National Geographic (Nat Geo) là kênh truyền hình, tạp chí về thiên nhiên, khoa học, lịch sử và khám phá nổi tiếng tại nước Mỹ. Sau nhiều thập kỷ lên sóng, National Geographic vẫn giữ được “sức nóng” và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới với nhiều chiến dịch truyền thông xã hội nhân văn. 


Trước thực trạng báo Cheetah (hay còn gọi là báo gêpa, báo săn) trưởng thành chỉ còn ít hơn 7.000 con trong tự nhiên và đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn buôn lậu, mới đây National Geographic vừa ra mắt một chiến dịch truyền thông xã hội mang tên #ThinkBeforeYouLike


Mục tiêu của chiến dịch là giáo dục mọi người cách bảo vệ báo Cheetah khỏi tình trạng buôn bán trái phép trên mạng xã hội. Bằng cách đăng tải nhiều nội dung trên trang web và các trang mạng xã hội bao gồm Instagram, Snapchat và TikTok, chiến dịch #ThinkBeforeYouLike của National Geographic đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người và thúc đẩy họ tham gia phong trào bảo vệ loài báo. 



Những chú báo Cheetah được xem là thú cưng là của những người giàu tại các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Rất nhiều hình ảnh về báo Cheetah bên cạnh những chiếc Lamborghini và Rolls-Royces, hoặc đang tạo dáng với chủ nhân của chúng tại những nơi sang trọng được chia sẻ trên mạng xã hội. 



Hình ảnh báo Cheetah được chia sẻ trên Instagram


Rachael Bale, tổng biên tập mảng động vật tại National Geographic, cho biết: “Khi một người chia sẻ một bức ảnh chụp với chú báo Cheetah - ‘thú cưng’ của họ lên mạng xã hội, bài đăng đó sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Nhưng không ai biết rằng, không có loài báo Cheetah nào được bán để làm vật nuôi, chúng đều bị ‘đánh cắp’ từ tự nhiên một cách bất hợp pháp.”


“Mọi người nhìn thấy bức ảnh một người nào đó đang chơi đùa với một chú báo Cheetah trên Instagram và nghĩ ‘dễ thương quá’ sau đó thích hoặc chia sẻ nó. Hành động thích và chia sẻ những bài đăng như vậy sẽ khuyến khích nhiều người muốn có báo Cheetah để nuôi hơn. Ý tưởng #ThinkBeforeYouLike của chiến dịch nhằm nhắc nhở mọi người dừng lại một giây và suy nghĩ về những gì họ đang nhìn thấy trước khi quyết định thích một bức ảnh. Đây cũng là điều mà mọi người có thể làm để giúp ngăn chặn nạn buôn bán báo Cheetah”, Rachael Bale chia sẻ thêm.


Bài đăng của Nat Geo hướng dẫn mọi người bảo vệ báo Cheetah


Patricia Tricorache, nhà nghiên cứu của Đại học Bang Colorado, người theo dõi hoạt động buôn bán báo Cheetah bày tỏ: “Mọi người cần hiểu rằng việc ‘thích’ các bài đăng như vậy sẽ khuyến khích nạn buôn bán động vật hoang dã. Những phản hồi tích cực trên mạng xã hội sẽ thúc đẩy mọi người chia sẻ nhiều ảnh hơn, điều này có thể làm bình thường hóa quyền sở hữu báo Cheetah hoặc khiến người khác cũng nghĩ đến việc có được một bức ảnh tương tự”.


Chiến dịch còn đi kèm với một gói tính năng mới từ Nat Geo, bao gồm bài viết trình bày chi tiết về con đường buôn lậu báo Cheetah lớn nhất trên thế giới và một tập podcast thảo luận tình trạng buôn bán báo Cheetah làm vật nuôi tại châu Phi và bán đảo Ả Rập - một hoạt động bất hợp pháp đã bùng nổ do các phương tiện truyền thông xã hội. 


Theo Adweek, Nat Geo

Tâm Thương | Advertising Vietnam