Nếu marketer đang gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt quảng cáo trên nền tảng Meta, tiêu biểu như tốn nhiều thời gian để Meta chấp thuận, rất có thể các câu từ trong quảng cáo đã không tuân theo một cách sát sao với các chính sách của nền tảng. Bài viết này sẽ chỉ dẫn các marketer cách chỉnh sửa câu từ trong quảng cáo giúp quá trình phê duyệt diễn ra nhanh chóng hơn.


Quy trình phê duyệt quảng cáo của Facebook


Khi người dùng khởi tạo quảng cáo trên Facebook hoặc Instagram, đội ngũ của Meta sẽ duyệt trước khi đăng tải. Đa số trường hợp mẩu quảng cáo sẽ được duyệt một cách tự động trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi tạo, tuy nhiên sẽ có trường hợp thời gian duyệt sẽ lâu hơn một chút như dịp lễ cao điểm.


Nếu có vấn đề, hệ thống sẽ thông báo tới người dùng và mẩu quảng cáo sẽ được chuyển sang trạng thái “Từ Chối”. Lúc này người dùng sẽ được gợi ý cách giải quyết vấn đề trình quản lý Business Suite, mục Account Quality.


Trong cửa sổ Account Quality, hãy tìm phần Ad Accounts có hiển thị trạng thái tài khoản quảng cáo và có liệt kê rõ các quảng cáo bị từ chối. Hãy chọn vào bất kỳ tài khoản quảng cáo nào để xem thêm chi tiết hoặc giải quyết vấn đề.



Tại đây, người dùng có thể xem chi tiết quảng cáo đã vi phạm chính sách gì của Meta. Ví dụ trong văn bản quảng cáo có lỗi ngữ pháp hoặc chứa ngôn từ không phù hợp. Nếu người dùng cho rằng quảng cáo không vi phạm chính sách của Meta, họ có thể gửi yêu cầu Meta xem xét lại một cách kỹ lưỡng hơn.



Nếu quảng cáo vi phạm chính sách của Meta, người dùng có thể chỉnh sửa lại mẩu quảng cáo và gửi lại cho phía Meta duyệt. Phía Meta luôn kiểm tra chất lượng của quảng cáo một cách thường xuyên, ngay cả khi đã đăng tải. 


Để quá trình review quảng cáo được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, các marketer nên đảm bảo tuân thủ các chính sách của Meta ngay từ đầu. Sau đây là những lưu ý về các chủ đề bị cấm đăng tải trên quảng cáo theo chính sách của Meta.


Tên riêng


Việc sử dụng đích danh tên riêng của khách hàng là một cách thêm dấu ấn cá nhân và tạo cảm giác gần gũi, thích hợp cho loại hình quảng cáo qua email hay tin nhắn. Tuy nhiên Meta không cho phép dùng tên riêng khi quảng cáo trên nền tảng.


Ví dụ, quảng cáo “Này John, hãy mua bộ văn phòng phẩm được khắc tên của bạn ngay hôm nay!” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Chúng tôi có bán văn phòng phẩm được khắc tên của bạn” sẽ được Meta chấp thuận.


Tôn giáo


Meta không cấm quảng cáo về tôn giáo miễn nội dung không mang tính cá nhân. 


Ví dụ, quảng cáo “Hãy kết nối ngay với các bậc cha mẹ theo đạo Cơ đốc” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Cùng gặp gỡ các bậc cha mẹ theo đạo Cơ đốc tại đây” sẽ được Meta chấp thuận vì đã bỏ các yếu tố mang tính cá nhân như “kết nối”.


Tuổi tác


Tương tự như tôn giáo, Meta không cấm các quảng cáo có nhắc đến độ tuổi. Tuy nhiên, quảng cáo mang hàm ý nhắc về độ tuổi của nhóm người dùng nhất định sẽ bị cấm.


Ví dụ, quảng cáo “Bạn đã vào độ tuổi 40 rồi, hãy sử dụng sản phẩm của chúng tôi” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Cùng gặp gỡ với cộng đồng người cao tuổi” sẽ được Meta chấp thuận.


Các marketer nên xem kỹ nội dung văn bản khi muốn quảng cáo hướng đến một nhóm tuổi nhất định.


Chủng tộc và sắc tộc


Các marketer cần tránh những từ ngữ miêu tả một nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc mang tính cá nhân trong quảng cáo, thay vào đó hãy dùng những từ mang tính trung lập và mang tính khái quát. 


Ví dụ, quảng cáo “Cùng gặp gỡ các chủ doanh nghiệp gốc Châu Á gần khu vực bạn sinh sống” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Kết nối cùng doanh nghiệp Châu Á” sẽ được Meta chấp thuận.


Giới tính


Cần tránh các từ ngữ mang tính cá nhân khi các marketer muốn quảng cáo hướng tới một nhóm giới tính nhất định. 


