Trong digital marketing, tỷ lệ nhấp (click-through rate) là một chỉ số quan trọng để đo lường số lượng người đã nhấp vào liên kết hoặc quảng cáo của bạn sau khi xem nó. Việc cải thiện tỷ lệ nhấp có thể giúp doanh nghiệp của bạn đạt được mức tăng đáng kể về nhận thức thương hiệu, mức độ tương tác của khách hàng và cuối cùng là doanh số bán hàng. Sau đây là những cách để biến chúng trở thành hiện thực.


Tỷ lệ nhấp có quan trọng không?


Tỷ lệ nhấp là một số liệu quan trọng vì nó giúp bạn tìm ra loại thông điệp nào thu hút với đối tượng khách hàng của mình. Ví dụ: Tỷ lệ nhấp thấp có thể cho thấy rằng bạn cần phải xem xét lại chiến lược của mình và thực hiện một chút tinh chỉnh từ khóa, nhắm mục tiêu theo đối tượng hoặc các ưu đãi quảng cáo.


Tỷ lệ nhấp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến điểm chất lượng của bạn trên các nền tảng quảng cáo như Google Ads và Facebook, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định cả xếp hạng quảng cáo và chi phí mỗi nhấp chuột của bạn.


Tỷ lệ nhấp chuột tốt là gì?


Để xác định được tỷ lệ nhấp chuột tốt thực sự còn phụ thuộc vào nhiều thứ. Theo Wordstream, tỷ lệ nhấp trung bình trên các quảng cáo tìm kiếm có trả tiền của Google AdWords là khoảng 2%. Do đó, nếu tỷ lệ nhấp của bạn đạt trên 2% có thể được coi là tỷ lệ nhấp trên mức trung bình. 


Điều gì ảnh hưởng đến tỷ lệ nhấp?


Có một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhấp, bao gồm từ khóa, lời kêu gọi hành động, hình ảnh và vị trí quảng cáo. Dưới đây là một số yếu tố chính:


  • Vị trí quảng cáo


Có thể dễ dàng hiểu, quảng cáo nằm ở vị trí đầu trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm sẽ có tỷ lệ nhấp cao hơn so với những quảng cáo xếp nằm ở cuối (trên thực tế, kết quả số 1 trong kết quả tìm kiếm mà không phải trả phí của Google có tỷ lệ nhấp trung bình là 31,7%).


Vị trí quảng cáo được xác định bởi xếp hạng quảng cáo, là điểm mà Google tính toán dựa trên giá thầu và điểm chất lượng của bạn.


Công thức để tính xếp hạng quảng cáo:


Xếp hạng Quảng cáo = Giá thầu mỗi Nhấp chuột Tối đa x Điểm Chất lượng



  • Mức độ liên quan của quảng cáo


Quảng cáo và trang đích của bạn càng có liên quan đến tìm kiếm và sở thích của người dùng, thì càng có nhiều khả năng họ nhấp vào. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng từ khóa và nội dung quảng cáo của bạn có liên quan trực tiếp với nhau. Mức độ liên quan của quảng cáo đóng một phần quan trọng trong điểm chất lượng tổng thể của bạn. Hãy nhớ rằng, điểm chất lượng của bạn càng tốt, bạn càng phải trả ít tiền cho quảng cáo của mình.


  • Từ khóa


Từ khóa, cho dù là từ khóa ngắn và rộng, hay dài và cụ thể, đều không thể thiếu trong chiến lược tăng tỷ lệ nhấp của bạn - miễn là chúng có liên quan. Vì vậy, hãy đảm bảo đưa chúng vào URL, thẻ tiêu đề và mô tả của bạn. Nên sử dụng các từ khóa đuôi dài, vì những từ khóa này tập trung hơn và do đó có nhiều khả năng mang lại lưu lượng truy cập được nhắm mục tiêu cao hơn. Tránh các từ khóa quá cạnh tranh hoặc quá tối nghĩa.


