Theo báo cáo của Nielsen Media Research, thế giới đang có hơn 500.000 thương hiệu trải rộng khắp 2.000 danh mục sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như thế, một hệ thống nhận diện nổi bật sẽ giúp thương hiệu gây ấn tượng với tệp khách hàng mục tiêu.


Đối với những thương hiệu có lịch sử lâu đời, đôi khi bộ nhận diện thương hiệu cũ không còn phù hợp với các xu hướng hiện tại. Do đó, một số thương hiệu sẽ lựa chọn thay đổi bộ nhận diện để trông hiện đại, gần gũi, thân thiện hơn với người dùng. Ngoài ra, đây cũng là một chiến lược marketing hiệu quả nhằm tái khẳng định mục tiêu và giá trị mà thương hiệu theo đuổi.


Cùng nhìn lại những màn tái nhận diện thương hiệu của 10 cái tên nổi bật tại Việt Nam qua bài viết sau đây!


1. Ahamove


Vào ngày 21/01, dịch vụ giao hàng Ahamove đón chào năm 2022 bằng bộ nhận diện mới với những hy vọng mới. Sự thay đổi trong nhận diện thương hiệu nhằm thể hiện giá trị cốt lõi mà Ahamove theo đuổi, bao gồm Innovation (Đổi mới), Agility (Tốc độ) và Companionship (Đồng hành).



Cụ thể, logo mới vẫn sử dụng màu cam chủ đạo, biểu trưng cho sức sống tràn trề, sáng tạo, sự phát triển, đổi mới và khao khát được vươn xa. Biểu tượng “con ma” tốc độ cũng được giữ nguyên, chữ “M” ở logo cũ đã được thay bằng chữ “m” để tạo cảm giác mềm mại, mang lại hình ảnh trẻ trung, nhiệt huyết cho thương hiệu.


2. VPBank


Ngày 04/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng VPBank chính thức công bố tái định vị thương hiệu. Đây là lần thứ hai VPBank thực hiện tái định vị trong lịch sử gần 30 năm phát triển của mình. 



Với định vị mới, tuyên ngôn thương hiệu của VPBank thay đổi từ “Hành động vì những ước mơ” thành “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. Sứ mệnh đó sẽ được VPBank từng bước hiện thực hóa thông qua nhiều chương trình, dự án trọng điểm tập trung vào 4 giá trị: Thịnh vượng Tài chính - Thịnh vượng Cộng đồng - Thịnh vượng Thể chất và Thịnh vượng Tinh thần. Bên cạnh đó, màu sắc chủ đạo của VPBank được bổ sung thêm màu xanh da trời đậm bên cạnh màu xanh lá truyền thống. Cùng với đó, logo hoa thịnh vượng được tinh chỉnh lại theo tỷ lệ vàng, hài hòa giữa các hình khối vuông và tròn. Tất cả những yếu tố này nhằm mang đến phong cách hiện đại và miêu tả rõ hơn sự gắn kết giữa con người và công nghệ của VPBank. 


3. Baskin-Robbins


Nhiều năm qua, logo của thương hiệu kem Baskin-Robbins đã gắn liền với phong cách tươi vui, phấn khởi cùng gam màu hồng, trắng, xanh đặc trưng. Thế nhưng đến ngày 11/04/2022, Baskin-Robbins đã chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, bao bì sản phẩm, tagline và đồng phục của nhân viên. Đại diện của thương hiệu đã chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên Baskin-Robbins có nhiều thay đổi như thế kể từ năm 2006.



Logo mới vẫn giữ nguyên con số "31" tượng trưng cho 31 hương vị của tất cả các ngày trong tháng, đồng thời nét uốn lượn ở đuôi chữ "R" khiến người xem liên tưởng đến độ sánh dẻo của kem. Theo ông Jerid Grandinetti - Phó chủ tịch Marketing và Ẩm thực tại Baskin-Robbins, thương hiệu không muốn thay đổi hoàn toàn hình ảnh thương hiệu mà chỉ muốn mang đến phong cách hiện đại hơn.


Ngoài ra, Baskin-Robbins cũng chính thức ra mắt tagline mới là “Seize The Yay” (tạm dịch: Nắm bắt hạnh phúc) nhằm gán thương hiệu với những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc. Khẩu hiệu này được cho là cách tiếp cận tinh tế hơn so với câu "We Deliver Happiness" (tạm dịch: Chúng tôi mang lại hạnh phúc) trước đây.


4. BIDV


Kể từ ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức sử dụng bộ nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, bộ nhận diện thương hiệu mới của BIDV bao gồm những thay đổi trong logo và màu chủ đạo. Theo đó, logo mới của BIDV kết hợp hình ảnh ngôi sao và bông hoa mai vàng. Ngôi sao được truyền cảm hứng từ Quốc kỳ Việt Nam, tuy nhiên hình ảnh đã được cách điệu hơn với những đường nét viền mở. Đây được xem là cách thể hiện sự dịch chuyển của BIDV, hướng tới sự thân thiện, hiện đại, lấy khách hàng - nguồn nhân lực - chuyển đổi số làm trụ cột phát triển.


Tên ngân hàng "BIDV" cũng sử dụng font chữ mềm mại, uyển chuyển hơn. Chữ "V" được cách điệu từ góc cánh sao, giúp liên kết phần chữ và phần biểu tượng thành một thể thống nhất. Bên cạnh đó, màu sắc chủ đạo đã được đổi từ xanh dương - đỏ sang xanh ngọc lục bảo - vàng. Được biết, màu xanh ngọc lục bảo tượng trưng cho sự sống và mong muốn phát triển bền vững, còn sắc vàng tạo diện mạo năng động, tươi mới và thể hiện ngành nghề tài chính của ngân hàng.


