Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (A.I) đang ngày càng trở nên sôi động khi nhiều “ông lớn công nghệ” không ngừng đầu tư nghiên cứu, phát triển và cho ra mắt các sản phẩm nhằm giành vị thế dẫn đầu. Không nằm ngoài “cuộc đua”, Google thời gian qua đã liên tục cho ra mắt những công cụ tích hợp A.I trên các sản phẩm của mình, chẳng hạn như Bard - chatbot A.I với tính năng trò chuyện và tìm kiếm thông tin tương tự ChatGPT hay Bing A.I - công cụ trí tuệ nhân tạo được tích hợp với trình duyệt Bing. Mới đây nhất, Google đã giới thiệu loạt tính năng A.I mới cho bộ ứng dụng văn phòng Workspace, bao gồm Google Docs, Sheets, Slides, Meet và Gmail.


Theo đó, trong video giới thiệu của Google, các tính năng mới được giới thiệu bao gồm: tạo lập văn bản, tóm tắt và đưa ra ý tưởng nội dung với trí tuệ nhân tạo trong Google Docs; viết email hoàn chỉnh dựa trên các mô tả ngắn gọn của người dùng; tạo hình ảnh, âm thanh và video bằng A.I để minh họa cho các bài thuyết trình trong Slides.



Trong đó, Google Docs và Gmail sẽ tiên phong tích hợp công cụ trí tuệ nhân tạo có tên Magic Wand, hỗ trợ khả năng viết cũng như chỉnh sửa văn bản theo yêu cầu của người dùng. Để kích hoạt tính năng này, người dùng cần nhấp vào biểu tượng cây đũa phép thuật với dòng chữ "Help me write" (tạm dịch: giúp tôi soạn thảo) trên giao diện Docs, sau đó nhập chủ đề của văn bản. Chỉ trong vài giây, A.I sẽ viết nội dung và trả về kết quả hoàn chỉnh. Trong thời gian sắp tới, Google sẽ mở rộng quyền truy cập tính năng này cho tất cả người dùng trên toàn cầu. Cùng tìm hiểu một số cách sử dụng công cụ A.I mới trong Google Docs!


1. Tạo bản nháp email


Báo cáo mới nhất từ Microsoft cho thấy, nhân sự phải dành 60% thời gian mỗi ngày để giao tiếp (bao gồm xử lý email, tham gia trò chuyện và các cuộc họp). Một số người dùng Microsoft 365 đã dành đến 8,8 giờ để xử lý email, 7,5 giờ để tham gia các cuộc họp mỗi tuần. Thậm chí đối với những người lao động tri thức phụ thuộc vào giao tiếp kỹ thuật số, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Có thể thấy, soạn thảo email tuy là một công việc đơn giản nhưng thực chất lại làm tiêu hao rất nhiều thời gian của nhân sự.



Với tính năng Magic Wand được cung cấp bởi Google Docs, người dùng có thể tiết kiệm thời gian viết email bằng cách yêu cầu A.I tạo ra một lá thư với nội dung và phong cách, giọng văn cụ thể. Công cụ sẽ hỗ trợ viết bản nháp đầu tiên, sau đó người dùng chỉ cần tùy chỉnh theo nhu cầu và gửi đi.


2. Soạn tin nhắn tiếp thị


Giống như mọi công cụ khác, thuật toán A.I của Google sẽ giúp người dùng giải phóng sức lao động để tập trung vào những đầu việc quan trọng hơn. Các marketer có thể ứng dụng Magic Wand để soạn tin nhắn tiếp thị, chẳng hạn như thông báo về một sự kiện, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ,… Trí tuệ nhân tạo trong Google Docs có thể tự động tạo ra một đoạn văn bản hữu ích theo yêu cầu, hoặc một danh sách các thông điệp marketing nổi bật. 


Người dùng có thể yêu cầu A.I tùy chỉnh nội dung hoặc thay đổi giọng văn phù hợp với nhu cầu riêng


Chẳng hạn, khi người dùng cần lên ý tưởng về một email marketing, tính năng "Formalize" do Google Docs cung cấp có thể tuỳ chỉnh nội dung theo một cách trang trọng, phù hợp với giọng văn của thương hiệu. Trong khi đó, với nhu cầu cho những nội dung giới thiệu chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu, tính năng "Elaborate" sẽ giúp người dùng chi tiết hoá nội dung và truyền tải một cách đầy đủ đến khách hàng.


3. Sửa câu văn


Nhằm tối ưu hóa thời gian sản xuất nội dung, trong quá trình soạn thảo văn bản, người dùng có thể yêu cầu trí tuệ nhân tạo rút ngắn các câu dài với tính năng “Shorten”, điều chỉnh lỗi diễn đạt cơ bản hoặc sửa lại những câu văn khó hiểu, không mạch lạc. Tính năng này đặc biệt hữu ích đối với những người không thông thạo tiếng Anh hoặc thường xuyên mắc lỗi viết dài dòng.


