Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng là một bước quan trọng để các doanh nghiệp có thể đạt hiệu quả trong việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, phát triển chiến lược marketing và tăng trưởng doanh số. Hành vi người tiêu dùng thường có thể thay đổi do nhiều yếu tố, bao gồm cả sự thay đổi của kinh tế, công nghệ, xã hội và văn hóa.


Ví dụ, trong thời gian gần đây, sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cách mà người tiêu dùng tương tác với các sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp và nhà quản lý marketing cần thấu hiểu những thay đổi này để có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp và tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.


Hubspot đã tiến hành một cuộc khảo sát kéo dài trong vòng nửa năm để hiểu rõ hơn về cách chi tiêu của các nhóm khách hàng khác nhau. Dựa trên kết quả khảo sát và sử dụng nghiên cứu từ Báo cáo Xu hướng Tiêu dùng (Consumer Trends Report), Hubspot đã chỉ ra 4 xu hướng quan trọng nhất về hành vi tiêu dùng trong năm 2023:


1. Người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm thông qua ứng dụng mạng xã hội


Vào tháng 5 năm 2022, chỉ có 12% người tiêu dùng ưa thích mua sản phẩm thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Instagram Shop hoặc Facebook Marketplace. Thế nhưng trong ba tháng qua, có đến 41% người dùng mạng xã hội đã chia sẻ rằng họ cảm thấy thoải mái khi mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội. Sự thay đổi này cho thấy ngày càng nhiều những chiến dịch marketing tập trung vào giá trị nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động đến hành vi người tiêu dùng.


Nội dung trên mạng xã hội có khả năng tác động đến hành vi người tiêu dùng


Nghiên cứu của HubSpot cũng phát hiện ra rằng các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, Instagram, YouTube và TikTok cũng đồng thời là các nền tảng được ưa chuộng nhất cho mua sắm trên mạng xã hội. Người mua sắm trên mạng xã hội cũng cho biết Instagram và Facebook có trải nghiệm mua sắm tốt nhất trên các ứng dụng.


Những nền tảng này có giao diện mua sắm thân thiện và rất dễ sử dụng, từ đó giúp quá trình ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn. Ngoài ra, khi người tiêu dùng xem nội dung họ thích và nhận được quảng cáo liên quan đến những gì họ quan tâm, họ cũng có xu hướng tăng khả năng tương tác và chia sẻ nội dung đó với người khác. 


2. Thế hệ Gen X và Boomers đang mua sắm qua mạng xã hội nhiều hơn


Trong thời gian từ tháng 5 năm 2022 đến nay, xu hướng mua sắm trên mạng xã hội đã có sự thay đổi đáng kể trong các nhóm Gen X (sinh ra trong giai đoạn 1965-1980) và Boomers (sinh ra trong giai đoạn 1946 và 1964). Theo khảo sát mới đây của Hubspot, trong vòng 7 tháng, tỷ lệ người thuộc thế hệ Gen X sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm sản phẩm ưa thích của họ đã tăng từ 13% đến 29%. Trong khi đó, số lượng người thuộc thế hệ Boomers sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm sản phẩm ưa thích đã tăng đến 60% so với năm ngoái.


Xu hướng mua sắm qua mạng xã hội có sự thay đổi lớn trong nhóm Gen X và nhóm Boomers


Điều này có ý nghĩa lớn đối bởi các thế hệ trước đây thường sử dụng quảng cáo truyền hình và tìm kiếm trên internet để tìm hiểu về sản phẩm. Do đó, mạng xã hội không chỉ là một phương tiện giải trí và cộng đồng dành cho giới trẻ mà còn là một không gian đa dạng và thuận tiện cho việc tìm kiếm và mua sắm với khách hàng ở mọi lứa tuổi. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng tốt hơn và tạo ra chiến lược tiếp thị hiệu quả trên mạng xã hội, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.


3. Sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nhỏ đang tăng lên


Trong thời gian ba tháng gần đây, tỉ lệ người tiêu dùng mua sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ đã tăng lên 42%, tăng 8% so với tháng 5 năm 2022. Có thể thấy, xu hướng thay đổi trong hành vi tiêu dùng này có thể là do tác động chậm của đại dịch COVID-19. Trước đó, nhiều cửa hàng và quán ăn ưa thích của người tiêu dùng đã phải đóng cửa vì mất khách. Vì vậy, khi đại dịch được kiểm soát, người tiêu dùng muốn ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn hoạt động.


42% người tiêu dùng đã chọn một sản phẩm được sản xuất bởi một doanh nghiệp nhỏ


Một lý do khác để giải thích xu hướng này là trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ thường đa dạng và mang tính cá nhân hóa, thu hút được nhiều người tiêu dùng. Ngoài ra, dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp nhỏ thường được tiếp cận tốt hơn, tạo cảm giác tích cực và giúp xây dựng cộng đồng. Từ đó, người tiêu dùng cảm thấy gần gũi hơn và muốn trở thành khách hàng thường xuyên của các doanh nghiệp.


4. Người tiêu dùng đang ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm cộng đồng


Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến việc ủng hộ cộng đồng địa phương, mà còn quan tâm đến những quan điểm mà các công ty đưa ra về những vấn đề xã hội như công bằng chủng tộc, giảm thiểu biến đổi khí hậu và quyền LGBT+. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong việc triển khai các chương trình hoặc quyên góp có trách nhiệm xã hội để tác động đến thế giới xung quanh và có vai trò nhất định về các vấn đề toàn cầu.


Suntory PepsiCo đã cho ra mắt sản phẩm Pepsi đầu tiên được đóng gói bằng 100% nhựa tái chế tại thị trường Việt Nam vào năm 2022


Có thể thấy, việc có trách nhiệm xã hội và thể hiện quan điểm là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Khi người tiêu dùng đồng ý với các giá trị và quan điểm của công ty, họ sẽ có xu hướng ủng hộ và tin tưởng hơn đối với thương hiệu trước khi quyết định mua hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường mối quan hệ với khách hàng, đồng thời giúp nâng cao uy tín và tầm nhìn của doanh nghiệp trong ngành.


Tạm kết


Trong việc thực thi các chiến lược Marketing, việc cập nhật thông tin về hành vi tiêu dùng của khách hàng và đáp ứng được nhu cầu là rất quan trọng đối. Điều này giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế trong thị trường cạnh tranh và tạo ra các chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn để thu hút khách hàng và tăng doanh số.


Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng là một công cụ quan trọng để giúp các marketer hiểu và dự đoán hành vi mua hàng của khách hàng


Để đối phó với thách thức khi hành vi tiêu dùng luôn thay đổi, các marketer cần phải phân tích và hiểu rõ hành vi tiêu dùng của khách hàng để có thể dự đoán các xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Bằng cách tìm hiểu và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng như kinh tế, xã hội, văn hóa và công nghệ, các nhà tiếp thị có thể xác định các xu hướng tiêu dùng và tạo ra các chiến lược tiếp thị hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Theo Hubspot

Quan Dinh H.