“Design is not about the designer. It’s about the user. Great design is serious, but it’s also fun.” Câu nói của Michael Bierut là một trong những triết lý đã truyền cảm hứng cho anh Anh Duy.
Với anh, thiết kế chưa bao giờ là nơi để thể hiện cái tôi cá nhân. Thiết kế là để kết nối với người dùng, với cộng đồng, với những nhu cầu và cảm xúc thật. Một thiết kế tốt không nhất thiết phải mang vẻ nghiêm trọng hay nặng tính lý thuyết, mà nên chứa đựng sự vui tươi, sự tò mò, và đặc biệt là sự thấu hiểu. Đó cũng chính là tinh thần mà anh luôn muốn gìn giữ trong mọi dự án anh làm cho thương hiệu.
Trước khi trở thành Co-Founder kiêm Executive Creative Director của M — N Associates, ít ai biết Anh Duy từng khởi đầu từ một hướng đi hoàn toàn khác. Ban đầu, anh là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh trong một chương trình chuyển tiếp du học. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, anh nhận ra đó không phải con đường của mình. Những ký ức về buổi tham quan ngành Multimedia Design tại Đại học RMIT vào năm lớp 11 liên tục ùa về, khơi dậy trong anh niềm đam mê với sự giao thoa giữa công nghệ và sáng tạo.
Anh quyết định dừng lại con đường cũ và ghi danh vào RMIT, theo đuổi ngành Multimedia Design với sự hứng thú ban đầu dành cho điện ảnh. Nhưng càng học, đam mê ấy càng mở rộng. Anh không chỉ tìm thấy mình trong ngôn ngữ hình ảnh, mà còn ở thiết kế đồ họa, làm nội dung, UI/UX, thương hiệu và cả tư duy khởi nghiệp. Với anh, Multimedia Design như một sân chơi rộng lớn, nơi anh được tự do thử, sai và học. Chính những trải nghiệm trong quãng thời gian ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp mà anh đang theo đuổi.
Những năm cuối đại học, Anh Duy bắt đầu lăn xả vào đủ thứ công việc: làm đạo diễn cho phim ngắn do nhóm bạn tự viết kịch bản, nhận job freelance thiết kế cho các Digital Agency - lần đầu tiên anh được góp mặt trong các chiến dịch của Adidas hay Nokia. Anh cũng từng thực tập tại một nhà in. Điều này giúp anh hiểu cặn kẽ quy trình in ấn - một góc nhìn rất khác so với lớp học.
Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng nhất có lẽ là khi anh giữ vai trò in-house Art Director cho một chuỗi cà phê lớn tại TP.HCM khi vẫn còn là sinh viên. Vì đội ngũ công ty còn nhỏ, anh gần như đảm nhiệm mọi công việc: từ lên concept, thiết kế, giám sát in ấn, đến lần đầu tiên tự tay thực hiện một bộ ảnh sản phẩm chuyên nghiệp cho toàn bộ menu. Về sau, anh vẫn gọi vui đó là “Studio thương hiệu thu nhỏ” đầu tiên trong đời mình - nơi anh học cách hiện thực hóa ý tưởng, chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất, và hiểu được tầm quan trọng của tính nhất quán trong toàn bộ hệ sinh thái thương hiệu.
Tích lũy đủ những kinh nghiệm cơ bản, Anh Duy bắt đầu hành trình chinh phục lĩnh vực thiết kế thương hiệu. Logo đầu tiên anh thiết kế là cho nhiếp ảnh gia trẻ Lư Trung Việt, người theo đuổi phong cách tối giản và ảnh đen trắng. Đây cũng là lần đầu tiên anh thử sức với một logotype tiếng Việt đúng nghĩa. Lấy cảm hứng từ chữ “V” trong “Việt”, anh phát triển ý tưởng dựa trên các nguyên lý thị giác cơ bản của nhiếp ảnh, bao gồm ánh sáng, góc nhìn và chủ thể. Sử dụng hình học đơn giản, anh tạo nên một logotype hiện đại, giàu ý nghĩa nhưng vẫn rõ ràng và logic. Thiết kế được duyệt ngay từ lần trình bày đầu tiên. Điều này đã dạy cho anh một bài học quý giá.
“Thay vì trình bày nhiều lựa chọn, tôi tập trung vào một vài phương án được xây dựng kỹ lưỡng, có chiều sâu và hệ thống triển khai chặt chẽ. Nguyên tắc này tôi vẫn giữ đến tận bây giờ,” anh bày tỏ.
