Theo The Drum, nhiều chủ đề về sức khỏe phụ nữ như mãn kinh, kinh nguyệt, sức khỏe sinh sản đang bị kỳ thị và dần trở thành một chủ đề hạn chế nhắc tới trong mọi cuộc thảo luận. Hãng thông tấn BBC thậm chí còn có hẳn một thuật ngữ dành cho những chủ đề này: Shameful Taboos (Tạm dịch: Những điều cấm kỵ xấu hổ). 


“Khi không ai nói một từ nào về chúng, tự bản thân phụ nữ cũng sẽ mặc định đó là một chủ đề đáng xấu hổ, không nên được nhắc đến công khai. Việc đó ngăn cản phụ nữ có được những kiến thức chính xác và kịp thời về tình trạng sức khỏe”, Tiến sĩ Jen Gunter, chủ mục tờ New York Times nói. Nhận thấy mình có thể làm gì đó cho nhóm khách hàng là phụ nữ, 5 thương hiệu bao gồm Bodyform, Canesten, Dame, ElvieVagina Museum đã triển khai các chiến dịch đưa Shameful Taboo ra ánh sáng.  


Bodyform: Womb Stories


Bodyform từng được người trong giới gọi là “hãng băng vệ sinh táo bạo” sau sự kiện năm 2017, khi xung quanh đều sử dụng dung dịch xanh dương để tượng trưng cho máu kinh nguyệt thì Bodyform lại tiên phong sử dụng màu đỏ trong TVC “Blood Normal”. “Thật vô lý khi sinh lý tự nhiên của phụ nữ lại là điều ‘kiêng kỵ’ cấm nói ra”, Bodyform viết trên trang chủ. 


Womb Stories phá tan sự im lặng về sức khỏe sinh sản phụ nữ.


Năm 2020, Bodyform phối hợp với AnalogFolk tiếp tục phát hành ”Womb Stories”, phim ngắn dài 3 phút rưỡi xoay quanh câu chuyện về kinh nguyệt, từ kỳ kinh đầu tiên cho đến lúc mãn kinh ở độ tuổi 50… “Đó là những câu chuyện có thật về phụ nữ, khi họ phải đối phó với cơn đau vào lúc nửa đêm. Chào đón niềm vui khi một đứa trẻ ra đời, hay ngấm ngầm chịu đựng những căn bệnh liên quan đến kinh nguyệt. Có những câu chuyện dở khóc dở cười. Có câu chuyện cay đắng hoặc ngọt ngào. Nhưng hầu hết đều chưa từng được biết đến hoặc có ai dũng cảm nói ra”, đại diện Bodyform nói.


Vì đã phá tan sự im lặng về sức khỏe sinh sản phụ nữ, phim ngắn Worm Stories Bộ phim đã nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình, thắng đậm các giải thưởng danh giá như Grand Prix tại Cannes Lions, Gold Pencils, Black Pencil tại D&AD Awards.


Canesten: The Truth, Undressed 


Theo khảo sát của Thương hiệu chăm sóc sức khỏe Canesten, 60% phụ nữ ở Anh tìm hiểu căn bệnh nhiễm trùng âm đạo khi đã thực sự mắc phải chúng. Kiến thức của họ về bảo vệ cơ quan sinh sản cũng rất thấp, chỉ có 6% từng tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, chủ yếu là ở cấp 3 hoặc trường đại học. 


 Canesten xây dựng một website - nền tảng giáo dục dạy các kiến thức mà trường học đã bỏ qua hoặc truyền tải một cách… ngại ngùng về âm đạo.


Trước con số thấp đến bất ngờ đó, Canesten cùng agency AMV BBDO đã thực hiện chiến dịch The Truth, Undressed nhằm nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Bên cạnh các định dạng video ngắn, Canesten xây dựng một website - nền tảng giáo dục dạy các kiến thức mà trường học đã bỏ qua hoặc truyền tải một cách… ngại ngùng về âm đạo. Website này bao gồm các kiến thức và hình ảnh thực tế về cơ thể của phụ nữ. “Ở đây không có lối nói ẩn dụ, không có diễn đạt lộn xộn, tất cả các kiến thức đều được phản ánh một cách chính xác, khoa học và trần trụi nhằm ngăn chặn sự suy đoán và cải thiện mức độ hiểu biết của phụ nữ về chính họ”.


