Những nội dung cũ của bạn là một kho tàng dồi dào cho các ý tưởng mới. Nhưng tiếc thay, chỉ một phần nhỏ các marketer tận dụng được chúng. Với mỗi nội dung mới bạn tạo ra, bạn không chỉ có thể đăng đi đăng lại mà còn có thể khai thác nội dung đó để có thêm ý tưởng ngoài chủ đề chính. Từ đó, bạn có thể viết các phần tiếp theo, các bản phụ hoặc nhiều nội dung liên quan khác.


Hãy nghĩ như thế này:


Một bài đăng blog trung bình 1,500 từ của bạn thường chỉ xoay quanh một chủ đề chính. Nhưng bên trong đó có thể sẽ có thêm nhiều nội dung quan trọng hoặc các chủ đề khác. Và trong mỗi nội dung vấn đề hoặc chủ đề đó sẽ có thêm nhiều chi tiết và ví dụ khác nữa. Bất kỳ điểm nào trong số đó đều có khả năng trở thành một nội dung ăn khách tiếp theo của bạn, miễn là bạn biết tận dụng chúng.


Nhiều người thường gọi nó là phương pháp brainstorm “phần tiếp theo và phần ngoại truyện”.


1.Viết phần nối tiếp cho nội dung đã có mà vẫn đảm bảo sự liên quan


Cách đầu tiên để đưa ra ý tưởng mới từ nội dung cũ là xem xét bài viết cũ nào có thể cần “phần 2”, hoặc thậm chí là “phần 3”.


Điều này thường xảy ra khi chủ đề chung của bài viết vẫn có thể phát triển các nội dung liên quan nhưng phần còn lại của bài viết thì không.


Ví dụ: Những chủ đề như hướng dẫn về kích thước hình ảnh trên mạng xã hội luôn thu hút sự quan tâm và thông tin thực tế thì thay đổi thường xuyên.


Cập nhật liên tục cho một chủ đề như thế này sẽ là quá sức. Quá nhiều thông tin thay đổi với tần suất thường xuyên, gây áp lực cho việc quản lý dự án của các marketer có nhiệm vụ cập nhật thông tin.


Vì vậy, thay vào đó, nhiều thương hiệu đã tạo ra một bản cập nhật hàng năm cho những chủ đề như thế này.


Họ đăng phần nội dung mới mỗi năm một lần và liên kết đến bản gần nhất được đăng từ những năm trước. Điều này giúp cả người xem lẫn marketer đều biết được khi nào sẽ có bản cập nhật tiếp theo.


Chiến lược “viết phần tiếp theo” rất phù hợp khi khách hàng của bạn thường xuyên nói đến một chủ đề mà các chi tiết trong đó lại thay đổi một cách thường xuyên hoặc đáng kể.


2.Phát triển các ý tưởng xoay quanh chủ đề chính


Cách thứ hai mà bạn có thể khai thác các ý tưởng mới dựa trên nội dung đã có của mình là tạo ra các nội dung phụ. Điều này xảy ra khi bạn lấy một phần nhỏ của nội dung hiện có và giúp nó tỏa sáng.


Những phần phụ giúp marketer tiếp tục phát triển nội dung thành công, bất kể nội dung đó đã cũ hay lỗi thời.

Một ví dụ dễ thấy nhất của điều này là những video trên Youtube. Thuật toán của YouTube thường liên kết nội dung hiển thị theo chủ đề. Do đó, khi bắt đầu xem một video, YouTube muốn đảm bảo rằng họ có các video khác có cùng chủ đề để dễ dàng giới thiệu cho người xem.


Một lợi ích khác là khi bạn có nhiều phần phụ của cùng một chủ đề, bạn sẽ dễ dàng tập hợp tất cả chúng lại với nhau thành một danh sách phát.

Ví dụ: Bạn có thể thấy kênh YouTube Clean My Space có hai nội dung phụ khác nhau vào cùng một khoảng thời gian: một về các thói quen dọn dẹp và một về các phương pháp dọn dẹp phòng cụ thể.



Vậy những phần nào của nội dung có thể chuyển thành chủ đề chính của một phần phụ?

Đó có thể là:

●     Tiêu đề phụ hoặc các mục nhỏ của nội dung gốc

●     Các danh sách trong bài

●     Những câu chuyện, thống kê hoặc ví dụ có tác động tới nội dung chính

●     Các kết luận được rút ra

●     Những lời khuyên bổ ích

Ngoài ra, bất kì ý tưởng hoặc phần nội dung nào chưa phải là ý chính của bài viết này có thể trở thành chủ đề chính của bài viết khác.


3."Chiều fans” bằng cách trả lời các phản hồi


Cách thứ ba để lấy ý tưởng mới từ các nội dung đã có là xem xét các phản hồi của khách hàng trong các nhận xét hoặc những chia sẻ trên mạng xã hội của họ.


Bằng việc đặt các câu hỏi, khuyến khích họ giải thích rõ về một số chi tiết cụ thể và chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm và quan điểm riêng, các thương hiệu có thể khai thác cả một kho ý tưởng nội dung mới từ các khách hàng.

Tất nhiên, để có thể làm được điều này, doanh nghiệp cần phải thu hút đối tượng mục tiêu và lắng nghe những gì họ nói.


Và khi bạn đã liên tục chia sẻ nội dung của mình với khán giả, chú ý đến cách họ phản ứng thì điều này sẽ tạo nên một vòng phản hồi liên tục mà bạn có thể khai thác các ý tưởng nội dung bất cứ lúc nào.


4.Xem lại và lấp đầy khoảng trống còn thiếu


Cuối cùng, hãy nghĩ về các lỗ hổng trong nội dung của bạn hoặc những điều mà bạn cho rằng còn thiếu trong một phần nội dung khi bạn xem xét nó kỹ hơn.


Lúc này, nội dung mới là cơ hội để quay lại và lấp đầy các khoảng trống.

Điều này cũng có thể được chỉ ra qua phản hồi của khán giả, nhưng thường là bạn tự nhận ra được.


Bạn có thường nhấn đăng một bài viết và ngay lập tức nghĩ đến các phần mà bạn sẽ bổ sung sau ngày hôm đó không?


Hãy ghi lại và để dành các ý tưởng đó cho lần sau, khi bạn tạo nội dung mới và điều này có thể giúp bạn lấp đầy khoảng trống của nội dung trước đó.

5.Hãy xây dựng nội dung liên quan một cách chiến lược


Bạn đã có bốn cách để khai thác những ý tưởng mới từ nội dung sẵn có và để sáng tạo hiệu quả hơn, đừng bỏ qua một số lời nhắc nhở nhỏ:

●     Đừng đưa ra những ý tưởng không phù hợp với chiến lược nội dung lớn của bạn. Chỉ vì bạn có thể, không có nghĩa là bạn nên làm.

●     Đừng ngại lặp lại chính mình. Đề cập đến một ý tưởng và dành toàn bộ các phần cho nó là những điều rất khác nhau.

●     Hãy nhớ thêm các liên kết nội bộ từ nội dung gốc của bạn với các phần phụ và ngược lại.


KẾT

Sáng tạo nội dung là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và công sức. Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nảy ra các ý tưởng mới. Khai thác từ kho nội dung cũ là một cách phổ biến và hiệu quả để tiết kiệm nguồn lực cho đội ngũ marketing của doanh nghiệp.


Dịch từ nguồn: Search Engine Journal.