lượng người dùng lớn nhất có thể.


Đây có phải một xu hướng phổ biến trong nền kinh tế số hiện nay không thưa Thầy?

 

Thực tế thì mô hình kinh doanh subscription xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Mô hình này được tiên phong bởi các nhà xuất bản sách và tạp chí tại Châu Âu vào thế kỷ 17. Nhiều tờ báo và tạp chí đã áp dụng mô hình này từ rất lâu để thu hút độc giả và tăng doanh thu bằng cách in ra các bản sao và phát hành theo chu kỳ thường xuyên, ví dụ như hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Những người đọc quan tâm sẽ đăng ký để nhận bản sao mới nhất, thường thông qua việc thanh toán một khoản phí định kỳ. Một số tờ báo và tạp chí thời kì này cũng sử dụng hình thức quảng cáo để tài trợ cho việc sản xuất và phát hành bản in. Theo Forbes, tại Vương quốc Anh từ những năm 1860, nhiều người đã có thể đăng ký để nhận hàng giao từ những người bán sữa, trong khi đăng ký tạp chí đã diễn ra trong thời kỳ những năm 1800.



Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thiết bị di động thông minh và Internet, mô hình này đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Các công ty như Netflix, Spotify, Amazon và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đã thành công với mô hình kinh doanh này và trở thành những gương mặt tiêu biểu cho xu hướng kinh doanh subscription hiện nay. Một số công ty khác như The New York Times và The Wall Street Journal cũng đã chuyển sang mô hình này để thu hút các khách hàng trực tuyến và duy trì các dịch vụ truyền thông truyền thống.


Trên thị trường phần mềm, Microsoft đã chuyển sang mô hình kinh doanh subscription với dịch vụ Office 365 và Adobe đã chuyển sang mô hình này với Creative Cloud. Ngoài ra, còn có nhiều công ty khác như Dropbox, Evernote, LinkedIn và Quora đã áp dụng mô hình kinh doanh subscription và đạt được thành công trong lĩnh vực của họ.


Theo statista, quy mô thị trường của nền kinh tế digital subscription trên toàn thế giới lên tới 650 tỷ USD vào năm 2020, trong đó đăng ký dịch vụ đám mây chiếm khoảng 45% thị trường với giá trị ước tính khoảng 292 tỷ USD. Quy mô thị trường của mảng thương mại điện tử được dự báo sẽ đạt 687 tỷ USD vào năm 2025.


Theo Brightback, 98% người tiêu dùng đăng ký dịch vụ phát trực tuyến trong mô hình subscription 


Ngay tại Việt Nam, có nhiều sản phẩm đang áp dụng mô hình kinh doanh subscription như VieON, VTVcab, FPTplay, Topica, Zalo,… chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như âm nhạc, phim ảnh, truyền hình, game, đọc sách trực tuyến và các dịch vụ giải trí khác. 


Với người dùng, mô hình subscription mang đến tính tiện lợi và tiết kiệm chi phí so với việc mua sản phẩm một lần hoặc sử dụng dịch vụ trả phí theo lượt. Thay vì phải chi trả một khoản tiền lớn một lần để mua một sản phẩm hoặc sử dụng một dịch vụ, người dùng chỉ cần đóng một khoản phí nhỏ hàng tháng hoặc hàng năm để tiếp tục sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Điều này giúp họ dễ dàng quản lý chi tiêu và có thể truy cập được các sản phẩm và dịch vụ mà họ cần một cách nhanh chóng và dễ dàng.


Theo ý kiến của Thầy, việc chuyển đổi sang mô hình subscription có phù hợp với xu hướng hiện tại của thị trường mạng xã hội và thị trường quảng cáo trực tuyến hay không? 


Theo quan điểm của tôi, việc chuyển đổi sang mô hình subscription là một xu hướng phù hợp với thị trường quảng cáo trực tuyến nói chung và thị trường mạng xã hội nói riêng hiện nay. Người dùng ngày càng nhạy cảm hơn với quyền riêng tư của mình và đòi hỏi những trải nghiệm trực tuyến tốt hơn. Với mô hình kinh doanh subscription, các công ty có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn và tập trung vào nhu cầu của người dùng (Cá nhân hóa và đáp ứng tối đa các nhu cầu, mong muốn) hơn là chỉ tập trung vào thu nhập từ quảng cáo.


