Có thể nói, mạng xã hội khiến việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Thế nhưng, cơn lốc chuyển động số khiến các nền tảng mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu bạn không phải “dân chuyên social”, doanh nghiệp của bạn sẽ khó lòng trụ vững trên bản đồ social media ngày nay.


Hãy cùng điểm qua những mẹo nhỏ để tăng hiệu quả cho chiến lược social media dành cho “dân ngoại đạo”! 


Mẹo 1: Xây dựng chiến lược trước, chọn nền tảng mạng xã hội sau.


Khi bắt đầu chiến dịch, không ít người tạo hàng loạt tài khoản trên Facebook, Instagram, YouTube… cho thương hiệu của mình, sau đó mới lên kế hoạch nội dung ở từng nền tảng. Hệ quả là những tài khoản này bị bỏ hoang, không hoạt động năng suất, khiến chiến lược nội dung đạt được chỉ số vô cùng thấp.


Để tránh tình trạng như vậy, bạn nên cẩn thận xây dựng chiến dịch trước khi chọn lựa nền tảng social media. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi như:

  • Khách hàng của mình là ai?
  • Họ thường hoạt động trên mạng xã hội nào?
  • Đối thủ của mình thường quảng bá trên mạng xã hội nào? Họ có thành công không? Nền tảng nào của họ đạt hiệu quả cao nhất?
  • Ai sẽ phụ trách lên kế hoạch và quản lý tài khoản mạng xã hội?
  • Doanh nghiệp có chính sách riêng trên mạng xã hội để các nhân viên cùng tuân theo chưa?
  • Nếu các nhân viên thay nhau quản lý tài khoản, họ đã nắm rõ nhiệm vụ cụ thể của mình hay chưa?


Qua những câu hỏi trên, bạn sẽ hiểu rõ hơn về lựa chọn của mình và trả lời được câu hỏi: “Tại sao tôi sử dụng nền tảng mạng xã hội này và làm thế nào để đưa ra nội dung hiệu quả hơn?”


Mẹo 2: Phân tích SWOT ngắn gọn nhất có thể.


Mô hình SWOT là phương thức phổ biến giúp một doanh nghiệp phân tích điểm mạnh (Strength), điểm yếu (Weakness), cơ hội (Opportunities), thách thức (Threats). Nếu muốn phủ sóng thương hiệu trên social media, bạn phải lập một bảng phân tích SWOT để đưa ra mục tiêu, chiến lược phù hợp.



Nhiều người tốn rất nhiều thời gian để liệt kê các yếu tố mà SWOT yêu cầu. Tuy nhiên, sự thật là SWOT không cầu kỳ như tên gọi của nó. Hãy lập một bảng SWOT ngắn gọn và xúc tích nhất có thể với 2-3 gạch đầu dòng ở mỗi đề mục. Bạn nên tập trung nêu ra những điểm mạnh hay điểm yếu đặc trưng nhất, cấp thiết nhất trong doanh nghiệp của mình.


Mẹo 3: Tính hiệu quả quan trọng hơn độ viral. 


Nhiều chủ đầu tư khi tìm đến chuyên viên cố vấn Social Media đã tâm sự: “Tôi từng làm một video đạt 1,000,000 lượt xem. Tôi bắt đầu làm thêm nhiều video, nhưng không cái nào viral được như lần đầu tiên.”


Bạn cần hiểu rằng, thành công của doanh nghiệp trên mạng xã hội không đong đếm bằng sức “lan toả” (viral). Nếu mục tiêu của bạn đơn giản là tăng lượt xem thì vô cùng thiếu thực tế. Một content hiệu quả không cần thu hút tất cả mọi người trong số đông.


Đúng hơn, bạn nên tạo ra nội dung phù hợp mà khách hàng không thể tìm thấy ở bất kỳ kênh nào khác. Chính những nội dung phù hợp ấy sẽ tạo tiền đề xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng, tạo dựng niềm tin nơi họ và thúc đẩy họ chuyển từ người xem thành người mua!


Mẹo 4: Hiểu rõ đặc trưng của từng nền tảng mạng xã hội để lựa chọn.


