Những gì bắt đầu như một trò đùa đã chính thức trở thành Google Doodle - các tác phẩm kỷ niệm và tôn vinh những ngày lễ, nhân vật cũng như vấn đề trên toàn thế giới.


Google Doodle đầu tiên, năm 1998


Khi hai người đồng sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin đang hướng tới lễ hội Burning Man tại bang Nevada của Mĩ vào tháng 8 năm 1998, họ muốn người dùng và nhân viên biết rằng họ sẽ không quản lí công cụ tìm kiếm một thời gian. Các sinh viên kì cựu tại Đại học Stanford đã quyết định thay thế chữ ‘O’ thứ hai trên trên trang chủ Google bằng một hình que giống như logo của lễ hội.


“Đây là một trò đùa nho nhỏ“, Jessica Yu, trưởng nhóm Google Doodle kể lại với tờ TIME, “nhưng kể từ khi ấy, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.”


Những gì bắt đầu như một trò đùa đã chính thức trở thành Google Doodle - các tác phẩm kỷ niệm và tôn vinh những ngày lễ, nhân vật cũng như vấn đề trên toàn thế giới, Google Doodle hiện nay đã trở thành một liên doanh chủ chốt cho gã khổng lồ công nghệ Google.


Quay về thời điểm khi Brin và Page đăng thiết kế Burning Man, lúc ấy chỉ chưa đầy một tuần trước khi Google được thành lập như một công ty vào ngày 4 tháng 9 năm 1998. Phải đến hai năm sau, họ mới sử dụng lại thứ như nguyên mẫu của Doodle lần nữa. Nhưng lần này, thay vì như ‘một tin nhắn ngoài luồng’, thiết kế ấy đã kỉ niệm Ngày Bastille (ngày Quốc Khánh của Pháp) vào 14 tháng 7 năm 2000. Dennis Hwang, một thực tập sinh vào thời điểm đó, được giao nhiệm vụ tạo ra mẫu thiết kế.


Hwang trở thành nhà thiết kế chính cho Doodles, anh tạo ra khoảng 50 mẫu mỗi năm, theo một cuộc phỏng vấn với tạp chí cựu sinh viên Stanford. Hwang sau đó đã chuyển sang các dự án ấn tượng không kém với tư cách là phó chủ tịch thiết kế hình ảnh và tương tác tại Niantic, nơi anh thiết kế Pokémon Go.

Google kỉ niệm World Cup dành cho bóng bầu dục năm 2019 trong ngày mở màn với doodle vào ngày 20 tháng 9, 2019


Trong những năm đầu, đây là một điều gây ra tranh cãi,” Hwang nói với TIME trong một cuộc phỏng vấn trước đây về việc tạo ra sự thay đổi trong logo của công ty.


“Nếu bạn đọc bất kỳ loại sách chuyên khoa tiếp thị hoặc thương hiệu doanh nghiệp nào, điều họ thường xuyên nhấn mạnh chính là việc bạn phải giữ sự nhất quán của thương hiệu, dù là bất kể lí do gì. Nhưng Larry và Sergey nói, ‘Tại sao lại không? Chúng ta nên thoải mái vui vẻ hơn với vấn đề này.”


Hwang tiếp tục tạo ra Doodles cho các ngày lễ phổ biến như Lễ Tạ ơn và Giáng sinh - dẫn đến một trong những chương trình hoạt hình nổi tiếng nhất của chương trình, Santa Tracker. Trò chơi Santa Tracker cho phép người dùng trên toàn thế giới theo dõi các tab trên trò chơi khi ông già Noel tặng quà vào đêm Giáng sinh, lấy cảm hứng từ phiên bản của Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), bắt đầu từ những năm 1950. Năm 2005, Hwang đã thiết kế các biểu tượng cho trình theo dõi này để sử dụng cùng với dự án tiên phong của Google Earth. Theo chính công ty thì hơn một triệu người đã theo dõi ông già Noel với Google vào năm đó, vì vậy nó trở thành một truyền thống hàng năm.

Santa Tracker năm 2018


Google không công khai số lượt xem của tất cả Doodles, do đó rất khó để biết mức độ phổ biến của các ảnh hoạt họa họ tạo ra. Nhưng nhóm Google Doodle hiện nay bao gồm vài chục nghệ sĩ, nhà quản lý, kỹ sư và nhân viên khác, những người hướng tới một loạt các thiết kế đa dạng, Yu cho hay.


Nhóm nghiên cứu đã mở rộng phiên bản hoạt hình cho nhiều dịp hơn là chỉ dành cho lễ Giáng sinh hằng năm. Một Doodle vào tháng 3 đã vinh danh nhà phát minh người Nhật Seiichi Miyake, người đã tạo ra Tenji, hay ‘xúc giác’, giúp những người khiếm thị điều hướng các khu vực công cộng. “Với mỗi Doodle, chúng tôi muốn gây ngạc nhiên và thích thú cho người dùng của mình,” Yu cho biết. “Vì vậy, điều quan trọng là chúng tôi tôn vinh được các chủ đề đa dạng và những nhân vật khác nhau.”

