Âm thanh được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như bài hát, lời thoại, nhạc nền,... Vì thế, audio content (nội dung âm thanh) đang ngày càng trở nên phổ biến với công chúng, trở thành một công cụ quan trọng trong marketing. Theo báo cáo Blog's 2022 Marketing Industry Trends của HubSpot với sự tham gia của hơn 1000 nhà tiếp thị ở 7 quốc gia khác nhau, 82% trong số họ đã lên kế hoạch tăng đầu tư vào podcast và các dạng nội dung âm thanh khác trong năm 2022.


Do đó, những nhà sáng tạo nội dung podcast (podcaster) đang có nhiều cơ hội tạo ra thu nhập bằng chính nội dung của họ. Dưới đây là 10 cách giúp podcasters tăng thu nhập do trang HubSpot gợi ý!


1. Kiếm tiền từ các nhà tài trợ


Một trong những nguồn thu nhập chính của kênh podcast đến từ các nhà tài trợ. Podcaster có thể hợp tác với các doanh nghiệp và thương hiệu bằng cách cho phép họ chạy quảng cáo trong chương trình. Chi phí sẽ tùy thuộc vào ngân sách của nhà quảng cáo và mức độ hiệu quả/nổi tiếng của chương trình, nhưng chi phí trung bình là CPM từ 10 đến 50 USD (cost per thousand impressions), và giá cao hơn sẽ dành cho những chương trình có lượng người nghe cao hơn.


Một podcast được thương hiệu tài trợ trên Spotify


Các podcast thường chia sẻ các bí quyết, thủ thuật, các cuộc phỏng vấn được tổ chức để thảo luận xung quanh một chủ đề nào đó. Nếu các thương hiệu, doanh nghiệp muốn áp dụng hình thức này vào chiến lược marketing, hãy tập trung vào một nội dung phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mình.


2. Trở thành nhà tài trợ cho một podcast khác


Điều này cũng giống như việc tìm kiếm các hợp đồng tài trợ, thế nhưng thay vì quảng cáo cho một thương hiệu hay doanh nghiệp thì podcaster sẽ quảng cáo cho một chương trình khác. 


3. Tham gia một mạng lưới quảng cáo


Để không phải mất thời gian tìm kiếm nhà tài trợ, các podcaster có thể tham gia các mạng lưới quảng cáo. Những agency trong mạng lưới sẽ có kết nối với các thương hiệu và công ty muốn quảng cáo trên podcast. Từ đó, họ có thể giúp các podcaster kiếm tiền từ nội dung của họ.


Một mạng lưới quảng cáo nổi tiếng là Midroll thuộc SXM Media. Hơn 800 thương hiệu đã làm việc với Midroll để mua các vị trí quảng cáo trên hơn 300 podcast. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm hiểu và kết nối với mạng lưới Podcast One, Megaphone hay AdvertiseCast để gia tăng thu nhập.


Mạng lưới quảng cáo Midroll thuộc SXM Media có thể hỗ trợ các podcaster tìm nhà tài trợ


4. Bán các sản phẩm liên quan đến podcast


Đối với những người yêu thích nội dung podcast, họ sẽ mong muốn sở hữu những vật phẩm như áo phông, nhãn dán hay các mặt hàng khác có in avatar hoặc tên của podcaster. 


5. Cung cấp nội dung có trả phí


Bên cạnh việc phát hành những nội dung cơ bản hằng tuần, các podcaster nên cung cấp những nội dung độc quyền có yêu cầu trả phí, đơn cử như các tập Hỏi & Đáp giữa podcaster và khán giả, các tập podcast không có quảng cáo, các cuộc phỏng vấn độc quyền hay quyền truy cập sớm vào các tập đã lên lịch. Việc mang đến nhiều quyền lợi cho người dùng sẽ khiến họ sẵn sàng chi hầu bao để ủng hộ podcaster.


