Trong suốt năm qua, tổng cộng 38 bài viết Ad Office đã được xuất bản. Đội ngũ sáng tạo nội dung đã cùng các nhân sự agency bóc tách 38 câu chuyện như "Lặn lội 20km đi làm như phượt, nhân sự trầm tư suy nghĩ 'mình có thật sự cần công việc này không'", "Nỗi khổ quản lý lương thấp mà phải chi tiền triệu mời trà sữa, ăn vặt để lấy lòng nhân viên", "Thao túng tâm lý nơi công sở khiến nhân sự hoài nghi năng lực bản thân",... Hãy cùng điểm lại 10 chủ đề Ad Office được quan tâm nhất trong năm 2023!
Với khối lượng công việc khổng lồ, áp lực lớn và “văn hóa hối hả” (hustle culture), nhiều nhân sự tại các agency thường xuyên chịu cảnh “quá tải”. Bởi lẽ đó, họ hay than vãn về công việc, thậm chí luôn thể hiện mong muốn được “dứt áo ra đi”. Những bất mãn và suy nghĩ muốn từ bỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mức lương không đáp ứng nhu cầu, áp lực công việc cao, không phù hợp với văn hóa tổ chức và môi trường làm việc,…
Nhìn chung, xuất phát điểm đến từ 2 lý do chính: Khách quan từ phía công ty và chủ quan từ bản thân nhân sự.
Những bất mãn và suy nghĩ muốn “dứt áo ra đi” của nhân sự có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Bất mãn là thế, nhưng nhân sự tại các agency cũng không thể “muốn đi là đi”, bởi còn đó những rào cản khiến chuyện nghỉ việc mới chỉ là ý tưởng. Có trường hợp nhân sự có thể bám trụ với công việc trong khoảng thời gian dài dù thường xuyên đòi nghỉ việc, thậm chí thời gian gắn bó của họ có thể lên đến 5 - 10 năm đối với các nhân sự bậc trung và cấp quản lý.
Cùng khám phá chi tiết chia sẻ của các nhân sự tại đây!
Cuối tháng được coi là một thời điểm “nhạy cảm” đối với nhiều nhân sự, bởi lẽ đây là giai đoạn phải cân bằng giữa các khoản chi tiêu và số tiền còn lại trong ví trước khi nhận được tháng lương kế tiếp. Theo một nghiên cứu của CareerBuilder, 78% người lao động sử dụng toàn bộ hoặc hầu hết thu nhập của họ để chi tiêu hàng tháng, với các khoản phí bao gồm trả tiền thuê nhà, mua thực phẩm, trả nợ và các chi phí hàng ngày.
Theo anh Đức An - Senior Account Executive tại ZEE Agency, các nhân sự trong ngành Quảng cáo thường rất áp lực mỗi khi đến cuối tháng, bởi đây là giai đoạn phải chi tiêu nhiều cho công việc, mối quan hệ và mục đích cá nhân, nên dễ gặp vấn đề tài chính. “Để tránh chật vật trong khoảng thời gian này, mình thường sẽ có một khoản dự trù để back-up cho trường hợp xài hết tiền lương của tháng trước. Khoản dự trù này đến từ tiền tiết kiệm của mình trong mỗi tháng và các thu nhập khác”, anh Đức An chia sẻ.
Theo anh Đức An, ngoài việc biết "kiếm nhiều hơn tiêu" thì việc chi tiêu hợp lý là một yếu tố quan trọng hơn cả để tiền luôn dư mỗi tháng
Để vừa có thể “nuông chiều” bản thân với những nhu cầu tiêu pha, vừa giúp ví tiền chưa vơi hết đã lại đầy, các nhân sự luôn có bí quyết kiểm soát tài chính cá nhân bằng việc xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tối ưu hóa nguồn thu nhập. Vậy các nhân sự agency đã làm thế nào để cân bằng bài toán giữa chi tiêu và tiết kiệm? Cùng khám phá qua bài viết sau!
Khi nguồn nhân lực chính tại các doanh nghiệp đang dần được trẻ hoá và “chiếm sóng” bởi Gen Z, trào lưu review công ty qua các nội dung giải trí lấy cảm hứng từ đời sống văn phòng cũng theo đó “bùng” lên mạnh mẽ, trở thành chiến lược employer branding thu hút nhân tài được ưa chuộng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, với các nhân sự hướng nội, việc phải trở thành “diễn viên bất đắc dĩ”, xuất hiện công khai trong các “tiểu phẩm” PR cho công ty đã trở thành một nỗi ám ảnh trong môi trường công sở. Là một người hướng nội “chính hiệu” trên mạng xã hội, Như Trần - Media Assistant bày tỏ: “Mình là người rất hạn chế trong việc xuất hiện trên mạng xã hội, kể cả trên Facebook cá nhân. Vì thế, khi nhận được yêu cầu xuất hiện trên kênh TikTok của công ty, dù chỉ là một đoạn video ngắn vỏn vẹn 10 giây nhưng cũng khiến mình đắn đo và có phần… sợ hãi. Ban đầu, mình cũng có ý định từ chối nhưng vì đồng nghiệp quá nhiệt tình nên mình cũng quyết định tham gia vì không muốn bầu không khí trong công ty trở nên khó xử.
