Khi bắt đầu quá trình tạo lập một thương hiệu, các doanh nghiệp thường tập trung trau chuốt cho hình ảnh của mình. Bởi vì, họ lo lắng về diện mạo của thương hiệu trong mắt của khách hàng, từ những tài sản dễ dàng nhận biết nhất như logo, màu sắc và cả marketing materials của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách xây dựng thương hiệu ấn tượng của ngày nay thì còn không đơn giản là chỉ tập trung vào hình ảnh mà cần phải chú ý đến Audio Branding - xây dựng âm thanh đặc trưng của thương hiệu.


Audio Branding - xây dựng âm thanh của thương hiệu là gì?


Audio Branding còn được biết đến với các thuật ngữ như Sonic Branding, Sound Branding, là quá trình xây dựng âm thanh đặc trưng, có liên kết với thương hiệu. Âm thanh này đại diện cho bản sắc và giá trị của doanh nghiệp theo cách riêng và được thể hiện ở các phương diện sau:


Tông giọng của thương hiệu (Brand Voice): thể hiện cá tính và giá trị cốt lõi của thương hiệu thông qua từ ngữ doanh nghiệp sử dụng để giao tiếp với người tiêu dùng.


Ví dụ: 


Brand Voice của Coca Cola - tích cực, thân thiện và dễ hiểu.


Biểu tượng âm thanh (Sound Logo): là một trong những công cụ xây dựng âm thanh của thương hiệu, có thể tồn tại dưới dạng một đoạn âm thanh ngắn được đặt ở đầu hoặc cuối video quảng cáo. Sound logo thường xuất hiện cùng với logo giống như bộ nhận diện của thương hiệu trên thị trường.


Sound logo của Intel


Bài hát của thương hiệu (Brand Song): là bài hát do một ca sĩ sáng tác, thể hiện được cá tính của thương hiệu. Tuy nhiên, những bài hát này thường được sử dụng ở một giai đoạn nhất định và có thay đổi nên sẽ không tạo ra sự thống nhất trong quá trình nhận diện thương hiệu của khách hàng.


Bài hát của Coca Cola trong năm 2016


Bên cạnh đó, những âm thanh phát ra khi thực hiện các chức năng trên thiết bị cũng có thể trở thành Audio Branding cho thương hiệu.


Video mô tả lại các âm thanh khi sử dụng thiết bị của hệ điều hành Windows


Thực tế, việc sử dụng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh là một bước tiến lớn trong marketing. Bên cạnh hình ảnh độc quyền đại diện cho từng thương hiệu thì các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm âm thanh đặc trưng cho mình. Sự gia tăng của các thiết bị kết nối bằng giọng nói như Amazon Echo và Google Home đã cho thấy tầm trọng của việc xây dựng âm thanh thương hiệu trên lộ trình phát triển doanh nghiệp và cá nhân người lãnh đạo cần phải xem xét kỹ lưỡng khi tìm kiếm “tiếng nói” cho mình.

 

Tại sao âm nhạc và hiệu ứng âm thanh trở nên phổ biến trong Marketing?


Theo nghiên cứu của PHMG - một Audio Branding Agency đến từ Chicago đã chứng minh, âm thanh có ảnh hưởng khá nhiều đến cảm xúc và nhận thức về giá trị của thương hiệu. Cụ thể, khi Agency này tiến hành phát những đoạn nhạc khác nhau cho 1,000 người nghe thì có đến 60% trong số đó nhận xét âm nhạc dễ ghi nhớ hơn so với hình ảnh. Ngoài ra, gần một nửa những người tham gia (45%) tin rằng âm nhạc làm cho họ hiểu rõ cá tính của thương hiệu và 47% cho biết âm nhạc giúp con người có cảm thấy gần gũi hơn.


Thính giác của con người là giác quan nhạy bén nhất


Trong tình hình cả thế giới phải giãn cách vì đại dịch COVID-19, con người dần thay thế các hoạt động offline đáp ứng nhu cầu hàng ngày bằng hình thức online như: gọi đồ ăn, đi chợ, shopping,... điều này đòi hỏi các thương hiệu phải tạo nên sự khác biệt bên cạnh những quảng cáo hình ảnh truyền thống. Một ví dụ cho Audio Branding đang phổ biến tại thị trường Việt Nam đó chính là kênh mua sắm trực tuyến Shopee và đoạn nhạc đặc trưng “cùng shopee pi pi pi…” trở nên quá quen thuộc với mọi người.


