Cùng với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, những hình thức sáng tạo nội dung cũng dần chuyển mình. Trong đó, podcast và các hình thức truyền tải nội dung bằng âm thanh đang ngày càng trở nên phổ biến, cho phép người dùng có thể vừa nấu ăn, dọn dẹp, làm việc hay tập thể dục mà vẫn có thể tiếp nhận thông tin mà không cần chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại.


Với 120 triệu người dùng hàng tháng, hơn 5 triệu kênh podcast với hơn 70 triệu tập đã được xuất bản đến nay, Podcast không còn là một ngành công nghiệp mới nổi nữa mà đã trở thành xu hướng mới, một thị trường tiếp thị tiềm năng. Nhìn thấy “vùng đất mới” này, không ít thương hiệu đã dần triển khai chiến thuật Podcast Marketing nhằm quảng cáo sản phẩm bằng audio.


Tệp người dùng nào có xu hướng lắng nghe podcast?


Theo Increditools, 274,8 triệu người dùng lắng nghe podcast vào năm 2019. Sau 4 năm, con số này đã lên đến 460 triệu người, tăng 185,2 triệu người. Thị trường quảng cáo Podcast ước tính đạt doanh thu 3,46 tỷ USD vào năm 2023 (theo Statista). Dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hàng năm với tốc độ 9,77% từ năm 2023 đến năm 2027, đạt đến con số 5,03 tỷ USD vào năm 2027.


Dựa trên nghiên cứu của MIDAS (Measurement of Internet Delivered Audio Services), có đến 93% người dùng lắng nghe podcast khi ở nhà một mình, 33% khi làm việc hoặc học tập, trong khi 22% truy cập lúc đang lái xe hoặc đi du lịch. Vừa lắng nghe podcast, vừa làm những việc khác dường như là thói quen phổ biến của hầu hết người dùng vì chỉ 15% nghe podcast khi họ đang thư giãn.


Người dùng có xu hướng lắng nghe podcast khi đang di chuyển


Có thể thấy, phạm vi tiếp cận và lắng nghe podcast không chỉ gói gọn trong 4 bức tường ở nhà mà thay vào đó, người dùng sẽ bật podcast khi đi bộ hoặc đang di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng (19%), nơi làm việc (16%), ở trong ô tô (14%),... Khi điện thoại là thiết bị được dùng để nghe podcast phổ biến nhất là smartphone, người dùng có xu hướng dành thời gian nghe podcast khi đang xê dịch.


Dựa trên những thông tin về nhân khẩu học và thói quen của người dùng, SXM Media đã ra mắt Báo cáo Xu hướng Podcast 2023 để phân tích chuyên sâu hơn, đưa ra các lời khuyên nổi bật mà marketer có thể áp dụng vào các chiến dịch của thương hiệu.


Tập trung mang lại lợi ích cho người nghe


Theo báo cáo, 5 chủ đề được người dùng ưa chuộng nhất là Comedy (Hài kịch), News (Tin tức), True Crime (Tội phạm), Health & Wellness (Sức khỏe và Y tế) và Lifestyle & Entertainment (Phong cách sống và Giải trí). 


Tuy nhiên, có một đặc điểm mà thương hiệu cần lưu ý khi triển khai các chủ đề này. Trước hết, hài hước không có nghĩa là đùa lố bịch hay thô thiển. Thay vào đó, các thương hiệu có thể đề cập đến các yếu tố hài hước khi đang kể một câu chuyên nhân văn hay một sự việc kịch tính để nâng cao không khí. Đơn cử, 2 Podcaster theo chủ đề Hài kịch là Nicole ByerSasheer Zamata thường lồng ghép các mẩu chuyện thú vị của họ để tôn vinh kết nối giữa người với người. 



Bên cạnh đó, các podcast về Tội phạm không chỉ nên chú trọng mang đến những câu chuyện kinh dị. Bà Delia D'Ambra - Chủ kênh podcast CounterClock đã dành hàng tháng trời để điều tra những vụ án chưa được giải quyết với hy vọng mang sự thật ra ánh sáng. Chính yếu tố độc đáo và ý nghĩa này đã tạo động lực cho người xem theo dõi podcast.


Tạo kết nối gần gũi với người nghe


Là người đứng sau series podcast tội phạm có thật “Crime Junkies” đạt 1 tỷ lượt tải xuống và nhiều kênh nội dung khác, cô Ashley Flowers đã thu hút được hàng nghìn người hâm mộ. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của một người dẫn chương trình, Ashley còn là một người mẹ. Vì thế, một thương hiệu tã lót nổi tiếng đã mời cô quảng cáo sản phẩm trong chương trình của mình. Thu hút tệp người dùng là những người mẹ trẻ, Ashley đã giới thiệu thông tin tã lót, đồng thời kết hợp góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân để mang đến những thông tin hữu ích cho người nghe. Quảng cáo này đã tạo được tiếng vang mạnh mẽ, cho thấy quảng cáo không hề khiên cưỡng mà mang lại cảm giác tự nhiên, gần gũi.


Quảng cáo của Ashley Flowers chinh phục người dùng bằng kinh nghiệm của bản thân


Các thương hiệu có thể học hỏi case study kể trên và tạo mối quan hệ gần gũi và mật thiết, cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng.


Nội dung podcast không phân biệt giới tính


Thông thường, mọi người thường có suy nghĩ rằng các nội dung thể thao sẽ thu hút đàn ông, phụ nữ thích khám phá các vụ án bí ẩn,... Thế nhưng, không phải lúc nào những định kiến này cũng đúng.


Đơn cử như các Podcaster chia sẻ nội dung về sức khỏe và thể chất thường sẽ tập trung đến tệp khán giả nữ. Tuy vậy, đại dịch đã để lại những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, khiến người nghe phải học cách tự chăm sóc bản thân nhiều hơn. Vì thế, không giới hạn ở phụ nữ, nam giới cũng muốn biết các thông tin về sinh lý và tâm lý để tìm ra phương án bảo vệ sức khoẻ của bản thân. 


Các nội dung podcast nên mang đến thông tin hữu ích cho tất cả mọi người


Vì thế, với những thương hiệu ở mảng Chăm sóc Sức khỏe và Y tế, thương hiệu nên chú trọng chia sẻ đa dạng nội dung, kiến thức về sức khỏe của cả nam và nữ để thu hút người dùng.


Không chỉ tập trung vào người dẫn chương trình


Khi xây dựng một kênh podcast, nhiều thương hiệu có xu hướng mời người nổi tiếng làm người dẫn chương trình với mong muốn thu hút người dùng. Thế nhưng các thương hiệu nên để tâm đến việc phân bổ rộng rãi chi tiêu quảng cáo để khai thác triệt để khả năng tiếp cận người dùng. 


Thương hiệu không nên chú trọng đến việc mời người nổi tiếng làm MC mà hãy phân bổ đều ngân sách quảng cáo cho các hoạt động truyền thông khác


Kim Ngọc