Sau 6 tuần tranh tụng, bồi thẩm đoàn vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và Amber Heard đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 1/6/2022, với kết quả là Johnny Depp thắng kiện. Kết quả này đồng nghĩa lùm xùm giữa tài tử “Cướp biển vùng Caribe” và nữ diễn viên Amber Heard cũng đã tới hồi kết thúc. Thế nhưng những bài học truyền thông rút ra từ vụ kiện tụng thập kỷ này, theo trang AdAge đưa tin, sẽ là còn mãi. 


Chuyện trong nhà nhưng là… cú nổ truyền thông


Vụ kiện hao tốn giấy mực truyền thông trong mấy tuần qua có khởi nguồn từ một bài báo. Theo đó, vào năm 2016, Heard đệ đơn ly dị lên toà án Los Angeles và cáo buộc Depp cho tội bạo hành. Những bằng chứng khi đó đã đưa ra phán quyết có lợi cho Heard, tòa án cũng ra lệnh cấm Depp lại gần vợ cũ để tránh nguy cơ bạo hành lần nữa. 


Những tưởng mọi việc đã chấm dứt tại đó, khi Johnny Depp đang từ ngôi sao hạng A Hollywood trở thành cái tên hết thời bị khán giả tẩy chay. Thế nhưng bài viết của Amber Heard trên Washington Post năm 2018 đã kéo mọi chuyện về vạch xuất phát. Trong đó, Heard kêu gọi độc giả đứng lên chống lại tấn công tình dục, đại ý xem bản thân là nạn nhân của bạo lực gia đình. Mặc dù không bị nhắc tên trực tiếp, Johnny Depp đã kiện vợ cũ 50 triệu USD vì tội phỉ báng, phía Amber Heard cũng kiện ngược lại nam diễn viên với tội danh tương tự. Và như thế, cuộc hôn nhân chóng vánh (2016-2017) giữa hai người một lần nữa trở thành tâm điểm truyền thông, gây rùng mình dư luận với những cáo buộc bạo lực gia đình “kỳ lạ”, “bất ngờ” và rất phức tạp. 


Johnny Depp đã kiện vợ cũ 50 triệu USD vì tội phỉ báng, phía Amber Heard cũng kiện ngược lại nam diễn viên với tội danh tương tự.


Vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard chính xác là một cú nổ truyền thông mà không phải ai cũng tránh được. Trang AdAge viết rằng: “Thông thường, khi lùm xùm người nổi tiếng xảy ra, người dùng mạng chỉ cần một chút nỗ lực là có thể lờ đi những tin tức đó. Nhưng trường hợp của Heard và Depp thì không”. Vụ kiện đã chiếm lĩnh mạng xã hội từ Twitter, Facebook, Instagram đến TikTok. Nó “ngồi” chễm chệ trên trang nhất của các đầu báo lá cải đến chính thống như The AtlanticThe New Yorker. Hình ảnh phiên tòa được phát trực tiếp từ phòng xử án trên các kênh truyền hình cáp, với hàng triệu khán giả dán mắt xem như thể đó là series truyền hình thực tế gây cấn. 


Chính vì độ phủ sóng lớn, Simon Dumenco, chủ mục truyền thông của tờ AdAge đã gọi vụ kiện này là “vụ kiện thập kỷ” làm thay đổi cách nhìn về nền kinh tế sáng tạo. Những tranh tụng đã đến hồi kết thúc, và đây là 5 bài học cho giới truyền thông mà cả Depp và Heard đã… vô tình để lại. 


Lùm xùm nổ ra: Cơ hội đo lường mức độ nổi tiếng


Trong suốt 6 tuần tranh tụng, sự chênh lệch mức độ phổ biến/ nổi tiếng giữa Depp và Heard đã thể hiện rõ ràng trên mạng xã hội. Ở nền tảng Instagram, Depp bỏ xa Heard về số lượng người theo dõi cùng lượt tương tác trên mỗi bài đăng. Cụ thể, đại diện của CreatorIQ nói rằng lượng followers của Depp đã tăng từ 12 triệu vào tháng 3 lên 18,3 triệu vào cuối tháng 5, mặc dù đăng bài không thường xuyên và chỉ vỏn vẹn 20 bài đăng trong 2 năm sử dụng tài khoản. Depp cũng đạt trung bình 2,3 triệu lượt thích cho mỗi bài đăng.