Quảng cáo của Shopee và đoạn nhạc đặc trưng của thương hiệu này


Có thể nói rằng, Shopee là một trong những thương hiệu thực hiện thành công kế hoạch xây dựng âm thanh thương hiệu và để lại ấn tượng với người tiêu dùng. Vậy có Audio Branding sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho thương hiệu?


Lợi ích từ việc sử dụng hiệu ứng âm thanh trong quá trình tiếp cận khách hàng


Đầu tiên, từ kết quả của cuộc khảo sát trên đã cho thấy con người rất nhạy bén với âm thanh, trong cùng một sự việc, chúng ta thường có phản ứng đáp trả âm thanh nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với lúc nhìn thấy. Chính vì thế mà khi sử dụng những hiệu ứng âm thanh trong marketing thì tạo ra kết quả cao gấp 5 lần so với hình ảnh. Audio Branding được xây dựng dựa trên tâm lý chung của con người và các Marketer cũng khẳng định về hiệu quả đáng kể của nó trong quá trình giao tiếp với khách hàng cũng như phát triển thương hiệu. Cụ thể như sau:


1. Xây dựng hình ảnh đa chiều của thương hiệu và dễ nhận biết


Thực hiện quảng bá trên nhiều kênh và áp dụng đa dạng các cách thức tiếp thị sẽ giúp hình ảnh của thương hiệu dễ dàng khắc sâu trong tâm trí khách hàng. Doanh nghiệp có thể kết nối với người tiêu dùng thông qua màu sắc của logo, phong cách giao tiếp hay thậm chí là các giác quan khác như khứu giác, thính giác và xúc giác nếu tiếp cận với khách hàng ngoại tuyến. Trong đó, việc gắn liền thương hiệu với âm thanh đặc trưng là bí quyết giúp khách hàng dễ dàng nhận biết, cũng như ghi nhớ thương hiệu lâu hơn.


2. Bán hàng theo cách mới (Voice Commerce)


Voice Commerce là tương tác của người dùng với các kênh thương mại điện tử có nhận diện giọng nói, thay vì thực hiện các thao tác bàn phím thì người dùng có thể sử dụng micro và giọng nói của mình để mua hàng. Và dưới đây là những ví dụ cho hình thức bán hàng kiểu mới này.


Sử dụng giọng nói để yêu cầu Google Home thực hiện các giao dịch mua hàng


3. Thu hút khách hàng bằng UX nâng cao


UX - User Experience (trải nghiệm người dùng), đây là một khái niệm rất quan trọng thuộc về trải nghiệm trực tiếp của khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khi Audio UX được nâng cấp, các chuyên gia dự đoán rằng nó sẽ trở thành yếu tố quan trọng cho kế hoạch xây dựng thương hiệu trong năm 2021, bởi tính chất nhanh chóng, tiện lợi hơn so với văn bản và tạo cảm giác gần gũi cho người dùng.


Quan trọng hơn hết là mọi người cũng rất thích trải nghiệm này, khi trào lưu review phim dưới hình thức video thuyết minh bằng giọng đọc của “chị Google” đang thu hút khá nhiều lượt xem trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tính năng chỉ đường bằng giọng nói của Google Maps cũng được sử dụng phổ biến, thay thế “người bạn” ngồi sau xe chỉ đường, giảm bớt sự rườm rà và các nguy cơ cướp giật nguy hiểm trên đường phố hiện nay. Có thể thấy rằng, Audio UX đã đơn giản hoá các thao tác và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.


Ứng dụng Google Maps với tính năng chỉ đường bằng giọng nói


Tạm kết


Trong thời đại công nghệ 4.0, việc đầu tư xây dựng âm thanh đặc trưng và nâng cấp các dịch vụ của thương hiệu là một điều cần thiết, nó có thể đáp ứng tâm lý mong muốn các trải nghiệm nhanh gọn và tiện lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, với tình hình đại dịch COVID-19 đang kìm hãm các hoạt động ngoại tuyến thì Audio Branding có thể được coi là hướng đi mới cho các doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng của mình trong thị trường đầy biến động như hiện nay.


Ngọc My / Advertising Vietnam