Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc ứng dụng AI đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp các marketer nâng cao hiệu quả làm việc, tối ưu hoá quy trình và thúc đẩy sự sáng tạo. Theo thống kê từ Influencer Hub, có đến 69% các marketer đã áp dụng AI vào quy trình làm việc của mình, cho thấy sự phổ biến và tiềm năng to lớn mà AI mang lại trong lĩnh vực tiếp thị. 


Từ việc tạo nội dung, hình ảnh, đến tối ưu hóa dữ liệu, các công cụ AI đang dần trở thành “trợ thủ đắc lực” giúp marketer giải quyết các thách thức phức tạp một cách hiệu quả và sáng tạo hơn. Dưới đây là 9 công cụ AI hàng đầu có thể hỗ trợ đa tác vụ từ tạo video, hình ảnh đến văn bản, dành riêng cho các marketer hiện đại.


1. Snapcut AI


Snapcut AI là công cụ hỗ trợ marketer trong việc tạo video ngắn một cách nhanh chóng nhờ vào công nghệ AI tân tiến. Cụ thể, khi người dùng đăng tải một video dài lên nền tảng thì lập tức công cụ sẽ tự động phân tích nội dung video và cắt thành nhiều phiên bản video ngắn khác nhau theo nhiều định dạng.



Tính năng nổi bật:

  • AI Hook Selection: Bằng thuật toán tân tiến của AI, tính năng này sẽ giúp người dùng xác định và phân tích nội dung nổi bật từ đó tự động tạo ra video có nội dung thu hút người xem.
  • Auto Reframe: Đây là tính năng hỗ trợ người dùng trong việc tinh chỉnh tỉ lệ khung hình video. Đặc biệt, tính năng này còn có khả năng tự động chọn tỷ lệ khuôn mặt người nói trong khung hình nhằm đảm bảo chủ thể luôn nằm giữa video.
  • Smart Caption: Tính năng này hỗ trợ người dùng trong việc tạo phụ đề tự động lên đến hơn 20 ngôn ngữ khác nhau. Không những thế, người dùng còn có thể lựa chọn từ nhiều mẫu phụ đề khác nhau để nâng cao chất lượng video.



Chi phí:

  • Gói Spark: Miễn phí
  • Gói Starter: 8,99 USD/tháng (tương đương hơn 200 nghìn đồng)
  • Gói Pro: 16,99 USD/tháng (tương đương gần 420 nghìn đồng)


2. Captions 


Captions là ứng dụng tạo video bằng AI cung cấp nhiều tính năng khác nhau cho các công đoạn sản xuất video như ghi hình, chỉnh sửa và xuất bản. Đặc biệt, người dùng có thể sử dụng ChatGPT để soạn kịch bản bằng AI, cũng như thu âm bằng công cụ chuyển giọng nói thành văn bản Whisper.  


Nói với tạp chí Forbes, Misra - đồng sáng lập kiêm CEO của Captions chia sẻ ứng dụng này có hướng đi khác biệt so với những ứng dụng khác trên thị trường, thay vì tập trung vào việc chỉnh sửa video thì Captions lại thiên về hướng hỗ trợ truyền tải ý tưởng và kinh nghiệm nhiều hơn. 



Tính năng nổi bật: 

  • Sao chép giọng nói: Đây là công cụ tiện ích do công ty tự phát triển, được đào tạo từ các bản ghi âm để chuyển đổi giọng nói của người dùng sang 28 ngôn ngữ khác nhau. 
  • AI eye contact: Tuỳ chỉnh ánh mắt của người trong video bằng AI nếu người dùng quên nhìn vào camera. 
  • Tạo video Avatar AI: Người dùng có thể tạo ra một nhân vật AI để làm video cho riêng mình mà không cần phải tự quay video. Công cụ này còn cho phép người dùng tuỳ chỉnh bối cảnh, trang phục, bối cảnh theo yêu cầu của người dùng. 



Chi phí: 

  • Gói Pro: 9,99 USD/tháng (tương đương hơn 245 nghìn đồng) 
  • Gói Max: 24,99 USD/tháng (tương đương gần 620 nghìn đồng) 


3. HeyGen 


Tương tự với Captions, HeyGen cũng là một ứng dụng tạo video bằng AI, giúp người dùng dễ dàng tạo ra các video có người nói (video spokesperson) mà không cần phải quay video thực tế. Người dùng có thể sử dụng hình ảnh của ứng dụng được tạo bằng AI hoặc hình ảnh của bản thân sau đó gõ câu lệnh để tạo kịch bản. Lập tức, HeyGen sẽ tạo ra video theo yêu cầu của người dùng. 


