Nhằm mở rộng khả năng kết nối với cộng đồng khiếm thính, Snapchat đã hợp tác cùng SignAll (nhóm các nhà phát triển, thiết kế chuyên tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính) ra mắt các fingerspelling lenses (tạm dịch: ống kính viết chính tả bằng ngón tay).


Cụ thể, ứng dụng đã kết hợp công nghệ AR (Augmented Reality - Thực tế Tăng cường), các bộ lọc trực tiếp (live filter) và các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên để chuyển các ngôn ngữ ký hiệu thành các chữ cái. Qua đó, người dùng khiếm thính có thể giao lưu, kết nối với bạn bè một cách dễ dàng hơn. Các filter đã được ra mắt bao gồm Randomizer Fingerspelling, Random Words, ASL Alphabet và Fingerspell Username.


4 filter hỗ trợ người khiếm thính đã được ra mắt trên Snapchat


Chiến dịch được lấy cảm hứng từ hai bộ phim được đề cử giải Oscar là CODA (Child of deaf adults - Con cái của người khiếm thính) và Audible. Trong đó, CODA có sự góp mặt của dàn diễn viên chính là người khiếm thính đã nhận được ba đề cử Oscar gồm Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Còn Audible của Netflix nhận được đề cử Oscar cho hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất.


Chiến dịch được lấy cảm hứng từ hai bộ phim được đề cử giải Oscar


Đoạn phim quảng bá chiến dịch đã được thực hiện bởi bộ đôi đạo diễn nhà Mercadante - Daniel và Katina. Video mô tả những người khiếm thính trải nghiệm những bộ lọc trực tiếp mới của Snapchat sẽ được phát sóng tại Lễ trao giải Oscar diễn ra vào ngày 27/03 để ủng hộ hơn 400 triệu người khiếm thính trên khắp thế giới.



Nỗ lực này là một phần trong sứ mệnh "mở rộng sự đồng cảm thông qua giáo dục" của Snapchat. Công ty cho biết hiện tại có hơn 200 triệu người dùng tương tác với AR hàng ngày. Bằng việc tận dụng và đổi mới Snap Camera cũng như công nghệ AR, Snapchat mong muốn hỗ trợ và khuyến khích người khiếm thính giao lưu trên nền tảng.


Kim Ngọc / Advertising Vietnam