Kết quả, đoạn video clip đó nhận về lượt tương tác khá tốt và mình tiếp tục ‘được’ nhờ vả, thường xuyên trở thành diễn viên bất đắc dĩ cho kênh TikTok công ty. Điều này trở thành một áp lực rất lớn đối với mình một thời gian dài sau đó.”
Trào lưu review công ty qua các nội dung giải trí lấy cảm hứng từ đời sống văn phòng “bùng” lên mạnh mẽ
Chị V. - former copywriter tại một agency cũng chia sẻ rằng, không chỉ riêng nhân sự hướng nội hay hướng ngoại, việc sử dụng thời gian trong ngày để quay TikTok PR cho công ty cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu suất làm việc chung. Vậy nhân sự có nên từ chối việc tham gia hoạt động PR cho công ty vì… không phù hợp với tính cách? Tìm lời giải đáp từ chia sẻ của các nhân sự tại đây!
Việc sử dụng thời gian trong ngày để quay TikTok PR cho công ty có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc
Lướt một vòng các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp cụm từ “chán việc thì đi học Thạc sĩ” bên dưới những bài đăng than vãn của nhân sự mỗi khi gặp khó khăn trong công việc. Thế nhưng chị Nguyễn Hải Linh - Corporate Culture lại cho rằng, đi học Thạc sĩ không hẳn là một giải pháp để các nhân sự trốn tránh khỏi thực tại. “Mình quyết định đi học Thạc sĩ vào năm 26 tuổi, sau 3 - 4 năm đi làm. Đây là thời điểm mình đã có chuyên môn nhất định, tuy nhiên lại chưa tìm được định hướng phát triển tiếp theo. Mình cảm thấy công việc đang trở nên quá quen thuộc và an toàn, thế nên mình quyết định đi học Thạc sĩ để tìm kiếm cơ hội và những cột mốc mới để chinh phục”, chị nói.
Dù biết trước bản thân nếu theo học Thạc sĩ sẽ bị “tụt hậu” so với những đồng nghiệp đang làm việc và phát triển không ngừng về cả chuyên môn lẫn kỹ năng, chị Nguyễn Trần Thị Oanh cho biết, bản thân vẫn quyết định bỏ dở công việc hiện có vì một mục tiêu lớn hơn: “Mình xác định là mình sẽ ‘tụt hậu’. Tuy nhiên, mình cũng tự định nghĩa đó là sự ‘tụt hậu’ về cái gì. Nếu học Thạc sĩ, mình sẽ bị chững lại so với các bạn đồng trang lứa về kinh nghiệm làm việc trong khoảng 1 - 2 năm, cũng như bỏ lỡ những cơ hội thăng tiến. Ngoài những đánh đổi về sự nghiệp ngắn hạn, mình cũng cần đối mặt với câu chuyện về tài chính. Ở thời điểm khi đã đi làm được 5 năm, bạn bè mình đều đã đi mua nhà, mua xe. Trong khi đó, những khoản tiền mình tiết kiệm được đều dành cho việc đi du học Thạc sĩ.”
Theo chị Nguyễn Trần Thị Oanh, nhân sự chọn học thạc sĩ có thể "tụt hậu" vài năm so với thị trường lao động, nhưng sẽ đi nhanh và xa hơn
Có thể thấy, việc học Thạc sĩ là quyết định quan trọng mà mỗi nhân sự đều cần phải cân nhắc rất lâu. “Bỏ ngoài tai” những lời chế giễu rằng học Thạc sĩ chỉ là lựa chọn bồng bột khi gặp bế tắc, các nhân sự cần lắng nghe bản thân để xác định mục tiêu phát triển, mong muốn cụ thể đối với hành trình học vấn này.
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn nơi công sở có thể làm giảm đến 40% hiệu suất làm việc của nhân viên. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc phải thường xuyên làm việc trong một môi trường ồn ào sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân sự.
