Bài viết phần 1 đã giới thiệu danh sách 10 doanh nghiệp có lượt theo dõi nhiều nhất trên LinkedIn và cách các doanh nghiệp này hoạch định chiến lượt nội dung để thu hút người dùng. Trong bài viết phần 2, hãy cùng nhìn lại những điểm chung giữa các thương hiệu và đúc kết những bài học xây dựng kênh LinkedIn hiệu quả.


Bí quyết xây dựng LinkedIn từ các thương hiệu lớn


Thúc đẩy sự tương tác với nội dung video hấp dẫn


Có thể thấy, phần lớn các thương hiệu kể trên đều đăng video thường xuyên. Để tạo ra những video thu hút người xem, các thương hiệu cần lưu ý hai điểm: nội dung xoay quanh con người và thu hút người xem chỉ trong 6 giây đầu tiên. Ngoài ra, những video này nên được đặt trong mục “recently posted video” (video đã đăng gần đây) để người dùng LinkedIn dễ dàng tìm kiếm nội dung mới nhất.


Đề cao tiếng nói của nhân viên


Nhìn chung, tất cả các video mà Google, Amazon, Microsoft và IBM đăng hàng ngày đều liên quan đến nhân viên. Tại mục “Life” của các thương hiệu này, tất cả đều xoay quanh đời sống, môi trường làm việc tại công ty cũng như những chia sẻ chân thật từ mỗi nhân sự. Hầu hết người dùng sử dụng LinkedIn vì họ muốn kết nối và học hỏi từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, những nội dung này cho phép người dùng kết nối trực tiếp với nhân sự tại các tập đoàn lớn, đồng thời thể hiện khía cạnh nhân văn của các thương hiệu. Có thể nói, các trang LinkedIn này thu hút nhiều lượt theo dõi vì đặt con người lên hàng đầu. 


Các doanh nghiệp lớn luôn xây dựng những nội dung xoay quanh nhân sự. Điều này thể hiện được sự quan tâm của công ty đối với những người hỗ trợ và xây dựng nên sự thành công của doanh nghiệp.


Giữ cho giao diện luôn đơn giản, mới mẻ và năng động


LinkedIn không phải là nơi để các thương hiệu đăng tải những nội dung cũ hay liệt kê lịch sử thành lập của công ty, đặc biệt là phần “Overview”. Thay vào đó, doanh nghiệp nên trình bày những nội dung có giá trị một cách ngắn gọn và có điểm nhấn. Phần “About” của Amazon, Microsoft hay Google đều theo “một công thức”: 

  1. Giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp và lĩnh vực đang kinh doanh
  2. Diễn giải những giá trị để người đọc tin tưởng vào công ty 
  3. Những hoạt động đặc biệt đang diễn ra trong thời gian gần đây.


Tận dụng những màu sắc nổi bật, bắt mắt của thương hiệu


Điểm chung của các ông lớn như Unilever, Microsoft hay The Economist là luôn thể hiện màu sắc thương hiệu trong các bài đăng. Điều này giúp người xem dù chỉ lướt qua nhanh nhưng vẫn có thể nhận ra được nội dung thuộc thương hiệu nào. Màu sắc đặc trưng của thương hiệu và cách truyền tải của video đóng vai trò trong việc thu hút “ánh nhìn” của người theo dõi. Vì thế, các trang tài khoản nổi bật nhất trên LinkedIn đều phát triển theo hướng xây dựng nhất quán hình ảnh thương hiệu. Sau đó, họ tiếp tục phát triển để tăng khả năng ghi nhớ thương hiệu và sự nhận ra từ người dùng.


Học hỏi The Economist trong việc đa dạng hoá hình ảnh thương hiệu


Xây dựng nội dung xoay quanh độc giả và có giá trị vô thời hạn


Hầu hết các thương hiệu trên đều có tần suất đăng bài khoảng vài lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, họ cũng áp dụng quy tắc 4-1-1 để cân bằng những nội dung chia sẻ lại và nội dung “chính chủ”. Quy tắc 4-1-1 được thực hiện như sau: Cứ mỗi 6 bài đăng sẽ bao gồm 4 bài đăng liên quan đến nội dung mới mẻ hoặc nội dung tương tác với người dùng, 1 bài đăng chia sẻ lại từ trang khác và 1 bài quảng bá doanh nghiệp. Dù là nội dung gốc hay được chia sẻ lại, tất cả đều được phát triển dựa trên nhu cầu và vấn đề của người theo dõi. Và kể cả khi được chia sẻ lại từ một bên thứ ba, các thương hiệu vẫn nên bổ sung thêm thông tin ở phần bình luận để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề.


Các thương hiệu khác học được gì?


Đăng bài viết thường xuyên


Nếu muốn tăng lượt theo dõi trang LinkedIn nhanh chóng, các thương hiệu phải liên tục đăng tải và làm mới giao diện trang. Các chuyên gia phát triển LinkedIn cho biết việc đăng tải bài viết hàng tuần sẽ giúp mức độ tương tác của bài viết tăng gấp 2 lần. Đối với các thương hiệu nhỏ, họ không cần phải liên tục cập nhật những sự kiện, thông tin gốc nhiều như Google hay Microsoft. Thay vào đó, họ có thể áp dụng quy tắc 4-1-1 cho chiến lược sản xuất nội dung. 


Tận dụng video


Tequia Burt - Tổng biên tập blog quảng cáo của LinkedIn cho biết video tạo tương tác cao gấp 5 lần so với các loại nội dung khác. Người dùng LinkedIn cũng dành thời gian xem quảng cáo nhiều hơn gấp 3 lần so với những nền tảng khác. Để đạt được hiệu quả tối đa, các video phải ngắn dưới 30 giây, lấy con người làm trung tâm phát triển nội dung và mang màu sắc tươi sáng. Ngoài ra, từ một video chủ đề, các thương hiệu có thể lên kế hoạch phát triển chiến lược triển khai những sản phẩm bổ sung xoay quanh chủ đề đó như bài đăng dạng văn bản, video nhấn mạnh những điểm chính hoặc chia sẻ lại để thu hút thêm nhiều lượt xem cho video chủ đề.


Triển khai đa dạng nội dung video vừa thu hút độc giả vừa gợi nhớ người dùng xem lại nội dung cũ.


Xây dựng nội dung xung quanh con người


Sự thành công của các thương hiệu lớn đã chứng minh “người dùng LinkedIn cảm thấy thu hút bởi những nội dung liên quan đến nhân sự”. Vì vậy, các thương hiệu cần tích cực xây dựng những nội chất lượng liên quan đến cuộc sống nhân viên. Họ có thể phỏng vấn nhân sự về công việc hiện tại, tại sao lại chọn thương hiệu là môi trường làm việc hoặc khai thác đời sống hằng ngày tại công ty. Ngoài ra, các thương hiệu cũng nên khuyến khích nhân sự của mình chia sẻ lại những bài đăng của công ty và tag thương hiệu vào. Một điều lưu ý là người dùng LinkedIn không chỉ quan tâm về thương hiệu mà họ còn muốn tìm hiểu con người trong môi trường đó.


Trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin rõ ràng


Các thương hiệu có thể gây ấn tượng với người dùng bằng cách tập trung diễn giải đầy đủ thông tin của từng mục trên trang LinkedIn. Nội dung cần được trình bày rõ ràng, ngắn gọn và hữu ích với người xem nhất có thể. Ngoài ra, các thương hiệu có thể tham khảo một số phương pháp xây dựng trang LinkedIn hiệu quả do chính chuyên gia LinkedIn gợi ý tại đây. Nội dung bao gồm:

  • Hoàn thành những thông tin trên trang LinkedIn
  • Tương tác với người dùng
  • Tiếp cận nhiều đối tượng bằng quảng cáo
  • Sử dụng nhiều định dạng nội dung như blog, video,...


Tạo động lực để người dùng quay lại trang


Phần lớn các thành viên trên LinkedIn sẽ tiếp tục theo dõi thương hiệu vì họ không muốn bỏ lỡ những bài đăng bổ ích. Vì vậy, thương hiệu có thể triển khai chuỗi nội dung gồm nhiều tập, tổ chức những sự kiện trực tiếp trên LinkedIn hoặc triển khai định dạng newsletter. Điều quan trọng nhất là thương hiệu cần tương tác thường xuyên với người theo dõi để biến trang của thương hiệu thành một cộng đồng chuyên nghiệp dành cho mọi người.


Những bài học từ 10 doanh nghiệp trong việc quảng bá doanh nghiệp trên LinkedIn


Theo LinkedIn

Thanh Thảo