Mới đây, nền tảng tiếp thị Affise đã thiết lập danh sách về "Chỉ số khả năng tiếp cận mua sắm trực tuyến" của một số nhà bán lẻ trên thế giới như Chanel, H&M, IKEA, Visa,... Theo đó, Apple - công ty dẫn đầu "Những thương hiệu có giá trị nhất" của Forbes lại chỉ xếp hạng 12 trong danh sách này.


Kể từ sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có xu hướng phụ thuộc vào Internet để mua sắm trực tuyến. Do đó, nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn đã liên tục cải tiến trang web mua hàng nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, đặc biệt là những người khiếm thị, khiếm thính và bị hạn chế về nhận thức.


Các thương hiệu nỗ lực cải tiến trang web để phục vụ trải nghiệm của những khách hàng khiếm thị, khiếm thính,...


Để xác định trải nghiệm người dùng và xếp hạng các trang web mua hàng trực tuyến của một số nhà bán lẻ trực tuyến phổ biến nhất toàn cầu, Affise đã sử dụng Công cụ phát triển web (Chrome DevTools) và Công cụ đo lường chất lượng trang web (Lighthouse) của Google. Google Lighthouse sẽ tính các yếu tố như tiêu đề, màu sắc, văn bản,... mà thương hiệu sử dụng trên trang web, và DevTools có tác dụng theo dõi một cách hiệu quả các vấn đề về bố trí để có thể giảm thiểu các vấn đề đó trong phần mềm, đặt các điểm dừng JavaScript và có được hiểu biết để tối ưu hóa cho code. Từ kết quả đó, nền tảng sẽ đưa ra một số phương pháp cải thiện trang web để thân thiện với người dùng và cuối cùng là cải thiện doanh số bán hàng trực tuyến, lợi nhuận của họ.


Bảng xếp hạng mức độ tiếp cận của các trang web mua sắm trực tuyến


Nhà cung cấp Dịch vụ tài chính Visa đã trở thành thương hiệu trực tuyến dễ tiếp cận nhất thế giới. Theo Google Lighthouse, trang web của Visa chỉ có một lỗi hỗ trợ truy cập và 13 cảnh báo trên web, cho thấy sự đầu tư và quan tâm đến trải nghiệm của những khách hàng khuyết tật. Một điều thú vị là Apple - công ty đứng đầu danh sách "Những thương hiệu có giá trị nhất" của Forbes lại chỉ xếp hạng 12 trong danh sách này. Được biết, các yếu tố trên trang web chính của Apple có thể gây ra các vấn đề về khả năng truy cập trang web của người dùng khuyết tật.


Bảng xếp hạng khả năng tiếp cận trang web mua sắm trực tuyến


Head & Shoulders dẫn đầu bảng xếp hạng khả năng tiếp cận trang web mua sắm trực tuyến của ngành hàng làm đẹp


Ở bảng xếp hạng này, thương hiệu dầu gội Head & Shoulders đã dẫn đầu với số điểm là 98. Trang web không có lỗi tiếp cận nào, cho thấy sự quan tâm và đầu tư về tính thân thiện với người dùng của thương hiệu. Xếp hạng nhì là thương hiệu mỹ phẩm Olay với 0 lỗi tiếp cận và 33 vấn đề cần chỉnh sửa. Tập đoàn P&G xếp hạng 9 với 84 điểm.


Chanel và H&M dẫn đầu các trang web thời trang


Đứng đầu danh sách về thời trang là Chanel, với số điểm đáng kinh ngạc là 100 cùng 6 lỗi về khả năng truy cập và 15 cảnh báo. Điều này đã đặt thương hiệu cao cấp này vững chắc ở vị trí dẫn đầu, trở thành một ví dụ về cách thiết kế trang web hướng đến lợi ích của tất cả những người mua sắm trực tuyến.


Trang web của Chanel


Vào năm 2021, H&M là thương hiệu dẫn đầu bảng xếp hạng về khả năng truy cập của ngành thời trang. Tuy nhiên, năm nay thương hiệu đã xếp hạng 2 với 43 lỗi tổng thể. Bên cạnh đó, trang web của Gucci được đánh giá là sử dụng quá nhiều màu sắc, có thể gây khó đọc đối với những người bị mù màu, nhận về tổng điểm là 60/100.



Costa là trang web nhà hàng dễ tiếp cận nhất


Nhiều người dùng có nhu cầu truy cập trang web để nghiên cứu thực đơn của một nhà hàng hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống trước khi ghé thăm. Vì thế, một trang web rõ ràng và dễ theo dõi là điều cần thiết. Với số điểm 99/100, chuỗi cửa hàng cà phê của Anh - Costa đã dẫn đầu bảng xếp hạng trang web nhà hàng dễ tiếp cận nhất. Các thương hiệu thức ăn nhanh KFC và Jollibee lần lượt xếp hạng 4 và 5. Thương hiệu lẩu nổi tiếng Haidilao đặt chân tại vị trí thứ 16.



Accenture đứng đầu danh sách trang web công nghệ dễ tiếp cận nhất


Bảng xếp hạng cuối cùng là các trang web công nghệ thân thiện với người dùng. Chiếm lĩnh vị trí đầu tiên chính là Công ty Tư vấn Accenture với số điểm là 99. Chỉ với 52 lỗi tổng thể, trang web chỉ cần điều chỉnh một chút để trở nên thuận tiện và dễ truy cập nhất có thể.


Đạt 98 điểm và theo sát ở vị trí thứ hai là gã khổng lồ máy tính Dell Technologies. Tuy trang web của Dell chỉ có 17 lỗi trợ năng nhưng tính thân thiện với người dùng vẫn còn hạn chế ở bảng màu, phông chữ đậm lớn,...



Các thương hiệu cần lưu ý điều gì để cải thiện khả năng truy cập trang web?


Hiện nay, có khoảng 30 triệu người mù màu trên khắp Châu Âu và khoảng 300 triệu người trên thế giới bị thiếu thị lực màu. Do đó, các thương hiệu cần hạn chế việc phối màu ở mức tối thiểu, đồng thời bổ sung các văn bản thay thế vào hình ảnh sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.


Cũng như màu sắc, độ tương phản cũng cần được quan tâm. Có hàng triệu người cực kỳ nhạy cảm với độ tương phản màu trên khắp thế giới. Đó là những người mắc các bệnh như tăng nhãn áp, bệnh võng mạc tiểu đường và viêm võng mạc sắc tố. Vì thế, nếu một trang web có nền trắng sáng và phông chữ màu đỏ sặc sỡ, những người nhạy cảm với sự tương phản màu sắc sẽ phải bỏ qua.


Đối với những người dùng bị suy giảm thị lực, các thương hiệu có thể bổ sung tùy chọn phóng to phông chữ trên trang web, khiến việc điều hướng đến các trang khác nhau trở nên mượt mà hơn. Tương tự, nếu có nhiều văn bản trên trang web, chẳng hạn như các đoạn văn dài, chúng có thể gây khó khăn cho việc điều hướng đối với những người có chứng khó đọc. Các thương hiệu cần đảm bảo rằng nội dung ngắn gọn và linh hoạt.


Theo Affise

Kim Ngọc / Advertising Vietnam