Đối với Anh Duy, Đại học không chỉ là nơi học tập mà là một “phòng thí nghiệm” sáng tạo, nơi anh tự do thử nghiệm, sai lầm và học cách kết nối các tín hiệu thị giác một cách ý nghĩa. Tại đó, anh rèn luyện khả năng linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề và dần định hình triết lý thiết kế của mình: “Một ý tưởng chỉ thực sự có giá trị khi nó gắn kết được với văn hóa, cảm xúc người dùng và có tính hệ thống chặt chẽ, chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một hình ảnh đẹp.”
Ngay sau khi tốt nghiệp, Anh Duy chính thức thành lập M — N Associates. Từ khoảnh khắc “Mờ Nờ” ra đời, anh bắt đầu nghiêm túc xây dựng studio thiết kế mang dấu ấn riêng. Có thể nói, hành trình làm nghề của anh thực sự khởi đầu khi anh tự tạo ra “sân chơi” để thỏa sức sáng tạo và phát triển.
Khi ấy, ý tưởng thành lập một studio thiết kế riêng không đến với Anh Duy như một quyết định bộc phát. Ngược lại, nó được ươm mầm từ khi anh còn học đại học. Trong quá trình tìm hiểu về ngành, anh tình cờ tiếp cận được những mô hình studio tinh gọn đang vận hành hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là những nhóm thiết kế nhỏ, không phô trương về quy mô, nhưng lại sở hữu năng suất làm việc vượt trội và những sản phẩm sáng tạo được đánh giá rất cao trong giới chuyên môn.
Sau khi tốt nghiệp, anh dành thời gian đi du lịch và những chuyến đi ấy lại vô tình mở ra một cánh cửa khác. Anh có cơ hội ghé thăm nhiều studio danh tiếng trên toàn cầu, từ những không gian nhỏ ấm cúng đến các mô hình lớn với quy trình chuyên nghiệp. Càng quan sát, càng trải nghiệm, anh càng tin rằng quy mô không phải là yếu tố quyết định. Chính sự tập trung, đa nhiệm và tư duy hệ thống mới là thứ tạo nên sức mạnh của một studio thiết kế.
Đó cũng là lúc M — N Associates ra đời vào năm 2014, như một nỗ lực nghiêm túc của anh và cộng sự để tạo dựng một “sân chơi” sáng tạo đúng nghĩa, khi mà khách hàng và quy trình thiết kế được đặt làm trọng tâm.
Anh chia sẻ: “Điều làm nên dấu ấn riêng của M — N Associates nằm ở triết lý ‘meaningful design’ (Thiết kế phải luôn có ý nghĩa). Với triết lý này, tôi kỳ vọng mỗi dự án, bất kể quy mô, đều là một cá thể sống động trong ‘vũ trụ thương hiệu’: có bản sắc, có chiều sâu văn hóa, và mang hơi thở của thời đại.”
Trong vai trò Co-Founder kiêm Executive Creative Director tại M — N Associates, anh Duy giữ mạch sáng tạo xuyên suốt mọi dự án. Anh không đơn thuần là người “duyệt thiết kế”, mà còn là người kết nối giữa khách hàng, đội ngũ và bản sắc của thương hiệu. Anh cho biết: “Tôi đọc cả những điều chưa được nói ra, từ brief, từ trực giác của khách hàng, đến tiềm năng chưa được khai mở trong team, để định hướng và đảm bảo rằng mỗi dự án không trôi tuột giữa muôn vàn trào lưu, mà được dẫn dắt đến đúng nơi nó nên đến.”
Với anh Duy, mỗi thương hiệu đều có một câu chuyện và giá trị riêng. Bởi vậy, thay vì áp dụng một công thức cứng nhắc, anh chọn cách lắng nghe và đào sâu vào bản sắc thương hiệu để tìm ra mạch nguồn sáng tạo phù hợp nhất với từng dự án.