Làm thế nào để biết nền tảng nào phù hợp với doanh nghiệp của mình? Cách duy nhất là nắm rõ đặc trưng của từng mạng xã hội. Dưới đây là sơ lược về 5 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.



Facebook: Sử dụng Học máy (Machine Learning) để cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho người bán.

Điều đặc biệt ở Facebook là “thông tin cá nhân” không chỉ dừng lại ở tên tuổi, quê quán, trường lớp… trên hồ sơ của người dùng. Thuật toán Facebook cho phép người bán “lắng nghe” được những câu chuyện riêng tư của khách hàng với người thân và gia đình. Từ đó, đưa ra giải pháp tối ưu nhất.


Lợi thế này cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp. Nếu bạn chọn Facebook làm kênh trọng tâm để quảng bá cho việc kinh doanh, bạn và doanh nghiệp của mình phải chấp nhận những áp lực như: Nỗ lực xây dựng quan hệ với khách hàng, chăm chỉ phản hồi yêu cầu từ mục tin nhắn, năng nổ livestream để giới thiệu mặt hàng mới… 



Instagram: Sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và thương mại.


Xuất phát điểm của Instagram là một nền tảng chia sẻ hình ảnh. Cùng với sự ra đời của Instagram Stories và Instagram Reels, người dùng trên đây đòi hỏi những trải nghiệm “thích tai, vui mắt”. Vì thế,  “hình ảnh đẹp” là chìa khoá để thành công trên Instagram. Doanh nghiệp cần đầu tư thật nhiều vào mặt hình ảnh để hòa chung không gian nghệ thuật” trên Instagram nếu chọn đây là xuất phát điểm của mình.


Đồng thời, Instagram cũng là nơi các influencer (người ảnh hưởng) vừa và nhỏ nở rộ. Bạn có thể cân nhắc hợp tác cùng những influencer này để giới thiệu sản phẩm hoặc tăng độ nhận biết cho thương hiệu của mình.



Youtube: Thanh tìm kiếm lớn thứ 2 chỉ sau Google.


Hợp tác cùng YouTuber cũng là một lựa chọn mà bạn nên cân nhắc. Bạn có thể nhập những từ khoá liên quan vào thanh tìm kiếm, xem qua những YouTuber nào xuất hiện đầu tiên trong kết quả tìm kiếm, nghiên cứu nội dung video của họ xem có phù hợp với mình không. 


Điều quan trọng là đừng tập trung vào những kênh có lượng người theo dõi lớn. Bởi hiệu quả không được đo bằng độ “viral” mà là nội dung phù hợp. Chọn những kênh YouTube có độ tương tác cao với người xem và có nội dung liên quan đến sở thích của khách hàng mình. Nếu kênh của bạn chưa đủ 1000 lượt xem, hãy kết hợp với các YouTuber để làm livestream giới thiệu sản phẩm.



Pinterest: Chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh.


Kinh doanh trên Pinterest có lẽ còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một nền tảng tiềm năng. Thuật toán của Pinterest gợi ý cho người dùng những hình ảnh tương tự với nội dung họ đang tìm kiếm. Chức năng này giúp doanh nghiệp của bạn có cơ hội xuất hiện ở mục “Gợi ý”, tiếp cận được những khách hàng không ngờ đến. Người dùng chủ yếu trên Pinterest là phụ nữ, phù hợp với các mặt hàng thời trang, đồ ăn, đồ trang trí nội thất.



TikTok: Nội dung mới mẻ và giải pháp tiết kiệm.


Nếu doanh nghiệp của bạn không thể chi trả để thuê agency, hãy chọn TikTok. TikTok hỗ trợ doanh nghiệp với đa dạng các giải pháp quảng cáo. Bạn có thể liên kết với một TikToker phù hợp và thực hiện một hashtag challenge để quảng bá. Yêu cầu về hình ảnh trên TikTok không cần quá cầu kỳ. Nội dung chỉ cần thể hiện cá tính mạnh và độ sáng tạo. 


Hồng Ân

Advertising Vietnam