Cùng điểm lại 6 xu hướng truyền thông nổi bật năm 2024 qua bài viết sau!
KOS (Key Opinion Sale) là thuật ngữ chỉ những người sáng tạo nội dung sở hữu kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp và kiến thức sâu rộng về ngành hàng. Họ là những người tư vấn sản phẩm một cách tận tâm và tạo dựng hình tượng là một nhà bán hàng uy tín. KOS được chia thành 2 nhóm:
Năm 2024 đánh dấu bước phát triển của xu hướng KOS với hàng triệu phiên live và nhiều nhà bán hàng KOS nổi bật trên mạng xã hội. Theo báo cáo từ AccessTrade Việt Nam 2024 cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Cốc Cốc vào năm 2023 cho thấy 77% người dùng internet tại Việt Nam đã từng xem livestream bán hàng, trong đó 71% người mua hàng trực tiếp trong các buổi livestream. Thống kê này cũng chỉ ra rằng người Việt dành trung bình 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua livestream, cho thấy mức độ phổ biến và ưa chuộng của hình thức mua sắm này.
Trong đó, phải kể đến hai KOS được nhiều khách hàng nhớ đến như Phạm Thoại, Lucie - Tuấn Dương. Cả hai KOS này có thể đem đến hàng tỷ đồng mỗi tháng cho nhãn hàng với những phiên live kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Điều này không chỉ chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của họ mà còn mở ra một loạt cơ hội đầy hứa hẹn cho nhiều người dùng mong muốn bước chân vào ngành này.
Unhinged Marketing là một xu hướng marketing táo bạo và khác biệt, nơi các thương hiệu dám phá vỡ các khuôn mẫu truyền thống để gây ấn tượng mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Thay vì lựa chọn thông điệp nghiêm túc hay bóng bẩy, Unhinged Marketing tập trung vào việc tạo ra những nội dung đầy bất ngờ, hài hước và thậm chí có phần gây sốc.
Điểm nổi bật của Unhinged Marketing chính là sự sáng tạo không giới hạn, mở ra cơ hội để các thương hiệu kết nối với người tiêu dùng qua những chiến dịch dễ gần, chân thật và đậm chất riêng. Năm 2024, xu hướng này đã trở thành một hiện tượng, khi hàng loạt thương hiệu tận dụng nó để tạo ra những chiến dịch ấn tượng khó quên.
Một ví dụ điển hình là chiến dịch "Do Your Lesson, No Buts" của Duolingo tại Super Bowl. Chỉ vỏn vẹn 5 giây, chiến dịch đã khéo léo lồng ghép tính cách tinh nghịch của Duolingo qua hình ảnh chiếc mông của con cú xanh – một phép ẩn dụ độc đáo cho câu nói "Học bài đi, không nhưng nhị”.
Tương tự, Liquid Death với chiến dịch kết hợp cùng Depend đã đưa sự sáng tạo của Unhinged Marketing lên một tầm cao mới khi phát triển sản phẩm tả dành cho người lớn tham gia concert. Những chiến dịch như vậy đã góp phần đưa Unhinged Marketing trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong năm 2024, chứng tỏ rằng khi sự táo bạo và sáng tạo được kết hợp, hiệu quả quảng cáo sẽ vượt xa mọi kỳ vọng.
Slang Marketing là chiến lược tích hợp các từ lóng và xu hướng mạng xã hội vào các chiến dịch marketing, nhằm tạo sự kết nối sâu sắc với thế hệ trẻ như Gen Z và Gen Alpha. Đây là cơ hội vàng để các thương hiệu hòa mình vào văn hóa của khách hàng, sử dụng ngôn ngữ quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày hoặc trên mạng xã hội để xây dựng sự gần gũi, tăng tính tương tác và khiến thông điệp quảng cáo dễ dàng ghi dấu ấn.
Theo báo cáo từ YouNet Media, trong nửa đầu năm 2024, đã có hơn 530 xu hướng và chủ đề nổi bật bùng nổ trên mạng xã hội, với hơn 350 thương hiệu tại Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp để triển khai các chiến dịch truyền thông. Con số này cho thấy việc sử dụng slang một cách hợp lý không chỉ giúp gia tăng sức ảnh hưởng mà còn mang lại những chiến dịch đậm tính thời đại, dễ dàng lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số.
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của nhiều từ lóng được giới trẻ yêu thích, và các thương hiệu đã nhanh chóng cập nhật để tận dụng xu hướng. Trong đó, câu nói “Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới” của NSND Tự Long trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Đồng thời, các slang như “Đã làm gì đâu” của Quang Trung, “Khó chệu vô cùng” của Violet Vũ, và “8386” của Dương Gió Tai cũng được sử dụng rộng rãi bởi cả thương hiệu và người dùng mạng xã hội, góp phần lan tỏa nội dung sáng tạo.
Không thể phủ nhận, Slang Marketing đã mang đến một luồng gió mới, tươi trẻ và đầy năng lượng cho các thương hiệu muốn tiếp cận gần hơn với khách hàng trẻ trong năm vừa qua. Đây không chỉ là cách giao tiếp đơn thuần mà còn là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để xây dựng cầu nối văn hóa và cảm xúc giữa thương hiệu và thế hệ tương lai.
AI Marketing là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các chiến lược, hoạt động và chiến dịch tiếp thị nhằm tối ưu hóa hiệu quả, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, và dự đoán hành vi tiêu dùng. AI Marketing cho phép các thương hiệu phân tích dữ liệu lớn (big data), tự động hóa các quy trình tiếp thị và tạo ra những chiến lược tiếp cận khách hàng thông minh hơn.