Cách tiếp cận của anh và đội ngũ tại M — N Associates luôn linh hoạt, nhưng có một điểm chung không thay đổi: Ý tưởng phải bắt rễ từ sự thật thương hiệu. Với những dự án tái định vị (Rebrand), lịch sử luôn là điểm bắt đầu. Anh tìm đến những dữ liệu về quá trình tiêu dùng, giai đoạn phát triển, mức độ ảnh hưởng của thương hiệu đến người tiêu dùng, để hiểu rõ thương hiệu từng là ai, đã đi qua những gì. Và nếu may mắn, những chất liệu cũ từ logo cũ, bao bì, thông điệp quảng cáo, cho đến ký ức của người dùng sẽ trở thành nguồn cảm hứng quý giá, tạo đà cho những ý tưởng mới bứt phá nhưng vẫn mang tính kế thừa.
Còn với những thương hiệu làm mới hoàn toàn, hành trình thiết kế lại bắt đầu từ mục tiêu và tầm nhìn. Anh và team dành thời gian phân tích kỹ thị trường, khách hàng mục tiêu, phân khúc cạnh tranh, để rồi đi tìm “kẽ hở khác biệt”, tức khoảng trống chưa ai khai phá, từ đó phát triển thành concept thương hiệu vừa độc đáo vừa có định hướng phát triển bền vững.
Và trong mọi dự án, anh luôn ưu tiên tính xuyên suốt và mạch lạc, không chỉ ở cấp độ hình ảnh, mà ngay từ tư duy chiến lược, cách triển khai concept cho đến từng điểm chạm trải nghiệm của người dùng.
Anh quan niệm rằng: “Một proposal tốt không được đo bằng số lượng phương án, mà bằng chiều sâu của tư duy và khả năng giải quyết các bài toán cụ thể của thương hiệu, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Thay vì đưa ra nhiều lựa chọn để chiều lòng khách hàng, tôi tập trung phát triển một hướng đi duy nhất nhưng chặt chẽ - vừa có khả năng mở rộng, vừa có hệ thống vận hành vững vàng.”
Không có công thức rập khuôn nào cho mọi proposal, nhưng thứ anh Duy luôn kiên định chính là việc xây dựng một hệ logic thiết kế có chiến lược. Ở đó, logo không chỉ cần đẹp mà phải thể hiện được tính ứng dụng trên mọi mặt trận, từ bao bì sản phẩm, không gian thương hiệu, cho đến truyền thông và cách người dùng cảm nhận.
Bởi với anh, thiết kế không dừng lại ở thẩm mỹ. Nó phải tạo ra cảm xúc. Và cảm xúc ấy, muốn chạm được, cần có một nền tảng lý trí vững vàng phía sau.
Để một hệ thống nhận diện thương hiệu đạt được sự nhất quán và chiều sâu, anh Duy hình dung đó phải là một tác phẩm có cấu trúc giống như một bài hát, một câu chuyện, hay một bộ phim. Mỗi thành tố trong đó, từ logo, màu sắc, kiểu chữ cho đến hình minh họa, đều cần được “chỉ huy” một cách có mục đích, có cảm xúc, và hướng đến sự đồng thuận trong cách thương hiệu được cảm nhận.
Anh so sánh: “Hệ thống nhận diện như một đội quân đa dạng, nơi mỗi thành phần là một ‘đơn vị’ chuyên biệt. Khi tất cả cùng phối hợp nhịp nhàng, gắn kết chặt chẽ và thống nhất mục tiêu, chúng tạo nên một tổng thể có sức mạnh truyền tải thương hiệu rõ nét, vừa giàu cá tính, vừa có chiều sâu. Và để làm được điều đó, việc đầu tư vào chất lượng từng chi tiết, từ sự trau chuốt trong thiết kế đến cách xử lý tỉ mỉ, chính là yếu tố quyết định.”
Khi được hỏi về cách cân bằng giữa sáng tạo cá nhân và yêu cầu chiến lược từ phía khách hàng, anh Duy chia sẻ rằng, đối với mỗi dự án, ưu tiên hàng đầu của team luôn là đáp ứng, thậm chí vượt qua kỳ vọng chiến lược mà khách hàng đề ra. Một khi định hướng đã rõ ràng, tư duy ý tưởng được xây dựng bài bản và vững chắc, đó cũng là lúc “sân chơi” cho các yếu tố sáng tạo cá nhân được mở rộng một cách có kiểm soát. “Chính mục tiêu ban đầu là thứ giúp định hướng, giữ cho sáng tạo không đi chệch quỹ đạo hay khiến dự án trở nên lạc đề,” anh bày tỏ.
