Truyền thông mạng xã hội (Social Media Marketing) đã trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược marketing của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Việc sử dụng mạng xã hội đúng cách không chỉ giúp các thương hiệu kết nối hiệu quả với khách hàng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, phá vỡ những định kiến "khô khan", "nhàm chán" khi nhắc đến lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng sử dụng mạng xã hội làm kênh truyền thông cũng tồn tại thách thức liên quan đến việc kiểm duyệt thông tin và tuân thủ quy định pháp luật đói với những đặc thù của ngành. 


Hoạt truyền thông mạng xã hội đối với ngân hàng và hiệp hội tín dụng có gì đặc biệt?


Đối với ngân hàng và tổ chức tín dụng, hoạt động truyền thông xã hội cần đáp ứng các quy định pháp luật theo từng quốc gia và khu vực. Internet được xem là một kênh tiếp thị, do đó, nội dung và chiến lược truyền thông xã hội cũng cần phải tuân thủ các quy định tiếp thị đặc thù cho ngành tài chính. 


Ví dụ, một ngân hàng quốc tế muốn triển khai chiến dịch trên mạng xã hội Facebook để quảng bá dịch vụ thẻ tín dụng mới cần phải đáp ứng các quy định pháp luật về tiếp thị tài chính trong từng quốc gia. Vì vậy, trước khi triển khai chiến dịch, ngân hàng cần kiểm tra và đảm bảo nội dung truyền thông xã hội không vi phạm quy định pháp luật tại nước sở tại.


Nội dung và chiến lược truyền thông xã hội cũng cần tuân thủ các quy định tiếp thị đặc thù cho ngành tài chính


Ở hầu hết các quốc gia, luật pháp trong lĩnh vực này rất nghiêm ngặt, vì vậy marketer cần cân nhắc kỹ về việc tuân thủ từng chiến lược truyền thông xã hội riêng biệt cho từng phương tiện truyền thông. Thêm vào đó, các tổ chức cũng cần đảm bảo rằng các nhân viên được đào tạo về quy định pháp luật và nắm vững chính sách và quy trình của công ty về truyền thông mạng xã hội.


Cụ thể, marketer cần thận trọng trong việc sử dụng các cụm từ như "lãi suất", "vay vốn", "tín dụng", và đảm bảo rằng mọi thông tin truyền tải là chính xác, đáng tin cậy và không vi phạm quy định về quyền riêng tư hay bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, social media marketer cũng cần biết cách giải quyết các thắc mắc và phản hồi của khách hàng trên mạng xã hội một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp.


7 điều nên làm khi xây dựng chiến lược truyền thông xã hội cho ngân hàng và tổ chức tín dụng


Xây dựng một chiến lược tiếp thị truyền thông xã hội là một thách thức đáng kể đối với các marketer hoạt động trong các ngân hàng và các tổ chức tài chính khi họ luôn phải đối mặt với những phức tạp của thế giới kỹ thuật số và áp lực tạo nội dung tạo sự ấn tượng cho khách hàng. Dưới đây là một số mẹo giúp các marketer xây dựng chiến lược truyền thông xã hội cho ngành ngân hàng và tài chính một cách hiệu quả và chi tiết:


1. Lựa chọn công cụ quản lý mạng xã hội phù hợp

 

Việc lựa chọn một công cụ quản lý phù hợp là một quyết định quan trọng đối với các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp được quy định chặt chẽ như tài chính - ngân hàng. Khi lựa chọn công cụ quản lý mạng xã hội, độ phù hợp của công cụ với yêu cầu và quy định của ngành công nghiệp tài chính là điều cần quan tâm hàng đầu. Cụ thể, công cụ cần tuân thủ các quy định của các tổ chức quản lý tài chính như FINRA, FCA, FFIEC, IIROC, SEC, PCI, AMF, MiFID II, v.v. để đảm bảo tính hợp pháp và giảm thiểu rủi ro phát sinh.


Lựa chọn một công cụ quản lý phù hợp là một quyết định quan trọng đối với các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trên mạng xã hội


Tiếp theo, các thương hiệu cần xem xét tính năng và chức năng của công cụ, đảm bảo cung cấp đầy đủ tính năng và chức năng cần thiết để quản lý mạng xã hội hiệu quả, bao gồm lên lịch đăng bài, theo dõi hoạt động, phân tích dữ liệu, quản lý tài khoản đa người dùng, v.v. Công cụ cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cao như mã hóa dữ liệu, xác thực hai yếu tố, bảo vệ dữ liệu khách hàng và người dùng, đồng thời đảm bảo tính riêng tư và an ninh thông tin.


