Năm 2021 đánh dấu bước "chuyển mình" của Advertising Vietnam trở thành mạng xã hội chia sẻ nội dung về quảng cáo và truyền thông, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị như: người dùng có thể tự tạo tài khoản viết bài và tương tác trên các bài viết khác, cập nhật các định dạng bài viết Longform mới,… 


Đây cũng là năm chứng kiến nhiều biến động của đại dịch, thúc đẩy khán giả liên tục cập nhật các tin tức trên thị trường nói chung và lĩnh vực quảng cáo nói riêng. Cùng Advertising Vietnam điểm qua 12 bài viết thu hút lượt xem cao nhất trên website năm 2021 để khám phá những xu hướng của độc giả trong năm qua nhé!


(Số liệu được cập nhật từ 1/1/2021 đến 31/12/2021)


1. Kích thước ảnh đăng Facebook mới nhất năm 2021


Đứng đầu danh sách là bài viết “Kích thước ảnh đăng Facebook mới nhất năm 2021”. Kích thước ảnh Facebook luôn được các nhà bán hàng trực tuyến chú trọng. Một hình ảnh đáp ứng các tiêu chuẩn kích thước có thể hấp dẫn được 70% người xem.



Để giúp các độc giả tối ưu các bài đăng trên mạng xã hội, bài viết của Ecomity Asia cập nhật những thông số về ảnh đại diện, ảnh bìa,… trên Facebook với những gợi ý kích thước tối đa, tối thiểu, và lý tưởng. 


▶️ Đọc bài viết đầy đủ tại đây: Kích thước ảnh đăng Facebook mới nhất năm 2021


2. Nhìn lại 16 chiến dịch quảng cáo nổi bật nhất năm 2020


Như một thói quen đầu năm mới, các độc giả đã có dịp tổng kết một năm đã qua với những điểm sáng trong ngành quảng cáo trong bài viết “Nhìn lại 16 chiến dịch quảng cáo nổi bật nhất năm 2020” do đội ngũ Advertising Vietnam thực hiện. Những cái tên nổi bật trong danh sách này gồm có: Đi Để Trở Về 4 (Biti’s Hunter), Vui Trồng Lộc Tết, Lấm Bẩn Gieo Điều Hay (OMO), Làm Gì Phải Hốt (Viettel Pay), Lắc Xì 2020 (MoMo),…



▶️ Cùng tìm hiểu về từng chiến dịch trong danh sách: Nhìn lại 16 chiến dịch quảng cáo nổi bật nhất năm 2020


3. Thấy gì từ màn “đấu biển quảng cáo” cao tay của Nam Dương tại vòng xoay Ngã sáu Cộng Hòa?


Cuối năm 2020, hai đối thủ cạnh tranh có tiếng trong lĩnh vực giao thức ăn công nghệ ở Việt Nam là BAEMIN và Gojek đã có màn “đấu biển quảng cáo” tại khu vực Ngã sáu Cộng Hòa (TP. Hồ Chí Minh). Trong khi BAEMIN tung slogan “Em ăn gì, anh đặt BAEMIN giao” với gương mặt đại diện là Trấn Thành, thì Gojek đã dùng hình ảnh ca sĩ Hari Won để đáp trả “Ăn gì cũng được, Gojek giao là được!”. 


Đáng chú ý hơn cả, khi người đi đường vừa kịp quen mắt với hai billboard, Nam Dương bất ngờ xuất hiện với màn “chốt hạ” bằng thông điệp: “Ăn gì, ai giao cũng được. Có nước tương Nam Dương là được!”. Trong vài ngày, bộ ba biển quảng cáo tại Ngã sáu Cộng Hòa đã được “ngao du” khắp các trang Facebook, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, đồng thời cho thấy sự cao tay và nhanh nhạy của Nam Dương khi “nhập cuộc” vào trận đấu này. 



 ▶️ Tìm hiểu kỹ hơn về màn “đấu biển quảng cáo” thú vị này trong bài viết: Thấy gì từ màn “đấu biển quảng cáo” cao tay của Nam Dương tại vòng xoay Ngã sáu Cộng Hòa?


4. Case Study: Vén màn chiến lược truyền thông sau thành công 400 tỷ của “Bố Già”


Năm 2021, bất ngờ đã xảy ra khi “Bố Già” phiên bản điện ảnh (đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng) vượt qua bom tấn “Avengers: Endgame” xác lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại tại Việt Nam với doanh thu 400 tỷ VNĐ. Đi cùng thành tích này còn là những chỉ số truyền thông ấn tượng, cho thấy sự cộng hưởng hiệu quả giữa chiến lược marketing và kết quả thương mại.



Bài viết khai thác các khía cạnh của kế hoạch truyền thông “Bố Già” phim như: Bối cảnh, Insight, Thực thi, Chiến lược truyền thông mạng xã hội (gồm 3 giai đoạn chính: Warm-up, Booming, Release và after release), đồng thời giải đáp những ý kiến xoay quanh bộ phim “Bố Già chỉ nổi bật nhờ PR?”.  