5. VietnamWorks


Sau hai thập kỷ đồng hành cùng người Việt Nam, nền tảng tuyển dụng và tìm kiếm việc làm VietnamWorks chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, truyền tải thông điệp về sự trao quyền và gắn kết cộng đồng.

Lần thay đổi bộ nhận diện này của VietnamWorks bao gồm các thành tố: logo, màu chủ đạo và tagline. Đáng chú ý là thương hiệu đã nói lời chia tay với hình ảnh người đàn ông mặc vest và cầm vali trên logo của mình. Thay vào đó, hình ảnh một vòng tròn xanh tạo thành từ các phần tiếp nối sẽ trở thành biểu trưng thương hiệu mới. Tagline “Move Up!” cũng được đổi thành “Empower growth“ (Hành trình sự nghiệp hạnh phúc). Ngoài ra, nhằm đem đến một diện mạo tối giản và hiện đại hơn cho thương hiệu, VietnamWorks cũng lựa chọn màu chủ đạo là xanh dương thẫm hơn cùng phông chữ nét mỏng, tạo cảm giác thanh lịch hơn so với bộ nhận diện cũ.


6. Disney Channel


Nhằm hiện đại hóa hình ảnh của Disney Channel tại thị trường châu Âu, châu Phi và Trung Đông (gọi tắt là Disney Channel EMEA), công ty đã cùng cùng studio Flopicco tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới với mục đích tăng sự kết nối với nhóm khách hàng mục tiêu, đơn giản hóa và mang tính trung lập về giới tính, thay vì phân định rõ sự khác nhau giữa hai giới tính nam và nữ như trước đây.



Cụ thể, logo Disney Channel EMEA đã bị loại bỏ phần tai chuột và nền đen. Đại diện Flopicco giải thích rằng logo mới mang tính tinh giản và hiện đại và phù hợp với mọi nền tảng truyền thông. Ngoài ra, các yếu tố đồ họa với nét vẽ đầy màu sắc, icon sống động và những đoạn chữ đậm nhằm nhấn mạnh Disney Channel EMEA là một cộng đồng dành cho trẻ em, được tạo dựng bởi chính bàn tay của các em. 



7. Be


Đầu tháng 10/2022, ứng dụng gọi xe Be đã tái định vị thương hiệu để trở thành "nền tảng đa dịch vụ". Logo mới của thương hiệu có vòng trò 24h khép kín, dấu vô cực cách điệu và đường nét logo lấy ý tưởng từ những con đường. Qua đó, thương hiệu muốn nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ cũng như mong muốn phục vụ toàn bộ cuộc sống người dùng từ đặt xe, đặt đồ ăn cho đến hỗ trợ giao hàng, vé máy bay và vấn đề tài chính.



8. Microsoft Office


Sau hơn ba thập kỷ để từ lúc ra mắt, bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office đã chính thức được Microsoft thay đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu vào tháng 10/2022. Cụ thể, bộ ứng dụng văn phòng mới sẽ có tên “Microsoft 365”. Các ứng dụng có trong gói bao gồm Excel, Outlook, Word và PowerPoint không biến mất mà thuộc về Microsoft 365, thay vì Microsoft Office như trước.


Microsoft đã công bố sự thay đổi trên tại hội nghị Ignite. Bên cạnh đó, ứng dụng Office dành cho thiết bị di động và ứng dụng Office dành cho Windows Office.com sẽ được gộp thành “Microsoft 365”, đồng thời có bộ nhận diện thương hiệu mới: thay đổi logo, biểu tượng ứng dụng và font chữ.



9. Giao Hàng Nhanh (GHN)


Sau hơn 10 năm phát triển, công ty Giao Hàng Nhanh (GHN) đã chính thức tung ra bộ nhận diện thương hiệu mới. Theo đó, logo mới của thương hiệu có hình ảnh một gói hàng vuông vức. Đây cũng chính là minh chứng cho dịch vụ của Giao Hàng Nhanh khi luôn nỗ lực trao đến tay người nhận gói hàng toàn vẹn. Trên gói hàng còn có thêm đường băng keo tạo thành hình mũi tên, mang ý nghĩa rằng Giao Hàng Nhanh sẽ không ngừng tiến lên phía trước. Bên cạnh đó, thay vì viết tắt, tên thương hiệu "Giao Hàng Nhanh" cũng được viết rõ ra để tăng mức độ nhận diện từ người dùng. Không chỉ thay đổi hình ảnh logo mà lần này, Giao Hàng Nhanh cũng đã thay đổi tagline từ "Giao hàng nhanh toàn quốc" thành "Giao siêu nhanh, giá siêu tốt". 



10. Highlands Coffee


Ngày 23/11/2022, Highlands Coffee công bố định hướng thương hiệu mới, hướng đến cộng đồng. Thông báo thay đổi logo nhận được nhiều chú ý, bởi đây là lần gần nhất sau 10 năm, thương hiệu cà phê Việt Nam “lột xác” khỏi mẫu logo biểu tượng từ 2013. 


Đặt bên cạnh logo cũ, có thể thấy thương hiệu vẫn trung thành với hình ảnh hai khung viền oval, kiểu chữ không chân và màu đỏ thẫm vốn gắn liền với nhận diện của Highlands Coffee xuyên suốt 23 năm. Về màu sắc thương hiệu, bốn màu sắc chủ đạo của logo trước đây gồm đỏ, trắng, nâu cà phê và nâu đất đã được chuyển thành gam màu đỏ đồng bộ. Màu đỏ cũng mang ý nghĩa đại diện cho tinh thần yêu nước, niềm đam mê, sự trân quý di sản cà phê cùng tinh thần tận tâm phục vụ khách hàng và cộng đồng mà thương hiệu hướng tới.



Kim Ngọc