Dame Products: Derail Sexism 


Trong khi đời sống tình dục của đàn ông được nhắc đến rất nhiều trong quảng cáo, cảm xúc của phụ nữ về tình dục lại hiếm khi được nhắc đến một cách công khai. Chính vì vậy, vào tháng 7/2018, Dame Products đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo trên tàu điện ngầm với chủ đề: Khoái cảm của phụ nữ. Trong chiến dịch, thương hiệu sử dụng print-ad chứa hình ảnh đồ chơi tình dục, mỗi tấm ảnh đính kèm một ‘bí mật’ như: 91% đàn ông biết họ muốn gì trong tình dục, nhưng 60% phụ nữ thì hoàn toàn không biết gì. 


 Dame Products đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo trên tàu điện ngầm với chủ đề: Khoái cảm của phụ nữ.


Với chiến dịch này, Dame Products đặt mục tiêu “chỉ cho thế giới cách phụ nữ đạt được khoái cảm và giúp chính họ cải thiện đời sống tình dục”. Dame sau đó đã có cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài ba năm với Cơ quan Giao thông Đô thị (MTA) khi quảng cáo của họ bị từ chối được hiển thị trên các tuyến tàu ngầm. Sau khi có phán quyết thắng kiện vào năm 2021, các tấm print ad Derail Sexism mới xuất hiện tại hệ thống tàu điện ngầm ở New York lần đầu tiên.


Elvie: Leaks Happen 


Chứng bệnh “tiểu không tự chủ” rất thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Theo nghiên cứu của Elvie, gần một phần tư phụ nữ mắc bệnh cảm thấy chán ghét bản thân và luôn có cảm giác cô đơn vì bị xa lánh. Mặc dù là chứng bệnh thường gặp thế nhwung lại có tới 46% không biết cách phòng ngừa, thậm chí còn không có kiến thức gì về nó. 


Để căn bệnh “tiểu tiện không tự chủ” được thảo luận nhiều hơn, hãng công nghệ Elvie cùng agency Don’t Cry Wolf triển khai chiến dịch OOH.


Để căn bệnh “tiểu tiện không tự chủ” được thảo luận nhiều hơn, hãng công nghệ Elvie cùng agency Don’t Cry Wolf triển khai chiến dịch OOH dựng lại hình ảnh của vận động viên Muay Thái Nesrine Dally - một bệnh nhân có thật ngoài đời. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những cuộc đối thoại mở, để phụ nữ không còn xem sức khỏe của họ là một điều cấm kỵ đáng xấu hổ và thoải mái giãi bày với người khác”, Elvie viết. 


Vagina Museum: Neighbours 


Vagania Museum hợp tác với TheOr London thực hiện chiến dịch Neighbours nhân dịp thành lập Bảo tàng truyền thống đầu tiên trên thế giới dành riêng cho âm đạo, âm hộ và giải phẫu phụ khoa. Kể từ năm 2017, luôn có hơn 150.000 người đến tham quan các cuộc triển lãm liên quan đến âm đạo như Muff Busters: Vagina Myths và How to Fight Them và Periods: A Brief History.


Vagania Museum là Bảo tàng truyền thống đầu tiên trên thế giới dành riêng cho chủ đề âm đạo, âm hộ và giải phẫu phụ khoa. 


Nathalie Gordon, Giám đốc sáng tạo của TheOr London, cho biết: “Sự thật là một nửa người dân trên thế giới này có âm hộ, âm đạo và âm vật. Đó là điều hết sức bình thường, chúng tôi mong chiến dịch này sẽ giúp mọi người công khai sử dụng những thuật ngữ này như một từ ngữ thông dụng hằng ngày thay vì giấu giếm chúng”.


Hằng Trần