Ngoài việc mang đến một nguồn thu ổn định và liên tục, mô hình subscription còn giúp các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, cho phép các doanh nghiệp thu thập thông tin khách hàng và phản hồi của họ để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình, từ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường.


Ngoài ra, việc chuyển đổi sang mô hình subscription cũng có thể giúp các công ty tránh được sự phụ thuộc vào quảng cáo và tạo ra những nguồn thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, để thành công với mô hình này, các công ty phải đầu tư đúng thời điểm và phù hợp với nhu cầu của người dùng, đồng thời phải cung cấp dịch vụ và nội dung có giá trị để thu hút và duy trì khách hàng trả phí.


Một số ví dụ về các công ty áp dụng mô hình subscription thành công trong lĩnh vực mạng xã hội và quảng cáo trực tuyến có thể kể đến như Netflix, Spotify, Amazon Prime, Adobe Creative Cloud, và Microsoft Office 365. Các dịch vụ này đã thu hút được hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới và tạo ra doanh thu ổn định cho công ty.


Đứng từ phía người tiêu dùng thì mô hình subscription sẽ có tác động gì đến quyết định chi tiêu của họ, thưa Thầy?


Về cơ bản, với mô hình này, người tiêu dùng sẽ phải trả một khoản phí định kỳ để tiếp tục sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này đòi hỏi họ phải có kế hoạch chi tiêu dài hạn, đồng thời phải đánh giá xem liệu việc đăng ký một mô hình subscription có đáng giá với số tiền họ trả hay không. Một số khách hàng có thể cảm thấy khó chịu khi phải trả phí định kỳ mà không thấy giá trị tương xứng. Tuy nhiên, nếu sản phẩm hoặc dịch vụ đó thực sự có giá trị, mô hình subscription có thể giúp họ tiết kiệm được chi phí so với việc mua lẻ hoặc sử dụng dịch vụ tạm thời.


Đồng thời, mô hình subscription cũng có thể tạo ra sự an tâm cho khách hàng vì họ không cần phải suy nghĩ về việc mua sản phẩm hay dịch vụ đó lại trong tương lai. Nếu một khách hàng sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ một cách thường xuyên, thì việc đăng ký một mô hình subscription có thể giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc.



Ví dụ, mô hình subscription của Netflix cho phép người dùng truy cập vào toàn bộ thư viện phim và chương trình truyền hình với một khoản phí hằng tháng, giúp tiết kiệm chi phí so với việc mua hoặc thuê từng tác phẩm riêng lẻ; hoặc người đăng kí các dịch vụ học trực tuyến như Coursera cũng phải trả tiền cho các gói dịch vụ theo tháng hoặc theo năm để có thể sử dụng các tính năng đặc biệt và nâng cao trải nghiệm của mình.


Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc người dùng chi tiêu không cân đối nếu họ không sử dụng dịch vụ thường xuyên hoặc không tận dụng hết giá trị của khoản phí đã trả. Do đó, việc xác định rõ ràng nhu cầu sử dụng trước khi đăng ký một dịch vụ subscription là rất quan trọng.



Như vậy, theo như giải thích của Thầy về mô hình subscription, việc Facebook tung tính năng Meta Verified để thương mại hóa tích xanh sẽ tăng thêm giá trị cho những ai sử dụng dịch vụ này?


Về cơ bản, Facebook là một nền tảng mạng xã hội, và từ góc nhìn Marketing, đó là một dịch vụ cho phép mọi người kết nối với nhau trên cùng một nền tảng. Theo định nghĩa của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA), Marketing là tổng thể các hoạt động để tạo ra, trao đổi và tạo giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, hoặc ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đạt được mục tiêu của tổ chức.


