Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuê một team marketing in-house sẽ mất rất nhiều chi phí. Vì vậy, thuê marketing agency bên ngoài là giải pháp vừa đem lại hiệu quả tăng trưởng cao, vừa tiết kiệm.


Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các chủ doanh nghiệp có xu hướng cẩn trọng hơn trong quyết định lựa chọn marketing agency để tránh tình trạng “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, việc tìm được một agency chất lượng lại mất khá nhiều thời gian. Vậy làm sao để chọn được một agency “the right one” để gắn bó?


Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống phải đếm từng ngày chờ chấm dứt hợp đồng với agency vì làm việc lất cất và không phù hợp chưa? Những “red flags” sau đây sẽ giúp bạn đánh hơi được một agency có thật sự uy tín như những gì họ trình bày trong các buổi pitching hay không.


Đảm bảo đem lại kết quả nhanh chóng


Một “red flag” to đùng khi thuê một agency là hứa hẹn mang lại kết quả tức thì. Điểm chung của những agency này là vẽ vời về lượng khách hàng tiềm năng, lượt tiếp cận, lên vị trí top 1 trên kết quả tìm kiếm. Thực chất, họ sẽ dùng những phương pháp gian lận như mua lại data khách hàng và những backlinks xấu. Điều này không những khiến doanh nghiệp tiếp cận sai tệp khách hàng mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất của doanh nghiệp về lâu dài.


Hầu hết, các agency sẽ không thể đảm bảo kết quả, vì không thể nào biết trước kết quả cho đến khi nó thực sự xảy ra. Ví dụ: các chiến dịch tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cần thời gian lên đến vài tháng, nhưng không có gì đảm bảo doanh nghiệp của bạn sẽ lên top trong một thời gian ngắn.


Giá tốt bất ngờ


Đây là một “red flag” thường đi đôi với những agency dùng phương pháp marketing “đánh nhanh rút gọn” vừa đề cập ở trên. Những agency này cung cấp dịch vụ với giá rẻ bất ngờ so với thị trường. Tuy nhiên, bạn lại phải tốn thêm tiền vì các đề mục sẽ sai sót và sửa đi sửa lại. Thậm chí, chiến dịch marketing sẽ không mang lại được kết quả nào như bạn mong đợi.


Mặt khác, nếu bạn muốn làm việc với một agency minh bạch về nguồn tiền của bạn, hãy yêu cầu được biết chính xác mình đang tiêu tiền vào việc gì trước khi tiến hành thanh toán hợp đồng.


Cách truyền thông không ấn tượng


Giả sử một agency không thành công trong việc tạo ấn tượng cho người xem khi quảng bá thương hiệu cá nhân của họ, thì làm sao họ có thể thu hút khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của bạn? Khi cân nhắc lựa chọn một agency tiềm năng, hãy lưu ý những thông tin của họ trên các trang mạng xã hội, bài đăng trên blog, thiết kế website,... có thật sự chất lượng không, có phù hợp với doanh nghiệp của bạn không, có mắc lỗi ngữ pháp không.


Tuy nhiên, không nhất thiết mọi thứ phải theo phong cách của bạn, nhưng chí ít bạn phải cảm thấy thu hút với những gì agency đang thể hiện.


Không tập trung vào nghiên cứu


Nghiên cứu (Research) là một trong những quá trình cốt tủy quyết định thành công của một chiến dịch marketing. Một agency cần phải nắm rõ đối tượng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh,... để xây dựng chiến lược phù hợp. Hãy hỏi agency về việc xác định chân dung khách hàng, tiến hành các cuộc gọi khảo sát hay phỏng vấn những chuyên gia trước khi quyết định ký hợp đồng với họ.


Không sử dụng Data


Tương tự, agency không tập trung vào dữ liệu (Data) cũng là một “red flag”. Data cho phép bạn biết được hiệu quả của chiến dịch marketing đang chạy và khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh. Agency cần báo cáo liên tục hàng tháng/hàng quý và phải sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi mà bạn đặt ra dựa trên dữ liệu thu được.


Hầu hết, agency sẽ đưa ra các số liệu “phù phiếm” như lượt follow, lượt tiếp cận. Các con số này không phải không tốt, nhưng nó không mang lại ý nghĩa thực sự cho việc bạn đã đầu tư bao nhiêu tiền cho chiến dịch này. Hãy luôn theo dõi data để nắm bắt được mức độ đáp ứng mục tiêu kinh doanh, lượng khách hàng tiềm năng và tỉ lệ chuyển đổi.


Không cấp quyền sở hữu


Các tài liệu tiếp thị (poster, video, catalog,...) được xem như tài sản của một doanh nghiệp. Bạn hãy yêu cầu quyền sở hữu các tài liệu này ngay cả khi đã hết hợp đồng với agency. Các agency thường giữ những tài liệu này làm “con tin” để giữ chân bạn. Điều này làm bạn khó khăn trong việc muốn chấm dứt hợp đồng với agency vì những tài liệu này đều nằm trong tay họ. Hãy đảm bảo rằng trong chính sách của agency cho phép bạn sở hữu tài liệu tiếp thị để tránh những vấn đề phát sinh sau này.


Lạm dụng “buzzword”


Việc sử dụng các từ chuyên ngành làm cho các bài viết mang tính hàn lâm hơn. Tuy nhiên, lạm dụng “buzzword” có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nhận của người đọc. Thời gian gần đây, dễ thấy truyền thông ra rả những cụm từ quảng cáo như “công thức bí mật”, “chiến dịch dành riêng cho bạn”,... Những từ ngữ “phô trương” quá đà thổi phồng chất lượng dịch vụ dễ làm cho người xem cảm thấy nghi ngờ và bỏ qua.


Giao tiếp kém”


Kỹ năng giao tiếp xuất sắc là một trong những điểm cộng khi lựa chọn agency. Nếu bạn có ấn tượng đầu tiên không tốt trong việc giao tiếp với một agency, đó là một “red flag”. 


Hơn nữa, nếu bạn luôn trong trạng thái phải chờ đợi phản hồi từ agency cho những thắc mắc hay khiếu nại của mình, hãy nhanh chóng chọn một agency khác. Điều agency cần làm là chủ động phản hồi bạn trong một thời gian nhất định, bạn không cần phải chạy theo họ.


Cảm giác không phù hợp


Đây là một “red flag” đơn giản và dễ nhận biết nhất. Nếu bạn cảm thấy không thích agency đó vì bất kỳ lý do gì thì đừng nên làm việc với họ. Bạn không nhất thiết phải trở thành bạn thân chí cốt, tuy nhiên hãy giữ một mối quan hệ hòa thuận. Ngược lại, bạn sẽ phải đếm ngược để chờ ngày hợp đồng kết thúc.


Tóm lại, việc chọn được một agency phù hợp không phải điều dễ dàng. Hãy ghi nhớ những điều trên khi trao đổi với các agency. Một agency tốt sẽ đem lại cho bạn những chiến lược marketing hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp của bạn, bạn chỉ cần tập trung vào việc bạn đang làm tốt nhất mà thôi.

 

Credit: Megan Serwood