“Flex công ty tuyệt vời nhất tôi từng làm”, “Một ngày đi làm tại công ty” hay “Thâm cung bí sử chốn công sở” không còn là những tiêu đề quá hiếm gặp trên mạng xã hội ngày nay. Khi nguồn nhân lực chính tại các doanh nghiệp đang dần được trẻ hoá và “chiếm sóng” bởi Gen Z, trào lưu review công ty qua các nội dung giải trí lấy cảm hứng từ đời sống văn phòng cũng theo đó “bùng” lên mạnh mẽ, trở thành chiến lược employer branding thu hút nhân tài được ưa chuộng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, với các nhân sự hướng nội, việc phải trở thành “diễn viên bất đắc dĩ”, xuất hiện công khai trong các “tiểu phẩm” PR cho công ty đã trở thành một nỗi ám ảnh trong môi trường công sở.
Không đơn thuần chỉ là một hoạt động “làm cho vui”
Từ những nội dung do người dùng tự sáng tạo trên mạng xã hội, trào lưu review công ty hay đăng tải nội dung hài hước về môi trường công sở đang ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng. Anh Vinh Phan - Senior Marketing Executive cho biết xu hướng này có thể xuất phát từ việc Gen Z đang trở thành lực lượng lao động tiềm năng của các công ty trong tương lai. Vì thế, việc tiếp cận nhóm đối tượng này thông qua các nội dung giải trí trên TikTok - nền tảng có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với họ chính là một cách để các doanh nghiệp thu hút nhân tài.
“Công ty nơi mình làm việc có văn hoá nội bộ khá thú vị với nhiều chương trình và hoạt động vào mỗi dịp sự kiện, lễ, Tết. Kênh TikTok công ty cũng chính là nơi để nhân sự lưu giữ, tạo nên những khoảnh khắc vui vẻ với nhau, từ đó góp phần lan toả văn hoá công ty và thu hút thêm nhiều bạn trẻ ứng tuyển. Theo quan sát của cá nhân mình, chiến lược này thật sự có hiệu quả bởi phần lớn những bạn intern khi mới vào team đều tiết lộ rằng họ biết đến và cảm thấy hứng thú với công ty là nhờ những content ‘tiểu phẩm’ trên TikTok”, anh cho biết thêm.
Tính giải trí, văn hoá công ty và sự gắn kết của nhân sự là những yếu tố thường được chú trọng trong nội dung các kênh TikTok nội bộ của doanh nghiệp
Khi kênh TikTok nội bộ được sử dụng như một chiến lược xây dựng hình ảnh công ty, hoạt động này đôi khi không hoàn toàn tự phát hay đơn thuần chỉ là “làm cho vui” mà thay vào đó, được lên kế hoạch nội dung và sản xuất một cách bài bản. Chị V. - Former Copywriter tại một agency đang sở hữu kênh TikTok với hơn 5 nghìn follower chia sẻ: “Ngày trước khi mình còn làm ở công ty, các task liên quan đến việc quay TikTok nội bộ thường sẽ do team production in-house phụ trách chính và công việc sẽ được phân chia rõ ràng cho từng team. Cụ thể, team script writer sẽ lên kịch bản cho video trước 1 tuần, sau đó thì team production sẽ tiến hành quay, hậu kỳ và đăng tải theo tần suất 2-3 video mỗi tuần.”
Chị V. cho biết, dù chỉ là content giải trí nội bộ hay "tiểu phẩm" ngắn 10 giây, công ty chị vẫn có sự đầu tư nhất định cho quá trình lên kịch bản và sản xuất
Nhân sự hướng nội áp lực vì phải “gồng mình” đóng tiểu phẩm
Bên cạnh việc đầu tư chỉn chu vào kịch bản và quá trình sản xuất, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một content giải trí dùng để PR cho công ty còn đến từ chính các nhân sự - những người đóng vai trò như "diễn viên chính" tạo nên tính chân thật và gần gũi trong mỗi video clip. Với những nhân sự hoạt bát và có năng khiếu pha trò, xuất hiện trong các clip nội bộ để PR cho công ty vốn không phải là một việc quá khó khăn, thậm chí đây còn là “sân khấu” giúp họ toả sáng và trở nên nổi bật hơn trong mắt người khác. Thế nhưng, với các nhân sự hướng nội và e ngại máy quay, đây có thể là một “cơn ác mộng".
Là một người hướng nội “chính hiệu” trên mạng xã hội, Như Trần - Media Assistant bày tỏ: “Mình là người rất hạn chế trong việc xuất hiện trên mạng xã hội, kể cả trên Facebook cá nhân. Vì thế, khi nhận được yêu cầu xuất hiện trên kênh TikTok của công ty, dù chỉ là một đoạn video ngắn vỏn vẹn 10 giây nhưng cũng khiến mình đắn đo và có phần… sợ hãi. Ban đầu, mình cũng có ý định từ chối nhưng vì đồng nghiệp quá nhiệt tình nên mình cũng quyết định tham gia vì không muốn bầu không khí trong công ty trở nên khó xử. Kết quả, đoạn video clip đó nhận về lượt tương tác khá tốt và mình tiếp tục ‘được’ nhờ vả, thường xuyên trở thành diễn viên bất đắc dĩ cho kênh TikTok công ty. Điều này trở thành một áp lực rất lớn đối với mình một thời gian dài sau đó”.