 ▶️ Đừng bỏ lỡ Case Study đặc biệt trên Advertising Vietnam tại: Vén màn chiến lược truyền thông sau thành công 400 tỷ của “Bố Già”


5. BAEMIN: “Chiều chuộng” nhu cầu ăn uống của khách hàng bằng cảm xúc


Vào thời điểm ra mắt (tháng 6/2019), không ít người từng nghi ngờ khả năng thành công của BAEMIN - một “tân binh” ứng dụng giao đồ ăn (food app) trong bối cảnh “miếng bánh” thị trường được chia nhau bởi các ông lớn như Now (nay là ShopeeFood) hay GrabFood,…


Thế nhưng, sau gần 2 năm hoạt động, “đội quân xanh mint” đã trở thành ứng dụng giao đồ ăn dẫn đầu về lượt tải trên Google Play và App Store (tính đến tháng 4/2021). Bên cạnh đó, theo khảo sát về thị trường food delivery năm 2020 của Q&Me, BAEMIN cũng là ứng dụng giao đồ ăn dẫn đầu thị trường về mức độ hài lòng của khách hàng.

  


Để làm được điều này, BAEMIN đã có những chiến lược về vận hành và truyền thông như thế nào? 


▶️ Cùng tìm hiểu trong bài viết: BAEMIN: “Chiều chuộng” nhu cầu ăn uống của khách hàng bằng cảm xúc


6. 6 công cụ truyền thông marketing tích hợp (IMC) marketer cần biết


IMC - Integrated Marketing Communication hay Truyền thông Marketing Tích hợp là những hoạt động marketing có sự phối hợp và gắn bó chặt chẽ với nhau nhằm truyền tải các thông điệp rõ ràng, nhất quán, xuyên suốt và có tính thuyết phục đến khách hàng mục tiêu về một doanh nghiệp hay những sản phẩm của doanh nghiệp đó. (Theo Armstrong & Kotler 2005). 


Trong đó, 6 công cụ điển hình được sử dụng trong chiến lược truyền thông marketing tích hợp bao gồm: quảng cáo, tiếp thị trực tiếp, khuyến mại, quan hệ công chúng, tài trợ và bán hàng cá nhân. Bài viết định nghĩa và phân tích hiệu quả của 6 công cụ IMC, đồng thời đưa ra một số case study áp dụng thành công các giải pháp này. 


▶️ Đọc bài viết đầy đủ tại: 6 công cụ truyền thông marketing tích hợp (IMC) marketer cần biết


7. OnMic - Nền tảng audio mở ra cơ hội để thương hiệu chinh phục người dùng bằng âm thanh


Là ứng dụng audio đầu tiên do người Việt phát triển, OnMic cung cấp tính năng tạo các phòng trò chuyện trực tiếp​​ (voice-streaming), có tương tác giữa người nói và thính giả. Thay vì sử dụng chữ viết, ảnh hoặc video làm phương tiện giao tiếp, OnMic cho phép mọi người “tụ họp” trong các phòng trò chuyện âm thanh để lắng nghe và trao đổi về nhiều chủ đề khác nhau. Tại đây, người dùng có thể xây dựng các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nhanh chóng chỉ với một chiếc smartphone mà không tốn bất kỳ chi phí nào. 



Chỉ sau 6 tháng, OnMic đã được rót vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners ở Vòng hạt giống (Seed Round), chứng minh được những yếu tố tiềm năng trở thành sân chơi mới của Influencer Marketing, trở thành nền tảng tổ chức sự kiện ảo (Virtual Event) và giúp các thương hiệu thu thập insight khách hàng. 


▶️ Đọc bài viết đầy đủ tại: OnMic - Nền tảng audio mở ra cơ hội để thương hiệu chinh phục người dùng bằng âm thanh


8. Gen Z sinh năm 2001 “ẵm” 14 chứng chỉ mùa dịch: “Mình không cố thì ai sẽ cứu mình?”


Bài phỏng vấn nhân vật góp mặt trong top 12 bài viết nổi bật trên Advertising Vietnam đó là bài viết về bạn Nguyễn Gia Hào - sinh viên năm 3 đại học Ngoại Thương nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng Marketers Zone nhờ “gia tài” chứng chỉ đồ sộ.


Với gần 15 chứng chỉ của các khoá học liên quan đến Digital Marketing, SEO, Social Media, Content, Graphic Design, Data Analytics, ngôn ngữ lập trình chỉ trong 2 tháng, Gia Hào cho biết, điều quan trọng là mỗi người cần xác định được mục đích trước khi học. Bởi “nếu không biết mình muốn gì, mình cần gì và học để làm gì, mình sẽ chẳng có động lực và niềm tin đủ mạnh để phát triển bản thân thông qua các khóa học online mà mọi người thường cho là nhàm chán, không sánh bằng học trực tiếp trên trường lớp”.



Bài viết đặc biệt thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh, sinh viên và những bạn mới ra trường với những chia sẻ về kinh nghiệm học tập, làm việc và phát triển bản thân.


