Trong vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu có xu hướng tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu các công việc liên quan đến hoạt động tiếp thị, từ viết nội dung, sáng tạo hình ảnh, đo lường chỉ số cho đến tạo ra các influencer ảo. Nhờ khả năng tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, các công cụ này mở ra cơ hội phát triển cho các nhà sáng tạo nội dung, giúp quy trình làm việc trở nên hiệu quả và nâng cao khả năng tương tác với khách hàng.


Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ AI cũng gây nên những lo ngại về tính hợp pháp của các tác phẩm. Giống như hầu hết các phần mềm học máy, các công cụ AI hoạt động bằng cách xác định và sao chép các mẫu trong dữ liệu có sẵn. Khác với những tác phẩm do con người tạo ra và được bảo vệ bản quyền, kết quả đầu ra được làm từ trí tuệ nhân tạo có thể khiến các thương hiệu vướng phải một số vấn đề như vi phạm nguyên tắc hay khiếu nại về bản quyền.


Theo Social Media Today, để xây dựng một quy trình sáng tạo nội dung toàn diện và tối ưu, các công cụ AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ hỗ trợ quá trình sản xuất. Việc tạo ra một sản phẩm truyền thông đến khán giả vẫn nên dựa trên định hướng sáng tạo dưới sự kiểm soát của con người thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo.


Dưới đây là một số ví dụ và lưu ý của việc ứng dụng công cụ sáng tạo AI vào quy trình sáng tạo nội dung mà các marketer có thể tham khảo:


Cung cấp thông tin bằng AI


Bên cạnh việc sử dụng nguồn tin và có thông tin có giá trị do phóng viên cung cấp, ngày nay, nhiều phương tiện truyền thông chính thống đã bắt đầu áp dụng các công cụ AI nhằm hỗ trợ quá trình đưa tin nhanh chóng hơn. Quy trình thường được áp dụng bao gồm tra cứu và tổng hợp những câu hỏi thuộc cùng lĩnh vực được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, liệt kê những câu hỏi đó và yêu cầu công cụ AI (chẳng hạn như ChatGPT) cung cấp nội dung câu trả lời. Nhờ đó, quá trình truyền tải thông tin đến khách hàng diễn ra nhanh chóng hơn.


ChatGPT viết bài báo 600 USD trong 30 giây - VnExpress Số hóa

Các công cụ viết AI tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo ra nội dung một cách nhanh chóng


Gần đây, CNET tiết lộ rằng họ đã sử dụng một công cụ AI để tạo ra các bài đăng trên website trong nhiều tháng. Đội ngũ nội dung của CNET Money lên dàn ý nội dung, sau đó dùng một công cụ AI được thiết kế nội bộ để tập hợp thông tin, đưa ra những khái niệm cơ bản hay giải đáp những câu hỏi phổ biến xoay quanh chủ đề tài chính. Nội dung nháp do AI tạo ra sẽ được đội ngũ nội dung xem xét và điều chỉnh trước khi xuất bản. 


CNET cho biết, tuy đáp ứng khả năng cung cấp thông tin nhanh chóng, các nội dung do AI tạo ra vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế như sử dụng từ ngữ mơ hồ, sai kiến thức hay thậm chí là đạo văn. Vì thế, nhân sự kiểm tra và chỉnh sửa nội dung trước khi cung cấp cho người đọc để đảm bảo độ chính xác cao và tránh các khiếu nại có thể xảy ra.


Cá nhân hoá nội dung, nâng cao trải nghiệm người dùng


Khi AI phát triển và được áp dụng rộng rãi, điều quan trọng là các nhà sáng tạo nội dung cần xem xét cách ứng dụng các công cụ này vào quy trình sáng tạo của mình như thế nào để nâng cao trải nghiệm khách hàng và giành lợi thế trước các đối thủ trên thị trường. Chẳng hạn, BuzzFeed đã hợp tác với OpenAI - cha đẻ của công cụ ChatGPT đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội thời gian gần đây để phát triển một công cụ AI mới có khả năng cá nhân hoá nội dung cho khách hàng. Cụ thể, BuzzFeed xây dựng một bộ câu hỏi tương tác (quiz) với nhiều chủ đề đa dạng như lựa chọn hình ảnh, quan điểm phù hợp, điền vào chỗ trống hay xử lý tình huống. Sau đó, người dùng sẽ tương tác trực tiếp bằng việc lựa chọn câu trả lời theo ý kiến cá nhân. Công cụ AI của BuzzFeed sẽ dựa vào đó và tạo ra một bài viết riêng biệt khám phá tính cách, đặc điểm của người dùng dựa trên những câu trả lời của họ.


Ứng dụng AI vào Quiz Content giúp tạo sự tương tác và gắn kết giữa khách hàng với thương hiệu


Đây là một bước đi thông minh của BuzzFeed trong việc tận dụng AI để tạo ra nội dung độc đáo phù hợp với đọc giả, qua đó truyền tải thông tin một cách thú vị hơn và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.


Cần lưu ý gì khi sử dụng tài nguyên do AI tạo ra? 


Theo John Mueller - cố vấn tìm kiếm của Google, nội dung do AI tạo ra cơ bản đến từ việc tổng hợp, sắp xếp các thông tin có sẵn, thay thế từ đồng nghĩa hay được dịch sang ngôn ngữ khác. Những nội dung này nằm trong danh mục “Nội dung được tạo tự động” thuộc Nguyên tắc cơ bản của Google Tìm kiếm, được xem là spam và sẽ bị phạt nếu phát hiện vi phạm. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Google xác định sự khác biệt giữa nội dung do con người viết và một tác phẩm của trí tuệ nhân tạo?


Social Media Today chỉ ra rằng, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các thuật toán của Google có thể tự động phát hiện nội dung được tạo ra bởi AI. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những nhà sáng tạo nội dung có quyền tự do xuất bản những tài nguyên do AI tạo ra để rồi vi phạm Nguyên tắc cơ bản của Google. Hãy cân nhắc, đưa ra điều chỉnh kịp thời và lưu ý về mức độ xử lý của các công cụ tìm kiếm đối với những vi phạm nếu bị phát hiện.


A woman is typing on Google search engine from a laptop

Google xác định các nội dung tạo ra bởi AI là spam


Trong tương lai, quá trình sáng tạo dựa trên AI sẽ phát triển nhanh chóng với những nội dung đa dạng và sáng tạo hơn. Vì thế, các nhà sáng tạo phải không ngừng khám phá các công cụ tiềm năng hỗ trợ cho quy trình làm việc của mình. Mặc dù mang đến nhiều lợi ích, Social Media Today cũng nhấn mạnh rằng các marketer không nên quá phụ thuộc vào AI hay xem chúng như công cụ duy nhất trong quá trình sáng tạo nội dung. Việc sử dụng AI một cách hợp lý, kết hợp cùng tư duy sáng tạo và kỹ năng chuyên môn sẽ giúp các marketer tiết kiệm thời gian, nguồn lực, đồng thời mang đến những nội dung chất lượng hơn cho người đọc và tránh được những rủi ro tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến giá trị của thương hiệu.


Theo Social Media Today

Thảo Vy