Website là nơi tập trung các nội dung quan trọng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, thông tin của doanh nghiệp. Những nội dung này giúp tăng độ tin cậy của thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng mới. Do đó, tối ưu hóa website là một phần quan trọng trong chiến lược digital marketing của các doanh nghiệp. Nếu được nâng cấp và tổ chức đúng cách, website của các thương hiệu có thể trở thành một công cụ bán hàng mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa website thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ. Để giúp website của thương hiệu trở thành một trợ thủ đắc lực mang lại lợi nhuận tốt, các marketer cần tránh 6 lỗi sai quan trọng sau đây.


1. Không ưu tiên tối ưu hóa website cho di động


Một sai lầm thường gặp khi tối ưu hóa website là bỏ qua việc ưu tiên nâng cấp, tùy chỉnh trải nghiệm truy cập đối với các thiết bị di động. Theo số liệu thống kê từ Statista, vào năm 2022, hơn 92% người dùng trên toàn cầu truy cập internet thông qua điện thoại di động, trong khi chỉ có khoảng 66% người sử dụng laptop hoặc PC để vào internet. Do đó, thay vì chú trọng vào website cho máy tính, các doanh nghiệp cần tập trung tối ưu hóa website đối với các thiết bị di động, nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dùng hiện nay. ​​


Nhiều doanh nghiệp thường tối ưu hóa website cho máy tính trước, trong khi nhu cầu truy cập bằng điện thoại của người dùng cao hơn


Dưới đây là một số gợi ý để nâng cấp trải nghiệm website trên thiết bị di động:

  • Ưu tiên thiết kế website cho điện thoại di động trước, sau đó mới tùy chỉnh để đảm bảo nó có thể thích nghi với các thiết bị khác.
  • Sử dụng tiêu đề và mô tả ngắn gọn để phù hợp với đặc điểm màn hình hiển thị nhỏ của điện thoại, giúp nội dung dễ được tiếp thu hơn.
  • Tránh sử dụng quảng cáo pop-up, hoặc giới hạn số lượng để chúng không che khuất những nội dung quan trọng trên website.


Với những thay đổi và cải tiến này, website của các doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa được cho thiết bị di động và cung cấp trải nghiệm tốt nhất đến người dùng.


2. Bỏ qua khía cạnh hiệu suất của website 


Trong thời đại hiện nay, người dùng thường không có sự kiên nhẫn khi truy cập những website chậm, lag hay không hoạt động tốt. Vì thế, để chiến lược tiếp thị nội dung đạt hiệu quả, các doanh nghiệp trước hết cần đảm bảo website của thương hiệu đang đạt hiệu suất tốt.


Để đánh giá hiệu suất website, các công ty có thể sử dụng những công cụ miễn phí như Google's PageSpeed Insights. Công cụ này sẽ đánh giá điểm số của website dựa trên hiệu suất, khả năng truy cập và SEO. Đồng thời, PageSpeed Insights cũng cung cấp báo cáo Web Vitals của Google, giúp doanh nghiệp xác định được những vấn đề cần cải thiện của website.


Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cấp hiệu suất website để mang đến cho người dùng trải nghiệp truy cập nhanh chóng, mượt mà


Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các sự cố, lỗi sai mà công cụ này phát hiện ra có thể là một quá trình phức tạp và cần đến sự trợ giúp của lập trình viên. Do đó, các công ty nên tìm kiếm một người hiểu rõ về Web Vitals của Google, đồng thời có kỹ năng giải quyết các vấn đề tiềm ẩn xoay quanh trải nghiệm truy cập, tính tương tác và độ ổn định hình ảnh của nội dung website. 


3. Quên tối ưu hóa hình ảnh và tiêu đề


Việc không tối ưu hóa hình ảnh và tiêu đề sẽ làm hạn chế khả năng truy cập đối với những người dùng sử dụng screen reader (trình đọc màn hình) và các trình duyệt chỉ có văn bản. Điều đó đồng nghĩa với việc các công cụ tìm kiếm sẽ không hiểu được những nội dung trên website của thương hiệu, từ đó không mang lại kết quả hiển thị tốt.


Để tránh lỗi sai này và tối ưu hóa những yếu tố liên quan đến văn bản trên website, các công ty cần:

  • Đảm bảo mỗi trang hiển thị và các nội dung đều bao gồm thẻ tiêu đề và mô tả meta (thuộc mã HTML của website) có chứa từ khóa mục tiêu.
  • Tất cả các phương tiện hình ảnh và video cần đi kèm với tiêu đề thay thế (alt title) và mô tả thay thế (alt description). Thêm từ khóa mục tiêu trong cả hai yếu tố này nếu cảm thấy phù hợp, nhưng cần đảm bảo mô tả chính xác nội dung của hình ảnh và video.
  • Tạo URL (đường dẫn) dễ nhận biết cho tất cả các nội dung website (ví dụ như bài đăng trên blog, các nội dung được bảo vệ bằng mật khẩu) và thêm từ khóa mục tiêu.


