Đại dịch và các cuộc khủng hoảng toàn cầu đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng thần kỳ của các ứng dụng di động cũng như sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng ứng dụng của người dân và doanh nghiệp tại khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á. Vừa qua, Adjust và Sensor Tower đã hợp tác xây dựng Báo cáo Thị trường ứng dụng Ấn Độ và Đông Nam Á để mang đến những thông tin bổ ích về xu hướng và hành vi sử dụng ứng dụng di động trong khu vực.
Báo cáo tập trung vào 4 lĩnh vực quan trọng bao gồm game, fintech, thương mại điện tử và giải trí dựa trên dữ liệu phân tích từ 5.000 ứng dụng hàng đầu trên nền tảng Adjust trong giai đoạn 2021 - 2022 và tháng 1/2023. Dưới đây là những thông tin chính trong báo cáo mà các doanh nghiệp Việt Nam cần biết để định hướng chiến lược phát triển và tận dụng cơ hội trong thị trường ứng dụng ngày càng phát triển trong khu vực.
Game mobile: Ứng dụng được phát triển trong nước chiếm 27% tổng số lượt tải ứng dụng tại Việt Nam
Khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) đang nổi lên như một thị trường mobile game có tiềm năng phát triển lớn. Theo báo cáo của Google năm 2022, có đến 80% dân số Đông Nam Á tham gia chơi mobile game, và một trong ba người sở hữu điện thoại thông minh sẽ chơi game di động ít nhất một lần mỗi tuần. Đáng chú ý, trên thị trường ứng dụng game tại Việt Nam, ứng dụng do các doanh nghiệp trong nước phát triển chiếm tỷ trọng 27% tổng số lượt tải ứng dụng.
Khảo sát cũng cho biết các loại game phổ biến như hành động, arcade, cờ bàn, casual, giải đố, nhập vai và mô phỏng đã thu hút hơn 54 triệu lượt tải ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể tại thị trường Việt Nam, top 3 thể loại game được yêu thích nhất bao gồm game mô phỏng, game giải đố và game thể thao.
Bên cạnh đó, tỷ trọng lượt tải game trên hệ điều hành Android (93%) hoàn toàn áp đảo tỷ trọng lượt tải game iOS trong khu vực. Tại Việt Nam, con số này là 79% cho Android và 21% cho iOS. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù số lượt tải game trên nền tảng Android có vẻ nhiều hơn, doanh thu mỗi lượt tải trên nền tảng iOS lại cao hơn đáng kể. Tại Việt Nam, số liệu cho thấy mức doanh thu mỗi lượt tải trên iOS là 0,75 USD (khoảng 17.000 VND), trong khi trên Android chỉ là 0,11 USD (khoảng 2.500 VND). Dù việc thu hút người dùng mới trên nền tảng iOS có chi phí cao hơn so với Android, tuy nhiên, chênh lệch lớn về doanh thu giữa hai nền tảng này cần được xem xét kỹ lưỡng bởi các nhà quảng cáo và nhà phát triển khi xây dựng chiến lược kinh doanh.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy rằng số lượt cài đặt (install) và phiên truy cập (session) của các ứng dụng mobile game tại khu vực Đông Nam Á đã tăng trở lại từ tháng 10/2022 và tiếp tục tăng đến tháng 1/2023. Cụ thể, số lượt cài đặt ứng dụng game trong quý 4/2022 đến tháng 1/2023 đã tăng khoảng 20%, chỉ thấp hơn so với tăng trưởng trung bình toàn cầu (22%). Đối với phiên truy cập, khu vực Đông Nam Á ghi nhận mức tăng ấn tượng là 12%. Điều này đã cho thấy sự phục hồi và sự quan tâm của người dùng đối với ứng dụng game trong năm 2023.
Fintech: Số lượt tải ứng dụng tại Việt Nam tăng 15%
Đông Nam Á là một trong những khu vực rất ưa chuộng fintech. Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán, Việt Nam nói riêng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 15% trong số lượt tải ứng dụng fintech ở giai đoạn 2021 - 2022. Thái Lan và Singapore là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có số lượt tải giảm lần lượt 11% và 2%.
Kết quả báo cáo cũng cho thấy các ứng dụng fintech phát triển bởi một quốc gia có mức độ ảnh hưởng quan trọng đến số lượt tải về trong quốc gia đó. Điều này cho thấy người dùng có xu hướng ưu tiên sử dụng các ứng dụng fintech nội địa. Cụ thể, tại khu vực, tỷ lệ lượt tải về ứng dụng fintech nội địa chiếm 37% tổng số lượt tải. Tỷ lệ này là 36% tại Việt Nam. Những con số này cho thấy tiềm năng của các ứng dụng fintech ngoại nhập trong việc tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Nhìn từ góc độ các hệ điều hành, Android vẫn giữ tỷ trọng lớn trong tổng số lượt tải về ứng dụng fintech - chiếm 92%. Tỷ lệ lượt tải về ứng dụng iOS tại Singapore (38%) và Việt Nam (39%) là cao nhất trong khu vực, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn thấp hơn đáng kể so với Android. Ngoài ra, số lượt cài đặt ứng dụng fintech tăng trở lại sau một thời gian ổn định từ tháng 9/2022. Điều này cho thấy người dùng trong khu vực này dành nhiều thời gian sử dụng ứng dụng fintech và đây chính là cơ hội mang đến tiềm năng lợi nhuận cao cho các nhà phát triển.
