Khi mở rộng sang thị trường toàn cầu, làm thế nào để thương hiệu hòa nhập mà không hòa tan trên thương trường quốc tế? Cùng tham khảo ngay công thức toàn cầu hóa của ba thương hiệu lớn sau đây để học cách một thương hiệu "bơi ra biển lớn".


McDonald's: Đề cao sự thích ứng và nhất quán


Chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s được biết đến với biểu tượng đặc trưng: "Chữ M màu vàng" là một ví dụ cho sự thành công của chiến lược toàn cầu hóa. Theo số liệu thống kê, cứ 8 tiếng lại có một nhà hàng mới được mở ra đâu đó trên thế giới. Nhưng làm thế nào để thương hiệu này có thể sống sót dễ dàng tại hơn 118 quốc gia? Chìa khóa chính là: "Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương".



McDonald’s hiểu rằng thực đơn giống nhau sẽ không phù hợp với mọi quốc gia. Vì vậy ngoài những món ăn "tinh túy" như Big Macs hay McFlurries, nhà hàng đã bổ sung các món ăn mang đậm đặc trưng của địa phương nơi mà họ đặt cửa hàng. Chẳng hạn, thực khách có thể tìm thấy trong menu món Panzerotti hảo hạng tại nhà hàng McDonald’s ở Ý, món Poutine ở Canada hay ngay tại Việt Nam với món Burger vị phở.



Điều chỉnh một cách tinh tế sản phẩm của mình để phù hợp với tiêu chuẩn, đặc trưng của nước bạn nhưng vẫn giữ được "tinh túy" của thương hiệu chính là bí quyết tạo nên thành công của chuỗi thức ăn nhanh như McDonald’s.


Apple: đổi mới phong cách


Được thành lập năm 1976, Apple đã ghi tên mình trên đấu trường quốc tế khi liên tục phổ cập ra thế giới những xu hướng công nghệ mới lạ. Giữa vô vàn đầu máy màu be giống nhau lúc bấy giờ, sản phẩm iMac do Apple phát minh đã quét phăng các đối thủ nhờ nhiều tùy chọn màu sắc khác nhau. Đến năm 2001, Apple tiếp tục cho ra đời chiếc iPod đầu tiên, tạo ra một xu hướng nghe nhạc mới. Không dừng lại ở đó, năm 2007, Apple tạo ra iPhone và phát triển nó qua các phiên bản khác nhau theo từng năm đến nay hãng đã cho ra mắt iPhone 14. Lần lượt các thiết bị như iPad, Macbook, Apple Watch... cũng nối đuôi nhau ra đời và được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới.



Cho đến nay tập đoàn công nghệ này vẫn đang không ngừng nghỉ cải thiện mẫu mã với các kiểu dáng bắt mắt hơn, thời trang hơn để thu hút người tiêu dùng đồng thời khẳng định vị thế trên toàn cầu của mình.


GOOGLE: Tiến hóa để trở nên hữu ích


Không ai nói: “Tìm kiếm trên web đi”, họ nói: “Hãy tra Google”. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công toàn cầu hóa của thương hiệu này. Ra mắt vào năm 1998, Google là một ví dụ điển hình cho một công cụ tìm kiếm thông minh mà ở đó họ cung cấp cho người dùng những thông tin hữu ích với tốc độ cực nhanh mà còn dễ dàng truy cập.



So với các công cụ tìm kiếm khác kể từ khi Internet được phát minh, Google vẫn là thương hiệu được nhiều người tin dùng nhất. Trung bình có hơn 5,4 tỷ lượt tìm kiếm trên Google mỗi ngày. Tính đến tháng 8 năm 2022, 92% tất cả các truy vấn trên thế giới đều được thực hiện thông qua Google


Bên cạnh thuật toán và các phương pháp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Google có thể tồn tại dễ dàng trên khắp thế giới nhờ vào sự tin cậy mà thương hiệu mang lại cho người dùng. Google luôn nâng cao tính cá nhân hóa đến mức ta thường tìm thấy chính xác những gì chúng ta muốn ngay trên trang đầu tiên. 


Kết:


Để một thương hiệu phát triển trên toàn cầu cần rất nhiều yếu tố. Thích ứng và phát triển sản phẩm theo thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng là chưa đủ, thương hiệu cần phải chứng tỏ cho khách hàng thấy bản sắc riêng của mình. Sự nhất quán khi truyền thông từ đó xây dựng niềm tin về thương hiệu cũng là một điều vô cùng quan trọng trong hành trình đưa sản phẩm của chính mình ra thế giới. 

Theo The Drum

Huỳnh Bách Hoa