Theo Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam đã nhảy từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động thứ hai trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore (Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures).


Báo cáo chỉ ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt được thể hiện qua việc Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp tăng từ 5% vào năm 2018 lên 17% vào năm 2019. Số lượng nhà đầu tư và quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam tăng đến 50%. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore chiếm 30% trong nhóm này, phản ánh hoạt động tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.


Để có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều thế hệ phát triển, có thêm không ít cơ hội nhưng cũng nhiều những thách thức trong tương lai. Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những điều này. 


1. 03 thế hệ khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2000


Báo cáo đã thống kê từ năm 2000 đến nay, Việt Nam trải qua 03 thế hệ nhà sáng lập công ty khởi nghiệp với những nét đặc trưng riêng. Thế hệ đầu tiên là các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp giai đoạn 2000-2006 với một số cái tên điển hình như NextTech, VCCorp, Yeah1, Zalo... Đặc điểm của thế hệ này là khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đạt đủ quy mô, những người sáng lập này thường chọn mở rộng công ty của mình sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Điển hình như mạng xã hội Zalo còn có ứng dụng tài chính ZaloPay hay kênh thương mại ZaloShop. 


Tiếp đến, thế hệ thứ hai bao gồm các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn 2007-2014 như Tiki, Foody, Topica, Nhạc Của Tui,... So với những người tiền nhiệm, họ bắt đầu trong một môi trường cạnh tranh hơn và cần thời gian lâu hơn để chiếm lĩnh thị trường. Báo cáo nhấn mạnh thế hệ thứ hai có xu hướng tập trung vào việc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ thông qua việc mở rộng theo chiều dọc để tạo thành hệ sinh thái toàn diện xoay quanh sản phẩm chính ban đầu. Ví dụ, sản phẩm chính của Tiki là kênh thương mại điện tử, ngoài ra, còn có các lĩnh vực bổ trợ như TikiNow, TikiGlobal.


Cuối cùng, thế hệ thứ ba, cũng là thế hệ gần nhất khi được thành lập từ 2015 trở đi, gồm nhiều nhà sáng lập đã học tập hoặc làm việc tại các hệ sinh thái công nghệ tiên tiến trên thế giới, những người có kinh nghiệm xây dựng các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, và các doanh nhân kỳ cựu đã khởi nghiệp nhiều lần quay trở lại với những tham vọng lớn hơn. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty mình. Những tên tuổi điển hình có thể kể đến Ecomobi, Elsa, Luxstay,...


2. Thách thức startup phải đối mặt


Bên cạnh những tiềm năng phát triển, Báo cáo nêu rõ những khó khăn mà startup Việt phải đối mặt. Mặc dù có nhiều bước tiến lớn, thị trường Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh việc startup cần liên tục cải tiến và hoàn thiện năng lực để tăng khả năng cạnh tranh thì Hệ sinh khởi nghiệp Việt nam còn đang gặp hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước. Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều so với số lượng ra đời của startup. Điều này dẫn đến một số khoảng trống về vốn chưa được khai thác hết. 


Đặc biệt, Bà Lê Hoàng Uyên Vy đã có những chia sẻ thực tế về những khoảng trống đầu tư này trong Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021: 

Thứ nhất là khoảng trống về các vườn ươm (incubators và accelerators) khi các startup mới ra đời ở giai đoạn Pre-Seed. Hiện nay tại Việt Nam đã có một số vườn ươm uy tín đang hoạt động như SHi - Songhan Incubator, tuy nhiên số lượng còn rất ít so với số lượng startup đang ra đời mỗi ngày. Vì vậy, cần có nhiều hơn những đơn vị hỗ trợ startup trong giai đoạn sớm để họ có đủ năng lực bước vào giai đoạn gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thứ hai, khoảng trống là ở vòng Series B khi giá trị gọi vốn của startup lên đến 15-20 triệu USD. Theo quan sát, số lượng quỹ nội địa có khả năng tham gia vào vòng này còn rất hạn chế, vì vậy các startup sẽ không thể gọi vốn ở thị trường Việt Nam mà phải tìm đến các quỹ nước ngoài. Khi cơ hội gọi vốn bị giới hạn, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá. Chính vì vậy, hệ sinh thái startup Việt Nam rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mang lại nguồn vốn dồi dào cho sự phát triển của các công ty ở mọi giai đoạn.


3. Bối cảnh thuận lợi cho sự phát triển của startup Việt


Sự thuận lợi đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp nổi bật. Hiện nay, Việt Nam có 4 đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ bao gồm NATEC (Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ), NATIF (Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia), NSSC (Đơn vị được giao tổ chức, triển khai “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” (TECHFEST) và

các nhiệm vụ khác thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025), NIC (Vietnam National Innovation Center - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia); và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như TECHFEST, VIETNAM VENTURE SUMMIT, Festival Khởi nghiệp 2020,...


Đồng thời, Báo cáo đã hệ thống 03 nhóm chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ bao gồm: Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chính sách về chuyển giao công nghệ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để các startup dễ dàng tìm kiếm các điều luật, nghị quyết hỗ trợ cho quá trình phát triển của tổ chức. 


Bên cạnh chính sách của Chính phủ, việc các doanh nghiệp và tập đoàn lớn tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo nhiều hơn là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của các startup, đặc biệt nhóm các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ. Báo cáo lý giải ý tưởng và giải pháp đổi mới sáng tạo không những giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu hàng đầu là tối ưu hoá lợi nhuận theo một cách mới, còn đồng thời cũng là cách để các doanh nghiệp bắt kịp với nhu cầu & xu hướng mới chuyển đổi không ngừng của thị trường.


Ngoài ra, Bà Lê Hoàng Uyên Vy (Nhà Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành của Do Ventures) chia sẻ trong Báo cáo về tiềm năng phát triển của startup Việt: “Tôi tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt (tipping point) để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới nhờ vào ba yếu tố chính”. Cụ thể, ba yếu tố đó bao gồm: 

  • Startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa
  • Startup Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao
  • Startup Việt Nam đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau


Tóm lại, Báo cáo đánh giá COVID-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội thuận lợi cho các startup thay đổi và phát triển nhanh chóng, đặc biệt ngành y tế, giáo dục, các ứng dụng hội họp hay giao dịch thương mại online,... lên ngôi thậm chí thay đổi vĩnh viễn thói quen tiêu dùng trong tương lai trên toàn thế giới.


Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ hội đến từ các chính sách, hoạt động của chính phủ, nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp lớn,... Song startup cần hiểu rõ những khó khăn, thách thức còn tồn tại trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt để có phương án đối mặt và chiến lược phát triển phù hợp. 


Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 là báo cáo thường niên và đây là năm đầu tiên được công bố. Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia NSSC. Báo cáo có sự cố vấn của hơn 50 chuyên gia và thu hút được hơn 800 Startup đăng ký ghi danh xuất hiện trong Báo cáo. Tải miễn phí Báo cáo tại https://bambuup.com/