Một kế hoạch marketing cho từng năm sẽ giúp bạn thiết lập các hoạt động marketing của mình theo đúng tiến độ để biến các mục tiêu kinh doanh của công ty bạn thành hiện thực. Hãy xem nó như một kế hoạch cấp cao giúp định hướng cho các chiến dịch, mục tiêu và tăng trưởng cho nhóm làm việc của bạn. Thiếu đi một kế hoạch, mọi thứ có thể trở nên lộn xộn - và gần như không thể đặt ra được ngân sách mà bạn cần để đảm bảo cho các dự án hay tuyển dụng mà bạn sẽ gặp trong suốt một năm.


Năm bước để tạo một kế hoạch marketing


1. Phân tích tình hình


Trước khi bắt đầu với kế hoạch marketing của mình, bạn cần phải nắm được tình hình hiện tại của mình. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bạn là gì? Tiến hành phân tích SWOT cơ bản là bước đầu tiên để tạo ra một kế hoạch marketing.



Ngoài ra, bạn cũng nên nắm bắt thông tin của thị trường hiện tại. Hãy làm một bảng phân tích đối thủ cạnh tranh để giúp bạn có thể so sánh với các đối thủ của mình. Nghĩ về việc sản phẩm của họ tốt hơn của bạn ở điểm nào, xem xét những thiếu sót của họ, bạn có thể làm gì để tạo lợi thế cho mình trong cuộc cạnh tranh, điều gì sẽ làm bạn khác biệt?


Trả lời các câu hỏi như thế này sẽ giúp bạn tìm ra những gì khách hàng của bạn muốn và dẫn đến bước thứ hai.


2. Xác định đối tượng mục tiêu


Khi bạn đã hiểu rõ hơn về thị trường và tình hình của công ty bạn, hãy đảm bảo bạn biết đối tượng mục tiêu của mình là ai.


Nếu như công ty của bạn đã có chân dung khách hàng, đây là bước để bạn tinh chỉnh lại các mục tiêu của mình. Nếu bạn chưa có, bạn nên tạo cho mình một chân dung khách hàng. Để làm điều này, bạn cần phải tiến hành nghiên cứu thị trường.


Chân dung khách hàng của bạn nên bao gồm các thông tin về nhân khẩu học như tuổi, giới tính và thu nhập. Tuy nhiên, nó cũng sẽ bao gồm thông tin tâm lý như những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải và mục tiêu của họ. Điều gì thúc đẩy đối tượng mục tiêu của bạn? Họ có vấn đề gì mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể khắc phục?


3. Xác định mục tiêu SMART


Bạn không thể cải thiện chỉ số ROI trừ khi bạn biết mục tiêu của mình là gì. Sau khi bạn tìm ra tình huống hiện tại và biết đối tượng của mình, bạn có thể bắt đầu xác định mục tiêu SMART.


SMART là từ viết tắt của các từ Specific (tính cụ thể), Measurable (có thể đo lường được), Atainable (tính khả thi), Relevant (thực tế) và Time-bound (thời gian hoàn thành). Những yếu tố này có nghĩa là tất cả các mục tiêu của bạn cần phải cụ thể và phải bao gồm cả khung thời gian mà bạn muốn hoàn thành nó.


Ví dụ: mục tiêu của bạn là có thể là tăng 15% người theo dõi Instagram của bạn trong ba tháng. Tùy thuộc vào mục tiêu tiếp thị tổng thể của bạn, điều này sẽ phù hợp và có thể đạt được. Đây chính là một mục tiêu cụ thể, đo lường được và có thời hạn.


Trước khi bắt đầu bất kỳ chiến thuật nào, bạn nên viết ra mục tiêu của mình. Sau đó, bạn có thể bắt đầu phân tích chiến thuật nào sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đó.


4. Phân tích chiến thuật


Bây giờ, bạn phải tìm ra chiến thuật cũng như các kênh và mục hành động phù hợp nào sẽ giúp mình đạt được mục tiêu.


Ví dụ: nếu mục tiêu của bạn là tăng 15% số người theo dõi trên Instagram trong ba tháng, thì chiến thuật bạn cần làm có thể là tổ chức trò chơi giveaway, trả lời tất cả các bình luận và đăng bài ba lần trên Instagram mỗi tuần.


Một khi biết được mục tiêu của mình, việc phân tích các chiến thuật để đạt được những mục tiêu đó sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, trong khi bạn đang viết chiến thuật của mình, đừng quên việc phải lưu ý đến ngân sách của mình.


5. Đặt ra ngân sách


Trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ ý tưởng nào của mình mà bạn đã đưa ra trong các bước trên, bạn cần phải biết về ngân sách của mình.


Ví dụ: chiến thuật của bạn có thể bao gồm quảng cáo truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu như không đủ ngân sách cho việc đó, thì bạn có thể không đạt được mục tiêu của mình.

