Khi Meta và X (trước đây là Twitter) cùng nhiều ứng dụng mạng xã hội khác đẩy mạnh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), câu hỏi được đặt ra là: Sự chuyển dịch này sẽ định hình tương lai của mạng xã hội như thế nào và tác động sâu rộng ra sao đến cách con người tương tác với nhau?
Mạng xã hội từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, giúp kết nối và giao tiếp hiệu quả. Minh chứng rõ rệt nhất là Facebook có khoảng 3 tỷ người dùng thường xuyên truy cập. Con số này tương đương với 37% dân số toàn cầu. Mặc dù nền tảng này bị hạn chế tại Trung Quốc và một số khu vực khác do lệnh cấm hoặc thiếu kết nối Internet, mức đỗ phủ sóng và tương tác toàn cầu của Facebook vẫn vô cùng ấn tượng.
Trong bối cảnh đó, việc Meta đề xuất đưa các hồ sơ do AI tạo ra vào hệ sinh thái mạng xã hội làm dấy lên nhiều băn khoăn. Liệu các “người dùng ảo” này có thay đổi cách giao tiếp trực tuyến và tạo ra kết nối ý nghĩa, hay sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về hành vi và tâm lý người dùng?
Cùng khám phá 5 yếu tố quan trọng cần cân nhắc về tác động của AI trong lĩnh vực tiếp thị mạng xã hội thông qua bài viết sau!
1. Tích hợp các nhân vật AI
Vào tháng 12/2024, một Giám đốc Điều hành của Meta tiết lộ rằng họ sắp tích hợp các nhân vật AI vào ứng dụng, những nhân vật này sẽ có khả năng đăng bài và tương tác như con người, không ít người dùng thực đã bày tỏ lo ngại.
Trên thực tế, ý tưởng này không hoàn toàn mới. Các bot đã âm thầm tương tác với nội dung trên mạng xã hội trong nhiều năm, và thậm chí hiện nay, một số nhân vật do AI tạo ra đã xuất hiện trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Tại Trung Quốc, các bản sao AI trên livestream được đào tạo theo các kịch bản và cử chỉ quen thuộc trong các video thương mại điện tử có người thật
Về mặt lý thuyết, việc tích hợp các hồ sơ AI có thể mang lại lợi ích nhất định. Chúng có thể giúp người dùng cảm nhận được sự phấn khích từ lượt thích và tương tác, đồng thời tăng đang kể số lượng người theo dõi. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của phần lớn người dùng mạng xã hội, là tìm kiếm sự chú ý và trở nên phổ biến, dù đôi khi họ hiểu rằng không phải tất cả những tương tác đó đều đến từ con người thực sự.
Xét về lợi ích, Meta có thể hưởng lợi từ việc cải thiện số liệu tương tác, khuyến khích người dùng quay lại và đăng bài thường xuyên hơn. Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn khi xét đến sức khoẻ tâm lý. Việc phát triển mối quan hệ thực sự với các nhân vật AI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người dễ bị tổn thương, đặc biệt khi họ dựa vào các thực tế ảo để tìm kiếm sự đồng hành.
Ở quy mô lớn như Meta, những lo ngại này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai bất kỳ kế hoạch nào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều này có thể sẽ không diễn ra.
Vào tháng 09/2024, ứng dụng SocialAI với “hàng triệu người theo dõi AI” đã ra mắt, được thiết kế để phản hồi các bài đăng từ người dùng thật
2. Xuất hiện thông tin sai lệch do AI tạo ra
Một trong những mối lo ngại lớn nhất về sự mở rộng của AI là khả năng tạo ra nội dung hư cấu nhằm thao túng khán giả. Những nội dung này có thể mô tả các sự kiện không có thực, nhưng được dàn dựng khéo léo để tác động đến nhận thức và định hướng ý kiến công chúng.
Hiện tại, vẫn còn khó đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Trong cuộc bầu cử Mỹ gần đây nhất, Meta cho biết nội dung sai lệch do AI tạo ra chỉ chiếm "dưới 1% tổng số thông tin sai lệch đã được kiểm chứng".
Tuy nhiên, không thể chủ quan, vì công nghệ AI đang ngày càng phát triển. Những nội dung deepfake sẽ ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn. Mặc dù hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy một "làn sóng" thông tin giả mạo quy mô lớn đang đe dọa xã hội, nhưng các rủi ro trong tương lai vẫn rất đáng lo ngại.
Thực tế, chúng ta đã thấy các hình ảnh do AI tạo ra thu hút sự chú ý lớn trên các nền tảng xã hội, và trong một số trường hợp, AI thậm chí bị đổ lỗi thay cho hành vi của con người. Điều này cho thấy AI đã được sử dụng để đánh lừa người dùng, nhưng theo những cách tinh vi hơn so với dự đoán của các chuyên gia về thông tin sai lệch.