2. Đào tạo nhân viên


Đây là một phần quan trọng của việc đảm bảo nhân viên có đủ năng lực và kiến thức để quản lý và vận hành các hoạt động truyền thông mạng xã hội một cách chuyên nghiệpCác tổ chức cần xác định rõ nhu cầu đào tạo trong việc quản lý và vận hành truyền thông mạng xã hội. Đó có thể là cải thiện kỹ năng viết nội dung, phân tích dữ liệu, định hướng chiến lược truyền thông, hoặc hiểu biết về các quy định, quy tắc của ngành tài chính ngân hàng liên quan đến hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.


Sau khi xác định nhu cầu đào tạo, các công ty cần lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp để cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nhân viên, bao gồm các khoá học, buổi đào tạo nội bộ, hay các nguồn tài liệu tham khảo từ các chuyên gia trong lĩnh vực social media marketing và ngành tài chính ngân hàng. 


3. Có chính sách quản lý truyền thông mạng xã hội


Chính sách quản lý truyền thông mạng xã hội trong ngành tài chính ngân hàng là một phần quan trọng của việc đảm bảo hoạt động truyền thông tuân thủ các quy tắc, quy định, và nguyên tắc liên quan trong ngành tài chính ngân hàng. Các marketer sẽ được cung cấp các quy định và hướng dẫn về cách hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội theo cách đúng đắn và hợp pháp.


Các tổ chức cần có chính sách quản lý truyền thông rõ ràng trên mạng xã hội


Chính sách cần phải cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn cho nhân viên về những điều cần biết khi tạo nội dung trên mạng xã hội. Thông tin này cũng cần phù hợp với các nguyên tắc và quy định của tổ chức về email, văn bản và các thông tin liên lạc khác với khách hàng và công chúng. Ngoài ra, vai trò của việc quản lý rủi ro trong việc tạo chính sách quản trị phương tiện truyền thông xã hội là rất quan trọng. Các chính sách cũng nên được đánh giá và cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính hiệu quả và tuân thủ liên tục với các quy định thay đổi của ngành. 


4. Tiếp cận theo hướng đa dạng, công bằng và hòa nhập để hướng đến mọi đối tượng


Quảng cáo trên mạng xã hội theo hướng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (Diversity, Equity, and Inclusion; viết tắt là DE&I) là một chiến lược quảng cáo nhằm thể hiện cam kết của tổ chức về các giá trị DE&I và đồng thời thúc đẩy thông điệp tích cực đến khách hàng và cộng đồng trên mạng xã hội.


Doanh nghiệp có thể tạo ra thông điệp phù hợp với mọi dân tộc, giới tính, tuổi tác, khả năng, đặc điểm khác nhau để đảm bảo rằng quảng cáo không gây kỳ thị đối với bất kỳ nhóm nào, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với sự đa dạng của cộng đồng người dùng. Nhờ đó, thương hiệu có thể đảm bảo rằng tất cả khách hàng và người dùng đều được đối xử công bằng và tôn trọng. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tạo chiến dịch “Kiến thức tài chính cho mọi người” để ai cũng có thể tham gia, hoặc thực hiện chiến dịch quảng cáo sử dụng môn cricket - một môn thể thao phổ biến của Nam Á - để kết nối với một nhóm nhân khẩu học Nam Á rộng lớn hơn.


5. Tạo các trụ cột nội dung phù hợp với đối tượng truyền thông


Tạo các trụ cột nội dung (content pillar) phù hợp với đối tượng truyền thông là một yếu tố quan trọng trong ngành tài chính và ngân hàng, giúp định hướng và đạt được mục tiêu giao tiếp của tổ chức trong lĩnh vực này. Về cơ bản, tài chính và ngân hàng là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao. Việc tạo các trụ cột nội dung phù hợp với đối tượng truyền thông giúp định hướng thông tin chính xác và đáng tin cậy đến với khán giả. Nội dung phải được tối ưu hóa để phù hợp với đúng đối tượng, chẳng hạn như các nhà đầu tư, người tiêu dùng, hay ngân hàng đối tác, để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được truyền tải.


Việc tạo các nhóm nội dung phù hợp với đối tượng truyền thông giúp định hướng thông tin chính xác và đáng tin cậy đến với khán giả


Đây cũng là một cách xây dựng uy tín và danh tiếng cho tổ chức trong ngành tài chính và ngân hàng. Nội dung chất lượng, chính xác và đáng tin cậy giúp tăng cường hình ảnh và danh tiếng của tổ chức, từ đó thu hút sự quan tâm, tín nhiệm từ đối tượng truyền thông.


6. Thiết lập hệ thống kiểm tra


Ngành tài chính và ngân hàng là một lĩnh vực đòi hỏi tuân thủ nhiều quy định và quyền hạn pháp lý khắt khe. Việc thiết lập hệ thống kiểm tra và rà soát giúp đảm bảo rằng các hoạt động truyền thông của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính tuân thủ đúng quy định và quyền hạn pháp lý, giảm thiểu nguy cơ vi phạm pháp luật.


