Với khối lượng công việc khổng lồ, áp lực lớn và “văn hóa hối hả” (Hustle Culture), nhiều nhân sự tại các agency thường xuyên chịu cảnh “quá tải”. Bởi lẽ đó, họ hay than vãn về công việc, thậm chí luôn thể hiện mong muốn được “dứt áo ra đi”. Tuy nhiên, với nhiều người, chuyện nghỉ việc vẫn chỉ là ý tưởng chưa thể thực thi.


Muôn vàn lý do để quyết định từ bỏ


Trong một môi trường sáng tạo và đổi mới liên tục như agency, nhân sự có thể học hỏi được nhiều điều, song đi kèm với đó là số lượng công việc dày đặc, áp lực cao khiến nhiều người dễ chán nản và cảm thấy bị quá sức. 


Với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều nhân sự tại các agency thường xuyên than vãn trước tình trạng “quá tải”


Theo chị Trà Giang - PR Intern tại IT Promotion of HCA, đa số người đang làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đều còn trẻ và đặt quyết tâm dấn thân vào con đường agency để có thể được “trui rèn - thử lửa”. Tuy nhiên, khối lượng và nhịp độ công việc ở đây thì không phải ai cũng phù hợp và kham nổi. 


“Trong agency, hẳn ai cũng sẽ mang suy nghĩ và tâm thế sẵn sàng thức suốt mấy đêm khi dự án vào mùa cao điểm hoặc gần đến hạn bàn giao, thậm chí ‘hy sinh’ ngày nghỉ cuối tuần để có thể hoàn thành công việc. Trong công ty cũ của mình, một số chị Account Manager tuy rất giỏi nhưng đã phải chấp nhận rời ‘cuộc chơi agency life’ để điều trị thoát vị đĩa đệm hay cổ vai gáy” - chị chia sẻ.


Còn với anh Thiên Long - PR & Social Media Executive, môi trường khắc nghiệt tại agency đã lấy đi rất nhiều thời gian dành cho bản thân: “Mình thường xuyên bị ‘quá tải’ với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều lần muốn bỏ ngang nhưng cuối cùng lại tiếp tục mắc kẹt trong tình trạng ‘burn-out’ suốt nhiều tháng. Có những lúc nhìn vào gương, mình chẳng nhận ra nổi mình”.


“Mình thường xuyên bị ‘quá tải’ với khối lượng công việc khổng lồ, nhiều lần muốn bỏ ngang nhưng cuối cùng lại tiếp tục mắc kẹt trong tình trạng ‘burn-out’ suốt nhiều tháng”, anh Thiên Long chia sẻ


Không ít nhân sự tại các công ty và agency hiện nay thường xuyên gặp tình trạng chán nản với công việc. Những bất mãn và suy nghĩ muốn từ bỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mức lương không đáp ứng nhu cầu, áp lực công việc cao, không phù hợp với văn hóa tổ chức và môi trường làm việc,… Nhìn chung, tất cả những lý do trên đều có xuất phát điểm từ 2 lý do chính: khách quan từ phía công ty và chủ quan từ bản thân nhân sự.


Chị Tracy - PR Manager cho biết: “Nghỉ việc cũng giống như cắt đứt mối quan hệ nào đó. Nếu xuất phát từ phía công ty, mình nghĩ rằng có nhiều hơn một lý do khiến nhân sự không còn muốn gắn bó. Có thể là chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng, hoặc dễ thấy nhất là tổ chức chưa hoặc không ghi nhận sự cố gắng của nhân sự.


Còn về phía bản thân, cũng có vô vàn lý do để nhân sự nhiều lần ‘nâng lên đặt xuống’ quyết định nghỉ việc. Đó có thể là định hướng phát triển của tổ chức và nhân sự không còn cùng đường. Đôi khi là do sức khỏe báo động, nhân sự không cảm thấy được tôn trọng, nhân sự không công nhận khả năng của leader, các team không phối hợp cùng nhau để thúc đẩy kết quả nên gây chán nản và hiểu lầm…”


Đối với chị Trà Giang, một số nhân sự có dự định nghỉ việc do mong muốn trải nghiệm nhiều hơn, được thử sức ở những chân trời mới. Ngoài ra, cũng có trường hợp nhân sự liên tục “nhảy việc” vì không thể xác định được mong muốn, động lực giúp bản thân phát triển ở nơi làm hiện tại.


“Kể khổ” triền miên, nhưng chưa thể nghỉ việc


Bất mãn là thế, nhưng nhân sự tại các agency cũng không thể “muốn đi là đi”, bởi vẫn còn đó những rào cản khiến chuyện nghỉ việc mới chỉ là ý tưởng. Trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp nhân sự có thể bám trụ với công việc trong khoảng thời gian dài dù thường xuyên đòi nghỉ việc, thậm chí thời gian gắn bó của họ có thể lên đến 5 - 10 năm đối với các nhân sự bậc trung và cấp quản lý.