Trong khi quyết định chiến thuật của mình, hãy chắc chắn lưu ý đến ngân sách ước tính.Lúc này bạn có thể ước tính cả thời gian để hoàn thành từng chiến thuật bên cạnh các chi phí mà bạn có thể cần đến.


Sau khi đã biết cách tạo kế hoạch marketing, hãy đi sâu vào các yếu tố mà một kế hoạch marketing chuyên nghiệp nên có.


Các yếu tố cần thiết của một kế hoạch marketing



Các kế hoạch marketing có thể trở nên khá chi tiết để phản ánh các lĩnh vực của bạn, cho dù bạn đang bán cho người tiêu dùng (B2C) hay các doanh nghiệp khác (B2B) và mức độ hiện diện digital của bạn lớn như thế nào. Tuy nhiên, đây là sáu yếu tố mà một kế hoạch marketing hiệu quả bao gồm:


1. Tóm tắt kinh doanh


Trong một kế hoạch marketing, tóm tắt kinh doanh chính tóm tắt về công ty của bạn. Điều này bao gồm tên công ty, nơi đặt trụ sở chính và tuyên bố sứ mệnh của công ty.

Tóm tắt kinh doanh của kế hoạch marketing cũng bao gồm phân tích SWOT (viết tắt của điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp).


2. Cách tổ chức ​​kinh doanh


Cách tổ chức ​​kinh doanh trong một kế hoạch marketing giúp bạn phân khúc các mục tiêu khác nhau cho bộ phận của bạn. Hãy cẩn thận không bao gồm cách tổ chức ​​của cả công ty lớn, mà bạn thường thấy trong một kế hoạch kinh doanh. Phần này trong kế hoạch marketing nên được phác thảo theo từng dự án dành riêng thiên về marketing. Bạn cũng cần phải mô tả các mục tiêu của các dự án đó và cách các mục tiêu đó sẽ được đo lường.


3. Thị trường mục tiêu


Đây là nơi bạn sẽ tiến hành một số nghiên cứu thị trường cơ bản. Nếu công ty của bạn đã thực hiện một nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, phần này trong kế hoạch marketing của bạn có thể dễ dàng kết hợp hơn.


Cuối cùng, yếu tố này trong kế hoạch marketing sẽ giúp bạn mô tả sản phẩm mà bạn đang bán, phân tích về đối thủ cạnh tranh và chân dung khách hàng của bạn. Chân dung khách hàng là một mô tả nửa hư cấu về khách hàng lý tưởng của bạn, tập trung vào các đặc điểm như tuổi tác, vị trí, chức danh công việc và các thách thức cá nhân.


4. Chiến lược thị trường


Chiến lược thị trường sẽ sử dụng thông tin trong phần thị trường mục tiêu của bạn để mô tả phương pháp mà công ty nên tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp của bạn sẽ cung cấp cho người mua những gì mà đối thủ của bạn chưa đáp ứng được cho họ?


Trong một kế hoạch marketing đầy đủ, phần này có thể bao gồm chiến lược marketing 7P (Product – sản phẩm, Price – giá cả, Place – địa điểm, Promotion – khuyến mãi, People – con người, Process – quy trình và Physical Evidence – cơ sở hạ tầng).


5. Ngân sách


Đừng nhầm yếu tố ngân sách trong kế hoạch marketing của bạn với giá sản phẩm hoặc tài chính của công ty khác. Ngân sách của bạn mô tả số tiền mà doanh nghiệp đã phân bổ cho marketing để thực hiện các cách tổ chức ​​và mục tiêu được nêu trong các yếu tố trên.

Tùy thuộc vào số lượng chi phí cá nhân bạn có, bạn nên xem xét phân loại bằng cách cụ thể việc sẽ chi ngân sách của mình vào đâu. Ví dụ như chi phí marketing bao gồm các agency marketing, phần mềm tiếp thị, chương trình khuyến mãi có trả tiền và tổ chức những sự kiện.


6. Kênh tiếp thị


Cuối cùng, kế hoạch marketing sẽ bao gồm một danh sách các kênh tiếp thị của bạn. Mặc dù công ty của bạn có thể tự quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng không gian quảng cáo nhất định, các kênh tiếp thị sẽ là nơi bạn đăng tải các nội dung hướng đến người mua, tạo ra khách hàng tiềm năng và truyền bá các nhận dạng về thương hiệu của bạn.



Nếu bạn đăng tải (hoặc có ý định đăng tải) trên các phương tiện truyền thông xã hội, đây là yếu tố để nói về nó. Đưa kênh tiếp thị vào trong kế hoạch marketing giúp bạn xác định mạng xã hội nào bạn muốn kinh doanh trên đó, bạn sẽ sử dụng mạng xã hội này để làm gì và đánh giá mức độ thành công của bạn trên các trang mạng này. Một phần của mục đích này là để chứng minh cho cấp trên của bạn, rằng các kênh này sẽ phục vụ để phát triển doanh nghiệp.


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Theo Hubspot