Áp lực kép của nhân sự agency năm 2023: Nỗ lực chạy KPI cho công ty nhưng vẫn phải dự phòng trước bão sa thải trên toàn cầu

Giai đoạn kết thúc năm cũ và đầu năm mới, các nhân sự agency có xu hướng dành thời gian review lại những mục tiêu của mình trong năm cũ, đồng thời lên kế hoạch hoàn thành những dự định mới trong năm 2023.


Cùng tìm hiểu về những chia sẻ của các nhân sự làm việc tại agency CHI Communications, YouNet GroupDentsu Redder!



Các doanh nghiệp đánh giá KPI năm cũ và đặt mục tiêu năm mới như thế nào?


Vào dịp cuối năm, mỗi agency sẽ có một hình thức tổng kết “performance” khác nhau. Tại CHI Communications nơi chị Vy Nguyễn - Senior Social Media đang làm việc, nhân sự sẽ điền vào một bảng đánh giá chung. Các hạng mục được liệt kê trong bảng sẽ tuỳ thuộc vào công việc của mỗi bộ phận. Kết quả từ bảng đánh giá này sẽ giúp công ty đánh giá hiệu suất cũng như quá trình làm việc của nhân sự trong năm qua. 


Chị Phương Uyên - Senior HR Generalist tại YouNet Group cho biết, công ty chị áp dụng hình thức “360 review”. Đây là hình thức tổng hợp kết quả đánh giá của bản thân nhân sự, cấp quản lý,… cùng với các bảng đánh giá chi tiết KPI và năng lực của nhân sự. “Công ty sẽ thống nhất kết quả review 1:1 với từng cá nhân dựa trên những dẫn chứng và dữ liệu cụ thể”, chị Phương Uyên chia sẻ. Ngoài ra, chị Phương Uyên cũng cho biết thêm rằng các doanh nghiệp nói chung và agency nói riêng sẽ có những KPI, OKRs (Objectives & Key Results) tương tự về motip (công thức chung). Tuy nhiên, mỗi công ty sẽ căn chỉnh kế hoạch dựa trên các yếu tố như định hướng phát triển và mức độ phù hợp để thực hiện của từng mô hình doanh nghiệp. Đối với agency, ngoài kết quả kinh doanh thì Ban Giám Đốc còn nhìn nhận thành công của một tổ chức ở sự phát triển của sản phẩm/dịch vụ, mức độ gắn kết của nhân viên, quy trình làm việc, danh tiếng công ty,... Đó là tất cả các KPIs không thể tách biệt với nhau để giúp công ty đạt kết quả tích cực. 



Bên cạnh việc review performance của nhân sự vào cuối năm, các agency cũng sẽ đề ra những mục tiêu, KPI trong năm mới. Theo chia sẻ của các nhân sự, kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022 sẽ là áp lực lớn cho năm 2023. “Trên thực tế, KPI của mỗi công ty luôn được đặt cao hơn kết quả thực tế (hoặc kết quả lý tưởng) của năm cũ. Điều này sẽ trở thành mục tiêu để cả công ty phấn đấu cho năm sau”, chị Phương Uyên nói. 

 

Chị Vy Nguyễn cũng cho biết, mục tiêu cuối cùng của các công ty kinh doanh nói chung và mỗi agency nói riêng là doanh thu. Chị chia sẻ: “KPI của công ty có thể tạo thành áp lực cho mình và cả các nhân viên khác trong năm mới bởi công ty nào cũng muốn đạt được doanh thu cao hơn năm cũ. Ngoài doanh thu, các agency cũng sẽ đặt ra thêm một số KPI nhỏ. Chẳng hạn trong năm đó, công ty muốn được vinh danh ở một giải thưởng trong ngành. Tại công ty mình, nếu nhân sự hoặc đội nhóm nào giành được giải thưởng cho công ty, họ sẽ được nhận thêm phần thưởng riêng từ ban lãnh đạo.” Đối với các KPI/mục tiêu của công ty, chị Vy Nguyễn cho biết các cấp lãnh đạo như Director hoặc Head ở các phòng ban sẽ trực tiếp nắm thông tin. Thỉnh thoảng, bộ phận lãnh đạo sẽ họp lại với nhau để cập nhật hiệu suất của các nhóm, từ đó đề ra những phương án phù hợp để đảm bảo công ty cùng nhau đạt KPI chung. 