Mỗi khi bắt tay vào một dự án mới, Anh Duy luôn chọn bắt đầu bằng tâm thế của người chưa biết gì - một góc nhìn “ngây thơ” nhưng đầy chủ đích: “Thay vì mặc định rằng mình đã hiểu hoặc từng làm qua, tôi cố tình đặt mình vào vị trí của một người ngoại đạo, để khơi dậy sự tò mò và mở rộng không gian sáng tạo. Chính sự thiếu hiểu biết ban đầu ấy lại là chất xúc tác tuyệt vời cho những những khám phá đắt giá. Đây cũng là tinh thần tôi luôn cố gắng lan toả trong nội bộ team M — N: không mặc định, không giới hạn, và không ngại đặt ra những câu hỏi tưởng chừng ‘ngớ ngẩn’. Bởi đôi khi, một câu hỏi đơn sơ lại có thể mở ra cả một hướng đi khác biệt.”
Dự án MoMo là một minh chứng điển hình. Khi nhận brief từ thương hiệu, anh cho biết đây là lần đầu tiên anh tiếp cận một nhãn hàng thuộc lĩnh vực fintech. Không có kinh nghiệm trong ngành tài chính, anh Duy hiểu rằng mình không thể dựa vào “trực giác cá nhân”, bởi anh vốn là người dùng ngân hàng và thẻ tín dụng, không phải nhóm người sử dụng ví điện tử phổ thông. Vậy là toàn bộ team phải quay lại từ đầu, học về cấu trúc doanh nghiệp, hành vi người dùng, phương thức kinh doanh và cả những nỗi đau vô hình mà người dùng thường gặp.
Chính từ quá trình “làm bài tập” nghiêm túc ấy, anh phát hiện ra điều cốt lõi: MoMo không còn là một ví điện tử, mà là “trợ thủ tài chính cho mọi người”, và trợ thủ thật sự của mọi vấn đề tài chính chính là tiền. Từ insight đó, concept thương hiệu được xây dựng xoay quanh tiền như một vũ trụ thương hiệu, giúp MoMo trở nên gần gũi, Việt Nam hóa và đáng tin cậy hơn.
Một dự án khác cũng đầy thử thách là Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK). Lĩnh vực logistics chưa bao giờ là “vùng an toàn” của anh, càng không dễ khi GHTK có cấu trúc sản phẩm vô cùng rộng - phục vụ từ người bán nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp lớn. Để làm rõ tinh thần của thương hiệu, anh không chọn cách tiếp cận thông thường là “theo trend thiết kế” hay chỉ bám brief. Thay vào đó, anh đi sâu vào văn hóa giao hàng đặc trưng tại Việt Nam, với hình ảnh quen thuộc của những tài xế lướt qua các con phố, con hẻm, từ thành thị đến nông thôn.
Từ đó, GHTK được “công nghệ hóa” từ chính những chi tiết rất đời thường ấy, rồi đưa vào hệ thống thiết kế một cách tinh tế và logic. Kết quả là một thương hiệu không chỉ chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn mang đậm tinh thần địa phương, dễ cảm và dễ nhớ.
Trong hành trình phát triển ý tưởng và hình thành sản phẩm, mâu thuẫn nội bộ là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong môi trường sáng tạo. Với Anh Duy, nó thậm chí còn là tín hiệu tích cực - chứng tỏ mọi người thực sự quan tâm và có chính kiến riêng trong hành trình xây dựng ý tưởng cho thương hiệu. May mắn thay, team M — N thường đặt vấn đề xung đột ý tưởng theo không khí đối thoại vui vẻ chứ không gay gắt.
Vì vậy, thay vì né tránh hay tìm cách làm dịu các xung đột ý tưởng giữa thành viên nội bộ, Anh Duy chọn một hướng tiếp cận khác: Đối diện bằng tư duy phản biện và tinh thần đối thoại cởi mở. Anh chia sẻ: “Nếu một concept được xây dựng kỹ, có nhiều tiềm năng phát triển và đủ sắc bén, tôi sẽ đứng ở vị trí người đồng hành, cùng xây dựng và đẩy nó đi xa hơn. Ngược lại, nếu thấy chưa ổn, tôi sẽ cố gắng phân tích điểm yếu và các vấn đề còn tồn tại. Đồng thời, khi trình bày với khách hàng, tôi chọn cách đưa ra một góc nhìn khác để khơi gợi đối thoại và mở ra hướng thảo luận cùng nhau.”