Tính năng nổi bật: 


  • Tùy chọn avatar đa dạng: HeyGen cung cấp một thư viện các avatar ảo chuyên nghiệp, từ nhiều ngành nghề khác nhau, có khả năng tương tác như một người thật. 
  • Dịch video bằng AI: Hỗ trợ hơn 170 ngôn ngữ và giọng nói, giúp người dùng tạo video trong ngôn ngữ mong muốn mà không gặp khó khăn về phát âm hoặc giọng đọc.



Chi phí: 

  • Miễn phí.
  • Creator: 24 USD/tháng (tương đương gần 600 nghìn đồng)
  • Team: 69 USD/tháng (tương đương hơn 1 triệu 600 nghìn đồng) 


4. Vievoiceai


Đây là công cụ chuyển đổi văn bản thành giọng nói được nhiều marketer tin tưởng sử dụng, Vievoiceai hỗ trợ hơn 55 ngôn ngữ bao gồm cả tiếng Việt và có nhiều giọng đọc khác nhau nhằm hỗ trợ tối đa người dùng cho đa dạng nội dung video.



Tính năng nổi bật: 

  • Đa dạng ngôn ngữ: Ngoài tiếng Việt, Vievoiceai còn hỗ trợ hơn 55 ngôn ngữ khác nhau.
  • Đa dạng giọng đọc: Vievoiceai có nhiều giọng đọc khác nhau bao gồm giọng nam và nữ, phù hợp với nhiều thể loại như: Sách nói, Podcast, Review,...



Chi phí: 

  • Gói Basic: 15 USD/200 nghìn credits (tương đương gần 370 nghìn đồng).
  • Gói Pro: 25 USD/ 400 nghìn credits (tương đương gần 500 nghìn đồng).
  • Gói Max: 50 USD/ 1 triệu credits (tương đương hơn 1 triệu 200 nghìn đồng).


5. Nextatlas


Nextatlas là công cụ hỗ trợ các marketer trong việc phân tích các xu hướng tiêu dùng, văn hóa và thị trường mới nổi bằng AI và big data (dữ liệu lớn). Công cụ này còn hỗ trợ người dùng trong việc tìm kiếm ý tưởng thực hiện chiến dịch quảng cáo. Được biết, Nextatlas hiện nay đang được sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp lớn như adidas, Dickies, Omnicom Group, Pepsico và hơn thế nữa.  



Tính năng nổi bật: 


  • Generate Suite: Là một trợ lý ảo cung cấp các thông tin thị trường khi người dùng gõ câu lệnh muốn tìm hiểu về một insight nào đó. 
  • Dự đoán xu hướng: Hỗ trợ người dùng cập nhật xu hướng và dự đoán xu hướng sắp tới. 



Chi phí: Miễn phí. 


6. Perplexity


Perplexity là trang web có giao diện trực quan và dễ sử dụng, hỗ trợ người dùng trong việc tập hợp, tìm kiếm các thông tin bằng AI. Điểm đặc biệt của công cụ này là tập hợp các câu trả lời theo thời gian thực, lấy từ các nguồn từ báo chí để cung cấp câu trả lời đầy đủ và chi tiết cho người dùng. 



Tính năng nổi bật: 


  • Tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn: Khi trả kết quả, Perplexity sẽ hiển thị các nguồn trang báo cho người dùng dễ dàng kiểm tra. 
  • Khám phá: Gợi ý cho người dùng nhiều thông tin hữu ích ở đa dạng lĩnh vực từ Công nghệ & Khoa học, Tài chính cho đến Văn hoá, Nghệ thuật. 
  • Thư viện: Hỗ trợ người dùng trong việc lưu trữ nội dung hội thoại, giúp họ dễ dàng tìm kiếm thông tin cũ với giao diện trực quan. 



Chi phí: 

  • Gói Tiêu chuẩn: Miễn phí. 
  • Gói Chuyên nghiệp: 20 USD/tháng (tương đương gần 500 nghìn đồng)


7. Stable Diffusion


Stable Diffusion là mô hình tạo hình ảnh bằng AI, khi người dùng gõ câu lệnh mô tả hình ảnh mà mình muốn thì ứng dụng sẽ lập tức trả về kết quả với hình ảnh trực quan bằng việc sử dụng công nghệ Khuếch tán ổn định. 