Tuy nhiên, theo chị Phương Uyên, tất cả cá nhân từ cấp lãnh đạo đến nhân sự đều có trách nhiệm theo dõi KPI và hiệu suất công việc: “KPI của cá nhân sẽ do cá nhân đó theo dõi, thực hiện. Các Manager sẽ là người đồng hành cùng nhân viên để định hướng cách làm, làm rõ những điểm đã đạt hoặc chưa của tất cả thành viên trong team. Tiếp đó, KPI của phòng ban sẽ do Head trực tiếp theo dõi và hoạch định kế hoạch thực hiện. Cuối cùng là KPI của công ty sẽ do Giám đốc thực hiện. Có thể nói, mỗi cá nhân đều là một mảnh ghép không thể thiếu để công ty thực hiện KPI. Vì thế, mỗi người nên tự có trách nhiệm và kỷ luật hoàn thành KPI của mình.” 


Nhân sự nên cân bằng và thiết lập đời sống như thế nào để bổ trợ, cộng hưởng cho công việc? 

 

Dịp đầu năm, mọi người thường có thói quen liệt kê ra những mục tiêu, dự định cá nhân mà mình muốn thực hiện trong năm mới. Đối với chị Quỳnh Anh - Creative Executive tại Dentsu Redder, chị sẽ liệt kê những dự định cá nhân kèm theo một con số cụ thể vào những ngày đầu năm mới, ví dụ như đọc 15 cuốn sách trong năm, mỗi tháng có một chuyến du lịch ngắn ngày,… Bên cạnh đó, chị cũng tự đặt ra những mục tiêu riêng trong công việc. Về phía mục tiêu ngắn hạn, chị muốn bản thân có thể tự quản lý các dự án được giao, trải nghiệm thêm các công việc thuộc mảng F&B và sáng tạo nhiều idea out-of-the-box hơn,… Mục tiêu dài hạn của chị Quỳnh Anh là trở thành một Senior Creative mạnh về cả copy và hình ảnh để có thể thực hiện những ý tưởng trọn vẹn từ hình ảnh đến con chữ.


Thế nhưng các nhân sự agency tham gia phỏng vấn có chung một nhận định rằng, họ chỉ có thể hoàn thành được 2-3 mục trong số 10 mục tiêu đã liệt kê ra trong năm. Một lý do phổ biến mà các nhân sự đề cập chính là “không cân bằng được cuộc sống và công việc”. Theo đó, chị Quỳnh Anh chia sẻ: “Năm qua mình có hai mục tiêu chưa hoàn thành trọn vẹn là đọc đủ số lượng sách đã đề ra và chăm chỉ tập thể dục. Khi đi làm ở agency, nhân sự sẽ có những thời điểm rất rảnh, nhưng cũng có những lúc công việc bận tối mặt tối mày. Điều này khiến mình trở nên kiệt sức, hết giờ làm chỉ muốn nằm lên giường xem YouTube giải trí rồi đi ngủ thôi. Công việc khiến mình hoàn toàn quên đi chuyện phải thực hiện những mục tiêu.” Vì thế, bí quyết của chị Quỳnh Anh là chia mục tiêu ra thành từng phần nhỏ để thực hiện. “Điều này giúp mình cảm thấy nhiệm vụ không quá khó nhằn, từ đó dẫn đến suy nghĩ trì hoãn ‘thôi từ từ rồi làm’. Suy nghĩ này cũng khiến mình khó có thể hoàn thành được các mục tiêu”, chị nói. 


Mặt khác, chị Vy Nguyễn cho rằng nhân sự có thể lên kế hoạch theo từng cột mốc thời gian của năm, ví dụ giai đoạn 3 tháng - 6 tháng - 1 năm. “Mỗi cột mốc mình sẽ đặt ra những mục tiêu theo mình là khả thi và phù hợp nhất ở giai đoạn đó để đảm bảo bản thân sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra”, chị nói. 



Với mục tiêu cá nhân, không ai rõ hơn ngoài chính bản thân mình. Vậy nên, chị Phương Uyên cho rằng tùy vào tính cách, sở thích, nhu cầu theo dõi,… nhân sự có thể theo sát tiến độ thực hiện các mục tiêu bằng các checklist có thể theo dõi theo tháng, quý, có các hạng mục liên quan đến Objective (mục tiêu chính) và Key Result (kết quả then chốt cần đạt được). Hoặc đơn giản hơn, nhân sự chỉ cần theo dõi theo các con số gắn với hạng mục cần hoàn thành (theo nguyên tắc của KPIs). Trong checklist mục tiêu cá nhân, nhân sự có thể đặt ra các hạng mục gắn liền với nơi làm việc để tạo động lực cho chính bản thân mình. Đối với những mục tiêu chưa hoàn thành được trong năm cũ, các nhân sự chia sẻ rằng họ sẽ tiếp tục liệt kê chúng vào bảng kế hoạch và ưu tiên thực hiện chúng trong năm 2023. 