Với anh, điều quan trọng nhất là cả team luôn phải quay về câu hỏi cốt lõi: “Thương hiệu cần gì?” thay vì “Cá nhân muốn gì?”. Chỉ khi tất cả cùng nhìn về một hướng, xung đột mới thực sự trở thành chất xúc tác cho sáng tạo.
Ở những phản hồi trái chiều từ phía khách hàng, anh Duy thường có cách tiếp cận song song theo hai hướng. Nếu cảm thấy ý kiến đó chưa thật sự đúng, anh sẽ phản biện để bảo vệ tinh thần sáng tạo. Ngược lại, nếu có cơ sở, anh sẵn sàng thử nghiệm và điều chỉnh. Bởi theo anh, khách hàng là người hiểu thương hiệu của họ nhất. Tuy nhiên, trong những trường hợp phản hồi có nguy cơ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ hoặc lệch trục sáng tạo chính, anh sẽ chủ động đề xuất một buổi thảo luận riêng, không phải để thuyết phục, mà để thấu hiểu. Khi cả hai phía cùng tìm ra điểm giao, mọi điều chỉnh sẽ trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Một trong những thử thách quen thuộc mà anh thường gặp là các ràng buộc kỹ thuật và pháp lý - từ đăng ký bản quyền logo, thiết kế bao bì thực phẩm, đến tiêu chuẩn xuất khẩu trong các thị trường quốc tế. Với những ngành như sữa, bia, bánh kẹo hay tiêu dùng nhanh, việc này là gần như hiển nhiên. Để tránh những “va chạm” về sau, anh và team luôn chủ động lường trước các rào cản ngay từ giai đoạn đầu, chuẩn bị các phương án dự phòng mà vẫn giữ được tinh thần sáng tạo ban đầu.
“Mỗi thị trường đều có quy định pháp lý và kỹ thuật riêng mà mình buộc phải tuân thủ. Thông thường, tôi và team sẽ cố gắng lường trước các ràng buộc này ngay từ giai đoạn đầu dự án, và luôn có những phương án dự phòng. Nếu cần chỉnh sửa, tôi thường ưu tiên quay về các motif thiết kế đã được kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý vẫn giữ được tinh thần sáng tạo ban đầu, nhưng đồng thời cũng tuân thủ đúng quy chuẩn của thị trường hoặc cơ quan kiểm duyệt,” anh cho hay.
Anh Duy cũng chia sẻ rằng sau mỗi dự án, việc đánh giá hiệu quả sẽ được thực hiện dựa trên mục tiêu xây dựng hình ảnh thương hiệu đã đề ra. Ví dụ, đối với các nhãn hàng thuộc ngành FMCG (Ngành hàng tiêu dùng), quá trình này thường bao gồm nhiều hình thức kiểm tra khác nhau.
Trước hết là các bài test nội bộ (Internal Test), do chính đội ngũ dự án thực hiện nhằm đảm bảo các yếu tố thương hiệu được triển khai đúng định hướng trước khi ra mắt khách hàng. Tiếp đến là các phương pháp nghiên cứu định tính (Focus Group), một nhóm nhỏ người dùng mục tiêu tham gia thảo luận về sản phẩm, dịch vụ hoặc thông điệp thương hiệu dưới sự hướng dẫn của người điều phối. Ngoài ra, các bài kiểm tra mức độ nhận diện thương hiệu (Brand Awareness Test) cũng được tiến hành nhằm đo lường hiệu quả tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn tiếp tục theo dõi phản hồi nội bộ trong các mốc thời gian như 1, 3 hoặc 6 tháng sau khi dự án triển khai, để kịp thời tinh chỉnh và tối ưu kết quả đạt được.
Từ những ngày đầu khởi nghiệp với niềm tin rằng thiết kế không chỉ là cái đẹp bề nổi mà là công cụ chiến lược giúp thương hiệu chạm đúng vào trái tim khách hàng, cho đến hôm nay, anh đã khẳng định được vị thế của mình.
Minh chứng rõ nhất chính là loạt giải thưởng danh giá mà anh đã chinh phục, từ D&AD, The One Show, cho đến chuỗi chiến thắng liên tiếp tại ADC Annual Awards (Art Directors Club) những năm gần đây. Một dấu mốc đáng nhớ khác trong hành trình của anh là vào năm 2024, đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập M — N Associates. Anh và chị Lan, Co-Founder của M — N, đã bước lên sân khấu của Brand New Conference, một trong những sự kiện lớn nhất thế giới về thiết kế thương hiệu, diễn ra tại Mỹ, để chia sẻ về câu chuyện của M — N Associates.
