Trong marketing, KPI là viết tắt của "Key Performance Indicator", chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc sự vận hành của cả công ty. KPI có thể được áp dụng cho mọi khía cạnh của doanh nghiệp, từ tài chính, bán hàng tới các hoạt động đầu tư,...



Một số KPIs phổ biến


1. Chi phí chuyển đổi khách hàng (CAC):


CAC là tổng chi phí để thuyết phục một khách hàng tiềm năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian cụ thể. Chỉ số này liên quan trực tiếp tới ngân sách, giúp bạn nhận biết các hoạt động marketing hiện tại có đang đem lại hiệu quả hay không. Từ đó bạn có thể cải thiện hoạt động tiếp thị để tối ưu chi phí. Cách tính CAC: CAC = Tổng chi phí bán hàng và marketing/ số lượng khách hàng mới từ những hoạt động trên.


2. Giá trị vòng đời khách hàng (LTV):


Giá trị vòng đời khách hàng thể hiện toàn bộ giá trị kỳ vọng mà một khách hàng đóng góp cho lợi nhuận của doanh nghiệp trong suốt cuộc đời của họ. Những khách hàng trung thành mang đến giá trị ổn định và lâu dài cho doanh nghiệp là những người có LTV cao. Chỉ số này kết hợp cùng CAC giúp bạn xác định được nên chi bao nhiêu tiền cho marketing. Trong trường hợp LTV của bạn thấp hơn CAC, bạn có thể đang dành quá nhiều tiền để đạt được 01 khách hàng mới và nên giảm bớt ngân sách cho hoạt động này. Cách tính LTV: LTV = (Giao dịch 1 + Giao dịch 2 + Giao dịch 3 + …Giao dịch n) x Tỷ suất lợi nhuận trung bình


3. Tỷ suất hoàn vốn (ROI):


ROI là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư, cho thấy hiệu suất của những khoản đầu tư từ doanh nghiệp. ROI càng lớn chứng tỏ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp càng hiệu quả. Bạn nên tập trung đầu tư vào các khoản đầu tư có ROI cao và với các khoản đầu tư mang lại ROI thấp, bạn nên thử một chiến lược mới hoặc suy xét việc chuyển hướng đầu tư. Cách tính ROI: ROI = (Doanh thu – Chi phí)/ Chi phí 


4. Lợi nhuận trên chi phí quảng cáo (ROAS):


Trong marketing, ROAS được sử dụng để đo lường lợi nhuận được tạo ra từ hoạt động quảng cáo. ROAS cho phép bạn biết được mỗi đồng bạn chi cho hoạt động quảng cáo sẽ mang lại bao nhiêu doanh thu.


So với ROI, ROAS cho phép doanh nghiệp xác định độ hiệu quả quảng cáo chi tiết hơn khi tính được lợi nhuận của từng chiến dịch, từng nhóm quảng cáo, và thậm chí là từng từ khóa. Cách tính ROAS: ROAS = Doanh thu quảng cáo/ Chi phí của nguồn quảng cáo


5. Marketing Qualified Leads (MQL):


MQL chỉ những đối tượng có nhiều tiềm năng trở thành khách hàng thực sự của doanh nghiệp hơn những khách hàng tiềm năng khác. Một MQL được xác định dựa trên những thông tin, hành vi tiêu dùng và được phân tích với một quy trình khép kín của doanh nghiệp. Xác định tệp MQL giúp bạn nhanh chóng biết được những đối tượng nào có khả năng mua hàng cao hơn, từ đó tập trung nhắm vào các đối tượng đó và tối ưu hoạt động marketing.


6. Sales Qualified Leads (SQL):


Nếu một MQL được chăm sóc và phát triển mối quan hệ đúng cách, nhiều khả năng họ sẽ trở thành một SQL. Lúc này, sau khi đã được đánh giá cẩn thận bởi đội ngũ marketing và sales, SQL đã sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quy trình bán hàng. Theo dõi SQL giúp doanh nghiệp sàng lọc kỹ càng những đối tượng hứa hẹn tỉ lệ chuyển đổi cao nhất và xây dựng chiến lược phù hợp với những đối tượng này, thúc đẩy họ mua hàng.



7. Sự tăng trưởng các Followers:


Quản lý tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp là công việc quan trọng của hầu hết marketer. Theo dõi sự tăng trưởng các followers trên các tài khoản này là 1 KPI không thể bỏ qua khi đánh giá hiệu quả marketing trên môi trường digital. Tăng followers là một cách để bạn biết rằng mức độ nhận diện và tương tác với người tiêu dùng của doanh nghiệp cũng đang dần tăng lên. Để phát triển nền tảng follower của mình, bạn có thể cân nhắc chạy các chiến dịch được tài trợ. Một thương hiệu đã tăng thêm 36 lần số lượng followers của mình mỗi ngày trong suốt 4 ngày khi chạy quảng cáo một loạt các bài đăng trên Instagram, tăng số lượng followers thêm 18,15%.