▶️ Đọc bài viết đầy đủ tại: Gen Z sinh năm 2001 “ẵm” 14 chứng chỉ mùa dịch: “Mình không cố thì ai sẽ cứu mình?”


9. Durex Việt Nam: “Quảng cáo của chúng tôi khiêu khích, tinh nghịch nhưng vẫn trong khuôn khổ văn hóa Việt”


Là thương hiệu dẫn đầu ngành hàng bao cao su, Durex thuộc tập đoàn Reckitt (Anh) luôn trở thành tâm điểm của sự chú ý mỗi khi tung ra những quảng cáo ấn tượng. Không chỉ đơn thuần là một sản phẩm cho người tiêu dùng, Durex đang đóng vai trò là một “đại sứ” với sức lan tỏa và cởi mở về những điều thầm kín, góp phần chinh phục thị trường Á Đông vốn dĩ còn e dè khi nói về “chuyện ấy”.



Bài phỏng vấn độc quyền được thực hiện với anh Nguyễn Phi Hùng - Senior Brand Manager Durex Việt Nam, chia sẻ về những thách thức mà Durex gặp phải khi hoạt động tại thị trường Việt Nam, cũng như bí quyết để nhãn hàng ​​“bình thường hóa” những điều tế nhị và mang đến những nội dung quảng cáo hấp dẫn, chân thật.


▶️ Đọc bài phỏng vấn đầy đủ tại: Durex Việt Nam: “Quảng cáo của chúng tôi khiêu khích, tinh nghịch nhưng vẫn trong khuôn khổ văn hóa Việt”


10. Tạm biệt "Zoom fatigue" với ứng dụng văn phòng ảo Gather Town


Trong xu hướng làm việc tại nhà trong mùa dịch, không khó hiểu vì sao bài viết về Gather Town lại nhận được nhiều tương tác trên Advertising Vietnam đến vậy! 


Được biết đến là ứng dụng cho phép người dùng thiết lập không gian làm việc trực tuyến phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, Gather Town cho phép người dùng có thể chọn tạo hình đại diện cho nhân vật của mình, tự do di chuyển, đến thăm các văn phòng ảo khác và tương tác với các vật dụng như tivi, loa phát thanh tương tự ngoài đời thực.


▶️ Đọc bài viết phân tích về những tính năng, tiện ích thú vị giúp Gather Town thu hút hơn 4 triệu người dùng chỉ sau hơn một năm ra mắt: Tạm biệt "Zoom fatigue" với ứng dụng văn phòng ảo Gather Town


11. Vì sao Việt Nam thiếu đại sứ thương hiệu cao cấp?


Theo thống kê của Statista, doanh thu các mặt hàng thời trang xa xỉ của 2 thị trường lớn tại châu Á - Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2020 lần lượt là 52 tỷ USD và 13 tỷ USD. Mức doanh thu này đã bỏ xa con số hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam, dù cho đây đã là dấu hiệu vô cùng khả quan đối với thị trường trong nước.


Bài viết phân tích những lý do vì sao thị trường Việt Nam còn thiếu những đại sứ cao cấp như: lượng mua, lượng bán trên thị trường còn “kém sức” và tầm ảnh hưởng của các hãng xa xỉ lên người tiêu dùng chưa thực sự đáng kể. Ngoài ra, thật khó để cộng đồng Fashion Influencers có thể gắn bó với một thương hiệu nhất định nào khi đặc thù của công việc trong showbiz Việt chưa cho phép họ nhất quán trong phong cách cũng như nhận quảng cáo cho riêng nhãn hàng nào.


▶️ Đọc bài viết đầy đủ tại: Vì sao Việt Nam thiếu đại sứ thương hiệu cao cấp?


12. “Nhạt” theo cách của Lúp Phương - Người hướng nội sáng tạo nội dung thế nào?


Sở hữu hơn 180.000 người theo dõi trên tất cả các kênh (YouTube, Facebook, Instagram, TikTok), Lúp Phương (Nguyễn Thành Phương) là một nhà sáng tạo nội dung số kiêm Motion Designer - nhà thiết kế chuyển động của nhóm sáng tạo trẻ DECION. Anh cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghệ thuật tại Thơm Festival (sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ Indie) mùa 2 - 3 và thiết kế chuyển động một số dự án stop motion như Ánh sáng xíu xiu, MV Đã Lâu Rồi,...



Với sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, ít ai biết rằng chàng Giám đốc Nghệ thuật sinh năm 96 lại là một người hướng nội, “sợ trò chuyện với con người”. Trong buổi phỏng vấn cùng Advertising Vietnam, anh đã có những chia sẻ về cơ hội của những nhà sáng tạo hướng nội, tư duy phát triển trong ngành và những định hướng công việc với cương vị Motion Designer - một vai trò không quá phổ biến tại Việt Nam. 


▶️ Đọc bài phỏng vấn đầy đủ tại: “Nhạt” theo cách của Lúp Phương - Người hướng nội sáng tạo nội dung thế nào?