Một cuộc khủng hoảng trôi qua đã tác động đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng và thương hiệu. Những kỳ vọng của họ từ các sản phẩm và dịch vụ cũng ít nhiều có sự thay đổi. 


Tập đoàn Havas đã đi sâu vào tìm hiểu người tiêu dùng đang mong đợi các thương hiệu sẽ làm gì để liên kết Hiệu quả hoạt động của công ty với chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dùng thông qua 3 lợi ích chính - lợi ích cá nhân, lợi ích sử dụng và lợi ích tập thể trong bối cảnh thế giới vừa trải qua giai đoạn phong tỏa vì đại dịch. “Người tiêu dùng đang yêu cầu các thương hiệu phải có sự đầu tư và mạo hiểm khi tham gia vào “cuộc chơi”. Những tìm hiểu của chúng tôi cho thấy rằng khách hàng đánh giá cao những thương hiệu thể hiện sự quan tâm đến việc thay đổi thế giới tích cực hơn và mong muốn rằng các thương hiệu sẽ dùng thế mạnh của họ để giải quyết những vấn đề do đại dịch gây ra.


”Ông Charu Harish, Giám đốc chiến lược Tập đoàn Havas Ấn Độ và Đông Nam Á cho biết trong lúc thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc sự đồng cảm được thể hiện trong những chủ trương hoạt động của thương hiệu và bằng cả những hành động thực tế sẽ trở thành một phần quan trọng của chiến lược sản phẩm/ dịch vụ. 


1. Nâng cao ý thức tập thể


Dựa trên những gì nghiên cứu cho thấy, “Ý thức về tập thể” đang ngày càng được quan tâm nhiều ở Châu Á.Lần đầu tiên trong một thập kỷ, người tiêu dùng đang thay đổi ưu tiên lợi ích của họ từ cá nhân sang những lợi ích chung vì cộng đồng, có khoảng 35% người dùng ưu tiên những thương hiệu mang lại giá trị xã hội hơn là lợi ích cá nhân thông thường.


Người tiêu dùng giờ đây quan tâm nhiều đến lợi ích tập thể hơn là lợi ích cá nhân đơn thuần - Ảnh: Internet.


2. Chú trọng vào sức khỏe tinh thần và cảm xúc


Khoảng 57% người tiêu dùng châu Á đang tìm kiếm những thương hiệu có thể giúp họ duy trì được sức khỏe tinh thần và cảm xúc tích cực. Đặc biệt là ở những thị trường như Indonesia, nơi người tiêu dùng đề cao vấn đề này hơn bất kỳ lợi ích cá nhân nào khác, có 59% người dùng cho biết đó chính là ưu tiên hàng đầu của họ. Đây là lời kêu cứu trên khắp các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia và Philippines, nơi mà các thương hiệu đang gặp phải những vấn đề như thiếu hụt dịch vụ giao hàng cùng với đó là vai trò của họ trong việc duy trì sức khỏe thể chất và phúc lợi tinh thần chưa đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách mà khách hàng chấm điểm thương hiệu dựa trên tiêu chí này. 


Sức khỏe tinh thần là vấn đề đang được nhiều người tiêu dùng chú trọng - Ảnh: Internet.


3. Thể hiện sự đồng cảm bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói


Khoảng 62% người tiêu dùng đang đánh giá các thương hiệu qua cách họ đối đãi và bảo vệ nhân viên. Họ cũng sẵn sàng dùng ảnh hưởng từ sức mua của mình để bày tỏ lập trường về vấn đề này. Ở các nền kinh tế đang phát triển như Philippines, con số này còn cao hơn nhiều với tỉ lệ lên đến 75%.


4. Mua sắm cũng mang sức mạnh chính trị


Người tiêu dùng tin rằng ngày nay các thương hiệu đang đóng vai trò quan trọng hơn cả chính phủ trong việc giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Khoảng 60% khách hàng trên toàn Châu Á - Thái Bình Dương mong đợi các thương hiệu sẽ dùng thế mạnh của họ để giải quyết các vấn đề do COVID-19 tạo ra và thể hiện được sự cam kết trong mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây là lĩnh vực trọng yếu mà hầu hết các ngành hàng đều hoạt động dưới mức mong đợi và có thể là cơ hội lớn để các doanh nghiệp kích hoạt mục đích thương hiệu một cách có ý nghĩa. Trong khi ở Philippines và Indonesia ưu tiên việc cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống thì ở các thị trường phát triển tại châu Á như Singapore và Hàn Quốc, người tiêu dùng muốn xem các thương hiệu có thể đóng vai trò chủ đạo như thế nào trong việc giúp đất nước vượt qua khủng hoảng. 


5. Từ nền kinh tế DIY (Do it yourself) đến nền kinh tế DEY (Do everything yourself) 


Hơn một nửa người tiêu dùng Châu Á đang tìm kiếm những thương hiệu có thể giúp họ học hỏi và áp dụng được những kỹ năng mới. Đại dịch đã khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc rèn luyện bản thân và phát triển bộ kỹ năng của mình. Người tiêu dùng đang tìm mọi cách để tái trang bị kỹ năng cho bản thân cũng như xây dựng tính tự cung tự cấp cho các mô hình kinh doanh của họ ở “thượng nguồn” và “hạ nguồn”. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu xây dựng cộng đồng và thúc đẩy tương tác mạnh hơn. 


6. Có cơ sở công nghệ bảo mật và an toàn cho tất cả các ngành hàng. 


Khoảng 63% người tiêu dùng mong đợi các thương hiệu ở bất kỳ ngành hàng nào, dù là ô tô, FMCG hay bán lẻ cũng đều phải cải thiện các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn. Các doanh nghiệp ở mọi ngành hàng nếu muốn tạo dựng được hình ảnh là thương hiệu quan tâm đến vấn đề sức khỏe trong tương lai thì trước tiên, họ cần phải chú ý vào những đổi mới mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy, chạm hoặc cảm nhận được.“Có những sự biến chuyển mang tính nền tảng đang thay đổi cách người tiêu dùng nhìn nhận và tiếp cận với các thương hiệu.


Nghiên cứu Fast & Fearless đã thể hiện được điều gì mới là ý nghĩa trong một thế giới “mới” và làm nổi bật lên những lĩnh vực mà các thương hiệu hiện đang bắt kịp. Nghiên cứu này cũng hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng đến những doanh nghiệp trong việc đưa ra những hành động và quyết định mạo hiểm hơn để đánh bật xu hướng và phá vỡ những hiện trạng sẵn có”, Vishnu Mohan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Havas khu vực Ấn Độ, Đông Nam Á, Bắc Á cho biết thêm. 


Quỳnh Đức / Advertising Vietnam  Theo Marketing Interactive