Thoạt nhìn, mạng xã hội (social media) và Golf dường như chẳng có điểm gì tương đồng, nhưng 5 khám phá sau đây sẽ hé lộ cho bạn nhiều bất ngờ thú vị!


Không cần là người làm kinh doanh, ắt hẳn bạn cũng đã biết đến tầm quan trọng của mạng xã hội trong bức tranh thương hiệu doanh nghiệp. Vận hành mạng xã hội đúng cách, một doanh nghiệp có thể bứt phá. Ngược lại, sự thiếu nhất quán và chiến lược lại kéo trì và khiến một thương hiệu trở nên già cỗi một cách nhanh chóng.


Thú vị là môn Golf lại có thể cho chúng ta những quan sát đầy bất ngờ khi quy chiếu với cách vận hành truyền thông mạng xã hội của một thương hiệu.


  1. Một phát ăn ngay là điều không tưởng!

98% là như vậy. Ít nhất bạn phải vụt gậy hai, ba thậm chí hơn nữa để đưa banh vào lỗ. Trong trường hợp bạn có cú vung (mà bạn cho là) khá tốt nhưng banh lại không đi được xa, bạn cũng chẳng bỏ cuộc ngay tức thì và thử lỗ kế tiếp, đúng không?


Điều tương tự áp dụng đúng với mạng xã hội. Một chiến dịch đơn lẻ, thường là chưa đủ để thấy kết quả truyền thông áp đảo hay chuyển đổi tốt về doanh số. Nếu chiến dịch đầu tiên của bạn không thật sự như ý, chẳng có gì phải nản chí cả, nó thường là như vậy!


Truyền thông mạng xã hội không phải là thần dược cho mọi Doanh Nghiệp. Các chiến dịch truyền thông mang lại leads, và bạn cần chuyển đổi các leads đó. Điều quan trọng là chỉ có rất ít leads đi đến được vạch đích mà bạn đề ra.


Do đó, nếu bạn chưa thấy được kết quả như ý, đừng nản chí. Cũng giống việc bạn không rời sân lập tức sau khi phát trật cú tee đầu tiên, đúng không nào?


Bài học: Hãy kiên nhẫn!


  1. Chọn đúng đồng đội

Hãy thử tưởng tượng chơi cùng một người ngạo mạn, cực kỳ hơn thua, hoặc chỉ cần một người đầy những suy nghĩ tiêu cực… Công thức phá hỏng một buổi chơi golf của bạn đã hiện ra rồi đấy.


Làm kinh doanh cũng vậy, không ai làm việc như một ốc đảo, nhưng tìm được một đội “bắt nhịp” được với mình thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra, đó là sự ra đời của một sản phẩm truyền thông hoàn hảo và đầy động lực.


Cũng như môn Golf, làm truyền thông mạng xã hội không phải bao giờ cũng toàn niềm vui tích cực, nhất là không như một môn thể thao, nó không có quy định rõ ràng và mẫu số chung cho thành công. Vì vậy, quan trọng là bạn phải là người ham học hỏi, biết tiếp thu, và làm việc với những người mà mình có thể học được gì đó từ họ.


Nếu có thể, bạn nên tìm một người dày dặn kinh nghiệm hơn nhưng có mục tiêu tương đồng với mình.  Bạn nên nhớ, phải vừa chọn đồng đội tốt, vừa một đồng đội tốt nữa nhé!


Bài học: Làm việc với những người mà bạn có thể học hỏi từ họ, đừng ngại thay đổi người khi cần thiết.


  1. Chọn đúng “đồ chơi”

Không ai tee off bằng một cây gậy golf ngắn hay mang giày cao gót vào sân Golf. Làm gì cũng vậy, bạn cần biết cách sử dụng những công cụ mà mình có trong tay cách tốt nhất.


Cho thương hiệu của bạn phủ khắp các nền tảng chưa hẳn là giải pháp ưu việt nhất, hãy chọn nền tảng thích hợp nhất với tính chất sản phẩm của bạn (nhưng không có nghĩa bạn không thể hiện diện trên nhiều hơn một nền tảng)!


  • Facebook thường luôn là lựa chọn an toàn nhất, có lượng truy cập lớn, giao tiếp dễ dàng với nhiều đối tượng khách hàng.
  • Instagram thích hợp nhất khi thương hiệu chọn cách tiếp cận thông qua video hay hình ảnh.
  • LinkedIn ưu việc cho B2B Marketing, vì đây là một nền tảng dành riêng cho business.
  • YouTube thích hợp khi công ty bạn muốn thu hút khách hàng bằng các nội dung sáng tạo như tutorials hay reviews.
  • Pinterest thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ.

Tốt nhất, tìm hiểu nền tảng mà khách hàng tiềm năng của bạn hay lui tới và đầu tư vào đó nhiều nhất.


Bài học: Chọn sân chơi phù hợp nhất với bạn!


  1. Trăm hay không bằng tay quen

Nếu vài ba tháng mới ra sân một lần, chắc chắn kỹ năng của bạn sẽ khó mà thăng hạng. Tương tự, nếu vài tuần mới sáng tạo nội dung cho social media một lần, chắc chắn bạn sẽ không thấy được kết quả mong muốn.


Lời khuyên là đăng bài thường xuyên. Thậm chí khiến nó trở nên thói quen mới của mình. Ví dụ, mỗi ngày, cách ngày, hay mỗi tuần 3 lần. Điều này cũng có nghĩa là khách hàng sẽ thấy sự hiện diện của bạn thường xuyên hơn.


Tuy nhiên cũng không nên đăng bài quá dày đặc. 6 bài/ngày có thể tăng cơ hội đạt được kết quả mong muốn, lại cũng có thể khiến khách hàng của bạn quá tải và mang lại tác dụng ngược. Kim chỉ nam cho nội dung ở đây là chỉ nên đăng những nội dung mang lại giá trị và lợi ích cho khách hàng của bạn!


2 bài post có “đầu tư” mỗi tuần sẽ giá trị hơn 7 bài trôi vào quên lãng. Kiểm tra nội dung của post để chắc chắn rằng những gì bạn chọn đăng lên phải nhất quán với thương hiệu và gắn kết với khách hàng. Hãy kiên trì, và bạn sẽ thấy sự thay đổi.


Bài học: Kiên định và mang lại lợi ích từ những điều bạn làm.


  1. Không nhất thiết lúc nào cũng hơn thua

Đôi khi bạn chơi một buổi Golf chỉ để thư giãn, không nhất thiết phải quá căng thẳng về nó, làm truyền thông mạng xã hội cũng thế.


Không phải bài post nào cũng là để bán hàng. Miễn là những gì bạn đăng mang lại lợi ích nào đó cho khách hàng, là bạn có thể cho phép mình thoải mái sáng tạo một chút! Suy cho cùng không ai thích được chào bán hàng suốt ngày, đúng  không?


Bài học: Đừng ngại đăng tải những nội dung nhẹ nhàng vui vẻ!


Kết luận

Cho dù bạn có là golfer hay không thì những rút tỉa thú vị trên về truyền thông mạng xã hội cũng đáng xem xét để làm mới cách vận hành hiện tại đúng không! Một chút dịch chuyển, và việc kinh doanh của bạn có thể đứng trước một cơ hội thay đổi lớn, tại sao không?




Nguồn: Hive Life