AI Marketing không chỉ là một công cụ hiện đại mà còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các thương hiệu trong việc nâng cao hiệu quả tiếp thị và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. AI giúp tối ưu hóa chi phí và nguồn lực bằng cách tự động hóa các quy trình tiếp thị như quản lý chiến dịch quảng cáo, phân tích dữ liệu, hay chăm sóc khách hàng qua chatbot.
Ngoài ra, AI cho phép cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng một cách chính xác và nhanh chóng, giúp thương hiệu dễ dàng ghi điểm bằng những thông điệp phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, AI Marketing cải thiện khả năng dự đoán xu hướng và hành vi tiêu dùng, giúp doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn và kịp thời hơn.
AI Marketing trong năm 2024 đã được nhiều thương hiệu áp dụng một cách thông minh, nổi bật trong đó là bước chuyển mình của ví điện tử MoMo khi cho ra mắt định vị thương hiệu mới “Trợ thủ tài chính với AI” hỗ trợ người dùng làm được nhiều thứ hơn với tiền hay với Aquafina A.I giúp người dùng tìm ra phong cách thời trang cá nhân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Quốc tế - VIB cũng áp dụng AI trong việc tạo ra thẻ cá nhân hoá dành cho người dùng.
Affiliate Marketing là một thuật ngữ không mới trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên năm 2024 vẫn là một năm phát triển mạnh mẽ của xu hướng này. Theo báo cáo của Authority Hacker, ngành tiếp thị liên kết dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường 27,78 tỷ USD vào năm 2027. Cùng với đó là thu nhập bình quân của mỗi Marketer Affiliate là hơn 96.000 USD mỗi năm - một mức thu nhập tuyệt vời dành cho một công việc không ràng buộc về địa điểm, cho phép người dùng tự do sắp xếp thời gian và đưa ra quyết định của riêng mình.
Các Marketer Affiliate trong năm 2024 đã sáng tạo nhiều nội dùng cùng với nhiều định dạng để thu hút khách hàng tiềm năng từ video ngắn trên TikTok, YouTube Shorts, đến các bài blog đánh giá sản phẩm hoặc thậm chí là podcast. Sự đa dạng trong cách thức tiếp cận đã giúp họ tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu hóa doanh thu.
Năm 2024 cũng đánh dấu sự gia tăng của các chương trình tiếp thị liên kết tại thị trường Việt Nam. Các nền tảng như Shopee Affiliate, Lazada Affiliate hay Tiki Partner không ngừng cải tiến để thu hút nhiều nhà tiếp thị hơn. Điều này mở ra cơ hội lớn không chỉ cho các Marketer chuyên nghiệp mà còn cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về ngành này.
Có thể nói, Affiliate Marketing trong năm 2024 đã trở thành một công cụ mạnh mẽ, không chỉ giúp các thương hiệu tăng trưởng mà còn mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho các nhà tiếp thị. Xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong tương lai, đặc biệt là khi công nghệ và nền tảng trực tuyến ngày càng phát triển.
Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng được nhiều người yêu thích, kéo theo kỳ vọng ngày càng cao từ người xem trong mỗi phiên phát sóng. Điều này đòi hỏi các thương hiệu phải không ngừng sáng tạo, áp dụng những chiến lược độc đáo để thu hút và giữ chân khán giả. Trong bối cảnh đó, Shoppertainment nổi lên như một giải pháp hoàn hảo, hỗ trợ các nhà bán lẻ và thương hiệu xây dựng trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và thú vị hơn.
Shoppertainment là sự kết hợp giữa mua sắm trực tuyến (shopping) và giải trí (entertainment), không chỉ giúp bán sản phẩm mà còn tạo ra kết nối cảm xúc với khách hàng, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha – những thế hệ yêu thích sự tương tác và sáng tạo. Năm 2024 chứng kiến nhiều hoạt động mới mẻ trong các phiên livestream, từ gamification đến các nội dung độc đáo trên mạng xã hội nhằm điều hướng người dùng đến phiên live.
Báo cáo Shoppertainment 2024 của TikTok chỉ ra rằng 79% người dùng bị thuyết phục mua sắm bởi nội dung nhấn mạnh giá trị và chất lượng sản phẩm hơn là khuyến mãi. Điều này nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng nội dung chất lượng, tận dụng tối đa mạng xã hội và TikTok để tạo điểm chạm với khách hàng và mở rộng khả năng tiếp cận người tiêu dùng.
Nắm bắt xu hướng, các chương trình như “The Shoppertainer” (Ngôi Sao Chốt Đơn) đã ra đời, với mục tiêu đào tạo thế hệ nhân tố mới cho lĩnh vực bán hàng trực tuyến, mở ra một chương mới cho ngành thương mại điện tử kết hợp giải trí. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và mạng xã hội, các phiên livestream ngày càng trở nên sáng tạo, đậm tính tương tác và mang tính cá nhân hóa cao. Trong tương lai, Shoppertainment hứa hẹn sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt sự đổi mới trong ngành thương mại điện tử và tiếp thị số, tạo nên sân chơi đầy tiềm năng cho những ai biết nắm bắt và khai thác.
Kim Yến
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!
24 Thg 01 2025
Ori Marketing Agency
Theo dõi bởi 146 người
24 Thg 01 2025
22 Thg 01 2025
© Advertising Vietnam - All rights reserved