Ngoài nội dung hư cấu, các hồ sơ bot cũng là một yếu tố cần chú ý. Những nhân vật kỹ thuật số này có thể tạo ra ảnh hưởng nhất định, chẳng hạn như công khai ủng hộ hoặc phản đối các chính sách, qua đó tác động đến quyết định của cử tri. Các nhà cung cấp AI cũng có thể điều chỉnh câu trả lời của chatbot để định hướng thông tin theo ý đồ nhất định. Khi ngày càng nhiều người dùng phụ thuộc vào AI để tìm kiếm thông tin, nguy cơ bị thao túng sẽ càng lớn.
Về lâu dài, mối đe dọa thực sự có thể không nằm ở những hình ảnh và video giả mạo, mà ở việc AI gieo rắc các ý tưởng tinh vi thông qua những phản hồi tưởng chừng như vô hại. Điều này càng đáng lo ngại hơn nếu xu hướng thu hẹp nguồn thông tin cá nhân hóa tiếp tục phát triển, khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin thiên kiến và khó nhận ra sự sai lệch trong môi trường kỹ thuật số.
3. Dân chủ hóa sáng tạo
AI đang mang đến những công cụ sáng tạo đột phá, giúp nhiều người thể hiện nghệ thuật theo những cách mà trước đây họ chưa từng tưởng tượng. Nhiều nghệ sĩ đã tích hợp AI vào quy trình sáng tạo, mở rộng khả năng biến ý tưởng từ trong đầu thành những tác phẩm cụ thể, dễ dàng chia sẻ với cộng đồng.
Tại Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng bắt đầu ứng dụng AI với MV Visualizer “Hoa Hồng”, mang concept “Sketch a Rose” (Phác thảo hoa hồng)
Các công cụ AI trong âm nhạc giúp tạo ra những giai điệu mới mẻ mà không đòi hỏi nhiều năm học tập nhạc lý. Video AI mở ra những biểu đạt điện ảnh sáng tạo với chi phí thấp hơn. Trong khi đó, AI hỗ trợ viết lách giúp tác giả hoàn thiện và hiện thực hóa ý tưởng một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc rút ngắn các bước trung gian trong quá trình sáng tạo cũng mang đến rủi ro. Khi mọi người không cần trải qua những giai đoạn học hỏi và rèn luyện cần thiết, thị trường có nguy cơ tràn ngập những nội dung thiếu chiều sâu và kém chất lượng.
Nghệ thuật chân chính không chỉ là những hình ảnh đẹp hay giai điệu bắt tai, mà là một câu chuyện nhân văn, được dẫn dắt bởi tầm nhìn nghệ thuật rõ ràng và sự kết hợp hài hòa của các yếu tố nghệ thuật. Đó là sự tinh tế trong việc chạm đến cảm xúc người xem, giúp họ cảm nhận được tâm hồn và trải nghiệm của người nghệ sĩ.
Mặc dù AI tạo sinh có thể hỗ trợ sáng tạo, nhưng để tạo ra nghệ thuật thực sự đòi hỏi những trải nghiệm, bài học và quá trình trưởng thành của chính người nghệ sĩ. AI có thể tái tạo hình thức, nhưng khó lòng nắm bắt được bản chất.
Do đó, dù AI mang lại cơ hội sáng tạo rộng mở hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nghệ thuật truyền thống sẽ mất đi. Bởi để tạo ra nghệ thuật thực sự có ý nghĩa, cần phải trải qua những hành trình học hỏi và trải nghiệm thực tế, những điều mà AI khó lòng thay thế được.
4. Ứng dụng tác nhân AI (AI Agents)
Bước tiến lớn tiếp theo của các nhà cung cấp AI tạo sinh chính là phát triển cái gọi là “Tác nhân AI (AI Agents)”, những bot thông minh có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp thay cho người dùng thực.
Cụ thể, OpenAI đã giới thiệu hệ thống AI Agents vào đầu năm nay mang tên “Operator”, cho phép người dùng uỷ thác các tác vụ trên web, chẳng hạn như đặt kỳ nghỉ dựa trên sở thích cá nhân. Khác với các trợ lý AI tạo sinh hiện nay chỉ cung cấp câu trả lời, Operator có thể thực hiện các công việc cụ thể, giúp đơn giản hoá cuộc sống hàng ngày.
OpenAI Operator có thể giúp người dùng thực hiện các tác vụ như đặt vé du lịch, đặt chỗ nhà hàng và khách sạn
Không chỉ OpenAI, LinkedIn cũng đang phát triển công nghệ tương tự trong chiến lược mà họ gọi là “Kỷ nguyên AI Agents”. Theo LinkedIn, hệ thống này sẽ hỗ trợ người dùng trong nhiều tình huống khác nhau, từ việc giúp nhà tuyển dụng tìm đúng ứng viên, hỗ trợ các Marketer đạt hiệu quả cao hơn, đến việc hỗ trợ người học xây dựng các kỹ năng phù hợp.