Nội dung podcast trả phí trên Spotify


6. Phân cấp các nội dung trên podcast


Nếu muốn cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho người nghe, podcaster có thể cân nhắc đến việc phân cấp các nội dung theo cấp độ thành viên hoặc nội dung. Đơn cử như nếu là thành viên cấp thấp nhất, người nghe chỉ có thể truy cập vào những tập nội dung đơn giản. Tuy nhiên, nếu họ sẵn sàng chi trả một mức phí cao hơn, họ có thể nhận được nhiều quyền lợi khác như cơ hội nhận được các sản phẩm độc quyền, tham gia Hỏi & Đáp trực tiếp,... Điều này cũng tương tự như việc đăng ký các gói dịch vụ trên Netflix hay các nền tảng phát trực tuyến khác.


7. Chấp nhận các khoản đóng góp


Các khoản đóng góp (donation) từ người nghe cũng là một trong những nguồn thu nhập của podcaster. Nếu thính giả cảm thấy nội dung hữu ích và muốn tiếp tục nghe thêm từ podcaster, họ có thể nhấn vào các nút đóng góp trên chương trình podcast và trả một khoản phí bất kỳ.


Các khoản donate từ thính giả là một trong những nguồn thu nhập của podcaster


Các nhà sáng tạo nội dung có thể đăng tải các tập podcast thông qua các podcast hosting (hay còn được biết đến là nguồn cấp dữ liệu RSS), người dùng có thể tạo ra các đường link donate đính kèm trên Spotify hoặc Apple Music.


8. Sử dụng Affiliate Marketing


Theo một báo cáo của Forrester do Rakuten ủy quyền, 81% nhà quảng cáo và 84% nhà sáng tạo nội dung sử dụng liên kết tiếp thị (Affiliate Marketing). Hơn một nửa trong số họ nói rằng tiếp thị liên kết chiếm hơn 20% doanh thu hàng năm của họ. Do đó, Affiliate Marketing là chiến lược giúp các thương hiệu quảng bá sản phẩm hiệu quả, đồng thời mang đến thu nhập cho các podcaster. 


Các podcaster có thể tạo ra đường link liên kết đến một sản phẩm nào đó, chèn vào chương trình podcast và thu hút người nghe click vào đường link. Bằng cách dẫn người nghe đến các trang bán sản phẩm, podcaster sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới. Các khoản hoa hồng mà podcaster nhận được thường dao động từ 10 đến 50% giá thành sản phẩm, nhưng một số thỏa thuận tiếp thị liên kết có thể lên đến 70-80%.


9. Chia sẻ video hoặc bản ghi âm podcast lên YouTube


Sau khi phát sóng các tập podcast lên nền tảng, các nhà sản xuất nội dung có thể chia sẻ lại trên YouTube hoặc đầu tư ghi hình video. Về phần hình ảnh, podcaster có thể ghi hình người dẫn và khách mời cùng trò chuyện với nhau. 


Một buổi phỏng vấn của Advertising Vietnam với sự tham gia của anh Bình Phan - Founder Bold Creative Training Lab có trên YouTubeSpotify


Bằng việc mở rộng nội dung podcast lên kênh YouTube, podcaster có thể tăng thêm thu nhập bằng cách kiếm tiền từ lượt xem và tính năng quảng cáo.


10. Tổ chức các sự kiện ghi podcast trực tiếp


Sự kiện trực tiếp podcast có thể là một buổi ghi âm trực tiếp mà người nghe tham dự và xem trong thời gian thực. Do đó, podcaster có thể tạo doanh thu bằng cách bán vé tham dự sự kiện, tiếp theo là đăng tải tập podcast đó lên các nền tảng và tiếp tục kiếm tiền từ lượt xem và quảng cáo. Ví dụ như trên OnMic, đã có tính năng bán vé khi làm show.


Podcast là một thị trường tiềm năng dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Do đó, càng thu hút được nhiều khán giả, họ sẽ càng có thêm nhiều lượt nghe, lượt xem cũng như cơ hội kiếm thêm thu nhập cho bản thân.


Theo HubSpot

Kim Ngọc