Có nhiều cách đối phó với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi làm việc, tuy nhiên không phải cách nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu. “Đeo tai nghe và mặc kệ thế giới bên ngoài” là một giải pháp được đa phần các nhân sự lựa chọn. Tuy nhiên, một số khác lại không thể làm gì hơn ngoài việc… chịu đựng và chấp nhận làm ngoài giờ để có thể hoàn thành công việc được giao. “Buổi chiều hôm đó là ‘một cơn ác mộng’ khiến mình không thể tập trung và phải mang một khối lượng lớn công việc về nhà để kịp hoàn thành đúng deadline. Sự việc này thậm chí còn kéo dài trong nhiều tuần và mình đã phải sắp xếp lại công việc để tránh những công việc cần sự tập trung cao vào mỗi chiều thứ 6”, chị Q. Huỳnh chia sẻ.
Hầu hết các nhân sự tham gia phỏng vấn đều cho rằng không có một thang đo, tiêu chuẩn cụ thể nào cho tiếng ồn nơi công sở bởi “độ miễn nhiễm” của mỗi người là khác nhau. Ý thức của nhân sự và văn hoá công ty là một yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Nếu công ty xây dựng được văn hoá làm việc văn minh, lịch sự thì tiếng ồn sẽ không phải là một vấn đề quá lớn.
Nếu công ty xây dựng được văn hoá làm việc văn minh và lịch sự, tiếng ồn sẽ không phải là một vấn đề quá lớn đối với nhân sự
Mặc cho những biến động liên tục của thị trường lao động, các doanh nghiệp hiện nay đang bắt đầu đối mặt với một “làn sóng” mới khi hàng loạt nhân sự chủ động rời bỏ công việc của mình. Thực chất, tình trạng nghỉ việc sau Tết Nguyên Đán đã diễn ra trong nhiều năm gần đây, thậm chí phổ biến đến mức mọi người vẫn hay truyền tai nhau “Tháng 3 là mùa nhảy việc”.
Anh Thái Trương - Recruitment Consultant cho biết: “Quan sát từ phía nhà tuyển dụng cho thấy sau Tết là khoảng thời gian mà nhiều cá nhân có xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm mới, bằng chứng là các group tuyển dụng nhận được rất nhiều đơn xin việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, nền tảng LinkedIn cũng đồng thời chứng kiến nhiều nhân sự chuyển sang trạng thái ‘open to work’ (tìm kiếm việc làm)”.
Đối với một môi trường có nhịp độ nhanh và thường xuyên có sự luân chuyển nhân sự như lĩnh vực Quảng cáo, anh Nguyễn Danh Thành - CEO tại một agency chuyên cung cấp dịch vụ quảng bá cho các thương hiệu thuộc khu vực Đại học Quốc gia (Thủ Đức) chia sẻ rằng bản thân luôn có sự tính toán và sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, bao gồm việc lên chiến lược sử dụng nhân sự ngắn hạn, thuê ngoài (outsource) hay liên kết với các đơn vị cung cấp giải pháp nhân sự để đối phó với “làn sóng” nghỉ việc sau Tết và tiết kiệm thời gian, công sức cho mỗi đợt tuyển dụng.
Trái với suy nghĩ của số đông về một thế hệ người trẻ năng động và sáng tạo, không ít Gen Z ngày nay chọn cho mình lối sống “lowkey” và gần như ẩn danh trên môi trường trực tuyến. Họ không cập nhật trạng thái trên mạng xã hội, không tương tác hay bình luận dưới các bài đăng của bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là không để ảnh đại diện.
Mức độ hoạt động trên mạng xã hội có phải là một thước đo để đánh giá hiệu suất làm việc của nhân sự?
Từ đó, một nghịch lý dở khóc dở cười đã diễn ra nơi công sở, đặc biệt trong môi trường Truyền thông - Quảng cáo, khi cấp quản lý thuộc thế hệ millennials lại là những người năng nổ nhất trên mạng xã hội, hiện diện trên mọi nền tảng và thường xuyên “bắt trend” giới trẻ, còn tài khoản cá nhân của các nhân viên Gen Z lại không khác gì một… “nick ảo”.
Từ góc nhìn của bản thân, các nhân sự có những suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Cùng tìm hiểu bài viết chi tiết tại đây!
Không chỉ “khổ tâm” với deadline, đôi khi các nhân sự còn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cách hành xử nơi công sở. Trong đó, việc cả nể hưởng ứng những câu đùa hay “miếng joke nhạt” từ phía cấp trên đã khiến nhiều nhân sự gặp khó khăn. Không phản ứng thì có thể bị đánh giá là “không hòa nhập với môi trường tập thể”, nhưng hưởng ứng với những “miếng joke nhạt” thì lại phải “làm trái với lương tâm”.