Google vinh danh Seiichi Miyake với Google Doodle đầy màu sắc


Nhóm nghiên cứu mở rộng kĩ thuật của mình mỗi năm. Một tác phẩm vào tháng 9 vinh danh Fred Rogers sử dụng kĩ thuật stop motion trong hoạt họa; trong khi Halloween năm ngoái là một trò chơi video cho phép người dùng thi thố với những người chơi khác. Năm nay, ngày 04 tháng 7, Google Doodle đã giới thiệu một trò chơi bóng chày hoạt họa trên trang chủ của công ty.


Các nhà thiết kế mới vào nghề cũng được chào đón tham gia. Vào năm 2008, công ty đã chính thức hóa quy trình theo một cách: Bắt đầu một cuộc thi dành cho học sinh mẫu giáo đến lớp mười hai ở Mỹ. Người chiến thắng cuộc thi Doodle for Google hàng năm sẽ có tác phẩm của chính họ hiển thị trên trang chủ tìm kiếm, cũng như tiền học bổng và các gói dịch vụ công nghệ, theo Google cho hay. Công ty cũng tổ chức các cuộc thi riêng biệt cho các quốc gia trên toàn thế giới.

Jimmy Fallon và người chiến thắng cuộc thi Doodle for Google toàn quốc - Arantza Peña Popo - khi giới thiệu tác phẩm trong ‘The Tonight Show với Jimmy Fallon’ vào ngày 12 tháng 8, 2019


Chủ đề năm nay là “When I grow up, I hope…” (“Khi lớn lên, điều tôi hy vọng là…”) và 222.000 sinh viên đã nộp đơn, Yu nói trong bài đăng thông báo người chiến thắng của Google.


Arantza Peña Popo giành chiến thắng cho Doodle của cô ấy với tựa ‘Once you get it, you give back‘. Đây là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện nhiều thế hệ phụ nữ trong gia đình. Jimmy Fallon, một trong những giám khảo của cuộc thi năm nay, đã đưa cô vào chương trình The Tonight Show như một cách ăn mừng chiến thắng. “Khi lớn lên, tôi hy vọng có thể chăm sóc mẹ tôi nhiều như cách bà đã dành trọn đời mình để chăm sóc cho chính tôi,” Arantza đã nói với Fallon trong chương trình của ông vào tháng 8 vừa rồi. “Mẹ tôi đã làm vô vàn điều và hy sinh rất nhiều thứ.”


Nhóm Doodle cũng quảng bá thông điệp trao quyền vào ngày 8 tháng 3 cho Ngày Quốc tế Phụ nữ. Với một slideshow tương tác được thiết kế bởi phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới, 13 nhà lãnh đạo phụ nữ từ các quốc gia khác nhau đã chia sẻ quan điểm của họ về nữ quyền và tương lai. “Trong khi mỗi câu trích dẫn kể một câu chuyện độc đáo“, Yu cho hay, “họ đã chạm vào các chủ đề phổ quát, nhắc nhở rằng mỗi cá nhân đều có vô vàn điểm chung, ngay cả khi ta không cùng một ngôn ngữ hoặc có nền tảng khác biệt.“.


Ngoài việc có thêm những tiếng nói mới mẻ và khác biệt trên trang web thông qua Doodle cho Google, Yu cho biết nhóm cũng khuyến khích sự đa dạng bằng cách có thêm các nhà quản lý địa phương sinh sống ở nhiều khu vực, một người nào đó sống và hoạt động như “một nhà tư vấn văn hóa” và đến từ quốc gia mà họ đại diện. Cho dù Doodle được triển khai ở trang chủ Google trên hai mươi quốc gia hay chỉ một số ít, vài trong số những Doodle cảm động nhất tôn vinh những người đã khuất. Một Doodle ngày 7 tháng 2 năm 2015 đã được tạo ra để vinh danh sinh nhật lần thứ 148 của Laura Ingalls Wilder. Đối với sinh nhật lần thứ 90 của Maya Angelou ngày 4 tháng 4 năm 2018, Google đã thực hiện một đoạn phim hoạt hình ngắn với bài thơ của bà. Một số dòng được đọc bởi giọng nói của Angelou, trong khi những dòng khác được lồng tiếng bởi các nghệ sĩ được truyền cảm hứng từ tác giả quá cố, bao gồm Alicia Keys, Laverne Cox và Oprah Winfrey.


“Thường thì Doodles mang đến cho mọi người cơ hội kết nối trực tuyến hoặc trực tiếp thông qua những ký ức về ai đó hoặc điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc sống của họ”,Yu nói. “Thi thoảng, tự thân các tác phẩm Doodle thậm chí sẽ tạo điều kiện cho việc kết nối ấy.”

*Nguồn: iDesign