Như vậy, Tích xanh là một dịch vụ được cung cấp bởi Facebook nhằm giúp người dùng nhận biết được tài khoản thật và giả, giúp nâng cao độ tin cậy của thông tin và thương hiệu trên mạng xã hội. Mạng xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại những tài khoản giả mạo, điều này dẫn đến sự lừa đảo và thiệt hại cho người dùng. 


Với ý kiến cho rằng chính sách này làm giảm giá trị Facebook, tôi cho không hoàn toàn chính xác. Điểm cần phải làm rõ là việc trả phí để có được tích xanh trên Facebook chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng cụ thể có nhu cầu thực sự đối với việc “xác minh chính chủ”, chứ không phải tất cả các đối tượng người dùng trên mạng xã hội. Để có được tích xanh trên Facebook, chủ tài khoản phải đáp ứng các điều kiện mà nền tảng này đưa ra. Vì vậy, việc trả phí có thể làm tăng tính an toàn, bảo mật và tính chính chủ của tích xanh. Do đó, giá trị của tính năng này sẽ tăng lên chứ không giảm đi. 


Theo Thầy, Meta Verified sẽ tác động đến người dùng của Facebook như thế nào?


Theo quan điểm của tôi, việc Facebook thu phí đăng ký tích xanh có thể ảnh hưởng đến doanh thu và số lượng người đăng ký dịch vụ này trong thời gian đầu, đặc biệt khi có luồng ý kiến trái chiều từ một bộ phận người dùng. Trước đây, người dùng có thể đăng ký tài khoản tích xanh miễn phí, nhưng giờ đây họ phải trả phí để sử dụng. Điều này có thể khiến họ cảm thấy không hài lòng và dẫn đến giảm số lượng đăng ký dịch vụ tích xanh trong ngắn hạn. 


Tuy nhiên, nếu Facebook vẫn giữ đúng quy trình xét duyệt nghiêm ngặt trong việc cấp tích xanh như trước đây và thêm những điều khoản ràng buộc khác khi đăng ký dịch vụ tích xanh trả phí, kết hợp với việc người dùng được cung cấp đầy đủ các thông tin để nhận biết được lợi ích thực sự của tính năng này, tôi tin rằng người dùng tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ chấp nhận dịch vụ và Facebook sẽ có doanh thu từ đó.


Việc trả phí có thể làm tăng tính an toàn, bảo mật và tính chính chủ của tích xanh. Do đó, giá trị của tính năng này sẽ tăng lên chứ không giảm đi


Cách làm này thật ra cũng đã được nhiều công ty thực hiện. Ban đầu, các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng internet thường cung cấp các dịch vụ miễn phí và sau đó cung cấp các tính năng thử nghiệm. Khi người dùng phụ thuộc vào tính năng đó và muốn nâng cao chất lượng trải nghiệm, các nhà cung cấp sẽ thu thêm phí để duy trì dịch vụ. Điều này giống như một điều kiện ràng buộc để người dùng có trách nhiệm với việc sử dụng tính năng đó trên nền tảng. 


Sau thời gian sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy tính năng này tốt và đảm bảo an toàn. Lúc này họ sẽ sẵn sàng trả tiền và tiếp tục sử dụng dịch vụ đó. Đồng thời, việc thu phí với các dịch vụ giá trị tăng thêm cho các khách hàng, các doanh nghiệp đang hướng đến việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng và nâng cao tính cá nhân hóa cho từng khách hàng cụ thể. 


Vậy khi thấy ai đó có tích xanh, quyết định mua hàng hay ấn tượng về thương hiệu của người dùng có bị chi phối bởi yếu tố này hay không? 


Tích xanh chỉ giúp cho người dùng xác định chính xác đối tượng mà họ đang tương tác trên mạng xã hội, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc mua hàng hoặc ấn tượng về thương hiệu của người dùng. Thực tế, quyết định mua hàng của một cá nhân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, và người tiêu dùng có nhiều thông tin khác nhau để đưa ra quyết định.