Với chị Phương Uyên - Content Writer tại Novaon Digital, việc chưa tìm kiếm được một môi trường mới phù hợp, cũng như chưa chuẩn bị đủ tài chính để duy trì cuộc sống “thất nghiệp” là những lý do khiến chị không thể quyết định từ bỏ công việc ngay lập tức. Còn đối với chị Trà Giang, nỗi e dè bị dán nhãn là job-hopper (người hay “nhảy việc”), nỗi ám ảnh thất bại, sợ sẽ không tìm được nơi khác tốt hơn,… sẽ khiến nhân sự phải “chùn bước” trước quyết định nghỉ việc.


Chị Trà Giang cho rằng khối lượng và nhịp độ công việc ở agency chỉ dành cho những người thật sự bền bỉ và kiên cường


Bên cạnh những lý do chủ quan, rào cản trì hoãn chuyện nghỉ việc còn có thể xuất phát từ phía các công ty hoặc môi trường làm việc. Từng chính thức nộp đơn xin thôi việc nhưng vẫn quyết định tiếp tục gắn bó với công ty sau cuộc trò chuyện cùng cấp trên, chị Phương Uyên chia sẻ: “Mình có một khoảng thời gian chán nản và hoài nghi về năng lực của bản thân khi công việc liên tục không như ý. Mình muốn xin nghỉ để lắng nghe mong muốn của chính mình, cũng như dành thời gian trau dồi kiến thức. Tuy đã nộp đơn cho sếp, nhưng mình lại không được thông qua. Sếp cho mình một tuần ‘xả hơi’ để đi du lịch, thư giãn, sạc lại năng lượng đã tiêu hao hết cho những công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày. Sau thời gian nghỉ ngơi, mình tiếp tục quay trở lại làm việc với thanh năng lượng đã được bơm đầy.”


Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định “đi hay ở” của nhân sự. Chị Phương Uyên chia sẻ về trải nghiệm của một người bạn làm Account đã từng nhiều lần muốn từ bỏ công việc do căng thẳng dồn nén, liên tục “gánh” áp lực giữa “đội nhà” và client. Tuy vậy, do yêu mến đồng nghiệp và văn hoá công ty nên chị không muốn nghỉ vì sợ không thể tìm được một môi trường thứ hai giống như hiện tại.


Chị Trà Giang cũng bày tỏ: “Với những người xem trọng sự gắn kết và tình thân như mình thì đồng nghiệp cũng là một trong những lý do khiến mình chưa thể quyết định nghỉ. Bên cạnh đó là một chút tiếc nuối với công sức mình đã bỏ ra vì công ty. Đối với mình, những nơi mình đã gắn bó, mình đều thật sự xem như ngôi nhà thứ hai vì thời gian mình dành ra cho công ty còn nhiều hơn ở nhà hay trường học.”


Sáng suốt trước quyết định "đi hay ở"


Mặc dù tồn tại nhiều ý kiến về chuyện bình thường hóa xu hướng “nhảy việc” trong thời đại hiện nay, nghỉ việc vẫn là một quyết định quan trọng được các nhân sự cân nhắc kỹ lưỡng. Đối với chị Phương Uyên, một khi đã đưa ra quyết định nghỉ việc, có nghĩa rằng chị đã gom đủ nỗi thất vọng về nơi làm việc đó: “Khi một vấn đề nào đó xảy ra, mặc dù đã cố gắng xử lý và làm cho nó dịu bớt, nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để, mình mới nghĩ đến việc rời đi”.


"Trước khi nghỉ việc, thứ mình cần là một tâm hồn không chấp niệm và một chiếc túi không rỗng”, chị Tracy chia sẻ


Theo chị Trà Giang, dù là nghỉ việc theo kế hoạch (do có định hướng và con đường khác) hay nghỉ việc bất khả kháng (do mâu thuẫn nội bộ), nhân sự cũng cần ý thức trách nhiệm và chia sẻ đúng chuyện - đúng người: “Thời điểm ra đi cũng khá nhạy cảm và cần được cân nhắc kỹ, bởi không ai muốn bị đồng nghiệp ‘bỏ rơi’ giữa lúc bộn bề hay vào mùa cao điểm.”


Cũng có những nhân sự tự đặt ra một bộ nguyên tắc để bản thân không phải hối hận vì bất cứ lựa chọn nào. Với chị Tracy, những nguyên tắc đó bao gồm: không đưa ra quyết định trong lúc nóng giận, vào buổi tối và khi trạng thái tinh thần đang dễ bị xáo trộn.


“Trước khi lên kế hoạch cho cú nhảy việc, mình sẽ xem lại số dư tài khoản và số tiền tiết kiệm. Kế đó, mình xác lập mục tiêu sẽ làm gì sau khi nghỉ việc, tìm ngay việc mới hay tạm thời nghỉ ngơi. Nếu muốn tìm ngay việc khác thì cần tự thiết lập trong đầu: làm gì, với ai, công ty nào, như thế nào… cũng giống như tìm insight khách hàng. Còn nếu mệt quá rồi thì cứ mạnh dạn nghỉ, không có gì thiếu sáng suốt khi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của bản thân. Tổng kết lại, trước khi nghỉ việc, thứ mình cần là một tâm hồn không chấp niệm và một chiếc túi không rỗng” - chị Tracy chia sẻ.


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai