Bạn muốn có một sự kết nối sâu hơn với khách hàng của mình? Vậy bạn đã bao giờ xem xét về việc dùng hình ảnh để chia sẻ những câu chuyện trong chiến dịch marketing của mình?


Trong phần 1, bạn đã được giới thiệu về Visual Storytelling và 2 cách để ứng dụng phương pháp này trong Marketing. Trong phần 2, chúng ta hãy cùng tiếp tục tìm hiểu về những cách còn lại nhé!


#3 Đưa ra những nội dung có tính định hướng và xây dựng: 


Nếu bạn muốn thu hút và giữ sự chú ý của người đọc, bạn cần đưa ra thứ gì đó có giá trị thực sự cho họ. Đó là lý do vì sao nội dung mang tính định hướng và xây dựng có thể tạo ra một mức độ tương tác vô cùng lớn trên mạng xã hội. Trên thực tế, 77% các marketers B2B đã và đang sử dụng nội dung có tính định hướng để tiếp cận đối tượng khách hàng của họ.  Ví dụ: khi công ty bảo hiểm PEMCO muốn kết nối với hai đối tượng mục tiêu chính — chủ nhà từ 35 tuổi trở lên và một nhóm chung bao gồm những người trên 20 tuổi — họ quyết định phát triển một series 15 đồ họa chuyển động (motion graphic) ngắn để hướng dẫn đối tượng khách hàng của họ về bảo trì nhà cửa, an toàn và các chủ đề hữu ích khác. Đồ họa chuyển động phổ biến nhất trong series này có số lượt chia sẻ nhiều hơn 12 lần so với các bài đăng trung bình khác. Dưới đây là một ví dụ về chiến dịch sử dụng cách kể chuyện bằng hình ảnh đó, một mô hình chuyển động về kế hoạch diễn tập phòng cháy chữa cháy: 



Các tổ chức phi lợi nhuận nhận thấy nội dung có tính giáo dục, định hướng cũng đặc biệt hữu ích. Tổ chức dịch vụ doanh nhân digitalundivided muốn giáo dục các đối tượng khách hàng của họ về lịch sử lâu đời của các doanh nhân nữ Da đen và Latinh ở Mỹ, vì vậy họ đã chọn thiết kế một đồ họa chuyển động để làm nổi bật một số nhân vật có ảnh hưởng như một phần của chiến dịch #WeAreLimitless mà họ xây dựng. Họ cũng chia đồ họa chuyển động đó thành một số MP4 dạng ngắn, mỗi video sẽ tôn vinh một phụ nữ để họ có thể chia sẻ trên khắp các kênh xã hội của mình. Sau đây là một trong số đó: 




Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là digitalundivided không thể hoặc không nên chia sẻ toàn bộ motion graphic đó. Nếu bạn đã tạo ra một motion graphic hoặc một video dài trên một phút mà bạn muốn đăng lên trên Instagram, có một lựa chọn khác dành cho bạn. Nếu bạn đăng video đó dưới dạng video post trên IGTV, video đó sẽ tiếp tục phát nếu khán giả đồng ý xem tiếp (bằng cách nhấp vào “Tiếp tục xem trên IGTV” sau khi họ đã xem vài giây bản xem trước). Sau đây là cách đăng video dài hơn dưới dạng video IGTV. Đầu tiên, hãy tải video của bạn lên Instagram như cách bạn làm với những bài đăng khác. Sau đó bấm vào Tiếp theo.Nếu video của bạn dài hơn một phút, bạn sẽ được nhắc chọn đăng video ngắn và video dài. Bấm vào lựa chọn đăng Video dài. 


Bây giờ hãy chọn một khung hình từ video để làm ảnh bìa cho video IGTV của bạn. Đây sẽ không giống như ảnh bìa xuất hiện trên bảng tin Instagram nhưng nó sẽ biểu thị nội dung chính của tấm ảnh đó. Vì vậy hãy chọn thứ gì đó hoạt động được ở định dạng hình vuông sau này.Sau khi nhấn Tiếp theo, bạn cần chọn tiêu đề và viết mô tả cho bài đăng của mình. Phần mô tả có chức năng giống với bất kỳ phần nội dung của những bài đăng khác trên Instagram và phần tiêu đề sẽ xuất hiện ngay bên trên đó, trong bản tin của bạn. Ở bước này, hãy đảm bảo rằng bạn chọn vào phần Chỉnh sửa Ảnh bìa Hồ sơ. Đây là nơi bạn có thể điều chỉnh và căn giữa ảnh bìa IGTV mà bạn đã chọn vài bước trước để tối ưu hóa cách nó xuất hiện trong bảng tin của bạn.Bây giờ thì nhấn Đăng và đợi thành quả thôi!Hãy nhớ rằng, xuất bản toàn bộ video không có nghĩa là bạn không thể chia sẻ các đoạn trích video ngắn hơn như những video ở trên. Ngược lại, điều này giúp bạn thu hút nhiều khán giả hơn từ một video đơn lẻ. 