Theo các lý thuyết về hành vi tiêu dùng (consumer behavior theory) trong Marketing, kinh nghiệm trong quá khứ và thông tin có được từ các mối quan hệ trong cộng đồng của người dùng có tác động rất lớn đến quyết định sử dụng dịch vụ hay mua sản phẩm của họ. Tích xanh chỉ đóng vai trò là một yếu tố giúp cho quá trình lựa chọn chắc chắn hơn, nhưng không phải là tất cả trong việc quyết định mua hàng. Người dùng đánh giá sản phẩm và thương hiệu dựa trên nhiều yếu tố như tính tiện ích, chất lượng, giá cả, khả năng cung cấp giải pháp cho nhu cầu, độ tin cậy và nhận thức về thương hiệu.


Vì vậy, tích xanh không chiếm vai trò chủ đạo trong việc quyết định mua hàng của người dùng. Nó chỉ đóng vai trò như một yếu tố bổ trợ thêm giúp người dùng xác định đúng đối tượng và tham khảo thông tin, tuy nhiên quyết định mua hàng của họ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Không có ai mua hàng vì lý do duy nhất là tích xanh cả.     


Như Thầy đã đề cập, mô hình kinh doanh subscription giúp các công ty có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn và tập trung vào nhu cầu của người dùng. Vậy có thể nói rằng việc trả phí tích xanh trong Meta Verified sẽ đảm bảo lợi ích nhiều hơn cho cả Facebook và người dùng không thưa thầy? 


Chắc chắn rồi. Thị trường mạng xã hội hoạt động trên cơ sở trao đổi công bằng. Người dùng muốn nhận được lợi ích thì phải trao đổi lại một lợi ích khác. Do đó, việc thu phí để xác minh tài khoản là một cách để đảm bảo tính công bằng trong việc sử dụng mạng xã hội. Việc này cũng có lợi cho tất cả các bên liên quan. Một câu nói phổ biến là "miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột", và đúng là không có miếng pho mát miễn phí trong một thị trường công bằng. Do đó, việc thu phí để sử dụng tính năng xác minh tài khoản là hoàn toàn công bằng và có thể đóng góp vào việc duy trì và nâng cao chất lượng mạng xã hội.


Với người dùng, mạng xã hội có giá trị quan trọng là sự kết nối và chia sẻ giữa các thành viên. Meta Verified là một dịch vụ bổ sung và giúp tăng thêm giá trị mà người dùng có thể nhận được từ sự kết nối và chia sẻ trên mạng xã hội.



Tuy nhiên, để thực sự thành công, các công ty và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần giúp người dùng hiểu rõ về giá trị của tính năng này và tác động đến quá trình nhận thức thương hiệu của khách hàng. Điều này đòi hỏi công ty phải có chiến lược giúp khách hàng hiểu rõ về tính năng và chấp nhận sử dụng nó. Tôi được biết rằng, đến tháng 1 vừa qua, mới chỉ có 0,2% người dùng tại Mỹ đăng ký trả tiền cho dịch vụ tích xanh của Twitter. Điều này phản ánh vấn đề nhận thức giá trị của tính năng xác minh tài khoản trả phí đối với người dùng. Nếu khách hàng không hiểu và không tin tưởng tính năng này, họ sẽ không sử dụng nó. Ngược lại, nếu thành công trong việc giúp người dùng hiểu và tin tưởng, số lượng người dùng sẽ tăng lên.


Nhiều nền tảng khác cũng sử dụng tính năng xác minh tài khoản để tăng tính bảo mật và đáng tin cậy của người dùng như Pinterest, Snapchat, TikTok, YouTube, Twitter, LinkedIn. Thầy nhận định như thế nào về tầm quan trọng của tính năng xác minh tài khoản trong mô hình kinh doanh của các mạng xã hội hiện nay. 


Tính năng xác minh tài khoản là một yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của các mạng xã hội hiện nay. Với môi trường không có biên giới và rào cản gia nhập gần như không có, việc lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra và rất phổ biến. Do đó, việc xác minh tài khoản giúp nâng cao độ tin cậy và giảm thiểu các hoạt động lừa đảo trên các nền tảng này.


