Agency là những đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến quảng cáo, truyền thông, tiếp thị cho các nhãn hàng. Thông thường, các agency thường báo giá cho cả một chiến dịch, thay vì gắn phí cho từng hoạt động riêng lẻ trong chiến dịch đó. Thế nhưng, trong thời đại kinh tế biến động như hiện nay, AdAge cho rằng đã đến lúc các agency nên thay đổi cách “báo giá” của mình. 


Cái khó của agency trong thời “bão giá”


Ngay từ đầu năm 2022, giới quảng cáo đã rục rịch chuẩn bị cho một đợt suy thoái trầm trọng, đó là ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine và quyết định đóng cửa khẩu Trung Quốc. Tại Cannes Lions mới diễn ra trong tháng 6 vừa qua, các giám đốc agency cũng cho rằng khách hàng (client) của họ đang có dấu hiệu cắt giảm một phần ngân sách tiếp thị hoặc tệ hơn là sẽ cắt giảm hoàn toàn để đối phó với “bão giá”. Nguyên nhân là bởi lạm phát cao khiến các mặt hàng đồng loạt leo thang. 


Trevor Hubbard, Giám đốc điều hành của Butchershop Global cho rằng sẽ có hai viễn cảnh xảy ra trong mối quan hệ agency - client: Một là cắt giảm ngân sách, hai là vẫn giữ nguyên giá nhưng yêu cầu nhiều sản phẩm sáng tạo hơn. Lúc này, vũ khí cạnh tranh của các agency sẽ là độ linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu của client một cách nhanh chóng.“Sẽ có trường hợp các client bổ sung yêu cầu trong phút chót. Ví dụ, một video đã được chốt trước đó về nội dung, cảnh quay, kĩ thuật nhưng client lại bỗng dưng đòi cắt bỏ một vài đoạn trong những phút cuối cùng”, Hubbard viết trên trang tin AdAge. 


Các thương hiệu được dự đoán sẽ cắt giảm ngân sách tiếp thị để chuẩn bị cho đợt suy thoái mới. 


Chưa kể, khi các yêu cầu đột ngột này đã được “bình thường hóa”, các agency buộc phải chạy đua với nhau theo tiêu chí ai “chịu khó đáp ứng nhu cầu của khách hàng” hơn thì người đó thắng. Kiểu cạnh tranh như vậy sẽ đặt thêm áp lực lên các nhân sự agency, vì khối lượng công việc của họ dường như không thể đo lường một cách chắc chắn. 


Bán sản phẩm không bán dịch vụ


Theo Trevor Hubbard, các agency nên coi công việc sáng tạo của mình là một loại sản phẩm thay vì dịch vụ. “Với sản phẩm, quy trình thanh toán rất rõ ràng. Người dùng bước vào cửa hàng, chọn sản phẩm ưng ý và tiến ra quầy thanh toán. Họ không nói rằng ‘Chúng tôi sẽ dùng thử sản phẩm trong 3 tháng và sẽ trả phí nếu chúng tôi thích nó và nó đem lại đủ chỉ số đặt ra”, Hubbard nói. 


Báo giá theo sản phẩm sẽ hạn chế những yêu cầu chỉnh sửa phút chót - vốn rất khó đối với các nội dung định dạng video.


Hiểu nôm na, một chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, cho ra những sản phẩm khác nhau như OOH, digital video, comic content,... Các agency có thể căn cứ trên các sản phẩm đầu ra này để tính phí, thay vì gom chung lại và chỉ báo một giá duy nhất cho khách hàng. Kiểu tính phí theo sản phẩm sẽ đem lại 5 lợi ích lớn cho agency trong thời đại "bão giá" ngày nay.


  • Phân bổ nguồn lực hợp lí: Chia nhỏ gói dịch vụ giúp agency phân bổ nguồn lực và ngân sách hiệu quả.
  • Tính phí cho mọi nỗ lực: Tính phí cho từng đầu việc giúp agency và client sòng phẳng hơn. 
  • Hạn chế kiểu yêu cầu “phút chót”: Mỗi sản phẩm sáng tạo sẽ được suy xét kĩ càng hơn về chất lượng, ngược lại, khách hàng cũng sẽ hạn chế những kiểu yêu cầu bổ sung đột ngột. 
  • Chỉnh sửa nhanh hơn: Chia chiến dịch thành từng sản phẩm nhỏ sẽ giúp khách hàng có những feedback rõ ràng hơn, agency cũng dễ khoanh vùng phạm vi để có những chỉnh sửa chính xác và kịp thời. 
  • Giữ chân được nhân tài: Agency có thể giải quyết được tình trạng kiệt sức và chấm dứt cảm giác làm mà không thấy ra kết quả ở các nhân sự. 


Khi phân tích kĩ một chiến dịch, sẽ nhận ra có nhiều công việc phải bỏ ra chất xám và cả nỗ lực nhưng lại không được tính phí.


Với các lợi ích như trên, Hubbard cho rằng các agency nên áp dụng mô hình báo giá này. “Họ nên bày lên kệ từng thành phần nhỏ của một chiến dịch, xem bản báo cáo thị trường, nền tảng thương hiệu, phân tích khách hàng,.... như những sản phẩm riêng lẻ với các mức giá khác nhau. Thông qua đó, các agency sẽ dễ thương lượng hơn về giá cả nếu thương hiệu có bất kì yêu cầu bổ sung nào”, Trevor Hubbard nói. 


“Giải pháp này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện ‘báo giá’. Khách hàng sẽ ý thức hơn về số lượng sản phẩm họ nhận được, cách thức, thời gian và số tiền kèm phụ phí phải trả. Nó đặt cơ sở cho hình thức thanh toán trả trước giữa client - agency. Và mở đường cho việc tính thêm phụ phí nếu có bất kì sửa đổi bổ sung nào”, Hubbard chia sẻ. 


Theo AdAge

Hằng Trần/Advertising Vietnam