#4: Minh họa từ đầu đến cuối quá trình ra tạo sản phẩm


Đối với một số doanh nghiệp, việc sản xuất ra sản phẩm của họ là cả một câu chuyện. Và có rất nhiều lý do tiềm năng để chia sẻ câu chuyện này. Có lẽ nó liên quan đến một kỹ thuật tân tiến hoặc một chiến lược sáng tạo nào đó. Có lẽ bạn đang sử dụng nguồn cung ứng từ những vật liệu bền vững hoặc tập trung vào công bằng thương mại hay các hoạt động xã hội có ý thức khác. Có rất nhiều và vô tận những khả năng khác nhau để kể về quá trình tạo ra sản phẩm.Khi công ty in 3D Carbon hợp tác với các chuyên gia thiết bị thể thao tại Riddell, họ muốn tạo ra một chiếc mũ bảo hiểm bóng đá không chỉ phù hợp mà còn an toàn hơn với người mặc. Các video hoạt hình dạng ngắn mà họ đã phát triển cho các kênh truyền thông xã hội của mình cũng được chia sẻ trên một trang đích tùy chỉnh được thiết kế để quảng bá cho sự kết hợp này. Carbon đã trực tiếp giới thiệu về chuyên môn trong việc tạo ra các sản phẩm của họ cũng như khoe với thế giới về những gì làm cho công nghệ in 3D của Carbon trở nên thật sự độc đáo.


Video và đồ họa chuyển động không phải là phương tiện hình ảnh duy nhất có thể minh họa hiệu quả quá trình hình thành và phát triển sản phẩm. Infographics hoặc mini-infographics sử dụng cho mạng xã hội cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Trên thực tế, nếu bạn sản xuất một video như tác phẩm Carbon / Riddell ở trên, bạn có thể sử dụng lại artwork đó thành hình ảnh tĩnh hoạt động được trên tất cả các kênh xã hội của mình để bạn có thể kể câu chuyện của mình theo nhiều cách và đảm bảo rằng nó có thể thu hút được tất cả mọi đối tượng khách hàng. 


#5: Nhấn mạnh vào câu chuyện của khách hàng


Kể chuyện bằng hình ảnh không phải lúc nào cũng đưa thương hiệu của bạn trở thành tâm điểm. Đôi khi bạn muốn trao quyền chiếm spotlight đó cho khán giả và khách hàng của mình kể những câu chuyện của riêng họ. Việc khuyến khích những nội dung do người dùng tạo nên (User Generated Content - UGC) xuất hiện trên các kênh xã hội của bạn sẽ tạo ra tiềm năng marketing rất lớn. Hóa ra, 70% Thế hệ Z nói rằng họ cảm thấy có sự tương quan hơn từ những Youtube influencers so với những celebrities.


Nhiều khách hàng của bạn đang tìm kiếm tính chân thực dưới dạng những câu chuyện thực tế, chứ không phải những câu chuyện được các thương hiệu chọn lọc ra. Có nhiều cách để khuyến khích và chia sẻ UGC trên các phương tiện truyền thông xã hội. Kiểu kể chuyện này dường như có nội dung hình ảnh hiệu quả nhất cho đến nay, vì là ảnh người thật, thú cưng dễ thương và những ví dụ thực tế về thương hiệu của bạn trên khắp thế giới tạo ra một trải nghiệm mang tính con người hơn. Trong thời điểm đại dịch hoành hành, thương hiệu UPS đã sử dụng UGC một cách phong phú và mạnh mẽ bằng cách chia sẻ nhiều tờ notes và quà cảm ơn được để lại cho những tài xế của họ.


Nội dung này hoạt động song song với các trang Facebook và Instagram, họ có một fanpage tên UPS Dogs, nơi chia sẻ hình ảnh về những chú chó dễ thương dọc theo các tuyến đường của tài xế. Loại nội dung này thường xuyên tạo ra hàng nghìn lượt thích trên Instagram,gấp đôi so với các bài đăng khác do thương hiệu tạo ra. Vì vậy hãy đề nghị khách hàng chia sẻ những hình ảnh về trải nghiệm của họ với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Có nhiều cách để khuyến khích họ tham gia, chẳng hạn như tạo ra một giải thưởng và chọn ra bức hình chiến thắng bằng trò chơi raffle, người chiến thắng sẽ nhận được phiếu giảm giá hoặc dùng sản phẩm miễn phí. Càng nhiều người chia sẻ thì càng có nhiều người khác muốn tham gia. 


Kết: 


Các doanh nghiệp hiện nay cần dùng đến những nội dung hình ảnh trực quan để kể những câu chuyện của họ một cách hấp dẫn và đạt hiệu quả nhất. Những câu chuyện này có thể được kể ngay lập tức - chỉ bằng một bài đăng thu hút trên mạng xã hội hoặc có thể xuất hiện theo thời gian thông qua nhiều nội dung ảnh đan xen để tạo thành một câu chuyện lớn hơn. Cách tiếp cận nào là phù hợp cho doanh nghiệp của bạn còn tùy thuộc vào những gì bạn muốn đạt được cho thương hiệu mình nói chung và trong những chiến dịch cụ thể nói riêng. Đặt mục tiêu rõ ràng, xác định đối tượng mục tiêu và bạn sẽ tìm được hình ảnh phù hợp dành cho câu chuyện của riêng mình. 


Quỳnh Đức / Advertising Vietnam

Theo Social Media Examiner