Hơn nữa, thương hiệu và danh tiếng là tài sản quý giá của bất kỳ tổ chức tài chính nào. Một hệ thống kiểm tra và rà soát chặt chẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động truyền thông của tổ chức tuân thủ với những quy định và tiêu chuẩn về thương hiệu, đồng thời tránh gây ra tổn hại đến danh tiếng của tổ chức do các thông tin sai lệch hoặc không chính xác.


7. Có kế hoạch quản lý khủng hoảng

 

Trong thời đại truyền thông xã hội, việc có một tổ chức tài chính không có kế hoạch quản lý khủng hoảng cũng giống như ra khơi mà không có bè cứu sinh: thiếu sáng suốt và dễ gặp thảm họa. Khủng hoảng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Một kế hoạch quản lý khủng hoảng sẽ định nghĩa các quy trình và hoạt động cụ thể để đối phó với tình huống khủng hoảng, giúp đảm bảo rằng thông tin được truyền tải đúng đắn, chính xác và liên tục để bảo vệ hình ảnh và uy tín của ngân hàng.


Thương hiệu và danh tiếng là tài sản quý giá của bất kỳ tổ chức tài chính nào


Nếu thương hiệu gặp khủng hoảng, thông tin tiêu cực có thể lan truyền nhanh chóng và khó có thể kiểm soát trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, một kế hoạch quản lý khủng hoảng sẽ giúp ngân hàng có sự kiểm soát hợp lý về việc cung cấp thông tin chính xác và nhất quán cho công chúng và các bên liên quan, tránh thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác có thể gây ra hoang mang và đánh mất lòng tin của công chúng. Ví dụ, khi xử lý các câu hỏi phức tạp của khách hàng hoặc các bài đăng phỉ báng trên mạng xã hội, kế hoạch xử lý khủng hoảng sẽ giúp ngăn chặn sự lan truyền thông tin có hại và trấn an khách hàng rằng tiền của họ vẫn an toàn.


Những gợi ý giúp thương hiệu triển khai hoạt động Social Media Marketing hiệu quả trong ngành Tài chính - Ngân hàng


  • Tôn vinh khách hàng: Công nhận và ăn mừng các cột mốc của khách hàng chẳng hạn như đơn xin vay thế chấp thành công hoặc các thành tựu tài chính khác là một cách để tạo tương tác tốt. Marketer có thể đăng lại nội dung do người dùng tạo khi được phép hoặc chia sẻ những lời khẳng định tích cực để thể hiện rằng thương hiệu quan tâm đến những giá trị của khách hàng


  • Tăng giá trị hiểu biết cho khách hàng: Hãy sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một nơi để nâng cao hiểu biết về tài chính cho những người theo dõi. Marketer có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn có giá trị về lập ngân sách, tiết kiệm và các chủ đề tài chính khác theo cách dễ hiểu. Cung cấp nội dung thông tin như vậy có thể giúp người dùng thêm kiến thức để đưa ra quyết định tài chính sáng suốt.


Nếu thương hiệu gặp khủng hoảng, thông tin tiêu cực có thể lan truyền nhanh chóng và khó có thể kiểm soát trên các phương tiện truyền thông


  • Sử dụng User Generated Content (nội dung do người dùng tạo ra): Tận dụng nội dung do người dùng tạo để cho thấy rằng công ty rất coi trọng thông tin của khách hàng và tin tưởng vào ý kiến của họ. Hãy đăng lại thông tin của khách hàng với sự cho phép để thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao đối với nội dung của họ.


  • Sáng tạo trong thông điệp: Nội dung tài chính có thể khô khan, nhưng điều đó không có nghĩa là tiếng nói trên mạng xã hội lúc nào cũng cứng nhắc và chỉn chu. Marketer có thể cài cắm sự hài hước nhưng đảm bảo rằng nó phù hợp với thương hiệu và khán giả mục tiêu. Tạo sự vui vẻ và điều chỉnh giọng điệu có thể thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau.


  • Tương tác với khán giả: Mạng xã hội là nơi chia sẻ thông tin và tương tác theo hai chiều, vì vậy hãy tương tác với khán giả bằng cách trả lời bình luận, tin nhắn và câu hỏi của họ. Điều này sẽ cho thấy rằng thương hiệu rất cởi mở với các cuộc trò chuyện và đánh giá cao phản hồi của khách hàng. Khách hàng sẽ đánh giá cao điều điều này, từ đó xây dựng lòng trung thành bền vững hơn.


Bằng cách triển khai các chiến lược nói trên, marketer có thể tạo sự thú vị vào chiến lược truyền thông xã hội cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, đồng thời cung cấp nội dung có giá trị, tương tác với khán giả và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.


Theo Hootsuite

Quan Dinh H.