Năm ngoái, LinkedIn cho ra mắt công cụ Trợ lý tuyển dụng AI, hỗ trợ nhà tuyển dụng tự động lập danh sách ứng viên tiềm năng phù hợp với vị trí cần tuyển
Điểm chung nổi bật của các AI Agents là khả năng cá nhân hoá. Người dùng sẽ định hướng các nhiệm vụ cho bot, đồng thời giám sát hành động của nó để AI có thể học hỏi và tuỳ biến tương tác sao cho phù hợp nhất với cách làm việc của từng cá nhân. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tối ưu hiệu suất công việc, tạo điều kiện để người dùng tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng và mang lại nhiều giá trị hơn.
Ví dụ, nếu các AI Agents được cá nhân hoá dựa trên sở thích của người dùng, các thương hiệu sẽ phải nằm trong danh sách “sở thích” này để tiếp cận khách hàng. Khi AI đã học và thiết lập các quy tắc về hành vi và sở thích, việc thay đổi sự chú ý của người dùng sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Điều này đòi hỏi các thương hiệu phái xem xét lại chiến lược của mình, không chỉ tập trung vào việc thu hút khách hàng mới mà còn cần đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm và dịch vụ khách hàng. Giữ cho khách hàng hiện tại luôn cảm thấy hài lòng sẽ là chìa khoá để đảm bảo thương hiệu luôn nằm trong “vùng ưu tiên” của các AI Agents, từ đó, tối ưu hoá cơ hội tiếp cận khách hàng trong kỷ nguyên kỹ thuật số mới.
5. Cải thiện hiệu suất quảng cáo
AI và học máy (ML) đang mang đến những cải tiến đột phá trong hiệu suất quảng cáo, giúp các chiến dịch trở nên chính xác và hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhờ khả năng phân tích sâu sắc cách thức hoạt động của từng nền tảng, các hệ thống AI có thể tối ưu hoá tương tác và phản hồi của quảng cáo, vượt xa những gì con người có thể thực hiện thông qua các phương pháp nhắm mục tiêu truyền thống.
Theo Meta: “Khi các nhà quảng cáo lần đầu sử dụng Advantage+ creative với các tính năng nhắm mục tiêu do AI điều khiển, họ đã ghi nhận ROAS tăng 22% từ quảng cáo của chúng tôi”
Trong tương lai, AI tạo sinh (Gen AI) và công nghệ nhận dạng mẫu sẽ ngày càng giảm thiểu sự can thiệp của con người trong quá trình tạo quảng cáo. Thay vì mất nhiều thời gian và công sức để xây dựng chiến lược, các Marketer chỉ cần cung cấp đường link URL sản phẩm, và hệ thống AI sẽ tự động thiết kế một chiến dịch tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu dựa trên dữ liệu hành vi và sở thích của từng cá nhân.
Theo báo cáo “The Marketing Impact of AI” từ McKinsey & Company, việc ứng dụng AI trong Marketing có thể giúp doanh nghiệp đồng thời giảm tới 20% chi phí tiếp thị và tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 300%.
Tuy nhiên, dù AI có khả năng tự động hoá mạnh mẽ, những chiến dịch quảng cáo thực sự tạo dấu ấn và xâu dựng thương hiệu bền vững vẫn đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng kết nối cảm xúc với khán giả. Sự sáng tạo giúp tạo ra những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, mang lại giá trị độc đáo và khác biệt. Đây là điều mà các thuật toán AI vẫn còn hạn chế.
Đầu năm nay, Meta đã giới thiệu tính năng tạo hình ảnh AI cho quảng cáo, cho phép người dùng tạo mới hoàn toàn hình ảnh trực tiếp trong hệ thống quảng cáo
Khi các AI Agents ngày càng phổ biến, vai trò của việc xây dựng thương hiệu sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Dù AI có thể hỗ trợ nhiều khía cạnh trong marketing, từ phân tích dữ liệu đến tự động hoá quảng cáo, nhưng yếu tố tạo nên thành công lâu dài vẫn nằm ở sự kết nối con người, điều mà AI khó có thể mô phỏng hoàn toàn.
Vì vậy, các Marketer nên nhanh chóng nắm bắt tiềm năng và giới hạn của AI. Trong khi các tác vụ quảng cáo đơn giản có thể được tự động hoá, thì việc tạo ra trải nghiệm thương hiệu độc đáo và gắn kết vẫn đòi hỏi sự nhạy bén và khả năng kể chuyện của con người.
Như Quỳnh (Theo Social Media Today)
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.