Trong rất nhiều cách để giải toả căng thẳng, một số nhân sự trẻ tuổi ngày nay chọn cách… tiêu tiền. Đặc điểm chi tiêu này thậm chí còn được mô tả trong thuật ngữ mới: Stress Spending - Chỉ những người chi tiền để bớt áp lực. 


Theo khảo sát do Credit Karrma thực hiện, hơn 50% người tham gia nói rằng họ mua sắm vô tội vạ để giải tỏa căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực khác. Đây là biểu hiện của Stress Spending, theo định nghĩa của CNBC, là hành vi mua sắm để làm dịu cảm xúc mà không hề có tính toán kỹ càng. 


Tại môi trường quảng cáo với đặc thù áp lực công việc cao, Stress Spending không phải là câu chuyện hiếm gặp. “Với tôi, tiêu tiền là ‘một liều thuốc tinh thần’ cực tốt cho những lần mệt mỏi vì deadline”, anh Lý Huỳnh, Copywriter chia sẻ. 


Thế nhưng, liệu tiêu tiền để giảm căng thẳng có làm hết… căng thẳng thật không? Cùng các nhân sự ngành quảng cáo chia sẻ suy nghĩ của họ về xu hướng Stress Spending này. 


Mua sắm bốc đồng, miễn vui là được!


“Bị sếp la mắng, đi mua một đôi giày mới. Xung đột với đồng nghiệp, ra ngay trung tâm thương mại. Dần dần, tiêu tiền trở thành một cơ chế đối phó với những tình huống tồi tệ của nhiều người", Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Sheila Forman cho biết.


Kể về những lần mua sắm vô tội vạ, chị Vỹ Bùi, Content Creator chia sẻ: “Ngay cả lúc phân vân giữa các định hướng tương lai, quyết định của tôi lại là… tiêu tiền. Thay vì phải nhức đầu, vắt óc suy nghĩ thì tôi rủ bạn bè đi ăn, đi chơi và mua sắm hết 1/2 thu nhập chỉ trong vỏn vẹn vài ngày”. Chị nói thêm rằng mình có xu hướng “đốt” tiền vào quần áo. “Chẳng cần biết là mua về sẽ mặc hay không, hoặc sẽ mặc bộ quần áo đó vào dịp nào, tôi vẫn chi kha khá vào quần áo”, chị Vỹ Bùi nói. 


Anh Lý Huỳnh, Copywriter cho biết mình thường tiêu tiền vào 3 thứ: Du lịch, mua sắm cá nhân và tặng quà cho người khác.


Tương tự, anh Lý Huỳnh cho biết mình thường tiêu tiền vào 3 thứ: Du lịch, mua sắm cá nhân và tặng quà cho người khác. “Đối với tôi, tiêu tiền là một thú vui. Tôi dùng tiền mình làm ra để xoa dịu nhu cầu và đem lại những cảm giác tích cực cho bản thân. Ví dụ như sự hài lòng khi sở hữu một chiếc áo mới, ăn một bữa ngon hoặc đến nơi mình muốn đến”, anh Lý Huỳnh chia sẻ. 


Xu hướng tiêu tiền để giải toả căng thẳng xuất phát từ tư duy “muốn tự thưởng cho bản thân" của người trẻ. Dựa trên số liệu trong một bài khảo sát của CNBC, hơn một nửa Gen Z nói rằng họ mua sắm trực tuyến thường xuyên để khen ngợi bản thân mình. Ngoài ra, theo quan điểm của chị Vỹ Bùi, tiêu tiền giúp nhân sự có cảm giác “đang làm chủ cuộc đời mình" - điều đó khiến họ hạnh phúc sau khi gặp phải những tình huống vượt ngoài kiểm soát. “Tôi thích cảm giác mình vẫn còn khả năng chi trả, vẫn còn điều kiện để thanh toán mà chẳng cần lo nghĩ gì nhiều đến tương lai”, chị Vỹ Bùi cho biết. 


Thế nhưng, nếu nguồn cơn của áp lực là vì công việc, thì tiêu tiền mà không chịu giải quyết vấn đề có phải là cách giảm stress hiệu quả? 


Niềm vui chóng vánh 


Theo các chuyên gia tâm lý học hành vi, xu hướng Stress Spending cũng được xếp vào hạng mục “Cơ chế đối phó với căng thẳng", thậm chí có hẳn một lộ trình trị liệu được gọi là “Retail Therapy” (Trị liệu cảm xúc bằng mua sắm). Theo đó, người tiêu dùng sẽ mua hàng để cải thiện tâm trạng và những căng thẳng trong cuộc sống. Thế nhưng, mua sắm hay chi tiêu vô độ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vì kết cục của điều này không phải là “một tâm trạng tốt hơn", mà có thể là một “túi tiền trống rỗng" và một bộ não “căng thẳng vì áp lực tài chính". 


