Chiến lược marketing B2B có rất nhiều điểm khác biệt so với B2C. Nếu bạn vẫn gặp khó khăn hay thường nhầm lẫn giữa 1 trong 2 chiến lược, trước hết bạn nên hiểu cặn kẽ từng thứ một. 


Bài viết này sẽ cung cấp 10 chiến lược truyền thông mạng xã hội dễ tiếp cận nhất để giúp bạn nhanh chóng áp dụng với doanh nghiệp của mình. 


Thiết lập mục tiêu SMART


SMART tượng trưng cho Specific - Measurable - Attainable - Relevant - Time - Bound. Đây là thước đo mức độ thành công của một mục tiêu. Một chiến lược truyền thông mạng xã hội có KPI cụ thể sẽ giúp bạn biết cách đi đến chiến thắng. Mục tiêu của việc truyền thông mạng xã hội có thể là được nhiều người biết đến hoặc chuyển đổi được nhiều đối tượng tiềm năng thành khách hàng hơn. 


Doanh nghiệp phải biết rõ cụ thể điều mình muốn là gì rồi chuyển đổi chúng thành các KPI. Mỗi mục tiêu khác nhau sẽ cần sử dụng những chỉ số đo lường riêng. Ví dụ doanh nghiệp A muốn tăng độ nhận biết thương hiệu thì nên tập trung vào lượt tương tác và độ phủ sóng của bài. 


Dưới đây là một ví dụ về đặt mục tiêu theo mô hình SMART cho chiến lược truyền thông mạng xã hội.


Mục tiêu: Tăng độ nhận diện thương hiệu trên mạng xã hội

  • Specific (tính cụ thể): Đăng bài thường xuyên lên Facebook, Instagram và Tik Tok, 2 bài Facebook mỗi ngày, 3 bài Instagram mỗi ngày và 3 clip Tik Tok mỗi ngày.
  • Measurable (có thể đo lường được): Tăng 3% tỉ lệ tương tác trên mạng xã hội.
  • Attainable (tính khả thi): Tỉ lệ tương tác đã tăng lên 2% khi tăng tần suất đăng bài và nâng cao chất lượng nội dung vào tháng trước.
  • Relevant (tính phù hợp): Tăng tỉ lệ tương tác sẽ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn.
  • Time-bound (giới hạn thời gian): Cuối tháng này.
  • Mục tiêu SMART: Tăng tỉ lệ tương tác lên 3% vào cuối tháng này bằng cách tăng tần suất đăng bài và nâng cao chất lượng bài viết. 


Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh


Mạng xã hội là nền tảng giúp doanh nghiệp theo dõi đối thủ cạnh tranh của mình một cách dễ dàng. Do đó hãy luôn quan sát để biết rằng đối thủ có đang đi đúng hướng để tiếp cận khách hàng hay không? Nếu đối thủ đang làm tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể học hỏi tuy nhiên tuyệt đối không được sao chép mà phải thay đổi cho phù hợp, tạo sự khác biệt để nổi bật hơn. Tuy nhiên, nếu đối thủ đang chưa tốt, doanh nghiệp hãy phân tích và rút kinh nghiệm từ thất bại của họ để có định hướng đúng.


Đầu tư nội dung 


“Content is King”. Bất kỳ thời đại, một chiến lược nội dung độc đáo, dễ hiểu, dễ nhớ sẽ khiến người dùng ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp có thói quen lượm lặt ý tưởng từ những nguồn khác rồi đăng tải lại trên trang của mình cho có. Khách hàng ngày nay đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp, họ rất “kén chọn” nội dung. Bởi họ biết đâu là nội dung sáng tạo, có giá trị, đâu là nội dung sao chép, vay mượn. Vì vậy với những nội dung đạo nhái, không có giá trị, khách hàng chắc chắn sẽ bỏ qua thậm chí là block. 


Do đó doanh nghiệp cần phải học hỏi ở mọi nơi để có thêm nhiều ý tưởng và xây dựng kho nội dung chất lượng. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, nếu không đủ nguồn lực và tài nguyên thì hãy tập trung phát triển một kênh social media chiếm lượng lớn đối tượng khách hàng đang sử dụng.


Tận dụng tối đa tính năng của mạng xã hội


Các nền tảng mạng xã hội luôn cập nhật những tính năng mới để tăng trải nghiệm khách hàng. Điều này có lợi cho marketers vì họ có thể tận dụng chúng để đổi mới nội dung và hoạt động tương tác với khách hàng. 


Instagram Story, Instagram Reel hay Facebook Story là những ví dụ điển hình giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Hãy thử đặt mình vào vị trí của khách hàng, nếu bạn lướt Facebook hay tìm kiếm thông tin doanh nghiệp và chỉ thấy các bài đăng dạng văn bản truyền thống. Chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và rời đi nhanh chóng trước khi tìm hiểu về doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy các story dạng video ngắn vừa có hình ảnh, vừa có âm thanh thì dù ít hay nhiều bạn sẽ nán lại và xem tiếp các nội dung khác của doanh nghiệp.  


Xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng đội ngũ nhân viên


Mỗi nhân viên sẽ là một đại sứ thương hiệu tuyệt vời trong mắt của khách hàng. Bởi trước khi nhớ đến thương hiệu thì khách hàng sẽ nhớ đến phong thái, thái độ phục vụ của nhân viên - những “điểm chạm” đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc và ấn tượng. Do đó, xây dựng câu chuyện về nhân viên chính là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt cho cấp lãnh đạo và bộ mặt công ty. 