“Tuy nhiên, ‘Work-Life Balance’ luôn là một vấn đề phổ biến tại các agency. Đa phần nhân sự nào cũng mong muốn Work-Life Balance nhưng mọi người khó có thể thực hiện được vì tình trạng deadline trong ngành nói chung. Nhưng mình nghĩ, mỗi ngày nhân sự chỉ cần dành khoảng 10 đến 15 phút thiền định hay tập yoga cũng là một cách để đảm bảo sức khoẻ tinh thần rồi. Bên cạnh đó, mình cũng học cách ‘nói không' với những deadline cuối tuần hay rơi vào ngày nghỉ. Nếu không thể tránh được, mình sẽ chủ động xin dời để có thời gian dành cho bản thân. Nhân sự cũng có thể học cách quản lý thời gian (Time Management) để cố gắng tập trung giải quyết các task trong giờ làm và hạn chế tình trạng OT”, chị Vy Nguyễn nói thêm.


Nhân sự cần nỗ lực nâng cao khả năng chuyên môn để đối phó với làn sóng sa thải


Vào giai đoạn cuối năm 2022, làn sóng sa thải (layoff) đột nhiên xuất hiện tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ. Facebook thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên, Google sa thải 12.000 nhân viên, Shopee sa thải hàng loạt nhân viên tại 3 thị trường Trung Quốc, Indonesia và Singapore,... Tại ngành Quảng cáo, dù tình trạng layoff chưa thật sự phổ biến nhưng làn sóng sa thải trên toàn thế giới đã làm dấy lên những nỗi lo trong lòng các nhân sự. Trước những biến động này, nhân sự đã có những bước chuẩn bị như thế nào cho tương lai của mình?


Với chị Vy Nguyễn, chị cho biết bản thân luôn có quỹ tài chính dự phòng dành cho những trường hợp khẩn cấp: “Định kỳ mỗi tháng, mình đều trích một khoản tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng và tạm quên nó đi. Số tiền này vừa sinh lãi, vừa giúp mình hạn chế chi tiêu và có một khoản tiền dành dụm cho những tình huống thực sự khẩn cấp.” Ngoài ra, chị Vy Nguyễn cũng cho rằng việc nâng cao khả năng chuyên môn là điều tất yếu vì xu hướng thị trường luôn biến đổi không ngừng (không chỉ riêng ngành Marketing mà còn rất nhiều ngành nghề khác). Do đó, trong kế hoạch phát triển bản thân của chị, việc “nâng cấp” kỹ năng chuyên môn luôn được đặt lên hàng đầu. “Mình thường tham gia các buổi workshop trong ngành, một mặt để tạo networking, mặt khác là để cập nhật các xu hướng mới. Mình cũng đăng ký các khoá học chuyên môn để ‘update' bản thân. Tuy nhiên, nhân sự cần chọn lọc các khoá học cẩn thận vì học theo đám đông, học đại trà có thể dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin. Ngoài ra, mình cũng chăm nhận thêm các job freelance theo chuyên môn để có cơ hội ‘va chạm’ nhiều hơn trong ngành", chị chia sẻ.



Theo chị Quỳnh Anh, tự nâng cao khả năng chuyên môn là điều cơ bản đối với mỗi nhân sự: “Từ khi mới dấn thân vào ngành Truyền thông, mình đã luôn cố gắng lên kế hoạch để một năm học ít nhất một khoá học chuyên môn để nâng cao khả năng. Ngành này đào thải nhanh, chỉ cần chậm một nhịp là lỡ mất bao nhiêu trend rồi. Ví dụ như năm ngoái mình đã tham gia học khoá A Bờ Cờ của anh Sói Ăn Chay với mong muốn là thử thách bản thân tạo ra những idea độc lạ hơn bằng nhiều cách khác nhau để phù hợp với các tệp đối tượng mục tiêu."



Thế nhưng để có đủ khả năng thực hiện các mục tiêu trong năm mới, các nhân sự cho biết mỗi người cần tự rèn luyện sức khoẻ thể chất. “Theo mình, bất kỳ ai chọn theo cuộc sống agency cũng nên thiết lập thói quen tập thể dục - ngủ sớm - dậy sớm. Sau 4 năm học đại học và 2 năm làm ngành thì mình nhận ra một điều: thức khuya nhiều có thể giúp mình làm thêm được một vài task, nhưng sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần lại mất đi cả vài chục năm. Mới 24 tuổi nhưng lưng đã đau như người lớn 50 - 60 tuổi, một tháng bị bệnh vặt ít nhất 2-3 lần. Do đó, việc nâng cao sức khoẻ thể chất cũng là mục tiêu lớn nhất và ưu tiên nhất của mình trong năm 2023 này”, chị Quỳnh Anh đúc kết.



Áp lực kép của nhân sự agency năm 2023: Nỗ lực chạy KPI cho công ty nhưng vẫn phải dự phòng trước bão sa thải trên toàn cầu

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

07 Thg 02 2023

Lưu

Cùng chuyên mục