Tính năng nổi bật: 


  • Tạo hình ảnh nhanh chóng: Tốc độ tạo hình ảnh của Stable Diffusion được người dùng ghi nhận dưới 10 giây. Với gói cơ bản hoặc tiêu chuẩn được hứa hẹn có thời gian tạo trung bình là 04 giây. Gói cao cấp đảm bảo 02 giây.
  • Tạo hình ảnh bằng hình ảnh: Bằng cách thêm văn bản lẫn hình ảnh vào câu lệnh, ứng dụng sẽ tạo ra hình ảnh theo yêu cầu của người dùng. 
  • Tương thích API: Tính năng này giúp người dùng có thể tích hợp Stable Diffusion vào các ứng dụng khác như Photoshop. 


Chi phí: Miễn phí hoặc người dùng có thể ủng hộ cho doanh nghiệp. 


8. Tactiq 


Tactiq là công cụ giúp nhân sự ghi chép lại nội dung của cuộc họp bằng AI, giúp nhân sự có thể tập trung vào cuộc họp mà không cần phải phân tâm vì ghi chép. Tactiq có thể thực hiện nhiều yêu cầu của người dùng, từ tóm tắt cuộc họp cho đến soạn thảo những ý chính, giúp người dùng có thể nắm rõ nội dung của cuộc họp một cách tiện lợi. 



Tính năng nổi bật: 


  • Dịch thuật trong cuộc họp: Hỗ trợ nhóm nhân sự đa quốc gia có thể hiểu rõ nội dung cuộc họp nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian để phiên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. 
  • Nội dung được bảo mật: Chỉ có người sử dụng Tactiq mới có thể nhìn thấy được bản tóm tắt và ghi chú của cuộc họp. 
  • Tạo danh sách nội dung cuộc họp: Người dùng có thể sử dụng công cụ AI của ứng dụng để tạo danh sách highlight nội dung quan trọng của cuộc họp.


Chi phí: 

  • Miễn phí.
  • Gói Chuyên nghiệp: 8 USD/tháng (tương đương hơn 195 nghìn đồng)
  • Gói Nhóm: 16,7 USD/tháng (tương đương hơn 410 nghìn đồng)


9. Wordtune 


Wordtune sẽ là trợ lý đắc lực cho các marketer trong việc tinh chỉnh, chỉnh sửa văn bản, email bằng AI. Với giao diện dễ sử dụng, Wordtune còn có những hộp thoại gợi ý chỉnh sửa văn bản cho người dùng như: viết lại, mở rộng ý, rút gọn nội dung,... 



Tính năng nổi bật: 


  • Dịch thuật: Wordtune có thể dịch thuật nhiều ngôn ngữ khác nhau và đảm bảo đúng ngữ pháp, ngữ cảnh. 
  • Kiểm tra ngữ pháp: Cải thiện ngữ pháp, sửa lỗi chính tả và tăng tính trôi chảy của đoạn văn. 
  • Đọc và tóm tắt văn bản: Hỗ trợ người dùng bằng cách tóm tắt nội dung của các báo cáo học thuật, báo chí và cả video trên YouTube. 



Chi phí: 

  • Basic: Miễn phí
  • Advance: 6,99 USD/tháng (tương đương hơn 171 nghìn đồng)
  • Unlimited: 9,99 USD/tháng (tương đương gần 250 nghìn đồng)


10. Writer 


Writer là công cụ AI tổng hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong đa lĩnh vực và các phòng ban khác nhau như marketing, sales, product,... Công cụ này còn tích hợp với nhiều nền tảng: Google Docs, Figma, Word giúp tối ưu quy trình làm việc. Dù mới ra mắt vào năm 2020 nhưng Writer đã được nhiều doanh nghiệp uy tín sử dụng như Hubspot, Pinterest, L'Oreal… 



Tính năng nổi bật: 


  • Palmyra Vision: Giúp phân tích và tạo văn bản từ hình ảnh và cả biểu đồ lẫn đồ thị. 
  • Kiểm tra ngữ pháp: Tính năng này hiển thị những gợi ý hỗ trợ người dùng trong việc chỉnh sửa ngữ pháp lẫn ngữ cảnh. 
  • Đồng bộ hoá: Là công cụ dành cho đội/nhóm nên các tính năng đều được đồng bộ hoá, hỗ trợ tối ưu quy trình làm việc của doanh nghiệp. 


Chi phí: Gói nhóm - 18 USD/tháng (tương đương gần 450 nghìn đồng)


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!