Tuy nhiên, cần lưu ý rằng uy tín của một thương hiệu không chỉ phụ thuộc vào tính năng xác minh tài khoản trên mạng xã hội. Nó được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, và sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Tích xanh chỉ là một yếu tố góp phần nâng cao độ tin cậy của thương hiệu trên mạng xã hội.


Tóm lại, việc xác minh tài khoản trên mạng xã hội là một tính năng quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy của thương hiệu trong môi trường số. Nó giúp giảm thiểu các hoạt động lừa đảo trên các nền tảng này và gia cố sự tin cậy của thương hiệu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tính năng này chỉ là một thành phần của sự tin cậy của thương hiệu, và sự tin cậy của thương hiệu được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.



Theo như chia sẻ của Thầy, việc chuyển đổi sang mô hình subscription có thể giúp các công ty tránh được sự phụ thuộc vào quảng cáo và tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn. Vậy khi càng có nhiều nền tảng áp dụng mô hình subscription, các chiến lược quảng cáo sẽ thay đổi theo hướng nào thưa Thầy?


Khi có nhiều nền tảng áp dụng mô hình subscription, thị trường quảng cáo sẽ bị ảnh hưởng một cách đáng kể. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực như truyền thông và giải trí, nơi mà quảng cáo truyền thống từ lâu đã là nguồn thu nhập chính. Với sự phổ biến của mô hình subscription, người tiêu dùng có xu hướng trả tiền để tránh quảng cáo. Điều này đòi hỏi các nhà quảng cáo phải tìm cách tiếp cận khách hàng một cách khác để giới thiệu sản phẩm của mình, thay vì dựa vào quảng cáo truyền thống.


Trước khi áp dụng mô hình subscription, các chiến thuật quảng cáo chủ yếu tập trung vào quảng cáo truyền thông đại trà để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho khách hàng tiềm năng. Những chiến lược này thường bao gồm sử dụng quảng cáo trên TV, tạp chí, báo, radio, hoặc quảng cáo ngoài trời. Các nhà quảng cáo cũng thường tập trung vào quảng cáo trực tuyến, bao gồm Google Ads, email marketing và quảng cáo trên mạng xã hội.


Quy mô thị trường của nền nền kinh tế subscription trên thế giới năm 2020 và dự báo đến năm 2025 theo từng phân khúc theo Statista


Tuy nhiên, sau khi mô hình digital subscription trở nên phổ biến hơn, các chiến thuật quảng cáo đã phải thay đổi để tiếp cận khách hàng. Thay vì tập trung vào quảng cáo truyền thông đại trà, các nhà quảng cáo lúc này phải tập trung vào việc tạo ra nội dung hấp dẫn để thu hút khách hàng và khuyến khích họ đăng ký dịch vụ. Họ cũng phải tìm cách tận dụng các kênh truyền thông xã hội và email để quảng bá sản phẩm và tăng khả năng thu hút khách hàng đăng ký. Các nhà quảng cáo cũng tập trung vào việc phát triển mối quan hệ với khách hàng, đưa ra ưu đãi và khuyến mãi để thu hút và giữ chân khách hàng.  


Một ví dụ về chiến lược quảng cáo với mô hình digital subscription là Netflix. Thay vì quảng cáo truyền thông đại trà, Netflix tập trung vào việc tạo ra nội dung chất lượng và cung cấp các tính năng đặc biệt như tùy chọn phụ đề và đánh giá nội dung để thu hút và giữ chân khách hàng. Họ cũng sử dụng email và các kênh truyền thông xã hội để quảng bá các chương trình mới và giới thiệu các tính năng mới của nền tảng.


Trải nghiệm của người dùng trong một ngày liên quan mật thiết đến mô hình subscription


Có thể nói mô hình subscription cũng có thể tạo ra cơ hội mới cho quảng cáo, đặc biệt là khi các nền tảng subscription có số lượng lớn người dùng đăng ký. Các nhà quảng cáo có thể hợp tác với các nền tảng này để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình đến một đối tượng khách hàng tiềm năng lớn. Các nhà quảng cáo cũng có thể tìm cách tích hợp quảng cáo vào các nền tảng subscription, tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho các doanh nghiệp.