  • Giá thầu


Như đã đề cập trước đó, xếp hạng quảng cáo được xác định bởi 2 yếu tố: bạn đặt giá thầu bao nhiêu và điểm chất lượng của bạn. Bằng cách tăng giá thầu cho các từ khóa mong muốn, bạn sẽ cải thiện vị trí của quảng cáo, làm tăng đáng kể cơ hội đạt được tỷ lệ nhấp tốt. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với chiến lược này, vì việc tăng giá thầu có thể khiến bạn bị mất giá nhấp chuột (cost per click) cao hơn.


Làm thế nào để tính tỷ lệ nhấp chuột?


Để tính toán tỷ lệ nhấp, chỉ cần chia số nhấp chuột duy nhất cho số lần hiển thị quảng cáo và nhân số đó với 100 để nhận phần trăm.



Ví dụ: nếu bạn có 7 nhấp chuột và 100 hiển thị, thì tỷ lệ nhấp của bạn sẽ là 7 phần trăm.


8 cách để cải thiện tỷ lệ nhấp của bạn



1. Đặt từ khóa chính vào URL hiển thị 


Đây là điều tối quan trọng. URL hiển thị là yếu tố thường bị bỏ qua của nội dung quảng cáo - và là yếu tố mà bạn chắc chắn nên tận dụng! URL hiển thị khác với URL đích. Nó ở đó để giúp người dùng biết được nơi họ sẽ đến sau khi nhấp vào quảng cáo. Việc kết hợp từ khóa đã chọn vào URL hiển thị có thể giúp củng cố từ khóa đó, cải thiện mức độ liên quan của quảng cáo và cả điểm chất lượng của bạn. Theo backlinco, các URL chứa từ khóa có tỷ lệ nhấp cao hơn 45% so với URL không chứa từ khóa. 


2. Tối ưu hóa tiêu đề



Thông thường, tiêu đề là thứ thu hút sự chú ý của mọi người nhất, vì vậy hãy làm cho chúng hấp dẫn nhất có thể. Đảm bảo rằng từ khóa chính của bạn nằm trong phần đầu tiên của thẻ H1, vì Google đọc chúng từ trên xuống dưới và từ trái sang phải. Điều này sẽ giúp quảng cáo của bạn phù hợp hơn với người dùng và tăng tỷ lệ nhấp chuột của bạn. Cuối cùng, hãy thử kết hợp các từ và các yếu tố kích hoạt cảm xúc vào dòng tiêu đề để đạt được kết quả tốt nhất. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các biểu tượng để tiêu đề trở nên nổi bật giữa đám đông.


3. Hãy thử thêm một ưu đãi đặc biệt vào tiêu đề 


Theo quy luật chung, người dùng có nhiều khả năng nhấp vào một quảng cáo giúp họ có thể tiết kiệm được tiền hơn là một quảng cáo thông thường.



Một số ví dụ phổ biến nhất bao gồm:

  • Mua một tặng một
  • Flash sale
  • Giveaway hoặc free sample
  • Phiếu giảm giá hoặc chiết khấu
  • Ưu đãi trước khi ra mắt hoặc ưu đãi độc quyền
  • Điểm thành viên hoặc đổi thưởng
  • Ưu đãi theo mùa
  • Deal tốt hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng


4. Tạo lời kêu gọi (call to action) phù hợp và mạnh mẽ


Hãy tạo ra lời kêu gọi hành động hấp dẫn và tập trung vào những tiện ích khách hàng sẽ nhận được khi nhấp vào liên kết của bạn. Ví dụ như: “Tải sách điện tử miễn phí của bạn”.Những cụm từ kêu gọi hành động sẽ giúp bạn đạt được việc thúc đẩy chuyển đổi như mong muốn.


5. Cải thiện nội dung 


Nếu muốn khán giả nhấp vào quảng cáo của mình, thì nội dung quảng cáo của bạn phải hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ khi tạo được mối quan hệ và thu hút sự chú ý của khách hàng. Hãy cá nhân hóa nội dung của bạn và tạo ra những nội dung thực sự gây tiếng vang và bạn sẽ thấy được kết quả.



Một số mẹo để tối ưu hóa thẻ meta của bạn:


  • Đối với tiêu đề meta, nên bao gồm từ khóa đã chọn và giữ độ dài từ 50-60 ký tự. Đảm bảo rằng mỗi và mọi bài đăng đều có tiêu đề meta duy nhất vì các công cụ tìm kiếm khuyến khích tính độc đáo.