Không chỉ vậy nhiều doanh nghiệp thường xuyên cho nhân viên của mình “lên sóng”. Bởi chiến lược này còn giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và công nhận. Qua đó, nhân viên sẽ tự kể câu chuyện về doanh nghiệp với bạn bè và người thân của họ. Ví dụ thay vì đăng một bức ảnh về sản phẩm, doanh nghiệp có thể chia sẻ một bức ảnh về 20 người đã tạo nên sản phẩm đó. Điều này sẽ giúp nội dung đó có thể được chia sẻ và nhận được tương tác trong mạng lưới bạn bè của 20 nhân viên đó.


Xây dựng cá tính, “tiếng nói” riêng cho thương hiệu


“Tiếng nói” thương hiệu là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nổi bật trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. Mỗi bài đăng lên mạng xã hội phải thể hiện được “tiếng nói” thương hiệu đồng nhất với tầm nhìn và định hướng của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các yếu tố như văn phong, giọng điệu, cách doanh nghiệp tương tác hay phản hồi với khách hàng thông qua các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.  


Cụ thể, các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, IBM,... thì đối tượng khách hàng mà họ hướng đến là những doanh nghiệp lớn, chủ doanh nghiệp,... Do đó các nội dung mà họ chia sẻ luôn là những bài viết có tính chuyên môn cao, lối hành văn trang trọng thể hiện hình ảnh “chuyên gia”, uy tín, đáng tin cậy với khách hàng. 

 

Ngược lại, những thương hiệu hướng đến tầng lớp các bạn trẻ, dân văn phòng như Baemin thì họ chọn xây dựng cho mình hình ảnh trẻ trung, gần gũi. Có thể thấy ở những doanh nghiệp này, nội dung mà họ chia sẻ sẽ có yếu tố hài hước, dí dỏm với nhiều bài viết “bắt trend” hay meme để thu hút được khách hàng mục tiêu. 


Do đó, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định tiếng nói thương hiệu, hãy xem lại tất tần tật các bài đăng của mình và nỗ lực để tìm ra cách truyền tải tốt hơn. 


Chủ động phản hồi và hỗ trợ khách hàng


Khách hàng luôn có vấn đề, luôn có hàng ngàn câu hỏi và băn khoăn trong đầu trước những sự lựa chọn. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp giúp họ gỡ rối nhanh chóng, kịp thời. Điều này sẽ làm khách hàng khó chịu và bỏ đi. Do đó các doanh nghiệp cần phải xây dựng một đội ngũ nhân viên luôn chủ động tìm kiếm và giải đáp mọi vấn đề cho khách hàng. Hãy cho khách hàng biết rằng bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ họ bất kể thời gian hoàn cảnh nào để từ đó củng cố và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Đồng thời, việc này cũng giúp doanh nghiệp xây dựng độ uy tín, ghi điểm tốt hơn trong mắt khách hàng tương lai. 


Xây dựng chiến lược nội dung nhất quán, thường xuyên


Sự đồng nhất là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi lựa chọn truyền thông trên mạng xã hội. Việc đăng tải lên nhiều nền tảng khác nhau tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, doanh nghiệp cần phải có một chiến lược nội dung thông minh để thu hút khách hàng. Cụ thể từ một bài đăng sẵn có, doanh nghiệp cần cố gắng “chế biến” thành nhiều bài để hợp với các nền tảng khác nhau nhưng vẫn sự được chất riêng và nội dung chính. Hoặc để tiết kiệm và giảm tần suất đăng bài, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng nội dung bài viết thật “chất” để nó xuất hiện nhiều hơn trên newfeed của khách hàng. 


Để duy trì sự nhất quán, doanh nghiệp còn cần phải có lịch truyền thông, đăng bài rõ ràng. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ cho phép lên lịch, tự động đăng bài sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và đồng nhất lịch đăng bài theo từng ngày.


Chạy thử nghiệm nội dung


Sau khi đã xây dựng kế hoạch và lịch trình đăng bài cụ thể, bạn hãy đăng tải nội dung ở những thời điểm khác nhau để khám phá thị hiếu của khách hàng. Đừng ngần ngại thử nghiệm để tìm ra phương án tối ưu nhất. 

Sau đây là một số gợi ý giúp bạn khám phá khách hàng: 

  • Luân phiên đặt câu hỏi hoặc bỏ số liệu vào trong bài đăng để xem cách nào thu hút người đọc hơn
  • Chèn link vào các vị trí khác nhau để xem bài nào được click vào nhiều hơn
  • Thêm các biểu tượng cảm xúc để tăng tương tác
  • Tăng tần suất đăng bài
  • Giảm tần suất đăng bài
  • Sử dụng video và ảnh xem người dùng thích định dạng nào hơn
  • Phân loại người xem để thử phản ứng trước mỗi bài đăng của từng nhóm
  • Thử nghiệm nhiều loại hashtag để kiểm tra hiệu quả

Đối với truyền thông mạng xã hội, thử nghiệm là phương án tốt hơn cả những lý thuyết chung chung áp dụng trong ngành. 


Thấu hiểu nhu cầu khách hàng


Mạng xã hội là nơi gắn kết con người vì thế bạn không thể để mình nằm ngoài cuộc vui này. Tuy nhiên hãy nói nhiều về điều khách hàng quan tâm hơn là chỉ cung cấp thông tin một chiều về sản phẩm hoặc thương hiệu của mình.


Xây dựng chiến lược truyền thông mạng xã hội cho doanh nghiệp B2B là một thách thức lớn nhưng không kém phần thú vị. Nếu bạn muốn khám phá thêm về thế giới marketing rộng lớn, đừng bỏ qua các bài viết tiếp theo nhé. 


Nguồn biên tập: Ori Marketing Agency