Công cụ A.I của Google Docs sẽ tự động đề xuất sửa đổi những lỗi sai trong câu văn


4. Tạo danh sách ưu và nhược điểm


Trí tuệ nhân tạo của Google Docs có khả năng tạo lập danh sách ưu, nhược điểm của các chủ đề đa dạng, giúp marketer tham khảo nhiều ý kiến hơn đối với những chiến dịch, ý tưởng cụ thể. Tuy nhiên, danh sách mà công cụ này cung cấp được đánh giá là không sáng tạo và chi tiết như kết quả do ChatGPT tạo ra. 


5. Soạn bài viết nhanh


Một số người thường gặp khó khăn trong việc mở đầu một bài viết. Do đó, công cụ A.I của Google Docs có thể hỗ trợ tạo bản nháp sơ bộ cho các nội dung, chủ đề cụ thể, đưa ra những gợi ý sáng tạo. Sau đó, người dùng có thể tinh chỉnh và hoàn thiện văn bản dựa trên kết quả mà công cụ này cung cấp. 


Người dùng chỉ cần nhập chủ đề của văn bản

Công cụ A.I sẽ viết một bản nháp sơ bộ cho nội dung được yêu cầu


Những hạn chế của Google Docs A.I


Kể từ khi làn sóng trí tuệ nhân tạo “bùng nổ” trên toàn cầu, xã hội đã có nhiều tranh cãi về những mặt hạn chế của các công cụ này, chẳng hạn như lỗi chính tả, cung cấp thông tin sai lệch, lạc đề… Theo thời gian, nhiều ứng dụng A.I đang không ngừng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Thế nhưng, dù là một công cụ trí tuệ nhân tạo “sinh sau đẻ muộn”, Magic Wand vẫn bị đánh giá là chưa có những cải tiến mới mẻ, nổi bật và còn tồn tại nhiều hạn chế so với các ứng dụng A.I tạo văn bản đã gây được tiếng vang trước đó.


Các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT và Bing A.I cho phép người dùng tiến hành cuộc trò chuyện theo từng bước, có thể liên tục đưa ra những yêu cầu để hoàn thiện tác phẩm mà vẫn giữ nguyên luồng trò chuyện với chatbot. Tuy nhiên, với Google Docs A.I, khi người dùng đưa ra một yêu cầu mới, cuộc hội thoại sẽ bắt đầu lại từ đầu, gây bất tiện trong việc tinh chỉnh và bổ sung sửa đổi cho văn bản. 


Bên cạnh đó, khi người dùng yêu cầu chỉnh sửa nội dung, công cụ này chỉ có bốn tùy chọn mặc định là "Formalize” (nghi thức hóa), "Elaborate” (chi tiết hóa), "Shorten” (tối giản hóa) và “Rephrase” (diễn đạt lại). Tùy chọn "Shorten” được đánh giá là hữu ích nhất, trong khi “Rephrase” sẽ không mang lại nhiều thay đổi cho văn bản. "Formalize” không có tính ứng dụng cao và "Elaborate” thường đưa ra thông tin không chính xác, đôi khi còn quá sáng tạo khiến nội dung xa rời sự thật. Khi công bố tính năng A.I mới nhất này, Google đã đưa ra một cảnh báo: "Đây là công cụ hỗ trợ người dùng viết một cách sáng tạo, không nhằm mục đích cung cấp thông tin chính xác.". Có thể thấy, hạn chế lớn nhất của công cụ trí tuệ nhân tạo được tích hợp ở Google Docs chính là chúng không đảm bảo tính xác thực của thông tin. 


Ngoài ra, công cụ A.I của Google Docs còn được cho là viết theo những khuôn mẫu nhàm chán. Tuy Magic Wand có thể dễ dàng tạo nội dung trên bất kỳ chủ đề nào một cách nhanh chóng, nhưng những văn bản này thường thiếu tính sáng tạo do được sao chép từ các nguồn tin quen thuộc trên không gian mạng.


Ở thời đại mà "cơn sốt" A.I với khả năng viết văn bản vẫn đang nóng lên từng ngày, người dùng có rất nhiều sự lựa chọn để tiết kiệm thời gian sản xuất nội dung, tối ưu hóa sức lao động. Trong đó phải kể đến các công cụ nổi bật như Lex, Magic Write của Canva, ChatGPT hay A.I của Bing. Do đó, công cụ A.I mới của Google sẽ không đủ sức cạnh tranh trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo nếu chưa thể hoàn thiện các tính năng và khẳng định được sự vượt trội của mình.


Theo Fast Company

Phương Anh