Trong khi đó, lượng followers của Amber Heard chỉ tăng từ 4,2 triệu lên 4,6 triệu người kể từ phiên xét xử đầu tiên bắt đầu. Theo dữ liệu của CreatorIQ, mặc dù đăng tới 1.154 bài kể từ khi sử dụng Instagram nhưng Amber Heard chỉ nhận được trung bình 129.800 lượt thích cho mỗi bài đăng, tương đương 5% tỷ lệ tương tác của Depp. 


Depp bỏ xa Heard về số lượng người theo dõi cùng lượt tương tác trên mỗi bài đăng.


Lý giải cho sự chênh lệch này, tờ AdAge cho rằng không liên quan đến việc vụ xét xử nghiêng về hướng có lợi cho ai, mà là chuyện ai nổi tiếng hơn. Suy cho cùng, Johnny Depp là một biểu tượng của Hollywood, có sức hấp dẫn đa thế hệ, nổi tiếng với gen X với vai diễn trong 21 Jump Street và thu hút Gen Y và Gen Z với vai Thuyền trưởng Jack Sparrow trong bom tấn “Cướp biển vùng Caribe”. Trong khi đó, Amber Heard có sự nghiệp mờ nhạt khi chỉ mới một lần nhận vai chính và còn suýt mất vai phụ trong Aquaman do nghi vấn “diễn dở”. “Đáng tiếc thay, có lẽ vụ kiện phỉ báng này lại chính là điểm nhấn quan trọng nhất trong lý lịch của Amber Heard", Simon Dumenco viết. 


Như vậy, nếu xảy ra cuộc đối đầu giữa hai nhân vật nổi tiếng, người trong giới có thể xem đây là một cuộc trưng cầu ý dân, để đo lường xem mức độ ảnh hưởng của người trong cuộc. 


#MeToo cũng bị xét xử


Trong phiên tòa này, không chỉ có Johnny Depp, Amber Heard và luật sư hai bên đối chất với bồi thẩm đoàn, mà làn sóng #MeToo - phong trào giành lại tiếng nói cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục cũng đang bị đưa ra… xét xử. 


"Hãy nói với họ đi, Johnny Depp. Nói rằng ‘tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình’, và hãy xem có bao nhiêu người đứng về phía anh”, Heard nói trong đoạn ghi âm. 


Theo hãng tin AP đưa tin vào tháng 4, các bồi thẩm đoàn đã nghe thấy đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Depp và Heard, trong đó Heard chế nhạo chồng cũ và cho rằng sẽ chẳng ai tin Depp kể cả khi công khai với cả thế giới rằng cô là kẻ bạo hành. "Hãy nói với họ đi, Johnny Depp. Nói rằng ‘tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình’, và hãy xem có bao nhiêu người đứng về phía anh”, Heard nói trong đoạn ghi âm. 


Lời thách thức này đã khiến thế giới đặt nghi vấn về câu slogan nổi tiếng của #MeToo: “Believe women” (Tạm dịch: "Hãy tin phụ nữ”). Amber Heard nói rằng Johnny Depp đã bạo hành cô. Johnny Depp cũng nói Amber Heard đã tấn công anh. Hãy nhìn lại năm 2016, giữa 2 người này, khán giả và truyền thông đã tin ai? Và sự thật là thứ chống lại Johnny Depp lúc đó chưa hẳn là bằng chứng, mà là những khuôn mẫu đã ăn sâu rằng phụ nữ mới là nạn nhân của bạo lực gia đình, còn đàn ông thì là kẻ tấn công. 


Tốt hay xấu là do… TikTok


Theo số liệu của TikTok, các video gắn hashtag #justiceforamberheard đã được xem 54,3 triệu lần, nhưng con số này với hashtag #justiceforjohnnydepp lại là 16,2 tỷ. Trong đó, clip lời khai của Depp được cắt ghép, chỉnh sửa theo hướng đáng yêu, thậm chí hào hùng trên nền nhạc jazz-pop, còn video ghi lại lời khai của Heard thì lại được cắt ghép theo hướng “tâm lý bất ổn”. 