Ở Việt Nam, ví dụ về ảnh hưởng của mô hình subscription đến thị trường quảng cáo là việc ra mắt dịch vụ VIP của một nền tảng nghe nhạc. Trước khi dịch vụ VIP được ra mắt, nền tảng cho phép nghe nhạc miễn phí và được tài trợ bởi quảng cáo. Tuy nhiên, với sự phát triển của mô hình kinh doanh subscription, dịch vụ VIP với tính năng cao cấp ra đời và người dùng phải trả phí để sử dụng. Dịch vụ này giúp người dùng không bị gián đoạn bởi quảng cáo khi nghe nhạc, giúp trải nghiệm nghe nhạc tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp quảng cáo đã phải tìm cách khác để tiếp cận khách hàng trên nền tảng VIP này.


Như vậy, có thể khẳng định rằng mô hình subscription là một hướng đi bền vững trong kinh tế số phải không Thầy?


Mô hình subscription được xem là một hướng đi bền vững trong kinh tế số vì doanh nghiệp sẽ có một nguồn thu ổn định và dài hạn (dịch vụ của doanh nghiệp phải tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu của người dùng). Thay vì phải dựa vào doanh số bán hàng lẻ hoặc quảng cáo, các doanh nghiệp có thể đạt được sự ổn định tài chính và dự báo được doanh thu trong tương lai thông qua việc thu phí định kỳ từ khách hàng. Theo Statista, xu hướng đăng ký SVOD (Subscription Video on Demand) và người đăng ký tiếp tục tăng ở 138 quốc gia. Đến năm 2027, dự kiến số lượng đăng ký SVOD sẽ đạt gần 1,7 tỷ. Hoặc như số lượng thuê bao 5G, dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần, đạt 5 tỷ thuê bao vào năm 2026. Con số này dựa trên mức tăng trưởng 700 triệu đăng ký từ năm 2022 đến năm 2023 và 900 triệu từ năm 2023 đến năm 2024 trên toàn cầu.


Nền kinh tế subscription được dự đoán đạt 1,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2025


Xu hướng mới gần đây của mô hình subscription việc tập trung vào trải nghiệm người dùng và nhu cầu cá nhân hóa. Các doanh nghiệp sẽ sử dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để phân tích thông tin về khách hàng và xác định nhu cầu của họ. Trong giai đoạn đầu, khách hàng sẽ đăng ký một gói dịch vụ hoặc sản phẩm từ doanh nghiệp. Sau khi đăng ký, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng, bao gồm các sản phẩm hoặc dịch vụ họ đang sử dụng, tần suất sử dụng, thời gian truy cập, v.v.


Dữ liệu này sau đó được phân tích và xác định để đưa ra các gợi ý sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp hơn với từng khách hàng. Các doanh nghiệp có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các gợi ý sản phẩm hoặc dịch vụ một cách tự động và nhanh chóng. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ gửi các thông tin này đến khách hàng thông qua email, thông báo trên ứng dụng di động hoặc trang web. Khách hàng có thể đăng nhập vào tài khoản của mình để xem các gợi ý này và đưa ra quyết định về việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng và lặp lại quá trình này để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn và nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.


Mô hình subscription được xem là một hướng đi bền vững trong kinh tế số vì nó tạo ra một nguồn thu ổn định và dài hạn cho doanh nghiệp


Ngoài ra, mô hình subscription cũng có thể giúp giảm thiểu quảng cáo không cần thiết đối với khách hàng. Thay vì phải đối mặt với các thông báo rác trong quá trình sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, khách hàng chỉ nhận được thông tin liên quan đến đăng ký của họ và được cung cấp các nội dung chính xác và hữu ích hơn. Điều này cũng có thể giúp tăng tính tiện lợi và sự hài lòng của khách hàng.