Giữa khán phòng hơn một ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới, lần đầu tiên các dự án mang đậm hơi thở Việt Nam, được kể lại bằng chính người trong cuộc, về văn hóa, bản sắc, và hành trình dựng xây, đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ. Anh chia sẻ rằng, những giải thưởng này không chỉ là sự công nhận, mà còn là lời nhắc về trách nhiệm. Trách nhiệm phải giữ vững chất lượng, tiếp tục đào sâu bản sắc, và kiên định với định hướng thiết kế “mang dấu ấn riêng nhưng đủ bản lĩnh để đứng trên sân khấu toàn cầu”.
Không dừng lại ở đó, năm 2024 và 2025 đánh dấu bước ngoặt mới, khi Anh Duy trở thành người Việt đầu tiên được mời làm giám khảo tại Dieline Awards và D&AD New Blood Awards. Đây là hai sân chơi quốc tế quy tụ những tên tuổi hàng đầu trong ngành thiết kế bao bì và sáng tạo trẻ. Những cơ hội ngồi ghế giám khảo ấy cũng giúp anh mở rộng góc nhìn, tiếp cận mặt bằng sáng tạo đa quốc gia, từ đó càng củng cố niềm tin rằng: “Câu chuyện Việt với những thiết kế mang tính bản địa, nếu được đầu tư chiều sâu và xử lý một cách có chiến lược, hoàn toàn có thể tạo nên sức ảnh hưởng trên toàn cầu.”
Khi ngồi ở “bên kia bàn” để đánh giá các tác phẩm dự thi, điều anh tìm kiếm ở mỗi dự án là một ý tưởng sáng tạo thực sự khác biệt, nhưng quan trọng hơn cả là tính chiến lược và khả năng triển khai thực tế. Một thiết kế có thể bắt mắt trong vài giây, nhưng chỉ những thiết kế có lý do tồn tại rõ ràng - biết giải quyết vấn đề thật, nói đúng điều thương hiệu cần nói và chạm được vào cảm xúc thật của người xem, mới đủ sức ở lại lâu dài trong tâm trí.
Chính từ những trải nghiệm quý báu đó, anh mang về cho M — N một lăng kính rộng hơn và “tỉnh táo” hơn khi tiếp cận các dự án thương hiệu. Thay vì chạy theo những xu hướng mới một cách máy móc, đội ngũ của anh luôn bắt đầu từ những câu hỏi gốc rễ: “Thiết kế này giúp thương hiệu nói điều gì với thế giới?”. Nếu trả lời được câu hỏi ấy một cách độc đáo và bản lĩnh, mọi yếu tố hình thức sau đó, từ màu sắc, typography đến layout, mới thật sự có hồn và có lý do để tồn tại.
Tuy nhiên, với Anh Duy, thăng tiến trong nghề chưa bao giờ là chuyện của danh xưng hay số lượng giải thưởng. Mỗi bước đi trong sự nghiệp của anh đều được định nghĩa bằng một chuẩn mực cá nhân là vượt qua chính mình, dù là trong một kỹ năng nhỏ, một cách tư duy mới, hay chỉ đơn giản là truyền đạt được điều khó hiểu một cách dễ hiểu hơn.
Thời còn trẻ, anh miệt mài mài giũa kỹ năng cá nhân, học từ mọi nguồn, làm từ mọi dự án. Nhưng càng đi sâu vào hành trình sáng tạo, sự thăng tiến của anh lại hiện diện rõ nét nhất không phải ở những điều anh làm, mà ở cách đội ngũ của anh phát triển, đến từ việc những điều tưởng chừng khó lý giải đã dần trở thành phương pháp, ngôn ngữ chung trong studio.
Một phần không thể thiếu trong hành trình thăng tiến ấy là sự tò mò bất tận. Anh Duy giữ cho mình thói quen đọc đều đặn, từ sách nghệ thuật, điện ảnh, sân khấu, đến cả công nghệ, vật lý, vũ trụ hay kinh tế học. Với anh, cảm hứng không đến từ những khoảnh khắc hiếm hoi, mà từ việc sống rộng, quan sát sâu và luôn đặt câu hỏi. Chính những sự giao thoa giữa các lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đã tạo nên những cú “bắt chéo” đầy bất ngờ trong tư duy thiết kế của anh.
© Advertising Vietnam - All rights reserved