Ngoài ra, người dùng TikTok cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn không khí trong tòa án, thậm chí tự đóng vai bồi thẩm đoàn hoặc luật sư, tự soạn ra đơn kiện, lý lẽ, bằng chứng để nói lên quan điểm của mình. “Tôi nghĩ TikTok đã đưa sự việc này lên tầm nhận thức của toàn công chúng” - Jessica Lucas, một nhà nghiên cứu và nhà báo người Anh nói. 


Clip lời khai của Depp được cắt ghép, chỉnh sửa theo hướng đáng yêu, thậm chí hào hùng, còn của Heard thì lại được cắt ghép theo hướng “tâm lý bất ổn”.


Phiên tòa xử án có thể thú vị hơn cả show giải trí


Các phiên tòa đối tụng của Johnny Depp và Amber Heard được phát sóng trên hai kênh truyền hình cáp là Law & Crime NetworkCourt TV. Đại diện Law & Crime Network cho biết: “Phiên tòa Depp-Heard chắc chắn là phiên tòa trực tiếp lớn nhất của chúng tôi cho đến nay. Chúng tôi đang đạt được trung bình 1 tỷ lượt xem cho mỗi phiên xét xử”. Theo khảo sát của nền tảng phân tích video Tubular, lượng người đăng ký kênh YouTube của Law & Crime cũng đã tăng vọt trong suốt thời gian diễn ra vụ kiện Depp-Heard, trung bình là 510.000 người đăng ký mỗi tuần. 


Chính sự bùng nổ này đã khiến chính cư dân mạng còn phải ngỡ ngàng. Họ để lại bình luận trên kênh Saturday Night Live rằng: “Tôi không ngờ có ngày phiên tòa xét xử trực tiếp lại thú vị hơn là một tập Saturday Night Live có kịch bản hẳn hoi”


Phiên tòa Depp-Heard là phiên tòa trực tiếp lớn nhất của Law & Crime Network với trung bình 1 tỷ lượt xem cho mỗi phiên xét xử.


Truyền thông thích hạ bệ ngôi sao hơn là tôn sùng họ


Vào năm 2018, tạp chí Rolling Stone đã xuất bản cuốn “The Trouble With Johnny Depp” của Stephen Rodrick với phụ đề “Một vụ kiện tiêu tốn hàng triệu đô la, một tương lai mù mịt, một cuộc hôn nhân đầy lỗi lầm và những tai tiếng mà Johnny Depp không thể chống đỡ”. Depp gọi cuốn sách này là một “sự giả tạo”, đồng thời bày tỏ sự thất vọng trong một lần phỏng vấn tờ GQ Anh: “Tôi vẫn tin tưởng Jann Wenner (Chủ biên của Rolling Stone lúc đó). Tôi vẫn tin tưởng những gì tạp chí đại diện hoặc những gì nó từng đại diện. Tôi muốn biết xem Jann có thể viết lại một cuốn sách khác hay không, để đưa mọi thứ về lại đúng bối cảnh”


Johnny Depp năm 2018 là một diễn viên “già gân” 55 tuổi, đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của nền văn hóa đại chúng. Thế nhưng lần này, cứ như thể luật chơi đã thay đổi mà không ai nói cho Depp biết vậy. 


Thế nhưng mong ước đó của Depp là… vô lý. Vì truyền thông thích đưa tin các vụ lùm xùm hơn là đánh bóng một tên tuổi đang gặp tai tiếng, cũng như khán giả có xu hướng tiêu thụ nội dung như thế. “Thứ bán được bây giờ không phải là tin đồn ngôi sao nữa, mà là scandal. Càng nhiều scandal càng tốt”, Simon Dumenco nói. Johnny Depp năm 2018 là một diễn viên “già gân” 55 tuổi, đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của nền văn hóa đại chúng. Thế nhưng lần này, cứ như thể luật chơi đã thay đổi mà không ai nói cho Depp biết vậy. 


6 tuần tranh tụng, hơn 100 giờ nghe lời khai, và hàng triệu video, bài báo liên quan xuất hiện ở mọi nền tảng kỹ thuật số. Vụ kiện của Johnny Depp và Amber Heard không chỉ còn là một phiên xử phạt bạo lực gia đình, nằm trong phạm vi gia đình, mà đã trở thành một cú nổ truyền thông với nhiều bài học để lại. 


Theo AdAge

Hằng Trần/Advertising Vietnam