8. Tỷ lệ chuyển đổi (CR):


CR cho biết tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng số thực hiện hành vi chuyển đổi. Những hành vi chuyển đổi này không bắt buộc phải là “mua hàng” mà còn có thể đa dạng thành “đăng ký”, “cung cấp thông tin”,... tùy theo mục đích của doanh nghiệp. CR là một chỉ số cực kỳ quan trọng khi đánh giá hiệu quả marketing. Tối ưu CR giúp bạn giảm chi phí trên từng khách hàng và mang lại lợi nhuận cao hơn. Cách tính CR: CR = Số lượng chuyển đổi/ Tổng khách truy cập x 100


9. Lượng truy cập website:


Website là một kênh truyền thông quan trọng của các doanh nghiệp. Một website thu hút được nhiều lượng truy cập đóng góp một phần lớn trong việc thành công thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp. Theo dõi lượng truy cập website cho phép bạn đánh giá hiệu quả của nhiều chiến dịch marketing. Ví dụ, lượng truy cập organic cho thấy hiệu quả của đội ngũ SEO hay xác định liệu quảng cáo qua mạng xã hội có mang lại lượng truy cập website mà bạn mong muốn,...


10. Lượng tương tác trên mạng xã hội:


Bất kì hành động nào của người dùng với một bài post hay fanpage cụ thể cũng được tính là một tương tác cho bài post và fanpage đó. Số lượt tương tác là một KPI không thể bỏ qua khi đánh giá hiệu quả marketing trên mạng xã hội. Sau khi xác định được số lượng người tiếp cận bài viết (lượt reach), marketers cần quan tâm tới lượng tương tác - chỉ số quan trọng thể hiện sự thu hút của bài viết với công chúng mục tiêu.


11. Referral traffic:


Bên cạnh Direct traffic và Organic traffic, Referral traffic giúp bạn xác định lượng khách truy cập website của doanh nghiệp đến từ đâu. Tất cả những truy cập mà không thông qua bất kỳ công cụ tìm kiếm nào đều được xem là Referral. Referral traffic được lưu trữ bằng giao thức HTTP trên trình duyệt. Theo dõi chỉ số KPI này giúp bạn đánh giá hiệu quả quảng cáo từ những nền tảng khác ngoài công cụ tìm kiếm và website chính.


12. Chỉ số thiện cảm của khách hàng (NPS):


Đây là một KPI cho biết mức độ hài lòng của khách hàng. Chỉ số có thang đo từ -100 đến 100, đo lường mức độ khách hàng sẵn lòng giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty cho người khác. NPS là thước đo hiệu quả cho việc dự báo sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. NPS giúp bạn lắng nghe và thấu hiểu khách hàng từ sự hài lòng và trung thành của họ đối với thương hiệu.


13. Organic Traffic:


KPI này được sử dụng để đo lường hiệu quả của những nỗ lực SEO. SEO tốt mang lại thứ hạng tìm kiếm cao, tăng lượng organic traffic và dẫn đến giảm chi phí quảng cáo.


14. Lượt tham gia sự kiện:


Một marketer sẽ khó tránh khỏi việc tổ chức các sự kiện khi thực hiện các hoạt động marketing. Đối với hoạt động này, số lượt tham gia trở thành một KPI quan trọng để đánh giá hiệu suất. Theo dõi chỉ số này giúp bạn biết được liệu đội ngũ marketing có đang khiến người tiêu dùng quan tâm và sẵn lòng tham dự sự kiện của bạn hay không. Càng nhiều người tham gia sự kiện, hoạt động tổ chức của bạn càng thành công.


15. Tỷ lệ giữ chân khách hàng (CRR):


Doanh nghiệp luôn muốn khách hàng quay lại và tiếp tục mua hàng của mình. Điều này được thể hiện qua những nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng. Đo lường được chỉ số KPI này giúp nhà quản trị biết được mức độ khách hàng sẵn lòng duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp và từ đó cho thấy khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Cách tính CRR: CRR = [Số khách hàng đầu kỳ/(Số khách hàng cuối kỳ – Số khách hàng mới có được trong kỳ)] * 100 Có rất nhiều chỉ số KPIs tùy thuộc vào hoạt động và mục đích đo lường của doanh nghiệp. Xây dựng KPIs phù hợp đóng vai trò cốt yếu thành công trong chiến dịch marketing và cả các hoạt động khác.

Nguồn: Hubspot.