Xuất hiện trước đám đông là một trong những nỗi sợ lớn nhất của người hướng nội
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Vinh Phan kể về trải nghiệm của mình: “Mình và một số đồng nghiệp thân thiết thường có thói quen ghi lại và đăng story những khoảnh khắc #agencylife. Thế là tụi mình vô tình ‘lọt vào mắt xanh’ của các nhân sự đang đảm nhận kênh TikTok của công ty và thường xuyên được khuyến khích 'đóng tiểu phẩm'. Trái ngược với cảm xúc vui vẻ khi được ‘bung xoã’ trên trang cá nhân, việc phải xuất hiện ở một nơi công khai và được nhiều người tiếp cận lại khiến mình cảm thấy khá khó chịu. Mình nhận ra rằng bản thân chỉ có thể ‘hướng ngoại’ với những người thân thiết, còn khi được yêu cầu đóng ‘tiểu phẩm’ theo kịch bản có sẵn của công ty, mình không còn tương tác với mọi người một cách tự nhiên và vui vẻ nhất nữa”.
Chị V. cũng chia sẻ rằng, không chỉ riêng nhân sự hướng nội hay hướng ngoại, việc sử dụng thời gian trong ngày để quay TikTok PR cho công ty cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu suất làm việc chung. “Mình không chắc lắm về việc chỉ có những nhân sự hướng nội bị ép quay video mới cảm thấy phiền, mà trên thực tế, những người không quay có thể cũng sẽ cảm thấy khó chịu đôi chút, nhất là ở các công ty làm việc trong văn phòng mở và ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc của nhân sự. Còn đối với cá nhân mình, nếu việc thực hiện video ở tần suất vừa phải, không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các task khác và không làm trong tâm thế bị ép buộc, mình vẫn rất sẵn lòng”, chị nói.
Ngoài nỗi lo khi xuất hiện trước đám đông, bị "chiếm dụng" thời gian làm việc chuyên môn cũng là lý do khiến các nhân sự né tránh việc ghi hình nội bộ cho công ty
Nên hay không việc từ chối tham gia hoạt động PR cho công ty vì… không phù hợp với tính cách?
Chia sẻ về lý do đằng sau quyết định đồng ý tham gia vào các clip PR cho công ty dù bản thân cảm thấy e ngại và có phần áp lực, chị Như Trần cho biết: “Đúng là mình có phần không thoải mái khi năng nổ xuất hiện trên kênh TikTok của công ty, nhưng bên cạnh đó, mình cũng phải công nhận rằng những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích cho việc tuyển dụng mà còn khiến cho môi trường làm việc trở nên gắn kết và gần gũi hơn. Khi môi trường làm việc của công ty trở nên tích cực thì mỗi ngày đi làm của mình cũng sẽ vui vẻ và chất lượng hơn. Ngoài ra, các nhân sự xây kênh TikTok cho công ty mình đa phần đều làm việc với tâm thế tích cực và thái độ rất thiện chí. Họ không bắt ép hay 'đe doạ 'mình xuất hiện mà chỉ đơn giản là khuyến khích, nhờ vả và đôi khi là… mua chuộc bằng những kèo ăn uống thân thiết. Do đó, mình nghĩ việc dẹp qua sự nhút nhát của bản thân và chui ra khỏi ‘vỏ ốc’ của chính mình để hoà nhập với mọi người cũng là điều nên làm”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng "từ chối tham gia các hoạt động employer branding có thể khiến cho các nhân sự hướng nội trở nên lu mờ và khó có khả năng tiến xa trong công việc so với những cá nhân năng nổ khác", đa phần các nhân sự tham gia phỏng vấn đều cho rằng điều này không hoàn toàn đúng bởi việc thăng tiến còn phụ thuộc vào thang đánh giá của từng công ty. Việc tham gia hoạt động lan toả văn hoá doanh nghiệp có thể là một điểm cộng giúp các nhân sự trở nên nổi bật hơn trong tập thể và gắn kết với đồng nghiệp, nhưng năng lực chuyên môn, hiệu suất và chất lượng công việc mới là những yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất cần được cân nhắc cho quyết định thăng tiến.
Việc tham gia các hoạt động lan toả văn hoá doanh nghiệp có thể là một điểm cộng, nhưng không phải là yếu tố quyết định đến đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên
“Nếu bạn ở môi trường mà chỉ đề cao chất lượng công việc thì việc bạn ít tham gia các cuộc vui cũng không sao. Nhưng ở những công ty đề cao các hoạt động hội nhập, tập thể thì cá nhân bạn cũng cần cân nhắc tham gia các hoạt động đó khi có thể, tuỳ vào việc được nhờ vả và tình hình bạn lúc đó có sẵn lòng giúp đỡ hay không. Tuy nhiên, nếu đó không phải là việc không nằm trong JD và SOW, nhân sự cũng không cần ép mình lúc nào cũng phải đồng ý khi chưa sẵn sàng”, chị V. đúc kết.
Nội dung: Thảo Vy
Minh hoạ: Huy Mai