Trong bối cảnh thị trường tuyển dụng đầy tính cạnh tranh như hiện nay, tạo sự khác biệt trong CV có thể giúp ứng viên thể hiện được hết các kỹ năng của bản thân, từ đó gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và có lợi thế khi ứng tuyển.


Tuy nhiên, ông James Reed - Chủ tịch của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng The Reed Group cho biết, các nhà tuyển dụng chỉ quét qua CV của ứng viên trong khoảng bảy giây. Và trong bảy giây ngắn ngủi đó, chỉ vài lỗi chính tả cũng có thể khiến hồ sơ bị đánh trượt ngay lập tức.


Cùng tìm hiểu những lỗi sai khi viết CV được liệt kê bởi các chuyên gia nhân sự qua bài viết sau!


1. Viết CV quá dài


Một lỗi sai mà nhiều ứng viên thường mắc phải chính là thuật lại toàn bộ trải nghiệm cuộc sống lên CV nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thế nhưng, chỉ với bảy giây quét qua CV, nhà tuyển dụng sẽ không hứng thú với những lời kể dài dòng như thế. Do đó, CV của ứng viên không nên quá dài.


Ứng viên không nên viết CV quá dài


Gaelle Blake - Giám đốc tại nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng Hays cho biết, hai trang rưỡi là độ dài lý tưởng nhất của CV. Ứng viên có thể đưa những trải nghiệm liên quan đến cuộc sống của mình vào nhưng cần diễn giải cô đọng, ngắn gọn hết mức có thể.


2. Sử dụng phông chữ quá kiểu cách


Bất cứ thiết kế nào cũng cần có sự trực quan để thu hút mọi người. Vì thế, nếu ứng viên lựa chọn những phông chữ kiểu cách nhằm thể hiện cá tính, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng khó chịu và bỏ qua hồ sơ của ứng viên.


Vì thế, bà Gaelle Blake khuyên ứng viên nên sử dụng phông chữ Arial hoặc Calibri vì chúng "rất đơn giản". Hãy ưu tiên lựa chọn các phông chữ thông dụng, dễ đọc để không gây khó chịu cho nhà tuyển dụng.


Phông chữ Calibri và Arial nên được ưu tiên sử dụng


3. Liệt kê kinh nghiệm, thành tích của bản thân quá nhiều


Về bố cục của một tờ CV "chuẩn chỉnh", bà Shelley Cane - chuyên gia tại dịch vụ nhân sự Robert Half nhấn mạnh: "Đừng phạm sai lầm khi liệt kê các thành tích, điểm mạnh của bạn thành một khối. Thay vào đó, hãy chia chúng thành từng phần, như kinh nghiệm làm việc và học vấn chẳng hạn."


Ứng viên nên liệt kê các thành tích, điểm mạnh của bạn thành từng phần


Bên cạnh đó, bà Cane cho biết ứng viên nên liệt kê những công việc gần đây nhất lên đầu tiên. Sau đó, hãy bổ sung các số liệu cụ thể trong công việc để nhà tuyển dụng có thể đánh giá mức độ hiệu quả của ứng viên trong công việc. 


Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên áp dụng quy tắc này, chẳng hạn như sinh viên mới tốt nghiệp, những người đã có một thời gian nghỉ ngơi dài (gap) trong sự nghiệp và những người mới chuyển ngành. Đối với những trường hợp này, ứng viên nên tập trung làm nổi bật kỹ năng của bản thân.


4. Cân nhắc khi đưa sở thích vào CV


Việc có nên đưa sở thích vào CV hay không là một câu hỏi phổ biến khi tham gia tuyển dụng. Bà Gaelle Blake cho biết, nếu được sử dụng đúng cách, mục sở thích sẽ đóng góp một phần cực kỳ quan trọng trong đánh giá của nhà tuyển dụng về ứng viên. Tuy nhiên, ứng viên cần xem liệu sở thích đó có phù hợp với tính chất công việc hay không.


 Nếu được sử dụng đúng cách, mục sở thích sẽ đóng góp một phần cực kỳ quan trọng trong đánh giá của nhà tuyển dụng


5. Quên đặt tiêu đề email


Trong một email, tiêu đề chính là phần đầu tiên người nhận nhìn thấy và quyết định có mở thư đó hay không. Vì thế, đặt dòng tiêu đề cho email ứng tuyển là điều mà các ứng viên cần đặc biệt lưu ý. Các chuyên gia cho rằng các ứng viên nên đặt tiêu đề một cách ngắn gọn, rõ ràng để giới thiệu bản thân và mục đích gửi mail.


6. Không đính kèm thư xin việc


Thư xin việc (cover letter) là một văn bản mô tả ngắn gọn kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên liên quan đến vị trí ứng tuyển. Bà Gaelle Blake khuyên rằng các ứng viên nên gửi thêm thư xin việc bên cạnh CV ngay cả khi nhà tuyển dụng không yêu cầu. Điều này sẽ góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp, cá tính của ứng viên đến nhà tuyển dụng.


Jennifer Herrity - Chuyên gia tuyển dụng với 12 năm kinh nghiệm cũng đồng ý rằng, mặc dù thư xin việc thường không được yêu cầu nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn dựa vào đó để đánh giá kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức nền tảng của ứng viên. Gửi thư xin việc là một cách để ứng viên thể hiện rằng mình thực sự quan tâm đến công việc này.


Nhiều nhà tuyển dụng dựa vào cover letter để đánh giá ứng viên


Không giống như CV, thư xin việc cho phép ứng viên đi sâu vào giải thích lý do vì sao ứng viên phù hợp với vị trí công việc và công ty, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến công việc ứng tuyển. Một lá thư xin việc tốt có khả năng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và khiến ứng viên khác biệt với những ứng viên khác.


Ở phần mở đầu của lá thư, nếu ứng viên không biết tên và chức danh cụ thể của người tuyển dụng, ứng viên có thể ghi là "Kính gửi bộ phận nhân sự" hoặc "Kính gửi nhà quản lý tuyển dụng". Thư xin việc chỉ nên dài một trang và sử dụng phông chữ đơn giản như Arial hoặc Helvetica.


Bài viết được tổng hợp từ các nguồn:


Kim Ngọc