Thương mại điện tử: 63% lượt tải ứng dụng mua sắm tại Việt Nam là từ Android
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của mua sắm trực tuyến và ứng dụng thương mại điện tử trở thành xu hướng không thể thiếu trên thị trường. Trong năm 2022, số lượt tải ứng dụng mua sắm trung bình tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự nhiều phân khúc khác trong khu vực, người dùng chủ yếu tải ứng dụng mua sắm thông qua các thiết bị Android. Cụ thể, số lượt tải ứng dụng mua sắm từ các thiết bị Android tại Việt Nam chiếm 63%, đứng thứ 4 trong khu vực, sau Ấn Độ (96%) và Indonesia (90%) Đáng chú ý, Singapore là quốc gia duy nhất có tỷ lệ tải ứng dụng trên iOS (57%) vượt trội so với Android.
Trong giai đoạn 2021-2022, số lượt cài đặt ứng dụng mua sắm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tại khu vực, số lượt cài đặt trung bình trong quý 4/2022 tăng 17% so với mức trung bình năm 2022, cho thấy sự tăng trưởng và quan tâm ngày càng tăng của người dùng đối với ứng dụng mua sắm. Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ mua sắm qua ứng dụng ở Việt Nam cũng có sự tăng trưởng từ 11% lên 13%. Kết quả cũng ghi nhận thời lượng phiên trung bình trên ứng dụng tại ĐNÁ trong năm 2023 tăng 55% so với năm 2021, điều này cho thấy sự sôi động và phát triển của thị trường mua sắm trực tuyến tại ĐNÁ. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng sự tăng trưởng và quan tâm ngày càng tăng của người dùng đối với ứng dụng mua sắm.
Giải trí: Tỷ lệ tải các ứng dụng giải trí nội địa tại Việt Nam là 15%
Theo báo cáo, người dùng tại Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với các ứng dụng giải trí địa phương khi ứng dụng nội địa đã chiếm tỷ lệ cao (15%) trong số lượt tải ứng dụng giải trí tại quốc gia này trong năm 2022
Bên cạnh đó, trong quý 4/2022, số lượt tải ứng dụng giải trí đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Google Play vẫn tiếp tục là cửa hàng ứng dụng chính được người dân trong nhiều quốc gia khu vực sử dụng để tải xuống ứng dụng, trừ các trường hợp đặc biệt như Việt Nam (56%) và Singapore (62%) nơi iOS được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (ĐNÁ), Google Play Store chiếm 80% tổng số lượt tải.
Đáng chú ý là số lượt cài đặt ứng dụng giải trí trong khu vực đã vượt xa số lượt cài đặt toàn cầu. Trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2022, số lượt tải và cài đặt các ứng dụng giải trí tại ĐNÁ đều được ghi nhận có sự tăng trưởng. Thời lượng của mỗi phiên truy cập vào ứng dụng giải trí cũng có sự tăng trưởng vào năm 2023 với thời lượng trung bình tại ĐNÁ là 18,44 phút trong năm 2023 (so với 15,61 phút trong năm 2022). Điều này cho thấy người dùng trong khu vực này đã dành nhiều thời gian hơn để sử dụng ứng dụng giải trí trong năm 2023. Mức độ gắn bó của người dùng ở Đông Nam Á cũng tăng lên, với Việt Nam ghi nhận mức độ gắn bó 11%.
Cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam
Thị trường ứng dụng di động ở đây đang phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng sự hiện diện và đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng giải trí. Một cách hiệu quả là phát triển các ứng dụng nội địa đáp ứng nhu cầu của người dùng trong khu vực. Chẳng hạn như tạo ra các ứng dụng giải trí hấp dẫn, như game, ứng dụng mua sắm, hoặc dịch vụ giải trí trực tuyến, để thu hút và giữ chân người dùng.
Đối với lĩnh vực game, doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm chất lượng và hấp dẫn để thu hút người chơi. Việc phân tích dữ liệu và áp dụng các công cụ phân tích sẽ giúp nhà quảng cáo hiểu rõ hơn về thị trường và người dùng, từ đó đưa ra quyết định thông minh về hoạt động marketing và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Bằng cách tạo ra những ứng dụng có giá trị lâu dài và tạo niềm tin cho người dùng, doanh nghiệp có thể thu hút và giữ chân người dùng một cách hiệu quả.
Quan Dinh H.