4. Không cân nhắc đến trải nghiệm của người dùng


Khi truy cập vào một website, người dùng cần có cảm giác dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng. Việc tổ chức và xây dựng cấu trúc website một cách rõ ràng và dễ hiểu là yếu tố quan trọng để đảm bảo người dùng cảm thấy thoải mái khi thực hiện các tác vụ, tìm kiếm thông tin sản phẩm đúng nhu cầu một cách nhanh chóng. 


Việc tối ưu hóa website cần đảm bảo mang đến một trải nghiệm thao tác thuận tiện, đơn giản, dễ tiếp cận cho người dùng


Bên cạnh tầm quan trọng của việc thiết kế giao diện, sơ đồ website cũng cần có bố cục thông minh với các tab danh mục được đặt ở vị trí hợp lý, nhằm tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng:

  • Điều chỉnh nội dung, hình ảnh và tính thẩm mỹ của website phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.
  • Thêm các yếu tố như giải thưởng, số liệu thống kê, chứng chỉ và kinh nghiệm của doanh nghiệp để xây dựng uy tín.
  • Cung cấp các giải pháp phù hợp với pain point (điểm đau khách hàng) của đối tượng khách hàng mục tiêu.
  • Thường xuyên kiểm tra website dưới góc độ trải nghiệm của người dùng để đảm bảo tính trực quan.
  • Nếu doanh nghiệp thu thập dữ liệu của người dùng thông qua cookie để cá nhân hóa trải nghiệm website, hãy sử dụng thông báo cookie và cung cấp tất cả các quy định liên quan cho người truy cập.
  • Sử dụng công cụ open-source (mã nguồn mở) tự động nhằm cải thiện chất lượng của các website, để có thông tin chi tiết hơn về về hiệu suất, khả năng truy cập, các ứng dụng web… trên trang.
  • Tổ chức một khảo sát trên website và khuyến khích người dùng cung cấp phản hồi hoặc đánh giá của họ về website, từ đó cải thiện trải nghiệm của họ.


5. Cách tổ chức website thiếu vững chắc


Cách tổ chức website không đủ tính bền vững có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc website của doanh nghiệp chưa được lập chỉ mục (indexed) bởi các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo… Việc lập chỉ mục là một phần quan trọng trong việc tối ưu hóa khả năng hiển thị của nội dung, bởi nếu website không được lập chỉ mục, nó sẽ không thể xuất hiện trong kết quả của các công cụ tìm kiếm.


Để xác định và khắc phục những vấn đề liên quan đến kiến trúc website, các công ty cần làm việc với một lập trình viên có kiến thức vững chắc về SEO và biết cách xây dựng một kiến trúc website thân thiện với công cụ tìm kiếm.


Ông Matt Cutts, kỹ sư phần mềm của Google đã cung cấp một cái nhìn tổng quan hữu ích về cách tất cả các yếu tố liên quan đến SEO kết nối và hoạt động cùng nhau, bao gồm:

  • Xây dựng website sao cho nội dung có thể được các công cụ tìm kiếm thu thập thông tin (crawling) thông qua Google Caffeine (công cụ lập chỉ mục của Google).
  • Gửi sitemap XML của website thông qua Google Search Console và khắc phục các lỗi được xác định.
  • Sử dụng robot.txt của Google để xác định các URL nên được thu thập thông tin.
  • Tìm và sửa chữa các liên kết bị hỏng.
  • Kiểm tra và sửa các lỗi mã trạng thái.
  • Kiểm tra nội dung, cải thiện hoặc loại bỏ các bài viết không đạt hiệu quả.
  • Sửa các chuỗi chuyển hướng.
  • Thêm các liên kết nội bộ vào văn bản có nội dung phù hợp để dẫn đến các website và nội dung quan trọng khác.
  • Cập nhật các siêu dữ liệu trùng lặp.



6. Không tối ưu hóa nội dung cho việc tìm kiếm


Khi đăng tải nội dung, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược tối ưu hóa phù hợp cho việc tìm kiếm của nội dung đó, nhằm đạt hiệu quả tối đa trên website của mình.


Để tối ưu hóa nội dung website, các công ty cần:

  • Tổ chức website thành các chuyên đề riêng biệt và bao phủ toàn bộ nội dung (như bài blog, bài nghiên cứu,...) liên quan đến chủ đề đó. Tạo một tab “resource” (tài nguyên) ở dưới các chuyên đề này.
  • Tạo các nhóm chủ đề nhỏ trong mỗi chuyên đề. Thêm các liên kết đến website gốc và website con có liên quan, đồng thời duy trì tính toàn vẹn của kiến trúc website.
  • Xác định và tập trung vào các từ khóa mục tiêu cho từng website và nội dung trên website của doanh nghiệp.
  • Đặt các từ khóa mục tiêu và từ khóa phụ một cách tự nhiên và có chiến lược trong toàn bộ các trang và nội dung của website.


Phương Anh

Theo Content Marketing Institute