  • Mô tả meta của bạn là một cơ hội tuyệt vời khác để chuyển đổi thành các cú nhấp chuột hấp dẫn. Giữ cho nó ngắn gọn và hấp dẫn (khoảng 155-160 ký tự) và đảm bảo kết hợp các từ khóa cần thiết trong đó.


6. Cập nhật các yếu tố hình ảnh


Thời gian chú ý của một người khá ngắn. Do đó, một hình ảnh nổi bật có thể tạo ra tất cả sự khác biệt cho tỷ lệ nhấp chuột của bạn và cuối cùng là thành công của chiến dịch. Trên thực tế, theo Vero, việc sử dụng hình ảnh trong chiến dịch của bạn có thể làm tăng tỷ lệ nhấp lên tới 42% trong email.


Hãy nhìn lại hình ảnh của mình và tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:


  • Bạn có đang sử dụng màu sắc phù hợp?
  • Đề xuất giá trị của bạn có rõ ràng không?
  • Hình ảnh của bạn có đủ thu hút sự chú ý không?
  • Hình ảnh của bạn có chất lượng đủ cao không? Hay bạn đã sử dụng quá nhiều hình ảnh lưu trữ chất lượng thấp, đã qua sử dụng? (Nếu có, hãy cân nhắc chỉnh sửa chúng hoặc tạo một hình ảnh gốc để thay thế.)
  • Hình ảnh của bạn có thể được đơn giản hóa phần nào không?
  • Hình ảnh của bạn có phải là kích thước tối ưu để chia sẻ trên kênh cụ thể này không?
  • Hình ảnh của bạn có chứa những thông tin có lợi cho khách hàng không? Ví dụ một lời kêu gọi hay dòng thông báo “Miễn phí”.


7. Đánh giá lại đối tượng mục tiêu 


Nếu tỷ lệ nhấp của bạn thấp, có thể là do bạn không nhắm mục tiêu đúng người. Nếu đúng như vậy, bạn cần đánh giá lại chính xác đối tượng mục tiêu của mình là ai.Để thực hiện điều này, bạn nên tìm hiểu xem ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sản phẩm của bạn vì đó là đối tượng mà bạn nên tiếp thị. Khi đã tiếp cận được khách hàng lý tưởng của mình, bạn cần tìm hiểu sở thích của họ, điều mà họ không thích, điểm khó khăn và mục tiêu của họ. Chỉ khi đó, bạn mới có thể bắt đầu tạo nội dung có thể thực sự chạm đến khán giả của mình.


Để tìm ra đối tượng mục tiêu của mình, bạn có thể thử những bước sau:


  • Tạo tính cách khách hàng
  • Thực hiện khảo sát / đánh giá người dùng
  • Sử dụng phân tích (Google, Facebook, Instagram…)
  • Giám sát các hoạt động xã hội của bạn


Hãy nhớ rằng khán giả sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tự nhiên theo thời gian, vì vậy phải đảm bảo luôn theo dõi những thay đổi trong dữ liệu khách hàng của bạn và điều chỉnh.


8. Sử dụng tiện ích mở rộng quảng cáo để tăng khả năng hiển thị


Mẹo này đã được Google khuyến nghị. Tiện ích mở rộng quảng cáo cho phép bạn hiển thị thông tin bổ sung trên quảng cáo Google của mình, chẳng hạn như vị trí, liên kết trang web và đánh giá, có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể cho xếp hạng quảng cáo và tỷ lệ nhấp của bạn. Tuy nhiên, với số lượng tùy chọn hiện có, điều quan trọng là bạn phải chọn đúng tiện ích mở rộng quảng cáo cho mục tiêu của mình. Như với mọi thứ, mức độ liên quan ở đây là chìa khóa, vì nó góp phần vào điểm chất lượng tổng thể của bạn. Thế nên, đừng chỉ thêm tiện ích mở rộng quảng cáo để thêm chúng mà quên đi mức độ liên quan.



Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đừng quên thử nghiệm các loại quảng cáo khác nhau để tạo sự khác biệt, đó là điều bắt buộc đối với bất kỳ chiến lược marketing hiệu quả nào. 


Nhật Ánh / Advertising Vietnam

Theo Hivelife