Ví dụ, quảng cáo “Bạn có đang suy nghĩ lại về giới tính của mình không?” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Hãy tham gia cộng đồng đa dạng giới tính của chúng tôi” sẽ được Meta chấp thuận.


Quảng cáo của Trans Lifeline trên Facebook được chấp thuận vì nội dung không chứa ngôn từ mang tính cá nhân.


Xu hướng tính dục


Tương tự giới tính, các marketer cần tránh dùng các từ ngữ quá cá nhân liên quan đến xu hướng tính dục trong văn bản quảng cáo.


Ví dụ, quảng cáo “Bạn đang muốn kết nối với những người đồng tính nữ?” sẽ bị Meta từ chối, quảng cáo “Hãy tham gia sân chơi chung cho cộng đồng đa dạng giới của chúng tôi” sẽ được Meta chấp thuận.


Sức khỏe thể chất và tinh thần


Nếu marketer muốn hướng quảng cáo đến nhóm khách hàng đang gặp khó khăn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, điều quan trọng là không nên viết một cách quá cá nhân trong văn bản quảng cáo, ví dụ “Đang bị trầm cảm ư? Hãy gặp chúng tôi”.


Thay vào đó hãy tập trung vào giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mà marketer muốn truyền tải, ví dụ “Chúng tôi chuyên điều trị chứng trầm cảm”.


Một ví dụ về quảng cáo sản phẩm điều trị sức khỏe tinh thần trên Facebook được chấp thuận, nội dung quảng cáo mang tính chất chia sẻ về công dụng của sản phẩm.


Tình hình tài chính


Meta không cấm marketer quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến quản lý tài chính, tuy nhiên các quảng cáo mang hàm ý hiểu rõ tình trang tại chính của khách hàng sẽ bị cấm, ví dụ “Bạn có định nộp đơn phá sản không?”.


Thay vào đó, hãy tập trung vào giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ “Chúng tôi là chuyên gia về tái cơ cấu khoản nợ”.


Một ví dụ về quảng cáo dịch vụ tài chính đáp ứng chính sách quảng cáo của Meta.


Hồ sơ tiền án tiền sự


Cũng như vấn đề về tài chính, các marketer cần tránh dùng từ ngữ ám chỉ họ biết rõ hồ sơ tiền án tiền sự của đối tượng mục tiêu, ví dụ “Chúng tôi đã giúp đỡ rất nhiều người bị kết án trọng tội như bạn”. Các marketer có thể dùng “Các dịch vụ của chúng tôi được thiết kế để xóa án tích”.


Ngôn từ tục tĩu


Meta không cấm dùng ngôn từ tục tĩu trên các bài đăng, tuy nhiên các marketer không thể dùng những ngôn từ này trên mẩu quảng cáo. Chính vì thế hãy loại bỏ những từ tục tĩu hoặc mang hàm ý tục tĩu trước khi gửi quảng cáo cho Meta kiểm duyệt.


Các quảng cáo có ngôn từ tục tĩu sẽ không được chấp thuận bởi Meta.


Các tuyên bố gây hiểu lầm


Trước khi đăng tải quảng cáo, hãy kiểm tra mọi thông tin được liên kê trong đó có sai lệch hoặc gây hiểu nhầm hay không. Nếu nội dung có đề cập về vấn đề gây tranh cãi hay có thể khiến người xem hiểu sai, Meta sẽ không chấp thuận mẩu quảng cáo này.


Tên các thương hiệu của Meta


Meta cho phép marketer sử dụng tên các thương hiệu của tập đoàn nhưng hạn chế. Marketer có thể sử dụng tên thương hiệu để quảng cáo về nhóm trên Facebook hay tài khoản Instagram, và không được thay đổi về hình thức của thương hiệu trong văn bản, ví dụ không được viết “Facebook” là “fACeBook”.


Nội dung từ bên thứ ba


Mặc dù Meta cho phép các marketer đề cập đến các công ty hoặc sản phẩm từ bên thứ ba, như tên thương hiệu hay tên sản phẩm đã đăng ký bản quyền, tuy nhiên các marketer phải chắc chắn rằng đã được bên thứ ba cho phép làm điều này qua văn bản hoặc email. Nếu nội dung quảng cáo của marketer bị bên thứ ba báo cáo, Meta sẽ dỡ bỏ mẩu quảng cáo ấy.


Sai ngữ pháp


Những lỗi ngữ pháp như sai cấu trúc câu, thiếu dấu, viết hoa không đúng,... sẽ khó được Meta duyệt khi chúng xuất hiện trong những mẩu quảng cáo. Hãy kiểm tra kỹ về lỗi ngữ pháp trước khi gửi cho Meta kiểm duyệt. 


Tân Phan

Nguồn Social media Examiner