Tuy nhiên, cũng có những thách thức và rủi ro liên quan đến mô hình subscription. Trong một số trường hợp, mô hình này có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào khách hàng đăng ký và khiến cho doanh nghiệp trở nên quá phụ thuộc vào thu nhập từ đăng ký. Nếu có sự thay đổi trong thị trường hoặc trong hành vi của khách hàng, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc duy trì thu nhập ổn định.


Xu hướng các công ty chuyển sang mô hình subscription có tác động gì đến xu hướng nền kinh tế subscription nói chung, thưa Thầy?


Hiện nay, mô hình subscription đang trở thành một nền kinh tế riêng, được gọi là "Subscription Economy". Đây là một nền kinh tế dựa trên việc tạo ra các dịch vụ hoặc sản phẩm liên tục được cung cấp cho khách hàng theo mô hình đăng ký và thanh toán theo thời gian. Nền kinh tế này tập trung vào việc tạo ra một kết nối lâu dài với khách hàng thay vì chỉ tập trung vào việc bán hàng một lần. 


Cho đến nay, nền kinh tế subscription là một trong những ngành phát triển nhanh nhất. Tính đến năm 2020, theo tổng hợp từ sellcoursesonline, việc người tiêu dùng ngày càng hướng tới mô hình subscription đã trở thành một xu hướng phổ biến. Trên thực tế, trong 9 năm qua, nền kinh tế thuê bao đã tăng trưởng 435% và dự kiến sẽ trở thành thị trường trị giá 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Tính đến năm 2020, trung bình một người ở Hoa Kỳ đăng ký 12 dịch vụ subscription. 



Việc các công ty áp dụng mô hình subscription sẽ tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng và cung cấp dịch vụ. Các công ty sẽ phải tập trung vào việc cung cấp các gói sản phẩm và dịch vụ có giá trị để thu hút khách hàng đăng ký, cải thiện chất lượng dịch vụ để đảm bảo khách hàng hài lòng và đồng thời tối ưu chi phí để đạt được mức giá phù hợp với khách hàng. Các công ty lớn như Netflix, Spotify và Amazon đang là những người dẫn đầu trong việc xây dựng nền kinh tế subscription này. Các công ty nhỏ hơn cũng đang tham gia và cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho những khách hàng yêu cầu các sản phẩm và dịch vụ được tùy chỉnh theo nhu cầu của họ. 


Xu hướng gần đây của mô hình subscription việc tập trung vào trải nghiệm người dùng và nhu cầu cá nhân hóa


Một số ngành khác cũng đang bắt đầu áp dụng mô hình subscription, chẳng hạn như ngành sản xuất và bán lẻ đồ thể thao, nơi khách hàng có thể đăng ký các gói định kỳ để nhận được sản phẩm mới nhất và các ưu đãi đặc biệt. Ví dụ như mô hình subscription cho quần áo, bữa ăn hay đồ dùng đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Vào năm 2019, Nike đã bắt đầu tham gia vào thị trường subscription lần đầu tiên với dịch vụ Nike Adventure Club, một dịch vụ đăng ký giày dép dành cho trẻ em từ 2 đến 10 tuổi. Khách hàng có thể đăng ký một gói định kỳ và nhận được một cặp giày mới mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng. Ngoài ra, các gói đăng ký còn đi kèm với các phần thưởng đặc biệt như các ưu đãi cho các sản phẩm khác của Nike.


Tóm lại, có thể thấy rằng subscription đang trở thành một xu hướng phổ biến và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Điều này đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và cũng hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.


Thành thật cảm ơn Thầy vì những thông tin hữu ích về chủ đề này. Chúc Thầy luôn khỏe mạnh và nhiều niềm vui trong cuộc sống.


Meta, Twitter bán tích xanh đại trà để tiến vào thị trường subscription 1.500 tỷ đô la: Các nền tảng đang tập trung vào trải nghiệm người dùng và nhu cầu cá nhân hóa

Quan Dinh H.

Quan Dinh H.

Advertising Vietnam

10 Thg 04 2023

Lưu

Cùng chuyên mục