Mặc dù từng nhiều lần dùng tiền giải stress, chị Vỹ Bùi thừa nhận rằng cảm giác vui vẻ khi tiêu tiền không thực sự kéo dài. “Nó chỉ hiện hữu ngay khi tôi quẹt thẻ và sẽ mất đi khi tôi về nhà, thống kê lại số tiền mình đã chi. Có lẽ trong quá trình mua hàng, hay ở tại hàng quán, cảm giác mất tiền sẽ bị niềm vui nhất thời lúc ấy lấn át đi. Sau khi về nhà đối mặt với bốn bức tường và chính bản thân, thì cảm giác vui vẻ trong tôi cũng không còn nữa”. 


Chị Vỹ Bùi, Content Creator thừa nhận rằng cảm giác vui vẻ khi tiêu tiền không thực sự kéo dài.


Với anh Lý Huỳnh, thói quen tiêu tiền này giống như một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. “Tôi tiêu hết tiền rồi sẽ quay trở lại tất bật với công việc. Cuống cuồng với nó một thời gian dài, cho đến khi mệt mỏi thì tôi sẽ lại tiêu tiền. Thậm chí là bạn còn phải trả giá nếu thời gian làm việc ít hơn thời gian mà bạn đi “vui vẻ” bằng cách vung tiền", anh Lý Huỳnh nói.


Stress Spending sẽ có vấn đề nếu nhân sự nghĩ rằng đây là giải pháp loại bỏ hoàn toàn áp lực. Nếu nguồn cơn gây ra căng thẳng là công việc, đồng nghiệp hay bất kì một lí do nào khác, thì việc tiêu tiền vào mua sắm không thể giải quyết triệt để sự căng thẳng này. “Đúng rằng dùng tài chính để xoa dịu nhu cầu và loại bỏ áp lực của trách nhiệm sẽ khiến chúng ta cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều. Và nhân sự còn có hẳn một lí do rất xứng đáng: Tiền do chính tôi cật lực làm ra thì tôi có quyền hưởng thụ. Thế nhưng sự thật đáng sợ là bạn chỉ có thể tạm quên căng thẳng công việc thôi”. 


Cách để giảm căng thẳng mà không rơi vào cảnh “túng bấn" 


Theo anh Lý Huỳnh, cách để giảm căng thẳng tốt nhất chính là chấp nhận đối mặt với vấn đề và bắt tay vào giải quyết nó. “Hãy thử tạo ra một vài thói quen lành mạnh để phân tán năng lượng tiêu cực ra khỏi đầu ví dụ như học đan len, tô tượng, tham gia workshop vẽ tranh, làm bánh hoặc có thể là đi bộ cùng bạn hàng xóm dễ thương chẳng hạn,... Nhìn chung thì vẫn là tiêu tiền nhưng có mục đích rõ ràng hơn. Và sự thật là khi chậm lại một chút bạn sẽ nhìn nhận được rõ hơn những vấn đề công việc và cuộc sống của mình”. 



Với những ai vẫn muốn tiêu tiền để bớt căng thẳng, chị Vỹ Bùi cho biết cần quản lý chặt chẽ tài chính và lên kế hoạch chi tiêu cá nhân. “Giải pháp của tôi là chia những khoản tiền hàng tháng thành nhiều chiếc hũ. Trong số đó, có một chiếc hũ dùng để ‘tự thưởng’ cho bản thân, chiếm khoảng 20% thu nhập hàng tháng. Chính chiếc hũ đó là vũ khí giúp mình xả stress nhưng không bị đi quá giới hạn". 


Ngoài ra, anh Lý Huỳnh cho rằng chia đôi chi tiêu thành 2 cột cần và muốn cũng là một cách hay. “Khi áp lực ập đến cũng là lúc rất khó kiểm soát nhu cầu. Lúc này, hãy nhìn vào cột ‘cần’, bạn sẽ mua những thứ cần thiết và giảm cảm giác phung phí đi. Và những món hàng hoá/hoạt động nằm trong cột ‘muốn’, hãy chọn làm nó vào những ngày không áp lực, khi bạn đủ tỉnh táo để chọn những phương án tốt cho túi tiền của mình. Như vậy là vẫn có thể tiêu tiền nhưng không rơi vào bế tắc”. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần