Nhận thấy rằng cứ 3 người LGBTQ+ thì có một người phải đối mặt với các hình thức phân biệt đối xử vào năm 2020 tại Mỹ, WPP đã hợp tác với nhiều tổ chức thực hiện báo cáo "Beyond the Rainbow". Từ những dữ liệu này, agency mong muốn các thương hiệu sẽ góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về cộng đồng LGBTQ+.


Cụ thể, WPP đã hợp tác với nhóm LGBTQ+ Unite và nhóm dữ liệu Choreograph để khảo sát 3.500 người thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở Anh, Mỹ, Canada và 4.000 người dị tính tại các quốc gia này. Nhằm phân phối khảo sát cho những nhóm người dùng đa dạng hơn, WPP cũng hợp tác với các tổ chức khác như Black Pride, tạp chí Diva và myGwork. Tổng hợp tất cả dữ liệu từ 7.500 người, agency đã đúc kết được một nội dung chính sau.


WPP đã hợp tác với nhiều tổ chức để thực hiện báo cáo “Beyond the Rainbow”


1. Các công ty cần thực hiện các chiến dịch dành cho cộng đồng LGBTQ+ nhiều hơn


Vào tháng Tự hào, hàng loạt thương hiệu đã thực hiện các chiến dịch thể hiện sự ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, đồng thời thay đổi logo thương hiệu theo màu của lá cờ Pride. Báo cáo cho thấy, 52% cá nhân thuộc LGBTQ+ thích các thương hiệu làm điều này. Ngoài ra, 50% người dị tính nghĩ rằng các thương hiệu cần phải làm nhiều hơn thế nữa, đơn cử như tham gia các hoạt động quyên góp cho tổ chức từ thiện, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến LGBTQ+, thể hiện hình ảnh của cộng đồng này nhiều hơn,... 


Logo của các thương hiệu chuyển sang màu cờ của cộng đồng LGBTQ+ trong tháng Tự hào


Số liệu của WPP đã chỉ ra rằng 67% người LGBTQ+ và 67% người dị tính tin rằng các thương hiệu nên thực hiện thêm nhiều quảng cáo hơn về những người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Bên cạnh đó, 59% người dùng cho rằng các thương hiệu chỉ đang theo chủ nghĩa Tokenism, tức là chỉ đang thực hiện các chiến dịch một cách có lệ để có tiếng "bình đẳng" và nhân quyền. 


2. Giới tính sẽ ngày càng trở nên linh hoạt hơn


Theo khảo sát của WPP, 57% người trong độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi đồng ý rằng hiện nay có nhiều hơn hai giới tính. Những người trong độ tuổi này có tỷ lệ xác định bản thân là người song tính cao gấp 1,5 lần so với những người từ 35 tuổi trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ xác định bản thân là người vô tính (asexual) gấp 1,3 lần; đồng tính luyến ái (queer) gấp 2,2 lần và người lưỡng tính (pansexual) gấp 2,8 lần. "Sự chấp nhận và hiểu biết về giới ngày càng tăng của những người trẻ tuổi đã phản ánh bản sắc riêng của họ", báo cáo cho biết. 


3. Nhiều nhân sự LGBTQ+ vẫn chưa cởi mở tại nơi làm việc


Dữ liệu của WPP tiết lộ chỉ có 40% người thuộc cộng đồng LGBTQ+ thực sự cởi mở về giới tính của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, những người đồng tính nam và đồng tính nữ có khả năng cởi mở nhiều hơn là những người xác định bản thân là song tính, toàn tính hoặc vô tính.


Chỉ có 40% người thuộc cộng đồng LGBTQ+ thực sự cởi mở về giới tính của họ tại nơi làm việc


Ông Adrien Gaubert - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Tiếp thị của cộng đồng doanh nghiệp LGBTQ+ MyGWork cho biết: "Sự phân biệt đối xử với những người thuộc LGBTQ+ hiện vẫn còn phổ biến tại nơi làm việc." Việc thay đổi linh hoạt đại từ nhân xưng trong email, bảng tên,... hoặc các nhóm hỗ trợ nhân viên LGBTQ+ trong công ty sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thu hút và giữ chân các nhân sự tài năng.


Đặc biệt, việc sẵn sàng chia sẻ giới tính thật của một người cũng tùy thuộc vào mức thu nhập. Những nhân viên có thu nhập cao sẽ có khả năng cởi mở hơn về giới tính và xu hướng tính dục của họ cao hơn 37% so với những nhân viên nhận được mức lương thấp. Điều này cho thấy những người thuộc LGBTQ+ có kinh tế ổn định sẽ thoải mái hơn trong việc thể hiện tính cách và giới tính thật của bản thân ở nơi làm việc.


4. Thương hiệu cần thể hiện hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ đa dạng hơn trong các chiến dịch


Khi nói về tính đại diện (representation), chỉ 38% người dị tính cảm thấy hài lòng về cách họ được đại diện trên các phương tiện truyền thông. Bà Linda Riley, biên tập viên của tạp chí Diva chia sẻ trong báo cáo: "Thật tuyệt khi ngày càng nhiều nội dung trên các phương tiện truyền thông thể hiện sự đại diện cho cộng đồng LGBTQIA+, tuy nhiên các thương hiệu thường chỉ hướng đến những người đồng tính nam. Còn những người đồng tính nữ, phụ nữ lưỡng tính, người chuyển giới, không thuộc giới tính nhị phân,... thì sao?"


Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết những người chuyển giới, phi nhị phân (nonbinary), cũng như đồng tính nữ và người da màu thuộc cộng đồng LGBTQ+ là những nhóm người mong muốn được đại diện nhiều hơn. 83% người tham gia khảo sát thuộc LGBTQ+ và 80% người dị tính cho rằng các nhân vật LGBTQ+ trong các chiến dịch cần được đa dạng hơn.


Các nhân vật LGBTQ+ trong các chiến dịch cần được đa dạng hơn


Bà Jamie June Hill - Giám đốc Sáng tạo và Hòa nhập của agency VMLY&R cho biết: "Khi chúng tôi xem xét bất cứ nội dung nào miêu tả trải nghiệm của cộng đồng LGBTQIA+, chúng tôi dễ dàng nhận thấy rằng liệu nó có phải nội dung do cộng đồng này tạo ra hay không. Mỗi một bộ trang phục, ngôi nhà, bài hát,... những chi tiết vụn vặt dễ bị bỏ qua trong nội dung đều được họ cân nhắc cẩn thận."


Theo AdAge

Kim Ngọc