Chị Huyền Trân - Marketing Executive nói rằng việc phải liên tục hưởng ứng sếp trong những chuyện đùa vui sẽ khiến nhân sự cảm thấy “bằng mặt không bằng lòng”, dễ tạo rào cản/khoảng cách giữa nhân sự và sếp: “Mình hoàn toàn đánh giá cao nỗ lực của sếp khi cố gắng kết nối với nhân sự qua những câu chuyện hài hước và tạo không khí vui vẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ phản tác dụng nếu sếp không cân nhắc bối cảnh, chủ đề, lời nói hay thái độ, khiến nhân sự cảm thấy tổn thương/xúc phạm, họ sẽ dần hình thành ấn tượng không tốt và dè chừng sếp hơn thay vì hưởng ứng để gắn kết mối quan hệ.”
Vậy phương án nào để nhân sự thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này? Khám phá các chia sẻ của nhân sự trong bài viết sau!
Tái cấu trúc nhân sự là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty có quy mô vừa và nhỏ. Bởi lẽ, quá trình này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả của tổ chức, đồng thời cũng tạo ra cơ hội để công ty mang về những tài năng và ý tưởng mới. Hiện tượng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như công ty đổi chủ đầu tư, doanh nghiệp chuyển hướng phát triển hoặc mở rộng phân mảng kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp,...
Quá trình "thay máu" sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả của các công ty, đồng thời mang lại cơ hội phát triển về mặt nhân sự
Bên cạnh đó, quá trình “thay máu” cũng có thể diễn ra ở một quy mô nhỏ hơn, khi công ty có sự thay đổi về cấp quản lý, dẫn đến những chuyển biến về mặt nhân sự của phòng ban, đội ngũ. Trong trường hợp này, người sếp mới thường chọn cách đưa nhân sự từ nơi làm việc trước đó về công ty, hoặc tuyển thêm nhân viên.
Chị Sam My - Content Producer chia sẻ: “Khi thay quản lý mới, nhân sự cũ sẽ có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, chẳng hạn như nỗi sợ bị thay thế, cảm thấy không thoải mái để mở lòng, thậm chí còn có trường hợp ‘chống đối’ và chia bè kết phái. Trước đây, mình từng gặp khó khăn khi kết hợp với đội ngũ cũ vì khác biệt trong phong cách làm việc. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thích ứng văn hóa và môi trường công ty, điều này không còn là vấn đề đối với mình nữa.”
Vậy liệu “thay máu” nơi công sở có thật sự đáng sợ? Nhân sự nên đón nhận thông tin này như thế nào? Tìm hiểu ngay qua bài viết sau!
Theo thống kê vào năm 2020 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trung bình mỗi ngày, tổng thời gian người lao động có thể tiêu tốn do kẹt xe là 1 tiếng 22 phút. Có thể thấy, kẹt xe đã trở thành một trong những nỗi khổ hàng đầu mà các nhân sự đi làm xa phải đối mặt. Theo chị Anh Thư - Copywriter Executive tại Anymind Vietnam: “Hành trình đi làm của mình không bao giờ tránh khỏi hiện tượng kẹt xe miên man, vượt qua khúc kẹt này thì đến khúc kẹt khác. Có những hôm kẹt quá, mình phải đeo tai nghe để tham gia cuộc họp chứ không biết bao giờ mới được ‘giải thoát’ khỏi đám đông. Mấy hôm có feedback gấp, mình đành tấp xe vào quán cà phê gần nhất để sửa bài.”
Nhiều nhân sự đi làm như… “đi phượt”
Với muôn vàn cái khó khi đi làm xa như tắc đường, ngập lụt, hư xe, bể bánh,... các nhân sự cũng đã nhiều lần cảm thấy chán nản và từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Chị Nam Phương - Junior Copywriter tại Mekong Communications chia sẻ, mỗi cuộc hành trình đến công ty có thể tiêu tốn 50% năng lượng làm việc: “Mình đi làm cũng được kha khá công ty rồi, nhưng chỗ nào cũng xa nhà 13km trở lên. Nếu tối hôm trước thức khuya chạy deadline, sáng hôm sau có cuộc họp lúc 10h mà đến 9h15 mình mới tỉnh dậy, thì mình sẽ bắt đầu nghĩ xem có thật sự cần công việc này không.”
Khoảng cách từ nơi sinh sống đến nơi làm việc được xem là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhân sự cân nhắc và lựa chọn công việc. Tuy nhiên, bên cạnh khoảng cách, cơ hội phát triển và niềm vui khi được làm công việc yêu thích vẫn là điều kiện tiên quyết đối với một số nhân sự. Vậy nhân sự có nên vì quãng đường di chuyển mà bỏ lỡ cơ hội tìm được công việc yêu thích?
Cùng khám phá “tất tần tật” bài viết thuộc chuyên mục AdOffice để tìm hiểu về cuộc sống của người lao động!
© Advertising Vietnam - All rights reserved