Nhằm tối đa hoá sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội, các thương hiệu cần phải tạo ra nhiều sự tương tác hơn với khán giả. Sau đây là một số ý tưởng truyền thông mà bạn có thể áp dụng trên Instagram, LinkedIn, Facebook,… để phủ sóng tên tuổi của mình.


1. Tổ chức cuộc thi ảnh trên Instagram


Instagram là một nền tảng hữu ích cho doanh nghiệp với 100% định hướng dựa trên hình ảnh. Hơn thế nữa, con người rất yêu thích các cuộc thi trực tuyến và đặc biệt bị thu hút bởi những phần thưởng hấp dẫn. Kết hợp hai xu hướng trên, bạn có thể tổ chức cuộc thi ảnh trên Instagram giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, khích lệ mọi người tham gia và chia sẻ đôi điều về công ty bạn.


2. Tham gia các nhóm LinkedIn


Nếu bạn là chủ doanh nghiệp hoặc một nhà lãnh đạo, một hồ sơ LinkedIn chuyên nghiệp là không thể thiếu. LinkedIn được xem là một mạng lưới xã hội B2B và bạn có thể gắn kết những mối quan hệ bằng cách gia nhập các nhóm, tham gia vào các cuộc trò chuyện trên nền tảng. Càng đầu tư vào các nhóm này, càng nhiều lợi ích mà bạn nhận được!



3. Phần thưởng cho những khách hàng chia sẻ bài đăng của bạn


Cảm ơn đến những khách hàng đã dành thời gian chia sẻ nội dung của bạn với những phần thưởng xứng đáng như phiếu giảm giá, hàng miễn phí… Những hành động tuy nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa.


4. Sử dụng #Hashtag


Bạn có biết ý nghĩa của dấu thăng (#) là gì không? Nó chính là tín hiệu gọi, biểu tượng của sự liên lạc. Khi gắn với các chủ đề nó trở thành hashtag, giúp mọi người tìm kiếm nội dung của bạn dễ dàng hơn. Hãy tận dụng nó mọi lúc mọi nơi!


5. Tham gia TikTok


“Cơn sốt” TikTok cho phép người dùng sáng tạo những video ngắn với nội dung, hiệu ứng thú vị. Nhanh chóng tận dụng nền tảng này để mở rộng mạng lưới mối quan hệ với khách hàng trước khi đối thủ khác nhận ra tiềm năng của nó.


6. Theo dõi đối thủ của bạn


Bạn có biết Facebook cho phép bạn theo dõi tới 100 trang của các thương hiệu khác nhau với tính năng Page to Watch? Nó cung cấp sự so sánh nhanh về các hoạt động của trang, tỷ lệ tăng người theo dõi và tương tác… Theo dõi đối thủ của bạn với Page to Watch và cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu, những điều mà bạn có thể học hỏi từ chiến lược của họ.


7. Sử dụng các công cụ quản lý mạng xã hội


Rất nhiều công cụ quản lý mạng xã hội hiện nay có giá rẻ, thậm chí là miễn phí giúp bạn xử lý hàng tấn dữ liệu trong ngày.



8. Quy tắc 10-4-1


Quy tắc 10-4-1 là một cách để cân bằng các bài đăng xã hội giữa nội dung của riêng thương hiệu và nội dung có nguồn gốc khác. Quy tắc này nói rằng cứ 15 bài đăng sẽ có:


  • 10 bài đăng tổng hợp từ nguồn khác
  • 4 bài đăng do bạn tự tạo ra
  • 1 bài đưa ra lời kêu gọi đến landing page



Quy tắc chọn lọc và biên tập nội dung 10-4-1 giúp bài đăng của bạn đa dạng hơn, tránh khỏi cảm giác ngột ngạt cho khán giả.


9. Kết nối với những người đi đầu


Tìm kiếm những người đi đầu có tầm ảnh hưởng trong ngành của bạn và kết nối với họ qua mạng xã hội. Bạn có thể chia sẻ và học hỏi những nội dung thú vị từ họ.


10. Chia sẻ những nội dung liên quan


Khán giả chắc hẳn sẽ cảm thấy chán nản khi suốt ngày nghe thương hiệu quảng bá về thương hiệu của mình. Hãy cung cấp những nội dung tạo giá trị cho khán giả của bạn bằng cách chia sẻ các link bài viết có thể tìm thấy từ những trang báo, ấn phẩm kinh doanh hay newsletter trong lĩnh vực mà họ quan tâm.


Ngọc Anh / Advertising Vietnam Theo Social Media Today